Năm 1874 tại Paris, một nhóm nghệ sĩ trẻ tổ chức buổi triển lãm trưng bày các tác phẩm mới của họ, trong nhóm nghệ sĩ này bao gồm những họa sĩ như Claude Monet, Paul Cézanne, Camille Pissarro,.. những người sau này được coi là những họa sĩ quan trọng nhất của hội họa cuối thế kỷ 19, đầu thế kỷ 20. Tuy nhiên tại ngay thời điểm ấy triển lãm này đã gây nên một cú sốc cho giới hội họa, sau triển lãm nhiều lời bình tiêu cực được đưa ra, trong đó nhà phê bình nghệ thuật Louis Leroy đã viết một bài báo trên Le Charivari:
“Ấn tượng, tôi có thể chắc chắn là vậy. Tôi nói với bản thân như vậy khi nhìn vào nó, vâng chắc chắn là nó gây ấn tượng rồi - cái gọi là tự do, là sự dễ dãi của tay nghề. Một bản phác thảo giấy dán tường còn chỉnh chu hơn bức tranh này.”
Sự mỉa mai này đã đánh dấu, đặt tên cho sự tai tiếng cũng như nổi tiếng của trường phái được coi là sự mở đầu của Modern Art - Ấn Tượng. Được thành lập vào khoảng những năm 1860, nhóm họa sĩ này từ bỏ những quy chuẩn hàn lâm, những chủ đề nặng nề về tôn giáo và thần học. Thay vào đó là những bức tranh phong cảnh, đời thường với nét bút rời rạc, lỏng lẻo. Tất nhiên điều này được coi là không thể chấp nhận được khi nghệ thuật đã luôn tôn trọng sự thật, đề cao kỹ thuật và sự tỉ mỉ của người họa sĩ trong suốt hàng nghìn năm. Thế nhưng vì đâu mà nhóm nghệ sĩ này quyết định hắt hủi hội họa hàn lâm mà để tạo ra những bức tranh thiếu hoàn thiện?

Đọc thêm:
Nguyên nhân được nhiều người đồng tình đó là do sự phát triển của kỹ thuật nhiếp ảnh. Năm 1826, bức ảnh đầu tiên được chụp với quá trình phơi sáng 8 tiếng nhưng đến năm 1839, với phát minh Daguerreotype thì quá trình phơi sáng này đã rút ngắn chỉ còn 7 phút. Sự phát triển của nhiếp ảnh khi đó là mối đe dọa đối với hội họa, bởi khi ấy việc ghi lại hình ảnh không còn cần tới kỹ thuật hay bàn tay họa sĩ, mọi thứ đã được khắc họa vô cùng chính xác vẻn vẹn trong vòng 7 phút. Đại diện cho lo lắng này của các họa sĩ là phát ngôn của họa sĩ Paul Delaroche: “Từ nay, hội họa đã chết”
Khoảng những năm 1850, Daguerreotype vô cùng phổ biến, không chỉ ở Pháp mà còn lan rộng sang Mỹ. Nhu cầu có một bức chân dung nay đã trở nên dễ dàng và tiết kiệm hơn rất nhiều so với việc thuê một họa sĩ vẽ chân dung. Với một số người, nhiếp ảnh như một lối tắt đi đến nghệ thuật mà không cần phải mất nhiều thời gian, công sức rèn luyện kỹ năng vẽ. Với một số người còn lại thì coi đây như một sự gian lận và rằng:
“Nhiếp ảnh là kẻ thù truyền kiếp của nghệ thuật. Nếu nhiếp ảnh được phép xếp vào nghệ thuật bởi chức năng của nó thì nó cũng sẽ sớm bị hất cẳng hoặc tự hủy chính nó” - Charles Baudelaire, 1859.
Thế nhưng dù nhiếp ảnh đã cướp đi miếng cơm, manh áo của hội họa nhưng đồng thời nó cũng tạo cho hội họa sự giải thoát về việc phải cố gắng để mô tả sự thật. Hoàn toàn không thể phủ nhận được sự ảnh hưởng này của nhiếp ảnh tới hội họa, tuy nhiên mối quan hệ này là mối quan hệ kéo dài song song trong suốt thời kỳ đổi mới của hội họa, cũng là thời kỳ mà nhiếp ảnh khẳng định vai trò nghệ thuật. Và để xét tới nguồn cơn của triển lãm gây sốc năm 1874 thì không hề đơn giản như vậy.
Vào đầu thế kỷ 19, các họa sĩ bắt đầu quan tâm tới những hiện tượng quang học ngoài thiên nhiên, trong đó cần kể tới John Constable người thường được biết tới với hình thức vẽ En Plein Air (hình thức vẽ ngoài trời). Ngoài ra là J.M.W. Turner, một họa sĩ phong cảnh khác, dù Turner sáng tác trong studio nhưng ông cũng là người đặc biệt quan tâm tới không khí và ánh sáng. Cả hai là họa sĩ hàn lâm nhưng trong khoảng những năm 1810 trở đi họ đều bắt đầu thử nghiệm những phương pháp mới, buông lỏng tay bút mô tả không khí, mây, gió, bầu trời, cùng ánh sáng mờ ảo. Có thể kể đến một số bức tiêu biểu như Rain, Steam and Speed - The Great Western Railway, Snow Storm: Steam-Boat off a Harbour's Mouth hay Seascape Study with Rain Cloud.
Dù sự ảnh hưởng của Constable và Turner tới trường phái Ấn Tượng còn nhiều tranh cãi, nhưng một thứ ta có thể thấy ở đây đó là sự tương đồng về mối quan tâm tới quang học và tính chuyển động trong tranh. Với Constable và Turner là những hiện tượng khí tượng như mưa, bão, độ ẩm, còn ở Ấn Tượng các họa sĩ bày tỏ mối quan tâm tới sự phản chiếu ánh sáng trên mặt nước, tán cây với những khung cảnh đời thường khác như ga tàu điện, đường phố, con người,... 

Đọc thêm:

Thật tình cờ khi thời điểm mà các họa sĩ bắt đầu quan tâm sâu sắc tới những hiện tượng quang học này cũng là lúc giới tri thức Châu Âu náo loạn bởi hàng loạt những phát kiến khoa học mới về thị giác. Một trong số ấy là cuốn Theory of Colours (1810) được viết bởi nhà thơ, tiểu thuyết gia, nhà khoa học, đồng thời là một họa sĩ người Đức - Johann Wolfgang von Goethe. Trong đó Goethe trình bày hệ thống màu nổi tiếng nhất thế giới, vòng tròn màu với ba màu chính là đỏ, vàng, lam, thứ mà chúng ta vẫn sử dụng ngày nay. 
Cùng với đó vấn đề về nhận thức màu sắc cũng được xem xét khi ông đưa ra nghiên cứu về dư ảnh (afterimage) và ảo ảnh quang học (optical illusion). Trong đó, dư ảnh là hiện tượng khi ta nhìn vào một hình ảnh lâu sau khi không còn nhìn vào hình ảnh ấy nữa nhưng võng mạc vẫn lưu lại hình ảnh ấy một khoảng thời gian ngắn. Còn ảo quang học nôm na là sự sai lệch giữa hình ảnh mà mắt tiếp nhận với hình ảnh thực tế, nó có thể là màu sắc, hình hay không gian. Hãy xem xét một ví dụ nổi tiếng về ảo ảnh quang học để giúp chúng ta dễ hình dung:

Khi nhìn hình trên ta có thể dễ dàng nhận biết được sự khác biệt về màu sắc giữa hai ô A và B, tuy nhiên nó chỉ là kết quả của việc mắt và não của chúng ta phân tích hình ảnh. Bởi trên thực tế hai ô màu này có cùng một màu. Để kiểm chứng bạn có thể down hình ảnh về và thử pick màu hoặc đơn giản là xem video sau đây: https://youtu.be/FG7LeFR-yEo
Sự bối rối của chúng ta lúc này cũng giống như sự bối rối của nhiều người sau khi đọc nghiên cứu của Goethe năm 1810. Những nghiên cứu này không chỉ tác động tới nghệ thuật mà còn là cả khoa học và triết học. Trong đó có triết gia Đức Arthur Schopenhauer người có mối quan tâm sâu sắc tới nhận thức học, đã nghiên cứu công trình của Goethe và đồng thời viết ra chuyên luận On Vision and Colors (1816) với những nghiên cứu sâu hơn về võng mạc. Hay một nhà khoa học người Pháp là Michel Eugène Chevreul cũng đã dựa trên những nghiên cứu của Goethe để phát triển lý thuyết về hòa trộn quang học, được trình bày trong cuốn The Law of Simultaneous Color Contrast (1839). Theo Chevreul, cảm nhận về một màu sắc có thể thay đổi phụ thuộc vào màu bên cạnh nó, cả về màu lẫn sắc độ. Ví dụ những cặp màu tương phản như đỏ - xanh lá, vàng - tím sẽ có xu hướng triệt tiêu nhau (làm bợt sắc). Không chỉ vậy mà sau này còn là những nghiên cứu của James Clerk Maxwell, Ogden Rood,...khiến cho thế kỷ 19 là mênh mông những câu hỏi, những hoài nghi về độ chính xác của thị giác con người.
Những nghiên cứu, những hoài nghi này mở ra một sự thật rằng những gì mắt ta thấy và những gì não chúng ta hiểu không hoàn toàn giống nhau. Những hình ảnh hay màu sắc mà chúng ta thấy giờ không chỉ bị ảnh hưởng bởi nguồn sáng và môi trường mà còn là bởi cách não chúng ta xử lý hình ảnh. Với khả năng sai lệch vô cùng lớn, thị giác hoàn toàn là cú lừa của tạo hóa. Và như một điều tất yếu, họa sĩ dần thay đổi cách họa sĩ suy nghĩ về thứ họ thấy, thay đổi cách họ sử dụng màu, sử dụng cọ, bắt đầu thử nghiệm để tạo ra những ảo ảnh thị giác. Dù ngay phía trên chúng ta đề cập tới tính đa dạng trong chủ đề tranh nhưng về bản chất họa sĩ Ấn Tượng không thực sự vẽ một khung cảnh nào mà chính xác hơn, họ tái tạo lại khung cảnh ấy bằng cách tạo ra những ảo ảnh thị giác trên toan tranh. Cuối cùng, để trả lời cho câu hỏi tại sao hội họa không còn giống thật thì đơn giản là ở đó không hề có sự thật, cái sự thật mà ta biết chỉ mang tính tương đối.
Đọc thêm: