1. Khổng Tử - một trong những người có ảnh hưởng lớn nhất của Trung Quốc

Jesus - Khổng Tử - Thích Ca - Socrates được coi là Tứ Thánh Nhân trong lịch sử nhân loại. Họ là người đã đặt nền móng cho những triết lý lớn có ảnh hưởng cao đến sự phát triển của nhân loại. Trong đó có thể coi Khổng Tử là người đã gây dựng lên tư tưởng Nho Giáo tác động đến các nước Đông Á, tạo ra nền móng vững chắc phát triển đất nước và ngày nay vẫn tiếp tục duy trì ảnh hưởng khắp Trung Quốc cũng như các quốc gia Đông Á khác.
Khổng Tử (28 tháng 9 năm 551 TCN – 11 tháng 4 năm 479 TCN) tên thật là Khổng Khâu. Cách gọi "Khổng Tử" hay "Khổng Phu Tử" đều mang nghĩa là "thầy giáo Khổng", là một cách gọi tôn trọng. Ông là một triết gia và chính trị gia người Trung Quốc, sinh sống vào thời Xuân Thu. Theo truyền thống, ông được xem là nhà hiền triết Trung Quốc mẫu mực nhất. Người vợ cả đầu tiên của cha ông là Thi Thị, sinh được 9 người con gái. Vì quá mong con trai mà ông đã nạp một người thiếp và sinh được người con trai nhưng người con trai này lại có tật ở chân. Đến năm cha ông đã qua tuổi 70 thì cưới vợ lần thứ 3, Nhan thị lúc này mới 18 tuổi. Vì cuộc hôn nhân này không hợp với lẽ thường mà bị người đời xưng là "dã hợp". Về sau, Nhan thị sinh ra Khổng Tử. Gia thế dòng họ Khổng Tử có thể nói là một nhà quý tộc thất thế vì vậy từ nhỏ, ông cũng đã được tiếp xúc với chính trị và giáo dục từ rất sớm. Năm ông 2 tuổi thì cha qua đời, ông sống cùng mẹ. Sau khi cha mất,gia đình ông lâm vào cảnh nghèo khó. Từ nhỏ Khổng Tử là một người ham học, vì nhà nghèo nên khi còn trẻ ông phải làm nhiều nghề để mưu sinh. Năm 15 tuổi, ông bắt đầu tập trung học về đạo, nghiên cứu lễ giáo và các môn học khác.
Năm 30 tuổi, Khổng Tử được Lỗ Chiêu Công ban cho một cỗ xe song mã và một người hầu để đi Lạc Dương tham quan và khảo cứu luật lệ, thư cổ. Sau đó ông về nước Lỗ. Từ đó, học trò xin theo học càng lúc càng đông. Nhưng vua Lỗ vẫn chưa dùng ông vào việc nước. Năm ông 35 tuổi, trong nước Lỗ, Quý Bình Tử khởi loạn. Ông theo Lỗ Chiêu Công tạm lánh sang nước Tề. Tề Cảnh Công mời ông tới để hỏi việc chính trị và rất khâm phục, muốn đem đất Ni Khê phong cho ông, nhưng quan Tướng quốc nước Tề là Án Anh ngăn cản không cho. 6 năm sau, ông về Lỗ tiếp tục nghiên cứu và dạy học. Tổng số môn đệ của Khổng Tử có lúc lên tới 3.000 người, trong đó có 72 người được liệt vào hạng tài giỏi, nên gọi là Thất thập nhị hiền.
Năm 50 tuổi ông được vua Lỗ Định công mời làm Trung đô tế, năm sau được thăng chức Tư không rồi chức Đại tư khấu. Ông khuyên Lỗ Định công thu hồi binh quyền của ba dòng họ quý tộc nước Lỗ. Nước Tề thấy nước Lỗ mạnh lên, có ý lo ngại. Vua Tề theo kế, dâng vua Lỗ 80 thiếu nữ đẹp và 125 con ngựa tốt. Vua Lỗ sau khi nhận gái đẹp bỏ bê việc triều chính, có khi luôn 3 ngày không ra thiết triều, mọi việc đều giao cả cho quyền thần. Năm 55 tuổi, Khổng Tử xin từ chức, bỏ nước Lỗ đi chu du các nước chư hầu. Ông đi khắp thiên hạ để truyền bá tư tưởng của mình nhưng giới cầm quyền các nước chư hầu thời bấy giờ chẳng ai muốn áp dụng đạo trị quốc của ông. Đương thời mọi người đều biết ông là người kiên định với lý tưởng của mình, là người biết chủ trương của mình không thực hiện nổi mà cứ cố làm. Năm 69 tuổi ông về Lỗ chuyên tâm viết sách. Ông mất năm 71 tuổi khi tâm nguyện chưa thành.
Dù ông có ra làm quan trong một thời gian dài và thi hành các đường lối chính trị hiện thực, nhưng đã thất bại, trong những năm cuối đời thì chu du thiên hạ, và kết thúc cuộc đời trong nước mắt và hối hận. Đến nỗi Tư Mã Thiên trong sách Sử ký đã diễn tả Khổng Tử như là “con chó không nhà”, lời này có nghĩa là “dù có đồ ăn nhưng không có nhà để về”. Khổng Tử cũng không bị bài trừ ở quốc gia của mình, chỉ là lý tưởng của ông về nền cai trị thánh vương không được vua nước Lỗ chấp nhận khi mà ở thời kỳ xuân thu chiến quốc đang đánh nhau giành đất. Lý do ông được gọi là Vạn Thế Sư Biểu là do lúc bấy giờ giáo dục lũng đoạn trong tay quý tộc, ông là người đầu tiên mở trường tư dạy học với quan niệm hữu giáo vô loại - giáo dục không phân biệt tầng lớp thân phận.

2. Nội dung quan niệm về Giáo lý Khổng Tử

Tư tưởng của Khổng Tử không hình thành một cách ngẫu nhiên mà xuất phát từ điều kiện của xã hội Trung Quốc thời Xuân thu. Đó là thời kỳ quá độ chuyển từ chế độ chiếm hữu nô lệ sang chế độ phong kiến, mệnh lệnh thiên tử nhà Chu không còn được tuân thủ, trật tự thể chế xã hội bị đảo lộn, những giá trị tư tưởng, đạo đức của xã hội cũ bị băng hoại, nhưng giá trị tư tưởng, đạo đức mới còn đang trên con đường xác lập, nạn chư hầu chiếm ngôi Thiên tử, đại phu lấn quyền chư hầu, tôi giết vua, con giết cha, em hại anh, vợ lìa chồng,… thường xuyên xảy ra. Các nước chư hầu đua nhau động binh gây chiến tranh thôn tính lẫn nhau hòng làm bá chủ thiên hạ. Do chiến tranh giữa các nước liên tục xảy ra trên quy mô lớn, tích chất tàn khốc của nó đã làm cho đời sống nhân dân ngày càng cùng cực, lòng dân lo sợ, bất an trước thời cuộc. Thực trạng xã hội trên đã đặt ra một loạt những vấn đề bức xúc, buộc các nhà tư tưởng phải quan tâm, lý giải. Trong đó, nổi bật là vấn đề làm thế nào để có thể ổn định trật tự xã hội và giáo hóa đạo đức con người, đưa xã hội từ “loạn” trở thành “trị”, con người từ “vô đạo” trở thành “có đạo”, “bất nhân” trở thành “nhân nghĩa”. Chính trong bối cảnh đó, tư tưởng đạo đức của Khổng Tử đã hình thành và phát triển.

2.1 Phương pháp nêu gương

Đây là phương pháp quản lý cơ bản và quan trọng. Để áp dụng được phương pháp này, bản thân người quân tử - chủ thể không những không được cầu danh, cầu lợi cho riêng mình mà phải luôn xem xét chính mình ở 9 khía cạnh khác nhau:
1- Khi nhìn phải nhìn cho rõ
2- Khi nghe phải nghe cho rõ
3- Sắc mặt phải ôn hòa
4- Tướng mạo phải nghiêm cung
5- Lời nói phải trung thực
6- Khi làm việc phải nghiêm trang
7- Điều gì còn nghi hoặc phải hỏi cho rõ
8- Khi nóng giận phải nghĩ tới hậu quả của nó
9-khi làm việc lợi phải nghĩ đến việc nghĩa
Đức là công cụ trong tư tưởng Khổng Tử. Để sử dụng được tốt công cụ này đòi hỏi phải tu thân để trở thành tấm gương sáng cho mọi người noi theo. Khổng Tử đã nói: “ Như ai thi hành việc chính trị, cầm quyền cai trị đất nước mà biết đem hết cái đức của mình bổ ra thì mọi người đều phục tùng theo. Tỷ như sao Bắc đẩu ở một chỗ mà mọi vì sao chầu theo”.
Để người quân tử có định hướng trong tu thân, rèn luyện mình trở thành tấm gương sáng, Khổng Tử đã viết ra “Cửu Kinh” với các nội dung cơ bản sau:
1- Tu thân
2- Yêu thương họ hàng
3- Kính đại thần
4- Kính người hiền tài
5-Thương yêu công bộc
6-Thương dân như con
7-Khuyến khích nhân tài, thi đua khen thưởng
8- Đón tiếp viễn xứ
9- Che chở các nước chư hầu
Theo ông, đây là con đường rèn luyện bản thân, giữ chính đạo. “Nếu nhà cầm quyền tự mình giữ theo chính đạo thì chẳng đợi ra lệnh dân cũng ăn ở đúng phép. Còn như tự mình chẳng giữ theo chính đạo, dẫu mình có ra lệnh buộc dân theo, họ cũng chẳng theo” .

2.2 Phương pháp giáo hóa

Khổng Tử đề cao phương pháp giáo hóa, phản đối phương pháp dùng mệnh lệnh. Ông đã nói: Nếu cầm quyền chuyên dùng pháp chế, cấm lệnh mà dẫn dắt dân chúng thì dân sợ mà chẳng đã phạm pháp đó thôi… Vậy, muốn dẫn dắt dân chúng, nhà cầm quyền phải biết dùng lễ tiết, đức hạn mà giáo hóa thì họ sẽ tự hổ thẹn mà cảm hóa để trở lên tốt lành”. Ông cũng khuyến khích nhà cầm quyền “ Nên cử, dùng những người tốt lành, tài cán. Còn những kẻ yếu sức nên giáo hóa họ. Như vậy, dân khuyên nhau làm điều lành, vui với điều lành ”.
Ngoài nêu ra hai phương pháp trên, Khổng Tử còn đưa ra các yêu cầu
Mục tiêu của quản lý, cai trị đất nước được Khổng Tử nêu khá rõ trong “Bát chánh đạo” gồm:
1- Lương thực đủ ăn
2- Cuộc sống sung túc
3-Giữ gìn lễ nghĩa phong tục
4- Dân phải có ruộng đất, nhà cửa
5- Coi trọng giáo dục
6- Pháp luật nghiêm
7- Tiếp đón khách nồng hậu
8- Quân sự mạnh
Để đạt được các mục tiêu trên, theo Khổng Tử người cai trị phải thực hiện được những điều căn bản, tiền đề bắt buộc: lương thực dồi dào, quân sự mạnh và lòng tin của nhân dân (thực túc, binh cường, dân tín).
Quan hệ trong cai trị, Khổng Tử đề cao dùng “lễ - nghĩa” coi đây là chuẩn mực ứng xử, những quy định bắt buộc trong xã hội. Khi thực hiện các quan hệ trong xã hội mọi người đều phải tuân theo “lễ” tương ứng với vị trí, vai trò, trách nhiệm của mình thì xã hội mới trật tự, thực hiện được cai trị vương đạo. Theo ông “lễ” có vai trò quan trọng trong việc cai trị vì những lý do sau:
1- quy định danh phận, thứ bậc người trong xã hội
2- có tác dụng điều chỉnh hành vi của con người trong quan hệ ứng xử, “không học lễ, không có gì làm chỗ dựa”
3- có tác dụng hình thành thói quen đạo đức, dần hình thành thói quen trong ứng xử của mỗi người.
Khổng Tử nêu gương trong giữ nghiêm “lễ”: sau khi can gián không thành, ông đã bỏ vua Lỗ Định Công mà đi mặc dù ông đang giữ chức Đại Tư Khấu.
Theo ông, muốn cai trị trước hết phải phải hợp với tự nhiên, “mệnh trời” vì “vạn vật đều có chỗ xác định của nó”. Tương ứng với địa vị cai trị phải có các phẩm chất tương ứng như: nhân, nghĩa, liêm, chính... đồng thời phải sử dụng “lễ“ tương ứng với địa vị đang được đảm nhận – thừa nhận. Với trọng trách của người có vị trí cai trị xã hội “làm vua phải cư xử cho ra vua, tôi cho ra tôi, cha cho ra cha, con cho ra con” . Ông khẳng định: “nếu danh không chính tất loạn, nếu danh chính thì không cần ép buộc dân cũng theo và tất yếu sẽ cai trị xã hội ổn định”. Về chính trị xã hội, một xã hội không loạn lạc cũng là xã hội có trật tự, không lộn xộn. chính vì thế nên ông tổ Nho giáo đã mong ước lập một tổ chức xã hội mà ở đó có trên có dưới phân minh phổ biến thì đó là trật tự địa vị. Danh và phận của mỗi người, trước hết do các mối quan hệ quy định. Theo ông, mỗi cái danh đều bao hàm trách nhiệm và bổn phận mà mỗi cá nhân mang cái danh đó phải có trách nhiệm và bổn phận phù hợp với cái danh đó. Ngoài ra Khổng Tử còn chủ trương dùng thuyết lễ trị để đưa ra cách trị nước an dân.
Nội dung cơ bản của đạo đức của nho giáo chính là luân thường. Có 5 luân cơ bản là: cha - con, vua - tôi, anh - em, vợ - chồng, bè - bạn. Trong đó 3 điều chính là vua tôi, cha con, vợ chồng gọi là tam cương. Đặc biệt quan trọng là quan hệ vua tôi biểu hiện bằng chữ trung, quan hệ cha con được biểu hiện bằng chữ hiếu. Thường có 5 điều chính gọi là ngũ thường đều là những đức tính trời phú cho con người: nhân, nghĩa, lễ, trí, tín. Đứng đầu ngũ thường là nhân nghĩa. Đạo của Khổng Tử trước hết là đạo nhân nghĩa thì nhân là chủ đạo.

3. Đánh giá tư tưởng quản lý của Khổng Tử

Ưu điểm tư tưởng quản lý của Khổng Tử

Tư tưởng của Khổng Tử đã đưa ra được các phương pháp rất cơ bản để giáo dục uốn nắn, điều chỉnh hành vi con người. Hai phương pháp giáo hóa và nêu gương luôn có ý nghĩa và giá trị, nhất là trong bối cảnh đất nước ta đang đẩy mạnh công cuộc phòng chống tham nhũng. Nặng đức, nhẹ hình, khuyến khích người đời tu thân rèn đức theo mẫu người quân tử.
Khổng Tử chủ trương thành lập các trường học hướng tới con đường học hành để mở mang dân trí, rèn luyện đạo đức con người, cải tạo nhân tính. Tư tưởng về giáo dục về thái độ và phương pháp học tập của Khổng Tử chính là bộ phận giàu sức sống nhất trong tư tưởng nho giáo. Theo Khổng Tử, giáo dục là cải tạo nhân tính. Muốn dẫn nhân loại trở về tính gần nhau thì phải chú tâm vào giáo dục vì giáo dục có thể hóa ác thành thiện. “Tu sửa đạo làm người” và “ làm sáng tỏ đức sáng” là mục đích tối cao của giáo dục trong việc cải tạo nhân tính. Ông coi giáo dục không chỉ mở mang nhân tính, tri thức, giải thích vũ trụ mà ông chú trọng tới việc hình thành nhân cách con người, lấy giáo dục để mở mang cả trí, nhân , dũng, cốt dạy con người ta hoàn thành con người đạo lí. Theo Khổng Tử, giáo dục có 3 mục đích chính. Trước hết, học để ứng dụng cho có ích với đời, với xã hội, chứ không phải để làm quan sang, bổng hậu. Thứ hai, học để có nhân cách, học là phải cho mình chứ không phải để khoa trương. Thứ ba, học là nhằm tìm tòi đạo lý. Khổng Tử đã định nghĩa “giáo dục là tu sửa cái đạo làm người”. Ông đã diễn tả lòng mình về đạo lý là “sớm nghe đạo lý, tối chết cũng được”. Phương pháp giáo dục: học một cách đúng lịch trình đúng với điều kiện tâm sinh lí,coi trọng mối quan hệ giữa các khâu của giáo dục: trong việc học, cần tuân thủ học gắn liền với tư, với tập, với hành. Khổng Tử coi giáo dục cho dân đạo lý làm người, tư tưởng “trăm năm trồng người” của Khổng Tử nhằm đào tạo lớp người lấy đức trị là chính. Trong việc dạy học trò, Khổng Tử có trả lời sâu hay nông, cao hay thấp tùy theo khả năng của người hỏi. Khổng Tử nói: “tiên học lễ, hậu học văn” vì học phải đi đôi với hành. Trong giáo dục Khổng Tử coi trọng sự nêu gương của các tầng lớp vua quan và mở trường học cho dân “hữu giáo vô đạo” dạy cho mọi người không phân biệt đẳng cấp là tư tưởng tiến bộ của Khổng Tử.
Điều đáng chú ý trong đạo đức của Khổng Tử là những quan điểm về giáo, sự giáo hóa, cách lập giáo của Khổng Tử là “hiếu-đễ, lễ nhạc”. Tuy nhiên, nội dung của giáo dục không đi vào lao động sản xuất, đấu tranh mà chuyên dạy cách làm người, dạy đạo lý … dùng đạo đức để ổn định trật tự xã hội. Bên cạnh đó, với quan điểm “nặng đức, nhẹ hình” nên chú trọng đến đạo đức “đức trị”, xem nhẹ luật pháp. Quan điểm Đức trị bắt đầu từ Khổng Tử và được quán triệt trong lịch sử nhiều nước phương Đông hàng nghìn năm nay tại Trung Quốc, Việt Nam, Nhật bản, Triều Tiên…
Khổng Tử đưa ra được một số kỹ thuật, phương pháp để nhận diện người quân tử, kỷ tiểu nhân, người tốt, người xấu...thông qua các tiêu chí của người quân tử: đối với nam giới phải tam cương ngũ thường; đối với nữ giới phải tam tòng tứ đức. Các tiêu chí đó như là điều kiện để uốn nắn các hành vi của con người, hướng con người đến những chuẩn mực của xã hội. Đó chính là tư tưởng nhân sinh. Khổng Tử vốn quy giá trị nhân sinh thành giá trị xã hội, cho rằng con người phải có trách nhiệm nhất định đối với gia đình, xã hội, đất nước và cả thế giới, đó là lí tưởng cuộc đời và lẽ sống của mỗi người. Mặt khác, Khổng Tử cũng đồng thời quy giá trị nhân sinh vào giá trị đạo đức, mà giá trị đạo đức của Khổng Tử là lấy hiếu thân (hiếu với cha mẹ) làm nền tảng - trung với nước cũng suy từ hiếu với cha mẹ mà ra. Đối với con người đạo là con đường đúng đắn phải noi theo để xây dựng quan hệ lành mạnh, tốt đẹp. Đạo của người theo quan điểm của Khổng Tử là phải phù hợp với tình người do con người lập nên. Khổng Tử chủ trương cải tạo xã hội bằng đạo đức. Những tư tưởng của Khổng Tử có tác dụng rất tích cực đến công cuộc xây dựng chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam
Một số tư tưởng của Khổng Tử vẫn còn nguyên giá trị cho đến ngày nay. Tư tưởng Khổng Tử có giá trị nhân đạo, nhân văn, đề cao giá trị mỗi cá nhân con người với đường lối đức trị lấy nhân nghĩa làm gốc, coi trọng vai trò của con người.
Khổng Tử nhấn mạnh giá trị đạo đức, đó là sự tu dưỡng đạo đức cá nhân biểu hiện qua “Tam cương Ngũ thường” . Đó là những chuẩn mực đạo đức nhằm định hướng và hoàn thiện nhân cách con người. Mẫu người lý tưởng của Khổng Tử là người quân tử - giữ đạo trung dung cũng là thực hiện chính danh, rèn luyện đạt đạo trung dung cũng là rèn luyện để đạt nhân, nghĩa, lễ, trí, tín. Tuy nhiên, người quân tử của Khổng giáo đã tách khỏi cuộc sống đời thường, hết sức coi thường những nhu cầu rất bản năng nhưng rất chính đáng của con người.
Phải nói rằng triết học của Khổng Tử đã trở thành học thuyết lớn của triết học phương Đông cổ đại. Đạo đức học của Khổng Tử đã cho con người thấy ý nghĩa và giá trị đời sống thực, thấy trách nhiệm của mình trước cộng đồng và hướng con người tìm thấy sức mạnh đạo đức ngay ở bản thân mình.
Một trong những tư tưởng tiến bộ của Khổng Tử trong quản lý là nhà quản lý được lựa chọn, đề bạt, bổ nhiệm dựa trên năng lực và phẩm chất đạo đức cá nhân, không hoàn toàn phụ thuộc vào huyết thống và giai cấp. Đức trị tích cực tiêu diệt tận gốc cái ác, thực hiện chặt đứt gốc rễ, giải quyết vấn đề từ căn bản. Quản lý mang tính chiến thuật, có hiệu quả trong thời gian dài.

Những hạn chế trong tư tưởng quản lý của Khổng Tử

Cũng như mọi triết lý khác, không có gì là hoàn hảo, tư tưởng của Khổng tử còn tồn tại một số tư tưởng nghiêm khắc, bảo thủ khi đặt nặng con người trong các mối quan hệ “tam cương, ngũ thường”. Các mối quan hệ này phản ánh tính chất hai mặt của một vấn đề, bên cạnh việc các gia đình được củng cố mối quan hệ, trật tự xã hội được duy trì - ổn định thì nó còn cho thấy sự cứng nhắc, khô khan, mâu thuẫn, bất bình đẳng đối với người phụ nữ, với những người kẻ dưới. Dựa vào tư tưởng của Khổng Tử chế độ phong kiến duy trì và củng cố quyền lực để cai trị xã hội ổn định. Trải qua hàng nghìn năm, xã hội phong kiến tồn tại được là do lấy tư tưởng của Khổng Tử làm cơ sở lý luận. Đây cũng chính là chế độ ngày nay đã loại bỏ chế độ phong kiến.
Nội dung thuyết Đức trị có hạn chế là vị thế và vai trò của pháp chế và lợi ích kinh tế đối với xã hội không được coi trọng. Trường phái tư tưởng của Khổng Tử chỉ đề ra nguyên lý, không cụ thể hóa thành thao tác và quy trình. Một số phương pháp ảo tưởng, không thực tế và có phần duy tâm. Đức trị dựa vào giáo hóa, dựa vào tư tưởng để giải quyết vấn đề. Như vậy hiệu quả sẽ nhìn thấy chậm. Nhất là hình thành đạo đức nếp sống lý tưởng, xây dựng quan niệm giá trị chung thì mất thời gian, quyết không thể một sớm, một chiều.
Tư tưởng có sự phân biệt đối xử giữa nam và nữ trong cuộc sống cũng như trong công việc. Chính tư tưởng của Nho giáo đã tạo ra sự phân biệt và hình thành tư tưởng “trọng nam khinh nữ” một cách khắc nghiệt. Trong cuốn “Luận ngữ” chỉ có một lần duy nhất Khổng Tử nhắc đến người phụ nữ. Ông nói: “Duy chỉ có phụ nữ và tiểu nhân là khó giáo dưỡng. Gần thì họ khinh nhờn, vô lễ, xã thì họ oán hận”. Theo quan điểm đó Khổng Tử xếp phụ nữ cùng một hạng với bọn tiểu nhân, khó có thể nuôi dưỡng hay dạy dỗ được. Chính vì vậy, Khổng Tử đã khuyên học trò: Người làm nho Quân tử, đừng làm nho tiểu nhân, nhiều người sau này cho rằng Khổng Tử có ý kỳ thị, thành kiến với phụ nữ. Tuy nhiên, vấn đề này cũng có lý do riêng do lịch sử thời thế sinh thời, hoàn cảnh nhân.
Tuy xem trọng giáo dục, nhưng trong tư tưởng của ông vẫn còn thể hiện rõ nét lập trường bảo thủ về xã hội và duy tâm triết học. Ông xem “Trời – mệnh trời” có một sức mạnh vô biên chi phối trần gian, cho thấy rằng tuy trong ông đã có mầm mống tư tưởng duy vật nhưng còn bị hạn chế do điều kiện xã hội lúc bấy giờ.
Tư tưởng về lễ trong quan niệm của đạo Nho là sợi dây ràng buộc con người làm cho suy nghĩ và hành động của con người trở nên cứng nhắc theo một khuôn phép cũ, lễ đã kìm hãm sự phát triển của xã hội, làm cho xã hội trì trệ.
Điều này nói lên rằng, tư tưởng Nho giáo mang tính bảo thủ, tiêu cực, phản lịch sử. Khổng Tử đã từng nói: “ Ta theo lễ của nhà Chu vì lễ đó rực rỡ lắm thay” và ông luôn mong xã hội lúc đó quay về thời đại Nghiêu, Thuấn. Khách quan mà đánh giá, thì hạn chế trên của Nho giáo có nguyên nhân từ thực tế lịch sử. Bởi vì, Khổng Tử sống trong thời đại xã hội loạn lạc, người ta tranh giành nhau, chém giết nhau không từ một thủ đoạn tàn ác nào để tranh bá, tranh vương, để có bổng lộc chức tước. Ông hoài cổ, muốn quay ngược bánh xe lịch sử cũng là điều dễ hiểu. Tuy nhiên, chính mặt hạn chế này của Nho giáo đã để lại tàn dư cho đến tận ngày nay, nó trở thành phong tục, lối sống, nó thấm sâu vào suy nghĩ và hành động của không ít người ở các nước phương Đông, nơi tiếp nhận và chịu ảnh hưởng của Nho giáo.

4. Kết luận

Khổng Tử chủ trương trị người bằng đức là chính, nghĩa là để thu phục và dẫn dắt người khác, tự mình học tập và tu dưỡng để có được những đức tính cần thiết, chẳng hạn như: nhân, nghĩa, trí, tín, dũng, liêm… Trong đó, đức nhân được đặt lên hàng đầu và là trung tâm: vì con người và từ con người. Khổng Tử coi nhân là gốc, lễ là ngọn, nhân là mục tiêu, còn lễ là chính sách. Để thực thi được đạo lý và mục tiêu, Khổng Tử chủ trương sử dụng phương thức chính danh . Khổng Tử cho rằng chỉ có một số ít người có năng lực đặc biệt và có nhân cách đặc biệt mới có thể hiểu và thực hành được công việc quản trị vì vậy, học thuyết của ông đề xướng thường tồn tại dưới dạng các nguyên lý, nguyên tắc. Ông chủ trương: “đã chỉ cho một góc rồi mà không suy ra ba góc còn lại thì không dạy nữa”, hoặc là “ôn cũ, biết mới”… Tuy còn hạn chế về cách triển khai, sự bình đẳng nhân quyền và tập trung tín ngưỡng thì so với người cùng thời thì tư tưởng của ông thật sự mới mẻ và tư tưởng ấy đã sắp xếp lại trật tự xã hội phong kiến.