Một phần tác phẩm "Hercules and the Centaur Nessus" của Giambologna
Một phần tác phẩm "Hercules and the Centaur Nessus" của Giambologna
Đây là bản dịch từ bài viết On Marble được đăng tải trên Granta của tác giả Rachel Cusk.
Cảm ơn dịch giả Tuyết Nhi và biên tập viên Za vì đã thực hiện bản dịch này.
Cẩm thạch tính vốn bền chặt, và bởi thế nó chẳng có lấy một nguyên tắc riêng nào cả. Nó bộc tả một khái niệm về sự đổi thay khó mà nắm bắt. Cẩm thạch là một chất liệu nằm ngoài những ngưng đọng của thời gian: Đã đang đổi thay, và từ đó nên bất biến, rồi không còn chịu ảnh hưởng từ thời gian nữa. Nó nói với chúng ta không phải ở cương vị là những cá thể mà với tư cách là những người tham gia vào lịch sử đang chảy trôi. Nó nhắc nhở về sự hữu hạn ẩn náu dưới khối tài sản của ta, cơ thể này, linh hồn này, và mong cầu ta gắn kết với những thứ tập thể hơn, bền vững hơn. Liệu ta có muốn còn mãi? Trong thế giới của cẩm thạch, chúng ta có thể in dấu gì đó của riêng ta để nó còn mãi: cẩm thạch là một chất liệu dành cho sự nguyên bản và gần như cuồng mê loạn trí. Cẩm thạch sót lại, hệt như sự sót lại của một vài kí ức trong khi số khác đã tan biến, như một dạng chủ quan. Một câu chuyện được làm từ những gì còn sót lại. Những cách kể còn lại – câu chuyện về sự ảnh hưởng và biến đổi, về hành động vô thức và niềm tin, lịch sử qua lời kể hay lịch sử luân lý – không có được chỗ đứng vững như khắc trên đá. Chúng có thể bị ảnh hưởng hoặc biến tấu; chúng có thể thăng hoa hay tàn lụi. Ở mức độ nào đó, một câu chuyện được hinh thành nên từ ranh giới giữa điều vô hình và hữu hình. Ở đá, khoảng cách giữa hai thứ – giữa phù du và sót lại, giữa ý vị tinh tế và chắp vá vụng về – là rất lớn. Rất nhiều điều ta làm đang bị quên lãng hay có lẽ chưa đủ tốt. Vậy ai là người có thể điều khiển được vật liệu này?
Ngôi làng đáng lý là nơi yên ắng, nhưng ngày ngày không khí nơi đây lại đầy rẫy khói bụi công trường. Những căn nhà cũ kĩ đang được tân trang bởi người mới, với tầm nhìn và tài của. Tại ngôi nhà ngay sau ngôi nhà của chúng tôi, một nhóm người đang ầm ĩ ở phần đất sườn đồi để làm hiển lộ phần còn lại của một tòa nhà khác bị chôn vùi ngay trên đất của nó. Chúng tôi được kể rằng đây là một mánh khóe thường thấy trong giới kinh doanh bất động sản, bởi ở đây việc xin cấp phép xây dựng mới rất khó khăn. Đống đổ nát mà họ đang đào bới đơn thuần chỉ là lời biện bạch cho dự tính của họ, là dựng lên hai căn nhà mới rồi bán lấy lời. Mỗi buổi sáng ngay sau khi mặt trời mới nhô lên, họ khởi động máy khoan nén khí và dành cả ngày để phá vỡ lớp đá cứng dưới chân. Vào ngày thứ nhất, bực mình bởi quá ồn ào, chúng tôi lân la vòng quanh ngôi nhà rồi nói chuyện với người chủ, một tên Mỹ với thái độ trơ trẽn hiếm thấy, ông ta nói với chúng tôi rằng việc đào khoan nhiều khả năng sẽ kéo dài, đến chừng nào chúng tôi còn ở lại. Ông ta tóm tắt về nguồn cơ và tiến trình của công việc, bắt đầu bằng việc đốn hạ toàn bộ cây cối trong khu vực, sau đó là thăm dò, ở đó có những người đàn ông, với cái xẻng, đã đào bới vùng sườn đồi với giấc mộng kiếm được vàng – như nơi này đã từng. Một khi họ cho rằng phần vàng còn lại đang ở đó, tên người Mỹ sẽ nộp đơn xin phép, và cần một khoảng thời gian để thông qua. Và giờ đây đã có sự chấp thuận, ông ta không còn quá ngần ngại về chúng tôi. Hãy tìm nơi khác để ở, ông ta tỏ ra hống hách, có lẽ đó là cách trông ổn nhất. Sau đó, ông ta cho chúng tôi xà lách từ vườn rau, cùng với một chai dầu oliu, và trông như có vẻ hài lòng vì đã dàn xếp ổn thoả mọi việc. Mỗi bữa trưa chúng tôi ăn xà lách của tên tìm vàng, bài trí với vài giọt dầu oliu, lời qua tiếng lại át đi tiếng ồn ào.
Đôi khi tôi lại chiêm nghiệm về những điểm tốt khi bớt để tâm lại, và nghĩ rằng sẽ tốt biết bao nếu chẳng mãi âm ỉ đau bởi hành động của ai khác, ngay cả khi chấp nhận đánh mất thứ độc hữu làm nên nét riêng của mình. Thật sự thì, việc khoan đào chỉ là một ví dụ đơn giản khi nhìn theo hướng tích cực: nếu tôi đặt mình trong hoàn cảnh của tên Mỹ kia, liệu tôi có làm điều tương tự. Hầu hết mọi người sống trong niềm tin lờ mờ rằng sự tồn tại của họ, việc họ làm về cơ bản là chẳng gây phương hại đến ai, nhưng khó có ai trong thời đại của chúng ta có thể tự nhận điều đó. Thời đại này, chính trạng thái tồn tại đã đi đôi với hành động cưỡng đoạt: không thể tránh khỏi. Tên Mỹ kia cũng chỉ khiến cho sự cưỡng đoạt ấy hiện thanh và hiện hình. Không giống ông ta, những người đàn ông đang làm ở công trường là dân địa phương: ngó nhìn họ từ khu vườn, do không hiểu cuộc trò chuyện nên tôi đã quan sát bộ điệu và cử chỉ của họ, cách họ cư xử với người khác và với tên chủ. Họ trông thật lịch thiệp và đáng tôn trọng. Họ không chịu trách nhiệm cho sự phá hủy và tiếng ồn, nhưng những điều ấy, cùng với sự thay đổi kéo theo, lại chính là công việc của họ.
Diễm lệ và kinh hãi - hai điều đặc biệt trường tồn, và ở nơi công trường, chúng thường đan xen vào nhau. Chẳng hạn, sự vĩ đại của cẩm thạch, kế thừa chủ nghĩa cổ điển và tôn giáo, rất dễ trở thành sự vĩ đại của chủ nghĩa phát xít. Ngắm nhìn những bức hình của Cung điện Quốc hội ở Bucharest - tòa nhà nặng nhất thế giới, nặng đến nỗi mỗi năm nó chìm sâu xuống Trái Đất tận sáu milimét - thật khó để không nghĩ về một khung cảnh lao động khổ sai tàn tệ trong tòa nhà ấy. Đó là một tượng đài khổng lồ cho thấy cách mà một gã độc tài biến ý muốn của mình thành thực tại cả về vật chất lẫn không gian. Những chiến tích khác về xây dựng và thiết kế - ví như eo biển Corinth cách đấy không xa - là những chiến thắng của ý muốn con người với cái giá là sự lao động khổ công đằng đẵng khó mà phớt lờ: một loại bứt rứt cũng dự phần vào những kỳ quan ấy, nhắc nhở chúng ta rằng tiến bộ phải dựa dẫm thế nào lên sự bất bình đẳng. Cung điện Quốc hội có lẽ đang đặt ra một câu hỏi khác, về tình trạng đạo đức của sự áp bức: liệu một người trong tình thế bị áp bức có thể được xem là vô can đối với những hành động của anh ta hay cô ta chăng? Việc xây dựng tòa nhà đã buộc 40.000 cư dân ở Bucharest phải di dời và phá hủy một phần tư thành phố bao gồm cả chủng viện, thư viện và bảo tàng. Hơn một triệu mét khối cẩm thạch được sử dụng trong quá trình xây dựng. Những người đàn ông xây nên nó không phải kẻ làm công hay người lính: họ được gọi là “những tình nguyện viên,” câu hỏi cho ý chí của họ được giải quyết một cách gọn lẹ. Tuy nhiên, đó là một hình thức tình nguyện cưỡng bách: trên thực tế, họ chẳng hơn gì mấy những tên nô bộc. Cung điện đó là tòa nhà lớn thứ ba trên thế giới, gần một nửa trong hàng nghìn căn phòng của nó đã được hoàn thành. Đó là một hình ảnh cho sự đột ngột - như cách quyền lực của một nhà độc tài có thể bị dập tắt.
Nghệ sĩ và kẻ độc tài đứng ở hai đối cực của khái niệm đồng thuận, có bản chất từ khái niệm kể chuyện. Như một câu chuyện, đối tượng được tạo ra cần tìm kiếm sự đồng tình: nếu những thế hệ nối tiếp không chấp nhận tuyên bố mà đối tượng đưa ra, nó rồi cũng sẽ bị băng hoại theo thời gian. Nghệ sĩ đánh cược vào viễn cảnh tương lai, thậm chí chấp nhận đánh đổi sự đồng thuận ở hiện tại. Ngược lại, kẻ độc tài lại cố níu kéo thời gian và kiểm soát tương lai, bằng cách đánh cược mọi thứ vào thời điểm hiện tại. Trong khi nghệ sĩ thường yếu thế hơn so những gì người ấy tạo ra, kẻ độc tài lại cảm thấy khó khăn để tạo ra thứ trường tồn hơn chính mình. Vâng, cả hai đều có xu hướng truy niệm tầm nhìn của họ bằng cách thể hiện chúng ở thứ tồn tại bên ngoài họ: thứ đó là đá tảng. Nghệ nhân và kẻ độc tài ở thời đại của chúng ta thích thú với sự vô hình: những loại hình quyền lực mới là loại hình được số hoá, và nghệ thuật mới là thứ nghệ thuật không dựa vào sự hữu hình hoá.
Cách đây nhiều năm, nghệ sĩ Michael Landy đã công khai phá huỷ 7.227 đồ vật thuộc tài sản của anh. Đó là một sự kiện sân khấu cực kỳ hoành tráng. Ảnh: Ray Tang/Rex Features
Cách đây nhiều năm, nghệ sĩ Michael Landy đã công khai phá huỷ 7.227 đồ vật thuộc tài sản của anh. Đó là một sự kiện sân khấu cực kỳ hoành tráng. Ảnh: Ray Tang/Rex Features
Khi nghệ sĩ Michael Landy công khai phá hủy tất cả những thứ thuộc về mình, bao gồm cả những tác phẩm mà ông ta sở hữu từ những họa sĩ khác, ông đã đưa ra tuyên ngôn về sự mục nát đến vô vọng của thế giới vật thể, thứ mà nghệ thuật cần phải cố gắng tách mình ra khỏi đó. Nghệ sĩ người Anh Andy Goldsworthy thường tạo nên những tác phẩm mà chất liệu của nó là một hành động nhận thức giản đơn: tách khỏi buổi trưng bày, chúng được thể hiện trong giá trị-vật thể của những điều được tận mắt trông thấy, chạm tới sự phù phiếm ngay cả người họa sĩ cũng bỏ cuộc. Nghệ thuật của Goldsworthy có thể được gọi là một kiểu hạ mình, bởi lẽ những chất liệu của nó thuộc về tự nhiên và cũng có thể được hoàn nguyên lại cho tự nhiên: đó là nghệ thuật tinh giản can thiệp, không tranh đấu, thứ mà, ít nhất về mặt lý thuyết, cho phép tất cả chúng ta trở thành nghệ sĩ. Nó kháng cự lại với giáo điều và ngộ nhận, và liệu nó cũng có lẽ kháng cự cả với trách nhiệm? Một khi tạo ra vật thể trường tồn, nghệ sĩ nhận lấy trọng trách với người ngắm nhìn nó, hiện tại và cả tương lai. Ông tin rằng mình có thể nối kết những những người ở tương lai, và trấn an rằng phỏng đoán của họ về thế giới và sự thật về chúng cũng giống với ông.
Tác phẩm điêu khắc thời kỳ Phục Hưng "Đức Mẹ sầu bi" (Pietà) của Michelangelo Buonarroti, người xem "cẩm thạch là nhà tù đáng sợ nhất trong số các nhà tù mà nhân loại có thể nghĩ ra". Ảnh: Wikipedia
Tác phẩm điêu khắc thời kỳ Phục Hưng "Đức Mẹ sầu bi" (Pietà) của Michelangelo Buonarroti, người xem "cẩm thạch là nhà tù đáng sợ nhất trong số các nhà tù mà nhân loại có thể nghĩ ra". Ảnh: Wikipedia
Michelangelo, một người vị kỷ nổi tiếng, cho rằng cẩm thạch là nhà tù đáng sợ nhất trong số các nhà tù mà nhân loại có thể nghĩ ra. “Người họa sĩ vĩ đại không có ý niệm”, ông ta trích dẫn, “rằng mỗi một khối đá cẩm thạch không chứa đựng bên trong lượng vật chất của nó, bởi chỉ cần một bàn tay biết vâng lời tâm trí là đã có thể xuyên qua hình ảnh đó rồi.” Giải phóng hình ảnh khỏi sự giam cầm trong chất liệu là một hành động tối thượng trong sự thống trị của con người, để in dấu sự từng tồn tại của bản thân lên những phiến đá bình đạm và vĩnh hằng nhất. Sự thống trị này dựa trên - như bao sự thống trị khác - sự phục tùng, sự phục tùng của cái tôi, bàn tay, theo ý định của tâm trí. Đôi tay của Michelangelo là nô lệ cho ông ta, như một kẻ nô bộc thực thụ thuộc về tên độc tài, tuân theo một ý chí nằm bên ngoài chính nó. Ý muốn con người không phải chỉ vươn đến sự thật và cái đẹp: nếu viên cẩm thạch chứa đựng mọi suy tư, mọi ý niệm, nó cũng đầy rẫy sự ác.
Chúng tôi ghé qua một mỏ đá, nơi hàng thế kỷ qua cẩm thạch đã bị lấy đi khỏi vỏ Trái Đất. Dọc khắp ngả đường, những ngôi làng ngày càng lát đá cẩm thạch, như thể lớp cẩm thạch bị rút ra từ mỏ đá lân cận đã dát vào chúng. Địa hình dâng cao đến thành những đỉnh núi choáng ngợp, đen ngòm: những ngôi làng bám víu vào sườn đồi, trắng xóa, xuôi theo những đợt gió cuồn cuộn. Những truyền thống và phương pháp điêu khắc cẩm thạch ở đây đã được gìn giữ, tiếp nối qua nhiều thế hệ. Chúng tôi nghe kể rằng, thậm chí một chuyên gia trong lĩnh vực này cũng có thể cuốn vào cuộc đàm đạo với một bác lớn tuổi tại một quán cà phê địa phương và học thêm được điều gì đó. Ở một trong những ngôi làng lớn hơn, nơi đó có trường học giảng dạy chính thức về việc chạm khắc cẩm thạch: những tác phẩm đang trong quá trình hoàn thiện của học viên có ở khắp trong xưởng. 
Có một khối đá cẩm thạch ở đó, nhưng chưa được đụng đến. Một khối đá có lớp da, sâu trong là những lớp nén ngày càng dày đặc. Nó được hợp thành từ những chiếc lá rất nhỏ, như một cuốn sách khổng lồ, dễ bị phá nát. Nó mỏng manh khó ngờ: những học viên được dạy khi chạm vào chúng cần hết sức cẩn thận. Sẽ tốn mất hai năm để họ tạo hình cho nó, mặc dù một chuyên gia có thể làm điều đó trong một tháng. Sự chớp nhoáng, thôi thúc của nghệ thuật có vẻ đang bị trói buộc lại - gần như lụi tàn - bởi những yếu tố này: cử điệu của người nghệ sĩ không thể thêm thắt hay hồi chỉnh; dự định của họ, xuyên suốt quá trình sáng tạo chậm rãi đến bứt rứt, không thể thay đổi. Nghệ thuật vốn hiếm khi gắn với sự kỷ luật, nhưng một khi đã hiện diện, sự gò bó của nghệ thuật lại càng ngốn nghiến nhiều sức lực của người nghệ sĩ hơn - và thật sự bởi vì nghệ thuật từ bao thế kỷ qua cũng tìm cách vượt qua căng thẳng giữa kỷ luật và sáng tạo để tạo ra bước chuyển, nhưng khó mà tránh khỏi, phương cách làm nên cẩm thạch ngày càng lún sâu vào khuôn sáo. Những bậc thầy mới về cẩm thạch - như những học viên nơi đây sẽ trở thành - thường cảm thấy việc làm của họ như một thợ tu sửa, chỉnh sửa và ghép vá những mảnh vỡ của thế giới cổ đại, chúng mãi luôn được dựng lên thêm lần nữa từ Trái Đất này. 
Nằm trong dãy núi Apuan Alps ở miền bắc nước Ý, mỏ đá cẩm thạch Carrara đã cung cấp đá cẩm thạch trong hơn 2.000 năm. Người La Mã là những người đầu tiên khai thác đá ở đây làm nguyên liệu để xây dựng các tượng đài. Về sau, đây trở thành địa điểm được yêu thích của các nghệ sĩ trong thời kỳ Phục hưng. Michelangelo, Da Vinci, Bernini và Rodin đều lấy nguồn đá cẩm thạch ở đây. Nguồn: Bernhard Lang
Nằm trong dãy núi Apuan Alps ở miền bắc nước Ý, mỏ đá cẩm thạch Carrara đã cung cấp đá cẩm thạch trong hơn 2.000 năm. Người La Mã là những người đầu tiên khai thác đá ở đây làm nguyên liệu để xây dựng các tượng đài. Về sau, đây trở thành địa điểm được yêu thích của các nghệ sĩ trong thời kỳ Phục hưng. Michelangelo, Da Vinci, Bernini và Rodin đều lấy nguồn đá cẩm thạch ở đây. Nguồn: Bernhard Lang
Trong kỷ nguyên hiện đại này, một số nghệ sĩ vẫn sử dụng cẩm thạch như là một nơi chốn để lột tả sự mâu thuẫn mới về lịch sử và quyền lực, về ý nghĩa của tượng đài. Bản sao bằng cẩm thạch về một túp lều rẻ tiền của một nghệ sĩ người Canada tên là Rebecca Belmore là một cách phản kháng tượng đài, buộc chất liệu mang tính biểu tượng phải đối thoại với tình trạng di dời và vô gia cư. Nhà điêu khắc người Hy Lạp Andreas Lolis dùng cẩm thạch để thể hiện những ý niệm trọng yếu về sự chóng tàn và thải bỏ: những túi rác quá đầy, những sọt gỗ gãy khúc, những thùng các tông biến dạng. Trong tác phẩm của Lolis, mối quan hệ giữa thời gian và quên lãng đến sự bền lâu của các chất liệu được bộc tả: ở đấy, phương cách được yêu cầu, một cách cẩn thận, để hiểu ra điều gì đối lập hoàn toàn với chính nó, để tâm tới điều nằm dưới sự để tâm ấy và tưởng niệm nó. Cẩm thạch - dấu chỉ của điều trọng đại - được yêu cầu tự hướng đến một hành động ghi nhận, ghi nhận thực tại. Cha của Lolis là một thợ điêu khắc đá: ông và cẩm thạch đã gắn kết từ bé, khi ông tự học cách làm ra vật tượng trưng cho những thứ mà ông quan sát xung quanh, đi ngược lại với những gì được cho là phù hợp hơn. Đối với những nghệ sĩ khác, khó khăn về mặt kỹ thuật khi làm việc với cẩm thạch sẽ dập tắt khả năng họ sử dụng chúng như một phương tiện truyền đạt. Túp lều của Belmore, là một minh chứng, được chạm khắc bởi một học viên tốt nghiệp từ ngôi trường đó, ở ngôi làng đó. Ngoài việc tên tuổi được nổi lên từ tác phẩm đó, ông chẳng còn được ai khác nhắc tới. Nghệ thuật chạm khắc cẩm thạch chẳng có lấy một chỗ đứng ổn định, như thể nó đã từng khi Michelangelo xem bàn tay như nô lệ của ông.
Thứ màu đen thoạt nhìn như túi rác nylon này thực chất là tác phẩm từ đá cẩm thạch của nhà điêu khắc người Hy Lạp Andreas Lolis. Ông dùng cẩm thạch để thể hiện những ý niệm trọng yếu về sự chóng tàn và thải bỏ: những túi rác quá đầy, những sọt gỗ gãy khúc, những thùng các tông biến dạng.
Thứ màu đen thoạt nhìn như túi rác nylon này thực chất là tác phẩm từ đá cẩm thạch của nhà điêu khắc người Hy Lạp Andreas Lolis. Ông dùng cẩm thạch để thể hiện những ý niệm trọng yếu về sự chóng tàn và thải bỏ: những túi rác quá đầy, những sọt gỗ gãy khúc, những thùng các tông biến dạng.
Mỏ đá cách ngôi làng một vài dặm, nằm trên một sườn đồi hướng ra biển. Con đường cao lên, ngoằn ngoèo qua những phần sắc cạnh của tảng đá đen và phóng thẳng xuống cảnh quan dốc đứng hãy còn nguyên thủy ở phía bên kia. Con đường cuộn lại quanh vùng núi như thể vực sâu với những cảnh đẹp mờ tối và hoang sơ, cảnh biển chìm sâu xuống dưới. Vết thương lớn của mỏ đá, bằng cách nào đó, hạ xuống xuất hiện bên cạnh những vết thương đã cũ: chúng thuộc về lịch sử, thuộc về biết bao sự nhọc công của con người hòng chiếm đoạt và định hình thế giới. Vào thế kỉ XIX, người Anh đào mỏ ở đây, trong vết cắt sâu vào đáy đại dương hòng đào mỏ bên dưới mặt nước. Một khi mỏ đá được nâng lên, những tảng cẩm thạch được đặt xuống vùng núi, lật từ đầu này đến đầu khác hết sức nhọc công. 
Vào buổi tối, công trường lặng thinh không bóng người. Những chiếc xe tải lấm bùn được đỗ khắp nơi. Đường đi lổm chổm với đất sét còn ẩm. Mỏ đá sâu và dốc cạnh, phần mặt tiền rộng lớn thẳng vút trái tính với những hình dáng tự nhiên: chúng giống như những mặt của tòa nhà, dù cho vùng núi đã mang ý nghĩ về một thành phố ở trong nó. Hàng mét đất đá đã bị phá vụn để chạm được đến phần cẩm thạch bên dưới, và những lớp đó phơi ra trên bề mặt. Sự quyết tâm của con người muốn chạm tới ý định về một công trường xây dựng, ý định đối với cẩm thạch: thậm chí trong thời đại cơ giới, nó là một khung cảnh đấu tranh nguyên thủy. Một trong những thợ điêu khắc lớn tuổi nhất ở vùng đất ấy đã biết về mỏ đá khi ông còn là một đứa trẻ: cha và ông của người ấy đều là thợ mỏ. Trong ký ức từ thuở ban đầu của ông, đó là một con kênh sâu hẹp cắt vào lòng đất. Bây giờ nó đã là một đấu trường, một đấu trường ngoài trời bạo tàn đã chai cứng trong bùn và cát, đối diện với sự trống trải giữa bầu trời và đại dương. Khi máy móc được đem tới, ông thấy việc lao động đã phần nào thôi vất vả, đó cũng là một bước tiến về giá trị của con người. Ở đó cũng có sự mất mát về kiến thức, về bản năng: những tảng đá được cắt gọn nằm quanh đó chờ chuyển đi phải được đánh dấu đâu là mặt phải, bởi những người thợ mỏ không thể xác định được nữa. Sự biến tướng là kết quả đến từ áp lực: nếu bị đảo ngược, nó sẽ bắt đầu đánh mất đi cấu trúc toàn vẹn. Nó là một hình ảnh, bằng cách nào đó, của chính nền văn minh, những áp lực để hình thành nó nhường chỗ cho sự dễ dàng khi cắt bỏ nó, khi đưa nó vào quên lãng.
Câu chuyện về tính thanh khiết của cẩm thạch bắt đầu từ đây, trong sự phai tàn và diện mạo của một vùng núi đã bị đẽo đục. Khi còn toàn vẹn, nó có bề ngoài giống như một cuốn sách, đầy rẫy những đối nghịch và trích đoạn kịch tính cùng nhiều sắc thái, nhưng khó hiểu và còn ngổn ngang. Trong quá trình đục đẽo theo sau sự bày ra của vật liệu này, những phần nguyên vẹn được ưa chuộng hơn những phần đã biến đổi, được phủ ngoài bởi lớp patina. Một bề mặt nhợt nhạt và thiếu điểm nhấn được tập trung chú ý trong dạo gần đây: nó đã bị phân chia thành các phiến đá trong quá trình chuẩn bị cắt cùng với dây cáp đồng có vít cấy dài, chắc, nạm những viên kim cương nhỏ nằm thành cuộn dây lớn trên vũng bùn. Những đường thẳng nhỏ, mong manh chạy dọc trên bề mặt màu trắng, hệt như dấu chân in trên mặt tuyết. Khám phá ra điều này chính là nguồn cơn của sự hứng khởi: Nó sẽ tạo những phiến đá với những hình dáng và chất lượng khác thường. Trong thế giới của chủ nghĩa tư bản, cẩm thạch trắng không chỉ dành cho những tượng đài hay cung điện của kẻ thống trị - một vật liệu đắt đỏ. Được chia cắt, đánh bóng và chuẩn bị cẩn thận, vật liệu cao sang này, hàng trăm năm qua người ta đã in dấu những chiến tích và địa vị lên nó, cuối cùng cũng đã được dân chủ hóa.