Để mô tả được ngắn gọn mối liên hệ giữa không gian và hành vi của con người thì có lẽ bộ phim Inception của đạo diễn Christopher Nolan là một ví dụ minh họa trực quan và ấn tượng. Trong phim, một nhóm người sử dụng một công nghệ cho phép xâm nhập vào tiềm thức của người khác được thuê để gieo ý tưởng giải tán công ty vào tâm trí con trai của một chủ tịch tập đoàn năng lượng, người thừa kế công ty này trong tương lai. Và để lên kế hoạch cho việc này, Ariadne sinh viên kiến trúc có nhiệm vụ thiết kế mê cung cảnh quan trong 3 tầng giấc mơ và từ đó lồng ghép vào việc lên kế hoạch các nhiệm vụ khác. Một điều không được nói ra thành lời nhưng đi theo suốt chiều dài của bộ phim, đó là các bản thiết kế của Ariadne đã định hình nên toàn bộ diễn tiến của cốt truyện, từ việc đối tượng gặp ai, di chuyển như thế nào, hành xử ra sao cho đến việc hồi tưởng về quá khứ của mình đều đã được sắp xếp bởi bàn tay của người thiết kế. Nói như thế để thấy rằng không chỉ trong phim mà ngay cả ở ngoài đời thực, kiến trúc có một sức ảnh hưởng không hề nhỏ đến cách mà con người sống trong đó tương tác với nhau. Hiếm khi chúng ta để ý không gian xung quanh đã định hình cách chúng ta tương tác với người khác như thế nào.

    Tuy nhiên, trong suốt hơn nửa thế kỷ vừa qua, có nhiều nhà khoa học chính trị lại rất quan tâm đến mối liên hệ giữa kiến trúc và cơ chế dân chủ đại diện, vì sự tương tác của họ tạo ra các quyết định tập thể (collective decisions) ảnh hưởng đến mọi hoạt động đời sống của người dân. Theo David Canter (1977), một môi trường vật chất được tạo ra có ảnh hưởng gián tiếp đến hành vi của những người hoạt động trong quốc hội và chính phủ. Những sắp đặt vật lý không nhất định kiểm soát thái độ và hành vi của mọi người, nó tạo điều kiện để nắn suy nghĩ và hành động của họ theo cách tinh vi và nằm sâu trong tiềm thức[1]. Goodsell (1988) đề xuất rằng kiến trúc của các tòa nhà quốc hội và thiết kế bên trong của các phòng họp có ba đóng góp cho văn hóa chính trị: chúng khiến quá khứ được tồn tại mãi mãi, chúng trình diễn hiện tại và chúng tạo điều kiện cho tương lai[2]. Mang tầm khái quát hóa hơn, từ việc phân tích các đặc điểm về không gian phòng họp và sự tương tác, Harold Lasswell đưa ra giả thuyết về tính cởi mở của các phòng họp quốc hội như là một chỉ báo về khuynh hướng dân chủ [3].

    Vì giới hạn trong khuôn khổ một bài viết ngắn, dưới đây chúng tôi sẽ chỉ phân tích các đặc điểm chính, từ đó nhóm thành những nét đặc trưng của các phòng họp nghị viện trên thế giới, để cho thấy nó nói lên được điều gì về hệ thống chính trị và văn hóa chính trị, theo hướng tiếp cận của Lasswell. Liệu các đại biểu được ngồi cách xa nhau (như ở Nghị viện Anh), hay ở một hàng ghế thoải mái (như ở Hà Lan), thì các cuộc tranh luận cũng sẽ biểu hiện sự khác nhau như thế nào? Làm thế nào mà sự sắp đặt của các không gian hội họp chính trị, như nghị trường lại định hình được cách mà các đại biểu ra quyết định? Chúng biểu thị như thế nào về các thực thể chính trị hiện nay?

    Trong cuốn sách Parliament[4], các tác giả đã đưa vào so sánh nghị trường của 193 nước thành viên Liên Hợp Quốc. Bằng cách so sánh một cách chi tiết sự sắp đặt không gian của các nghị trường, cuốn sách đã chỉ ra cách mà văn hóa chính trị được định hình bởi kiến trúc và cũng được biểu đạt thông qua kiến trúc. Mặc dù mỗi quốc gia đều có những cách rất đa dạng để thiết kế mô hình nghị trường, nhưng nhìn một cách tổng quan thì chỉ có một số ít hình mẫu đặc trưng. Đáng ngạc nhiên là hầu hết chúng gần như không thay đổi từ thế kỷ 19 đến nay.
 
Bán nguyệt
    Phổ biến nhất là phòng họp hình bán nguyệt, đặc biệt là với các nước châu Âu, nơi mà hình bán nguyệt được du nhập bởi các quốc gia dân tộc (nation-states) mới thành lập vào thế kỷ 19. Việc lựa chọn mô phỏng theo hình bán nguyệt của các rạp hát Hy Lạp và La Mã cổ đại trong suốt thời điểm cao trào của làn sóng Tân cổ điển (Neoclassicism) như là một cách tạo nên tính chính danh cho chính quyền mới. Không giống như những hàng ghế được xếp đối diện ở nghị viện Anh, hình bán nguyệt quy tụ các thành viên quốc hội lại như một thực thể đơn nhất. Tuy nhiên, mọi công dân vẫn có thể tiếp cận với nghị viện Hy lạp cổ đại thông qua cơ chế dân chủ trực tiếp, trong khi các quốc gia dân tộc mới hình thành ở châu Âu sử dụng kiến trúc bán nguyệt để khuyến khich sự đồng thuận giữa những đại diện tinh hoa.

    Bán nguyệt trở thành một kiểu hình phòng họp chi phối cho các không gian sinh hoạt chính trị trên thế giới. Ví dụ, đại đa số nghị viện các quốc gia EU hội họp trong các không gian bán nguyệt. Thậm chí các hội trường của Nghị viện châu Âu, cả ở Brussels và ở Strasbourg, đều đi theo hình dạng bán nguyệt, vang vọng lại những lý tưởng xây dựng quốc gia từ thế kỷ 19.
 

Phòng bán nguyệt và kiến trúc Tân cổ điển của Nghị viện Pháp


Sơ đồ của phòng họp Nghị viện Pháp
 
Ngồi đối diện
    Kiểu thứ hai khác biệt một cách rõ rệt là mô hình luận chiến với các hàng ghế đối diện nhau. Mặc dù cho đến tận ngày nay, tranh luận được tin là hình thứ cơ bản cho nền dân chủ. Tuy nhiên, mô hình này lại được xây dựng dựa trên nền tảng hệ thống phản dân chủ, đó là lưỡng viện Anh là hiện thân của hai nhóm không chính thức để để can gián nhà vua, đó là giới tăng lữ và quý tộc. Khi Đại hiến chương (Magna Carta) năm 1215 hợp thức hóa sự phân chia quyền lực của Vua và những người dưới quyền, thì vị thế của hội đồng này mới được đề cao. Hình thức này vẫn tồn tại một giả định về sự tập trung xoay quanh Hoàng gia, như là một quyền lực tuyệt đối. Tuy nhiên, cơ quan lập pháp đương đại không phải do nhà vua chủ trì, mà bởi những người điều hành phiên họp được gọi là Speaker. Danh dự và quyền lực ban cho những vị này được phản ánh về mặt kiến trúc bởi các các thiết kế tương tự như lối của hoàng gia, tức là, ngồi ở vị trung tâm, cao hơn những người khác và đi kèm với phụ kiện nội thất ấn tượng.

    Thiết kế những hàng ghế đối diện dựa trên cung điện Hoàng gia hầu như không thay đổi mặc dù quyền lực đã được tái phân phối trong hệ thống chính trị. Thậm chí khi Hạ viện cần được tái xây dựng sau sự đổ vỡ trong Thế chiến thứ hai, Winston Churchil vẫn khăng khăn muốn khôi phục những thiết kế nguyên bản với câu nói nổi tiếng “'We shape our buildings, and afterwards our buildings shape us”. Ý tưởng này là cơ sở cho đề xuất của ông về việc giữ lại một không gian kiến trúc đã có, ông tin rằng, có tác dụng cấu thành đời sống chính trị của Anh. Đối với Churchil, "một căn phòng nhỏ và cảm giác thân mật là không thể thiếu". “Chín trên mười cuộc tranh luận sẽ rơi vào bầu không khí buồn bã và ảm đạm khi ở trong một một căn phòng trống huơ trống hoắc”. Điều này khiến cho phòng họp càng trở nên chật chội vì số lượng ngày càng tăng của các Thành viên Nghị viện và tạo thành một không khí hối hả, nhốn nháo khi có những cuộc tranh luận quan trọng có sự tham gia của tất cả 650 thành viên.

Cho đến tận ngày nay, mô hình ghế đối diện vẫn liên hệ mật thiết với một xã hội nhiều thứ bậc và các nước từng là thuộc địa của Anh như Bahamas, Zimbabwe và Singapore vẫn sao chép mô hình này cho Nghị viện của họ.
 

Phòng họp Hạ viện Anh
 
Móng ngựa
    Kiểu thiết kế thứ ba là kiểu lai ghép của hai dạng đầu, trong đó những hàng ghế đối diện hướng một đầu vào nhau để tạo thành hình móng ngựa. Kiểu sắp đạt này đặc biệt xuất hiện trong nhiều nước thuộc Khối thịnh vượng như Australia, Malaysia và Nam Phi. Một trong số những tòa nhà Quốc hội được bình chọn là đẹp nhất thế giới, Jatiya Sangsad, ở Bangladesh, được thiết kế bởi kiến trúc sư Louis Kahn, cũng có kiểu sắp đặt hình móng ngựa như thế này.

 
Phòng họp của Nghị viện Bangladesh
 
Vòng tròn
    Loại thứ 4 là hình dạng khá hiếm, vòng tròn. Chỉ có 9 Quốc hội trên thế giới đi theo kiểu sắp đặt này. Được truyền cảm hứng bởi mô hình quốc hội Iceland (Iceland Althing) xuất hiện từ thế kỷ thứ 8. Sự tái hiện của vòng tròn như là một không gian chính trị được đưa ra bởi kiến trúc sư người Đức Günther Behnisch, với một thiết kế mới một cách đột phá cho phòng họp toàn thể của Nghị viện Tây Đức tại Bonn. Mặc dù thiết kế của Behnisch hầu như không được sử dụng sau ngày nước Đức thống nhất khi Quốc hội được dời đến Berlin. Hiện nay vẫn còn một vài bang ở Đức sử dụng thiết kế hình tròn cho phòng họp quốc hội của mình, như nghị viện Bang North Rhine-Westphalia.
 


Phòng họp Nghị viện Tây Đức
 
Lớp học
    Loại hình thiết kế thứ năm và cuối cùng là dạng “lớp học”, nơi mà thành viên Quốc hội ngồi thành từng hàng một cách trật tự và có tổ chức, và tập trung hướng nhìn vào những người điều hành phiên họp. Kiểu hình này đặc biệt phổ biến trong các nước có thứ hạng khá thấp trong The Economist’s Democracy-Index, bao gồm Nghị viện Nga, Trung Quốc, Triều Tiên. Một cách trớ trêu là khi so sánh giữa quy mô của hội trường lại tỷ lệ nghịch với thứ hạng quốc gia trên Democracy Index. Tức là nghị viện có ít dân chủ nhất lại họp ở những hội trường lớn nhất.
 



Phòng họp Quốc hội Liên bang Nga

    Khi nhìn nhận kiến trúc sắp đặt thế giới mà ta sống trong đó, thì cũng có thể ví von rằng nó cũng sắp đặt một sân khấu cho cuộc đời mỗi chúng ta. Không chỉ gói gọn trong khuôn khổ của một nghị trường, mà nó còn chi phối tất cả các không gian mà chúng ta có trong đó từ lớp học, nhà ga, sân chơi, công viên cho đến cả một đô thị. Không gian nào đảm bảo được tính đại diện? Không gian nào cho phép sự hiện diện bình đẳng của tất cả mọi người? Không gian nào mà ai cũng có thể đưa ra được tiếng nói, bất cứ lúc nào và đều được lắng nghe? Đó có thể là những câu hỏi lớn mang tính nền tảng cho ngành kiến trúc đương đại, trong một bối cảnh mà áp lực cho các thiết chế chính trị ngày càng tăng cao. Nhưng rõ ràng, đó cũng là một cơ hội để chúng ta nghĩ về những mô hình thúc đẩy hiệu quả tối đa cho việc đưa ra quyết định tập thể. Bài viết sau sẽ là một hướng phân tích khác cùng về câu hỏi “kiến trúc nghị trường đang nói lên điều gì?”, mà tác giả sẽ đi sâu phân tích một nghị trường cụ thể để mô tả các sắp đặt như ghế ngồi, lối đi, vị trị người điều hành, bục phát biểu,… để cho thấy cách thức mà các đại biểu tương tác với nhau được thể hiện như thế nào.
Còn bạn, bạn mong muốn nghị trường nào sẽ được đưa ra để bàn luận? Hãy cho chúng tôi biết bằng cách bình luận ở dưới nhé!
Tác giả: Palu
[1] David Canter, The Psychology of Place (New York: St Martin's Press, 1977)
[2] Charles T. Goodsell, The Architecture of Parliaments: Legislative Houses and Political Culture (British Journal of Political Science, Vol. 18, No. 3 (Jul., 1988), pp. 287-302
[3] Harold D. Lasswell, The Signature of Power: Buildings, Communication, and Policy (New Brunswick, N.J.: Transaction Books, 1979).
[4] David Mulder and Max Cohen (2016), Parliament, ISBN9090297642 (ISBN13: 9789090297644)