Bây giờ bạn thử lục tìm trong trí nhớ của mình về những lần mà bạn nghe hay đọc được về cái tên Nguyễn Thị Anh là với điều gì? Có phải là thường được bằng đầu bằng dòng tít 'Người đàn bà độc ác nhất lịch sử', là ả đàn bà độc ác giết vua Thái Tông, hại Nguyễn Trãi bị tru di ba đời, là con người nhỏ nhen muốn hãm hại mẹ con Thánh Tông hay không? Tuy nhiên tôi đã tìm thấy trong lịch sử một Nguyễn Thái hậu rất khác.

I. Tiểu sử

Tuyên Từ Hoàng Thái hậu họ Nguyễn, húy là Thị Anh, người Bố Vệ, Đông Sơn, Thanh Hóa. Sử không chép rõ xuất thân hay cha mẹ của bà, cộng với việc trong suốt thời gian bà Nhiếp chính không dùng ngoại thích ta có thể suy đoán bà xuất thân con nhà bình thường, trái ngược hoàn toàn với những phi tần xuất thân hiển hách khác của Thái Tông. Vừa nhập cung bà đã được vua phong làm Thần Phi, địa vị cao nhất Hậu cung lúc bấy giờ vì cả ngôi Nguyên Phi và Hoàng hậu đều bỏ trống.
Sáu tháng sau khi nhập cung, bà hạ sinh Hoàng Tam tử Lê Bang Cơ. Bang Cơ vừa tròn 6 tháng thì vua đã phong làm Hoàng Thái tử. Chiếu sắc phong có đoạn:
 Hoàng tử Bang Cơ thể chất vàng ngọc, tư thái anh minh, vừa có uy vọng của một bậc quân vương, lại đúng danh phận là con đích tôn quý.
Chúng ta chú ý vào cụm từ này, "danh phận CON ĐÍCH". Con đích (hay Đích tử) là từ dùng để chỉ con trai của Hoàng hậu sinh ra, so với con của phi tần sinh ra (gọi là con thứ hay thứ tử) vô cùng cao quý. Như vậy qua chiếu sách phong Bang Cơ làm Thái tử, Thái Tông đã ngầm thừa nhận danh phận Chính thất của bà Thần Phi họ Nguyễn.
Tuyên Từ Hoàng Thái hậu do Vân Trang thủ vai trong 'Thiên mệnh anh hùng'
Tuyên Từ Hoàng Thái hậu do Vân Trang thủ vai trong 'Thiên mệnh anh hùng'

II. Mười năm thính chính

Ngày 4 tháng 8, năm 1442, Lê Thái Tông duyệt binh ở thành Chí Linh rồi đến trại Vải của nhà Hành khiển Nguyễn Trãi nghỉ lại. Trãi cho người thiếp là Nguyễn Thị Lộ vào hầu vua, đêm ấy vua thức suốt đêm cùng Lộ rồi băng. (Việc đêm thiếp thị đi hầu thượng khách là việc hết sức bình thường, ví như trước đó có Đại tư đồ Lê Sát cũng đem vợ lẽ tặng cho Tư khấu Lê Ngân.) Ngày 12 tháng 8, các đại thần là Trịnh Khả, Nguyễn Xí, Lê Thụ, Đinh Liệt, Lê Bôi tôn Hoàng thái tử Bang Cơ lúc ấy mới 2 tuổi lên ngôi. Cùng tháng, xử Nguyễn Trãi tội tru di ba đời.
Tháng 2 năm 1443, Vua tôn Thần Phi làm Hoàng Thái hậu, quần thân dâng sớ xin Thái hậu 'Thùy liêm thính chính'. Thời phong kiến, khi người quân chủ còn quá nhỏ thì sẽ để cho người mẹ che một tấm rèm châu sau ngai vàng để nghe chính sự, thay vua trị nước, ấy gọi là 'Thùy liêm thính chính'. Thái hậu khiêm nhường không chịu, quần thần dâng sớ ba lần đều chối đi, đến lần thứ tư mới nhận.
Nguyễn Thái hậu nhiếp chính trong thời kỳ hết sức rối ren, Thái Tông băng hà đột ngột, Nhân Tông còn nhỏ dại, bản thân bà không có ngoại thích giúp đỡ mà trong triều toàn các huân thân quyền cao chức trọng, khai quốc công thần, giữa các phe huân quý xung đột với nhau, mà các lão thần lập quốc với các quan lại trẻ vào triều làm quan thông qua thi cử cũng mâu thuẫn gay gắt, bên ngoài thì Chiêm Thành liên tục gây hấn, quấy nhiễu biên giới phía nam, có thể nói là nguy nan trăm bề. Tuy nhiên, Tuyên Từ Hoàng Thái hậu đã thật sự xuất sắc khi khéo léo hòa hoãn các mối xung đột ấy, đồng thời lợi dụng chúng để kiềm chế các đại thần, không để cậu con trai còn bập bẹ biến thành một con bù nhìn trên ngai vàng. Bà cũng dốc hết tâm sức đi theo đường lối mà Thái Tông vạch ra, khuếch trương sức ảnh hưởng ra khu vực, giúp Đại Việt có dáng dấp ban đầu của một đế chế hùng cường sau này.
Tuyên Từ Hoàng Thái hậu cùng vua Nhân Tông trong 'Thiên mệnh anh hùng'
Tuyên Từ Hoàng Thái hậu cùng vua Nhân Tông trong 'Thiên mệnh anh hùng'

III. Thành tựu

Năm 1446, Thái hậu sai Trịnh Khả, Lê Thụ, Trịnh Khắc Phục đi đánh Chiêm Thành, bắt được vua Chiêm là Bí Cai, lập cháu là Quý Lai lên thay.
Năm 1448, sát nhập một phần Bồn Man vào thành châu Quy Hợp, tạo tiền đề cho vua Thánh Tông sau này sát nhập cả quốc gia này thành ba trấn Ninh, Biên, Viễn.
Năm 1449, em Quý Lai là Quý Do giết anh cướp ngôi, sau sai sứ đem cống vật sang lấy lòng Đại Việt. Thái hậu không nhận đồ dâng, còn mắng:
Tôi giết vua, em giết anh là tội đại ác. Trẫm không nhận đồ dâng.
Còn sai sứ sang bảo Quý Do:
Sự thực của các ngươi như thế nào thì phải sang trình bày cho rõ.
Cùng năm, Thái hậu xuống chiếu, khiêm nhường tự nhận bản thân không giỏi bằng các bà họ Mã, họ Đặng và bà Tuyên, bảo triều thần họp bàn những việc nên làm để tạo thành khuôn phép, bảo toàn tiết tháo trước sau.
Năm 1451, cha con Trịnh Khả và cha con Trịnh Khắc Phục bị triều thần đấu tố, Thái hậu xuống chiếu giết đi, đương thời cho rằng họ bị oan.
Tháng 11 năm 1453, Nhân Tônng bấy giờ đã 13 tuổi, Thái hậu trả chính sự cho vua, lui về nội cung. Thời điểm bà trả chính cũng rất hay, không biết có phải tình cờ không nhưng 13 tuổi cũng là lúc vua Thái Tông "xử gọn" hai quyền thần Lê Ngân, Lê Sát, tự thân cầm quân dẹp bọn họ Cầm, họ Hoàng.

IV. Mẹ con bị hại

Lạng Sơn vương Lê Nghi Dân vốn là con cả của Thái Tông, nhưng mẹ y là bà Phi Dương Thị Bí vì ỷ vua sủng ái lại có con là Thái tử nên kiêu căng, ngạo mạ, hạch sách cung nhân. Thái Tông đã giáng làm Chiêu nghi để thị ăn năn nhưng nào ngờ Dương thị càng hằng hộc, nói lẫy cả vua. Vua giận, giáng thẳng làm thứ dân. Vua lại cho rằng Nghi Dân có người mẹ như vậy cũng chưa chắc là người khá nên truất luôn ngôi Đông cung của y. Tuy nhiên, Nguyễn Thái hậu khoan dung nên Nghi Dân vẫn an ổn ở thực ấp, Nhân Tông cho là máu mủ nên càng thân thiết. Nào ngờ Nghi Dân lại có lòng phản nghịch. Đêm ngày 28 tháng 10 năm 1459, Nghi Dân cấu kết cùng Chỉ huy sứ Cấm quân Lê Đắc Ninh, trèo thang vào cung hành thích vua Nhân Tông ở tẩm điện, qua hôm sau Thái hậu cũng bị hại.
Trong chiếu lên ngôi, Nghi Dân không tiếc lời bôi nhọ mẹ con Nhân Tông. Nào là Thái hậu tư thông mà sinh ra Nhân Tông, Nhân Tông biết bản thân không phải con Thái Tông nên nài Nghi Dân lên ngôi, bản thân bất đắc dĩ lắm mới chịu lên ngôi. Còn trong tờ cầu phong tới nhà Minh thì Nghi Dân bảo Nhân Tông chèo thuyền chở Thái hậu đi dạo biển, thuyền lật mẹ con đều chết.

V. Mối quan hệ với mẹ con Thánh Tông và nhận định của người đời sau

Mẹ vua Thánh Tông là bà Ngô Thị Ngọc Dao vốn không được sủng ái, mang thai rồi mà chỉ được phong Tiệp dư (vị trí thứ 12 trong Hậu cung). Sau vì làm phật ý vua mà bị đuổi ra chùa Huy Văn rồi sinh ra Thánh Tông ở đấy (Thông Sử chép là bị nhốt ở vườn hoa). Sau này khi lên nhiếp chính thì Tuyên Từ Thái hậu đã hạ chỉ đón mẹ con Thánh Tông về cung, thăng bà Ngọc Dao lên làm Sung viên, phong vua Thánh Tông làm Bình Dương vương. Vua Thánh Tông cũng từ nói:
[Thái hậu] yêu trẫm như con đẻ, cho vào tòa Kinh Diên cùng [Nhân Tông] đọc sách.
Sử sách sau này hay đến cả của bên nhà Mạc đối nghịch với họ Lê cũng phải khen bà 'hiền dịu, thông minh, sáng suốt'
Tranh vẽ Hậu phi Việt Nam thời Nguyễn
Tranh vẽ Hậu phi Việt Nam thời Nguyễn

VI. Phản biện luận điểm bà giật dây vụ án Lệ chi viên

Bà Tuyên Từ không hề và cũng không thể nhúng tay vào việc giết vua rồi đổ tội cho Nguyễn Trãi bởi:
- Bà không hề có gia thế, Bang Cơ lại còn quá nhỏ, nếu không có Thái Tông che chở sẽ dễn dàng bị cựu Thái tử Nghi Dân hay một người anh khác là Tân Bình vương Khắc Xương "úp xọt" ngay.
- Liệu một người đàn bà không có nổi một người nhà để giúp đỡ cầm quyền có làm nổi chuyện tày trời như giết vua không?
Cuối cùng, cũng là luận điểm hay được dùng nhất đó là việc Nguyễn Thái hậu e sợ mẹ con Thánh Tông mà Nguyễn Trãi lại che chở mẹ con Thánh Tông nên bà đâm ra thù ghét rồi hãm hại Nguyễn Trãi. Việc một bà Thần Phi đứng đầu Nội cung đang được sủng ái bốc trời, dưới gối lại có trai đã ngồi ấm chỗ Đông cung mà lại đi sợ mẹ con một phi tần không được sủng ái, vừa bị vua đuổi thì nghr hơi sai sai. Hơn nữa lần duy nhất đề cập việc mẹ con Thánh Tông được 'ai đó' giúp là trong Đại Việt Thông sử của Lê Quý Đôn, mà 'ai đó' ở đây là Liệt hầu Trịnh Khả, một quyền thần thời bấy giờ chứ chẳng phải ông quan vừa bị ăn một đống phốt rồi xin thôi việc về quê kia.
Tổng kết lại, những gì mà báo chí lâu nay tuyên truyền việc bà Tuyên Từ Hoàng Thái hậu Nguyễn Thị Anh là kẻ ác độc là hoàn toàn sai lệch. Nói chỉ nhằm duy nhất hai mục đích là "tẩy trắng" Nguyễn Trãi và "buff" cho Thánh Tông.
Thông tin tham khảo và tổng hợp từ:
- Wikipedia
- Đại Việt Sử ký Toàn thư
- Đại Việt Thông sử
- Bài "Nghi vấn nhân đọc Văn chương Nguyễn Trãi của Bùi Văn Nguyên" đăng trên tạp chí Sông Hương của nhà nghiên cứu lịch sử Vũ Thị Hường