Bạn gái tôi cho rằng tôi không yêu nước…
Vì tôi có những tư tưởng theo lối hoài nghi một cách bình thản, thực tế đến mức phũ phàng về quốc gia, dân tộc. Tôi đôi lúc cũng tự hỏi bản thân mình có yêu nước không, và Phùng Quán là người khẳng định với tôi rằng tôi có!
“Nhà văn Phùng Quán bắt đầu viết tập truyện Tuổi thơ dữ dội bên bờ Hồ Tây từ năm 1968 đến năm 1986”

Một cuốn sách chưa tới nghìn trang mà chứa đựng biết bao nhân vật, biết bao cảm xúc hào hùng, bi thương về một thơì kháng chiến chống Pháp của dân tộc Việt Nam. Việc đánh giặc không phải chỉ là của người lớn, mà chính các em thiếu niên trinh sát của Trung đoàn Trần Cao Vân cũng là những mắt xích quan trọng cho con đường giành độc lập dân tộc.
Tuổi thơ dữ dội – Là kết tinh của máu và nước mắt, kẻ chai lỳ bao nhiêu đọc cuốn sách này cũng sẽ thấy lửa nóng căng tràn trong lồng ngực và hơi cay tuôn trào nơi khoé mắt.
Bản thân tôi như bị phơi bày trần trụi về cảm xúc trước cuộc đời của các nhân vật chính, các anh hùng tuổi trẻ, chính họ là những người khẳng định cho tôi, tôi là người Việt Nam, tôi sẽ biết phẫn nộ, bi thương khi chiến tranh lần nữa nổ ra ở Tổ quốc tôi và cho tôi thấy nếu một ngày dân tộc cần tôi, tôi sẽ làm gì…
Tôi đã phẫn nộ với cái chết của Quỳnh “Sơn ca” , con trai của phó Tổng trấn Trung Kỳ, vì gia đình quay lưng với quốc gia, em vỡ tim mà chết và được chôn ở chiến khu.
Tôi đã đau thương trước cái chết của Vịnh “Sưa”, em trần truồng, nằm trên nóc kho đạn của địch, đánh dấu cho các anh lính bên mình bắn phá nơi tiếp tế vũ khí cho giặc.
Tôi đã vui mừng khi thấy Lượm, cậu Việt Minh nhà nòi lăn lộn, trưởng thành bằng sự mưu trí và tinh ranh, em cống hiến cho quốc gia bằng những trò phá phách của một kẻ lang bạt kỳ hồ, em thống lĩnh cả một bầy trẻ con đường phố khi ở trong tù, những đứa trẻ sinh ra đã biết làm trò” hai ngón”, hướng chúng đến với con đường cách mạng.
Tôi đã căm hận trước sự hy sinh của Mừng, em bị cha nuôi Việt gian lừa đẩy đến cảnh bị cả chiến khu nghi ngờ, và em đã rửa sạch thanh danh bằng chính máu của em. Em chết, mang theo cùng cả một trung đội giặc… Câu nói cuối cùng của em với vị chỉ huy, có lẽ là câu nói tôi nhớ nhất truyện: “Anh ơi, anh đừng nghi em là Việt gian nữa anh hí!”
Và còn những thiếu niên khác: Tư dát, Bồng da rắn, Vệ to đầu, Lép sẹo… Tổ quốc đã sinh ra các em, nhưng chiến tranh lại ép ra những phẩm chất tuyệt vời nhất nơi các em, khởi nguồn từ tình yêu quê hương, tình yêu gia đình, tình bạn, tình đồng chí… cộng hưởng và kết tinh thành tinh thần dân tộc. Tất cả các em đã cống hiến cả linh hồn và máu thịt cho Tổ quốc, ghép nên bức tranh thanh xuân hào hùng tráng lệ và đẹp đẽ vô ngần.

Yêu nước là gì ư?
Tôi có yêu nước không ư? Bạn có yêu nước không ư?
Hãy đọc Tuổi thơ dữ dội và tự trả lời những câu hỏi này cho bản thân mình!
Hiếu Minh
25/09/2019.