Bài viết này mình cùng các bạn sẽ tìm hiểu Blockchain trong lĩnh vực tài chính, điển hình là ứng dụng Blockchain trong ngân hàng.
Công nghệ Blockchain đã và đang mở ra một xu hướng ứng dụng tiềm năng cho nhiều lĩnh vực trong đời sống như tài chính, ngân hàng, y tế, viễn thông, giáo dục, bất động sản,…
Công nghệ Blockchain mà cách đây ít lâu được ưu ái gọi tên “công nghệ của tương lai” đã dần chứng minh sức ảnh hưởng sâu rộng của nó trong ngành tài chính ngân hàng. Trước xu thế ứng dụng công nghệ Blockchain trong ngành tài chính ngân hàng, Việt Nam cũng không thể đứng ngoài cuộc.

Một số hạn chế của hệ thống ngân hàng hiện tại

Thứ nhất: Việc định danh khách hàng của các ngân hàng hiện tại thường phải mất 30–50 ngày để hoàn tất việc định danh, xác nhận và lưu lại thông tin của một khách hàng đến giao dịch, làm lãng phí lớn về nguồn lực thời gian và tiền bạc.
Thứ hai: Thanh toán giữa hai chủ thể thường qua một bên trung gian thứ 3 như western union, hệ thống Paypal, thẻ tín dụng,…. như vậy sẽ làm phát sinh thêm chi phí cũng như một số hạn chế về mặt thời gian, tốc độ,…
Thứ ba: Hầu hết các dữ liệu thông tin của hệ thống ngân hàng đã và đang được lưu trữ trên một máy chủ tập trung và đây sẽ là đối tượng nhắm đến dễ dàng đối với các tội phạm công nghệ.

Lợi ích ứng dụng Blockchain trong ngân hàng

Việc ứng dụng Blockchain có thể giúp các ngân hàng giải quyết những thách thức lớn trong quá trình hoạt động. Cụ thể:
Đối với hoạt động định danh khách hàng (KYC — Know your customer): Việc lưu trữ thông tin khách hàng trên Blockchain sẽ được bảo mật, an toàn và có thể được khai thác từ những ngân hàng hay các đơn vị cung cấp sản phẩm dịch vụ khác mà không tốn thêm thời gian và chi phí cho việc định danh lần nữa. Ngoài ra, khi lưu trữ trên Blockchain, những dữ liệu cá nhân này được đảm bảo xác thực thông tin và không có nguy cơ bị đánh cắp hay sửa đổi dữ liệu.
Đối với hoạt động thanh toán: Việc ứng dụng công nghệ Blockchain có thể giải quyết vấn đề về sự xuất hiện của bên thứ 3, việc thanh toán có thể diễn ra trong một thời gian ngắn, chi phí thấp và liên tục không phân biệt thời gian, không gian.
Giảm bớt nguy cơ lừa đảo và tội phạm công nghệ: Việc lưu trữ dữ liệu phân tán trên Blockchain giảm thiểu tối đa nguy cơ tấn công từ các hackers. Ngoài ra, các thông tin đã lưu trữ sẽ khó có thể bị sửa chữa. Điều này giúp giảm thiểu tối đa tình trạng lừa đảo, cũng như có thể dễ dàng truy xuất các hoạt động phi pháp như rửa tiền hay tài trợ khủng bố,…
Hiện nay, đã có rất nhiều ứng dụng cho hoạt động của hệ thống ngân hàng dựa trên nền tảng công nghệ Blockchain đã được xây dựng và đưa vào vận hành thử nghiệm, nổi bật nhất là hệ thống thanh toán Ripple và hệ thống định danh người dùng KYC.

Những ứng dụng thực tế của Blockchain trong ngân hàng

Hệ thống thanh toán liên ngân hàng dựa trên nền tảng công nghệ Blockchain
Tôi đang muốn nói tới Ripple. Việc áp dụng Ripple mang lại nhiều lợi ích đối với hệ thống ngân hàng. Không chỉ là ghi lại mọi giao dịch thanh toán một cách trung thực, hạn chế rủi ro thanh toán, mà còn giúp quá trình thanh khoản diễn ra linh hoạt hơn trên toàn cầu. Việc ứng dụng hệ thống thanh toán mới sẽ giúp các ngân hàng tiết giảm được khá nhiều chi phí giao dịch cũng như giảm thiểu thời gian trong quá trình thanh toán.
Hiện tại, 47 ngân hàng tại Nhật Bản đã áp dụng Ripple trong hoạt động giao dịch thanh toán liên ngân hàng; Ngân hàng quốc gia Abu Dhabi bắt đầu sử dụng công nghệ này cho một số giao dịch, đặc biệt đối với các giao dịch xuyên biên giới; 30 ngân hàng, trong đó có 15 ngân hàng thuộc nhóm 50 ngân hàng lớn nhất trên thế giới cũng đang triển khai những nghiên cứu thử nghiệm tích hợp ứng dụng này trong hoạt động thanh toán; ngân hàng BBVA sử dụng công nghệ Blockchain trong các giao dịch chuyển tiền giữa Tây Ban Nha và Mê hi cô;…

Hệ thống định danh người dùng sử dụng công nghệ Blockchain — ứng dụng CIVIC.

Trong thực tế hiện nay, đã có ứng dụng CIVIC xây dựng hệ thống quản lý định đanh ứng dụng công nghệ Blockchain được vận hành trên nền tảng điện thoại thông minh Androi hay IOS.
Việc ứng dụng công nghệ Blockchain để thiết lập nên một trung gian có chức năng định danh người dùng giảm thiểu thời gian cũng như chi phí cho các bên cung cấp dịch vụ và hệ thống dữ liệu khách hàng vừa đảm bảo độ chuẩn xác, an toàn và bảo mật.
Nhiều tập đoàn công nghệ hàng đầu như Microsoft, Google, IBM cũng đang coi Blockchain là xu hướng trong tương lai. Blockchain đang được nghiên cứu và thử nghiệm ở nhiều nước. Trong khu vực châu Á, Trung Quốc, Singapore, và một số nước đang tiên phong trong việc sử dụng công nghệ Blockchain.
Riêng trong ngành ngân hàng, nhiều ngân hàng lớn trên toàn cầu đang sử dụng Blockchain trong hoạt động như Ngân hàng Citibank, Ngân hàng UBS, Ngân hàng Barclays,… Tại Việt Nam mặc dù chưa được ứng dụng thực tế song Blockchain đang được nghiên cứu và phát triển tại nhiều công ty công nghệ.