Trả lời bởi Ken Saladin- Giáo sư Sinh học danh dự
Nếu bạn nhìn vào xương chậu của con người so với xương chậu của loài động vật có vú khác, chúng ta có nhiều hình dạng giống như “cái chậu” hoặc “cái bồn” hơn. Hình ảnh dưới đây cho thấy đường viền đầu của trẻ sơ sinh có màu đen so với hình dạng và kích thước xương chậu ở người và loài linh trưởng khác. Điều này có thể cho bạn một ý niệm về lý do tại sao sinh con lại mang đau đớn cho con người chúng ta, còn với các loài linh trưởng khác thì không.
Màu đen: cái đầu của trẻ sơ sinh. Vòng tròn: khung xương chậu
Nhưng sau đó, câu hỏi tiếp theo là, tại sao xương chậu của con người lại hình như vậy? Tại sao “khung cửa” đó không rộng hơn, để cho phép sinh con dễ dàng hơn và thoải mái hơn? Câu trả lời cho điều này liên quan đến sự vận động thẳng đứng của con người, và việc này có hai khía cạnh: hỗ trợ cho nội tạng và vận động.
Trước hết, ở động vật như tinh tinh hoặc khỉ đột, đi trên bốn chân, trọng lượng của các cơ quan trong bụng được hỗ trợ bởi bức tường cơ bắp ba lớp mạnh mẽ của bụng. Nhưng nếu ta bắt con linh trưởng đó đứng thẳng, thì sức nặng của mớ nội tạng đó sẽ rơi ngay xuống xương chậu. Vì vậy sẽ cần thêm một sự hỗ trợ mới để đỡ được sức nặng của mớ nội tạng trong bụng; nếu không chúng ta sẽ có một vấn đề lớn hơn nhiều, ví dụ như đường ruột rơi tuột xuyên qua cả xương chậu. Đường ruột của con người chúng ta cần có gì đó để đỡ.

Vì vậy, đồng thời với sự tiến hóa của tư thế đứng thẳng, sàn xương chậu - đáy xương chậu - quay ngược vào bên trong để hỗ trợ nâng đỡ nội tạng tốt hơn và tăng cường cơ bắp của sàn chậu chứa bộ lòng nặng và cồng kềnh của con người. Bây giờ, nhìn từ bên trong, sàn chậu của chúng ta trông như thế này. Chú ý rằng ngay cả xương cụt, “xương cụt” của chúng ta sẽ hướng vào bên trong để hỗ trợ nâng đỡ. (Đúng vậy, xương cụt có vẻ như là một “di tích” cổ của cái đuôi mà chúng ta đã rũ bỏ, nhưng không hề “vô dụng” tí nào!).

Lý do thứ hai cho việc tu sửa xương chậu này là vận động: nó cho phép các xương đùi hướng vào trong để đầu gối rơi xuống dưới trọng tâm của cơ thể, vì sự so sánh này của tinh tinh (trái) và người (phải) trong minh họa dưới đây. Điều này cho phép con người đứng thẳng thoải mái trong thời gian dài, đi bộ hai chân dễ dàng hơn so với các loài linh trưởng khác, và có lẽ quan trọng nhất là việc này giúp con người chạy đường dài hiệu quả.

Tuy nhiên, tất cả việc tu sửa xương chậu này đã tạo ra vấn đề trong sinh con mà câu hỏi của chủ thớt đặt ra. Đầu của trẻ sơ sinh sẽ bị siết chặt qua khe cửa hẹp hơn, đặc biệt khi các loài họ người tiến hóa, bộ não và xương sọ trở nên lớn hơn, điều này làm áp lực lên quá trình tiến hóa, khiến họ người sinh con sớm hơn, trước khi xương sọ hoàn toàn phát triển và làm hộp sọ trở nên quá cứng. Hộp sọ phải có khả năng biến dạng méo mó một chút để vắt qua cổ tử cung (một thuật ngữ có nghĩa là sự kết hợp của khe hở vùng chậu, cơ vùng chậu và âm đạo).
Do đó, trẻ sơ sinh của loài người được sinh ra ở một trạng thái kém trưởng thành hơn so với trẻ sơ sinh của loài vượn lớn và nhiều động vật có vú khác từ mèo đến gia súc. Sự non nớt này được nhìn thấy đặc biệt là ở trạng thái của hệ thần kinh lúc sinh. Trẻ sơ sinh của loài người, không giống như nhiều trẻ sơ sinh loài khác, không thể ngồi dậy, đứng dậy, đi bộ, ôm lấy các bà mẹ của họ (như một con khỉ con hay tinh tinh), hoặc thậm chí giữ những thứ trong tay. Đây là một mức giá chúng ta phải trả đổi lấy sự vận động hai chân linh hoạt; sinh đẻ là đau đớn và trẻ sơ sinh của loài người rất cần sự chăm sóc của cả cha và mẹ nhiều hơn nhiều so với những động vật linh trưởng khác.
Điều đó cũng tiếp tục ủng hộ sự tiến hóa trong mối liên kết cặp đôi lâu dài giữa những người bạn đời. Sự chăm sóc của cả cha lẫn mẹ là vô cùng cần thiết cho sự sống còn của con người. Một phần nào ảnh hưởng tự sự tiến hóa xương chậu này, loài người tiến hóa đến sự liên kết cặp đôi nhiều năm hơn và một mức độ lớn hơn (mặc dù chưa hoàn hảo) so với các loài linh trưởng khác.
Tóm lại, vì những lợi thế của việc đi bằng hai chân và đứng thẳng thắng được nhược điểm của sự đau đớn khi sinh đẻ và sự bất lực do đẻ sớm của trẻ sơ sinh, mọi cái giá phải trả đều đáng đồng tiền bát gạo. Đau đớn khi sinh đẻ là một trong những cái giá nhỏ loài người chúng ta phải trả cho sự tiến bộ của văn hóa và văn minh giống loài.

Bài dịch của Long Ng tại group Quora Việt Nam.