Trước tiên, hãy dành một ít phút hồi tưởng lại tuổi thơ của mình, có kỷ niệm nào đem lại cho bạn rất nhiều niềm vui khi nhớ về không? Hay có điều gì là nỗi ám ảnh với bạn cho đến tận bây giờ? Bạn biết không, những trải nghiệm tuổi thơ không đơn thuần chỉ là những kỷ niệm đã qua, nó hình thành nên con người chúng ta hiện tại. Và sẽ không ngoa khi nói rằng "Trẻ thơ là cha đẻ của con người". Bài tóm tắt của mình sẽ cho các bạn hiểu rõ hơn về cách mà tuổi thơ ảnh hưởng đến chúng ta.
img_0
Trong cuốn sách này, tác giả đã đưa ra ba trạng thái mô tả cấu trúc tính cách của mỗi người lần lượt là: trạng thái Cái tôi Cha mẹ, Cái tôi Trẻ em và Cái tôi Người trưởng thành. Từ "Cha mẹ" ở đây cũng có thể hiểu là người nuôi dạy chúng ta từ nhỏ. Ba trạng thái tính cách này sẽ thay nhau chi phối phản ứng của bạn với các sự việc xảy đến hàng ngày.
1. Trạng thái Cái tôi Trẻ em: Ở trạng thái này chúng ta có xu hướng hành động theo cái cách mà chúng ta vẫn thường hành động hồi nhỏ để thích nghi với cách đối xử của cha mẹ. Cụ thể, khi mới được sinh ra, mỗi đứa trẻ có 5 cảm xúc cơ bản bao gồm: vui vẻ, tình cảm, tức giận, buồn bã, sợ hãi. Những cảm xúc này thường được thể hiện dưới dạng hành động như: khi đứa bé tức giận thì sẽ quấy khóc, vui vẻ thì bật cười khanh khách... Và sự phản ứng lại của cha mẹ với những hành vi đó sẽ ảnh hưởng sâu sắc đến đứa bé. Những cảm xúc cơ bản ban đầu theo đó mà dần dần phát triển thành các thói quen cũng hành vi phức tạp và tinh tế hơn; nó trở thành trung tâm và hình thành nên một phần con người chúng ta, quyết định hành vi của chúng ta trong suốt quãng đời còn lại. Và kết quả là, trong những tình huống hay hoàn cảnh cụ thể, ta đều sẽ tự động phản ứng từ góc nhìn cơ bản ấy.
ví dụ: Với một đứa trẻ có cha mẹ nghiêm khắc, để tránh bị mắng hay đánh đòn, đứa trẻ sẽ có xu hướng làm theo những gì cha mẹ muốn và đồng tình với họ trong mọi việc.
Những sự thích nghi ấy sẽ trở thành trung tâm, tất cả các hành vi khác của ta sẽ lớn lên và phát triển xung quanh trung tâm này. Đương nhiên, sau đó chúng ta sẽ bị ảnh hưởng bởi nhiều sự kiện khác xảy ra trong cuộc đời, thế nhưng những trải nghiệm đầu đời hình thành nên sự khởi đầu của chúng ta và chúng ta không thể chối bỏ hay lãng quên chúng. Có thể nói, cha mẹ tác động lên ý thức của chúng ta ngay từ ban đầu.
2. Trạng thái Cái tôi Cha mẹ: Khi chúng ta ở trạng thái Cái tôi Cha mẹ, ta hành xử như cha mẹ của mình đã từng. Hãy nhớ rằng họ là những người đầu tiên mà ta tiếp xúc, thế nên sức ảnh hưởng của họ đối với chúng ta là không thể đo đếm được. Trạng thái Cha mẹ bao gồm tất cả những giá trị và tiêu chuẩn đạo đức mà chúng ta đã học được từ họ kể từ khi mới lọt lòng. Những lời nói và hành động của họ đã hun đúc nên những năm đầu đời và chắc chắn là sẽ ảnh hưởng tới cả phần đời còn lại của chúng ta nữa.
ví dụ: cha mẹ luôn đối xử với bạn bằng sự phán xét, giận giữ và nghiêm khắc thì một điều dễ hiểu là lớn lên bạn cũng sẽ có xu hướng hành xử như vậy với những người xung quanh. Tuy nhiên, vẫn còn một trường hợp biểu hiện khác, đó là bạn sẽ thể hiện bộ mặt hối lỗi, tuân lệnh với cả thể giới và chẳng bao giờ dám mắng mỏ ai, nhưng lại phán xét, giận giữ và nghiêm khắc với chỉ bản thân mình.
Tuy vậy, chúng ta không đơn thuần là bản sao của cha mẹ mình. Dù họ có ảnh hưởng mạnh mẽ đến chúng ta ra sao, sự độc nhất của cá nhân đảm bảo rằng chúng ta không chỉ là bản sao của cha mẹ mình mà còn là những cá thể độc lập theo đúng nghĩa.
3. Trạng thái Cái tôi Người trưởng thành: Ở trạng thái cuối cùng này, chúng ta sẽ hành xử theo lý trí chứ không còn là cảm xúc như hai cái tôi trước đó nữa. Nó cho phép ta đối phó với thực tế của điều đang xảy ra ở ngay tại đây và ngay lúc này. Nó là trạng thái mà ta có thể lên kế hoạch, cân nhắc, quyết định và hành động. Đó là trạng thái mà ta hành xử một cách lý trí và logic. Khi ở trong trạng thái này, chúng ta đều có sẵn những kiến thức và kỹ năng để áp dụng ngay lập tức. Ta không bị thôi thúc bởi những giọng nói xưa kia của cha mẹ, hay bị mắc kẹt trong những cảm xúc từ thời thơ ấu. Thay vào đó, ta có thể cân nhắc tình huống hiện tại và quyết định xem sẽ làm gì với chúng vào lúc này, dựa trên thực tế.
Trạng thái Người trưởng thành mang lại tầm quan trọng đặc biệt vì đó là trạng thái duy nhất mà ta có thể học hỏi được điều gì đó mới lạ ở bản thân. Trong trạng thái đứa trẻ, chúng ta sẽ được trải nghiệm các cảm xúc của thời thơ ấu, cả tốt lẫn xấu. Suy nghĩ sẽ lặp lại những tình huống cũ trước đó và cảm nhận những cảm xúc trước kia, nhưng không học được thêm điều gì mới mẻ cả. Khi ở trạng thái Cái tôi Cha mẹ, chúng ta đang lặp lại những lời nói và hành vi, niềm tin và cả giá trị mà ta học được từ cha mẹ mình. Đó là trạng thái của sự chắc chắn, không có chỗ cho những kiến thức và ý tưởng mới. Nôm na dễ hiểu thì hai trạng thái này đã trở thành phản xạ có điều kiện của chúng ta còn trạng thái Người trưởng thành là trạng thái có ý thức. Chỉ khi ở vào trạng thái Người trưởng thành, chúng ta mới cân nhắc những thông tin mới hay đánh giá hành vi của mình, lắng nghe quan điểm của người khác về bản thân mà không tìm cách chối bỏ nó ngay lập tức, đây là điều vô cùng khó khăn. Không ai có thể ép buộc người khác tiến vào trạng thái Người trưởng thành của họ. Chỉ bản thân chúng ta mới có thể quyết định mình sẽ hành xử theo hướng đó.
Bạn thấy sao sau khi đọc những điều này? Có phải là giận cha mẹ và muốn đổ lỗi cho họ vì đã tạo nên một phần con người bạn hiện tại? Nhưng bạn biết mà, điều đó không làm chúng ta hết bất hạnh, hết tổn thương. Vậy thì chúng ta không còn cách nào khác là chấp nhận những đặc điểm đó và chỉ có chính chúng ta mới có thể giúp bản thân chữa lành, không ai khác. Thay vì đổ lỗi, như cái cách mà Cái tôi trẻ em sẽ làm, tại sao chúng ta không chịu trách nhiệm? Đây sẽ là hành động rất "Người trưởng thành", và dĩ nhiên nó cũng sẽ vô cùng khó khăn. Nhưng nó có ưu điểm to lớn hơn so với việc đổ lỗi cho người khác. Còn với cha mẹ, hãy tha thứ cho họ.
img_1
Mình tin là ai trong chúng ta cũng đều có một tổn thương tâm lý nào đó, dù nhỏ hay to. Nếu nó nhỏ đến mức không làm ảnh hưởng đến cuộc sống của bạn thì tốt thôi, xin chúc mừng, bạn đã có một tuổi thơ rất tuyệt đấy. Nhưng nếu nó đủ lớn, thì cũng đừng lo, bạn không cô đơn đâu. Trước hết thì hãy cảm thấy may mắn vì bạn đã nhận ra sự "bất ổn" đó trong mình, xong rồi thì hãy tìm cách chữa lành chứ đừng ngó lơ nó nhé. Dưới đây là những điều mình thường xuyên làm để cân bằng lại cảm xúc, thấu hiểu bản thân và luôn lạc quan với cái thế giới không hề dịu dàng này, mong là sẽ giúp ích cho bạn.
- viết nhật ký cảm xúc, những điều biết ơn hàng ngày - học thêm những kỹ năng mới, dành thời gian cho sở thích cá nhân - xem, học, đọc để có thể hiểu mình hơn và cho bản thân nhiều nhiều nhiều góc nhìn mới mẻ - chăm sóc bản thân tốt hơn - rất quan trọng: thiềnnnn!!! (điều này mình chưa làm được)
Và cuối cùng, mình chỉ muốn nhắn nhủ là: Hãy vấp ngã, hãy làm sai và đau khổ đi, càng đau càng tốt, nó sẽ là động lực tuyệt vời để bạn quyết tâm thay đổi. Vì “khi cuộc đời đã chạm đáy thì đường duy nhất là đường lên”. Khi đau hãy cho phép bản thân được khóc, khóc đã rồi thì phải nhớ cho mình một điều: tất cả những gì xảy đến đều là những việc cần xảy đến, tất cả những người bạn gặp đều là những người bạn cần gặp, nếu một ai đó thay đổi và rời đi, hãy để họ rời đi, vì cuộc sống này là vô thường, và vũ trụ chỉ đang cố bảo vệ bạn mà thôi. Tất cả những mindset này đã cứu sống mình qua chuỗi ngày thất tình yêu, thậm chí cả thất tình bạn, thất tình thân,...
Tặng bạn một câu nói mà mình yêu thích trong cuốn sách Nghiệp tình yêu của thầy Geshe Michael Roach:
"Công việc duy nhất của bạn, nếu bạn yêu thế giới này, là hạnh phúc!" 🌸🌷🌼🌺🌿🌹💐