Squid Game là một series phim cực kì hot trong thời gian gần đây. Bộ phim vừa mang tính giải trí cao, vừa ẩn chứa nhiều thông điệp sâu sắc về xã hội và cuộc sống. Hôm nay mình sẽ phân tích trò chơi thứ 5 mang tên Glass Stepping Stone Bridge, diễn ra ở phút 16 tập 7 dưới góc nhìn về xác suất thống kê. Theo ý kiến cá nhân, nếu người chơi tỉnh táo và có kiến thức tốt về XSTK thì có lẽ kết cục của bộ phim đã kết thúc theo một cách khác, nhàm chán hơn :))

I. Giới thiệu về trò chơi

Trò chơi diễn ra ở tập 7 của bộ phim. Nếu lười xem phim thì bạn có thể xem giới thiệu về trò chơi trong clip review của Phê Phim ở 14:02

II. Xác suất sống sót của mỗi người chơi

Mình sẽ cố gắng giải thích một cách dễ hiểu nhất có thể mà không phải đi quá sâu vào lý thuyết XSTK.
Để cho dễ hình dung, thì trò chơi này tương tự như việc tung đồng xu 18 lần, trúng mặt ngửa là thành công còn mặt sấp là thất bại, số lần thất bại tương ứng với số người chết. Về bản chất thì đây là một bài toán phân phối nhị thức với 3 hệ số p = 0.5 (xác suất tung đồng xu mặt sấp), n = 18 (số lượt thử), k (số lần ra đồng xu mặt sấp), xác suất xảy ra số lần k nhất định tung đồng xu mặt sấp chính là xác suất có k người chơi thiệt mạng. Dĩ nhiên là với giả định tất cả người chơi đều hành động một cách lí trí, không xô xát, đánh nhau, và mỗi người thực hiện lượt chơi của mình một cách lần lượt (điều đã không hề xảy ra trong phim).
Chúng ta muốn biết xác suất sống sót của một người chơi cụ thể. Ví dụ với người chơi thứ x + 1, có thể coi đấy là xác suất của nhiều nhất x người chơi chết (tương đương với xác suất của số lần tung ra đồng xu mặt sấp là x hoặc ít hơn x). Có thể biết được điều này thông qua tính tổng tích lũy của đồ thị trên, từ đó tạo ra một hàm phân phối tích lũy như hình dưới
Chúng ta có thể thấy xác suất sống sót của những người chơi đầu cực kì thấp, rất nhiều số 0. Cả 3 người chơi cuối - ứng với 3 nhân vật chính, đều có xác suất sống sót gần bằng 1.
Nếu tổ chức trò chơi này nhiều lần, thì số người chết trung bình (kì vọng) sẽ là n * p = 18 * 0.5 = 9
Đây là một bài toán thống kê hay có thể được khai thác thêm ở nhiều khía cạnh nữa. Rất có thể sắp tới nó sẽ xuất hiện trong đề thi của các trường đại học ở bộ môn XSTK. Ôn tủ trước biết đâu lại lấy được điểm 10 :))

III. Diễn biến của phim có thể đã khác đi như thế nào?

Squid Game có một điều luật là: "Nếu đa số người chơi đồng ý dừng cuộc chơi, thì toàn bộ trò chơi sẽ chấm dứt". Với những người phải chơi đầu tiên trong trò chơi "Glass Stepping Stone Bridge", nếu có một chút kiến thức về toán học và XSTK, không cần tính chính xác cũng có thể ước lượng được xác suất sống sót của mình cực kì thấp (trong phim có ông giáo viên dạy Toán cũng tính ra được). Nếu suy nghĩ lí trí thì nhóm người chơi đầu có thể thương lượng với những người chơi còn lại để vote trò chơi dừng lại, họ không kiếm được tiền nhưng ít nhất là sẽ không chết. Nếu nhóm người chơi sau không đồng ý thì hoàn toàn có thể ngồi lì đợi chết chung cả đám. Trong trường hợp tất cả mọi người đều suy nghĩ sáng suốt, thì quyết định dừng cuộc chơi là không thể tránh khỏi. Và bộ phim sẽ kết thúc một cách nhàm chán, không drama, sẽ không còn ai phải thắc mắc về ý nghĩa mái tóc đỏ của nam chính cuối phim nữa :))

IV. Tại sao Glass Stepping Stone Bridge là trò chơi hay nhất?

Đây là ý kiến chủ quan của mình. Glass Stepping Stone Bridge là trò chơi hay nhất bởi vì nó phản ánh xã hội một cách chân thực nhất. Nếu coi đích đến của trò chơi là ẩn dụ cho tiền tài, danh vọng thì đối với những người tham gia cuộc đua ấy, yếu tố xác suất - ví dụ như bạn sinh ra ở đâu, có bố mẹ như thế nào, môi trường xung quanh ra sao, sở hữu gen tốt hay gen xấu, ... - là những yếu tố may rủi nhưng đều mang tính chất quyết định. Mới ra đời đã bệnh nan y, dị tật, chết yểu thì cũng như người chơi thứ nhất, còn có đầy đủ mọi thứ, thông minh, được bố mẹ hỗ trợ như Bill Gates thì không khác gì những người chơi cuối cùng. Sinh ra nghèo khó, sống ở khu ổ chuột, chiến tranh mà vẫn thành công, giàu có thì cũng có thể xảy ra, nhưng xác suất cho việc đó là rất thấp, cũng ngang với xác suất những người chơi đầu có thể nhảy liền một mạch đến đích mà không rơi xuống dưới vực sâu.
Mưu hèn kế bẩn diễn ra trong suốt trò chơi cũng tương tự với những điều xấu xí phải đối mặt trong thế giới thực trên nấc thang đến với tiền tài danh vọng.
Các VIPs trong phim cũng là một hình ảnh ẩn dụ tuyệt vời cho giới tinh hoa, tài phiệt. Những quyết định của họ đều có một sức ảnh hưởng rất lớn, vô hình chung khiến cho người chơi đi đến đích nhanh hơn hoặc là bị dồn vào đường cùng như ông thợ lắp kính trong phim.
Tất nhiên, đích đến của trò chơi kia chỉ là ẩn dụ cho tiền tài, danh vọng chứ không phải là thành công hay hạnh phúc, bởi vì định nghĩa thành công là khác nhau tùy vào mỗi người, còn hạnh phúc đích thực thì đã nằm sẵn trong tâm ta rồi, chỉ là ta có biết cách để cảm nhận nó hay không thôi. Mọi người có thể xem clip dưới đây của Oh Yeong-su - ông già 001 - là diễn viên đã đóng rất nhiều phim mang tinh thần Phật giáo. Một vài suy nghĩ ngắn về "real winner" của ông chỉ độ 3 phút, nhưng cũng đủ khiến cho MC nữ bật khóc vì xúc động.

V. Kết luận

Trên đây là bài phân tích trò chơi Glass Stepping Stone Bridge dưới góc nhìn của XSTK và một chút triết học. Mong rằng sau bài viết này, các bạn có thể thấy được sự thú vị của Data Science, đặc biệt là ở mảng XSTK - môn học cực kì quan trọng trong đại học nhưng lại là nỗi ám ảnh với phần lớn sinh viên (kể cả mình). Những bạn muốn tham khảo cách mình xử lí data thì mình có để link Github ở phía dưới
Sắp tới mình sẽ viết thêm nhiều bài viết về khoa học dữ liệu, phân tích insight từ các bộ dữ liệu hay, và cả những chủ đề thú vị khác nữa. Nếu không muốn bỏ lỡ thì hãy follow mình nhé :))