Tôi từ nhỏ tới lớn không có khái niệm gì về Trung thu, nếu có thì duy nhất một lần ấy là cái Trung thu tôi đạp xe chở bạn gái đi dạo đầu năm Phổ thông, mà cô bạn ấy và tôi chia tay không lâu sau đó. Từ bé, dịp trung thu, mỗi khi có múa lân đi quanh xóm nhà tôi, tôi thường chạy tót vào phòng trốn. Tới lớn, lâu dần thành quen, tôi cũng né tránh lân. Tôi cơ bản là không thích (và chán) những chỗ như vậy.
    Đem việc này đi kể với mấy đứa bạn (cùng nhiều chuyện khác) thì chúng nó bảo tôi là đồ không có tuổi thơ. Chỉ vì tôi khác chúng nó, vậy tôi cũng có quyền nói chúng nó chẳng có tuổi thơ... 
    Bọn trẻ cứ đinh ninh cho rằng tuổi thơ là phải đi bắt bướm thả diều, tét đít trâu và một hai lần đi nhầm vô cứt chó. Chỉ vì ai cũng làm vậy, nên mặc nhiên nó đúng. Nhưng chúng đâu biết rằng ở nhà tôi có một cái giường...
    Nhà tôi hồi đó có một cái giường be bé mà chỉ đủ cho hai người nằm. Tôi nghĩ đó là giường của bố mẹ tôi, cho đến khi tôi chui ra thì bố phải ra nằm riêng. Trên giường có một cái gối ôm nhỏ mà bây giờ hình như vẫn còn, bên cạnh giường có một cái ghế, đối diện là một cái móc đồ con con, nói chung thì căn phòng ấy bé xí; tôi kể lại vậy là để chứng minh tôi còn nhớ nhiều thôi chứ ngoài ra thì cũng không có ý nghĩa gì nhiều nhặn hết. 
    Có một vài lần mẹ chỉ tôi cách vẽ chú bộ đội, mẹ bảo chú bộ đội là một chú, và chú ấy đội nón bộ đội, tôi chỉ ước gì mọi thứ bây giờ nó đơn giản đến như thế. Thiết nghĩ, nếu mẹ tôi là một họa sĩ, một kiến trúc sư hoặc bất gì một công việc gì khác ngoài lao động chân tay thì giờ chắc có lẽ giờ tôi vẫn không biết làm thế nào vẽ cho được chú bộ đội.
    Trong phòng mẹ con tôi có một cái lam cửa, tôi thích dán những chú bộ đội của mình vào đấy. Hồi đó là cái thời người ta dán tem thư bằng nước bọt, mà nước bọt không thể dán lên tường được nên mẹ bày tôi dùng cơm nguội. Những chú bộ đội cứ thế mà tăng số lượng dần dần, từ một cái lam cửa giờ đã kín cả bức tường.
    Những hôm trời nóng bức, tôi trần truồng nằm ngủ. Cái tuổi ấy trẻ con nào biết mắc cỡ gì, mà trần truồng thì chin chin sẽ bị kiến cắn vào. Những ai từng bị kiến cắn chin chin thì sẽ rõ. Thế là mẹ lại trêu tôi bằng mấy câu hát:
Ngồi trong xó kiến cắn sưng hòn d'i
Xuống nhà thương mua thuốc về tha
    Tôi bị suy dinh dưỡng, bốn năm tuổi rồi mà người ngợm vẫn bé tí ti. Có một hôm đang nằm ngủ, thì chẳng biết vì sao tôi lăn xuống giường, nhưng may mắn không rơi xuống đất mà được cái mùng đỡ lại, tòn ten như nằm trên võng. Mẹ tôi thức dậy thì chẳng thấy tôi đâu, nhìn xuống mới thấy tôi bị cuốn trong cái mùng và lơ lửng như cái kén bướm, từ ấy mẹ tôi không cho tôi nằm ở ngoài nữa, tôi phải nằm ở trong phía tường. Sau này cũng có một lần tôi biến mất vô lý như vậy, hồi lớp 11, trong phòng tôi có con nhện, thế là tôi dẹp hết và qua phòng con em ngủ, lần hay là ba tôi hoảng hồn vì chẳng thấy tôi đâu.
    Khi nói về tuổi thơ, người ta thường chẳng nhớ về những điều gì cao siêu, mà chỉ là những thứ con con, một giây phút nào đấy chợt được ghi nhớ thật kĩ càng sau bao nhiêu năm. Những gì đã qua lại thường là những gì đẹp nhất, ấy à đối với tôi.
    Con người ai cũng có một cái gì đó để yêu và để ghét, với tôi là tuổi thơ.
    Kí ức nhiều màu sắc nhất của tôi có lẽ là, vào một buổi sáng mùa đông, trời se se lạnh, tôi đứng chờ ông cho đàn gà ăn rồi chở tôi đến trường. Trên đường đến trường, tôi thấy nào là bướm, là chuồn chuồn, bông hoa giâm bụt, hoa mướp, ánh nắng dịu nhẹ và cái màu xanh trong của đất trời.
    Nếu bảo tôi kể về kí ức, chắc mẩm tôi sẽ thất bại, nên những gì bạn đọc từ đầu tới giờ chắc là một thất bại. Vì kí ức chẳng là một câu chuyện đâu. Chúng là những cảm xúc dạt dào được gợi nhớ, những cảm xúc ấy bạn phải thật sự trải qua, những thời gian ấy bạn phải tự đắm chìm vào, thì mặc may bạn mới thấy những gì tôi thấy, cảm nhận được những gì tôi đang cảm nhận.
    Những điều tôi đã trải qua thì bạn cũng có thể đã trải qua, hoặc không, nhưng những cảm xúc của tôi thì người khác không bao giờ có thể có được.
Photo by Manuel Inglez on Unsplash
"Những ban trưa nằm lăn lê nơi sàn nhà
Sàn nhà đá hoa sạch bong mẹ vừa mới lau
Kìa có tiếng ai ra ra vào vào
Bao lo toan có xong xuôi trong đôi tiếng thở dài"
DaLAB

Chi.