B. F. Skinner – Thuyết nhân cách hành vi
1. Tiểu sử Burrhus Frederic Skinner sinh ngày 20 tháng 3 năm 1904 tại một phố nhỏ tên Susquehanna của tiểu bang Pennsylvania, Hoa...
1. Tiểu sử
Burrhus Frederic Skinner sinh ngày 20 tháng 3 năm 1904 tại một phố nhỏ tên Susquehanna của tiểu bang Pennsylvania, Hoa Kỳ. Cha của ông là một luật sư và mẹ là một người nội trợ rất thông minh. Ông được nuôi dưỡng theo lối truyền thống và cả nhà làm việc rất chăm chỉ cần cù.
Burrhus là một đứa trẻ hiếu động, rất thích chạy nhảy và giao du khắp nơi. Ông xây dựng đủ thứ, rất hứng thú với việc đến trường học. Tuy nhiên cuộc sống không phải là êm đềm mãi với cậu bé. Cụ thể là anh trai của cậu bé chết ở lứa tuổi 16 vì chứng phình mạch máu não.
Burthus tốt nghiệp Cử nhân Anh văn (BA. in English) với trường Đại học Hamilton bắc New York. Ông không thích môi trường sinh viên ở đây và không thể hội nhập vui vẻ được. Ông ít tham gia tiệc tùng và những tổ chức sinh viên của trường. Ông từng tham gia viết báo cho trường và chỉ trích về các chính sách của trường học, về Ban giáo sư, và về Hội sinh viên Phi Beta Kappa. Càng tệ hơn, chàng sinh viên trẻ ấy là người vô thần và nhà trường thì bắt buộc tất cả các sinh viên phải đi dự lễ nhà thờ hàng ngày (!)
Ông muốn viết văn và đã cố thử qua. Ông đã gửi đi nhiều bài thơ và truyện ngắn. Sau khi tốt nghiệp, ông đã dọn về nhà cha mẹ, thu dọn một căn gác xép để tập trung vào việc viết lách, nhưng sự nghiệp viết lách của ông chẳng đi đến đâu cả. Sau cùng ông chấp nhận viết về mảng các vấn đề lao động cho một tờ báo. Sau đó ông sống một thời gian ngắn ở Greenwich Village, gần thành phố New York như một tay du mục lãng tử. Sau một thời gian du lịch, ông quyết định đi học tiếp, lần này học ở Đại học Harvard. Ông tốt nghiệp thạc sĩ tâm lý năm 1930, tiến sĩ năm 1931, và ở lại trường làm công tác nghiên cứu cho đến năm 1936.
Vào cùng năm đó, ông đến dạy ở trường Đại học Tiểu bang Minnesota, ở đó ông gặp gỡ và cưới Yvonne Blue. Họ có với nhau 2 con gái, trong đó cô con gái thứ hai trở thành nổi tiếng vì là đứa trẻ đầu tiên lớn lên trong phát minh của ông. Đấy là một cái nôi đệm không khí, một sản phẩm có thành làm bằng kiếng và có điều hòa không khí, nhìn rất giống một cái hồ nuôi cá.
Năm 1945, ông trở thành Chủ tịch ban Tâm lý trường Đại học Indiana. Vào năm 1948, ông được mời đến Đại học Harvard, ở đó ông dạy cho đến khi cuối đời. Ông là một người rất năng động, tham gia nhiều cuộc nghiên cứu và hướng dẫn hàng trăm nghiên cứu sinh bậc tiến sĩ. Ông còn viết rất nhiều sách nữa. Tuy không thành công về mặt văn chương, ông trở thành một nhà viết sách tâm lý nổi tiếng, bao gồm cả cuốn Walden II, vốn là một cuốn sách viết về những chủ thuyết hành vi của ông dưới dạng tiểu thuyết.
Ngày 18 tháng 8 năm 1990, B. F. Skinner từ trần bởi bệnh ung thư bạch cầu. Ông là nhà tâm lý học nổi danh nhất kể từ thời của Freud Sigmund.
2. Học thuyết của B. F. Skinner
Toàn bộ học thuyết của B. F. Skinner dựa trên nguyên lý vận hành có điều kiện. Các sinh thể luôn luôn ở trạng thái vận hành trong môi trường sống của mình, nói khác đi các sinh thể không ngừng vận động và di chuyển, thực hiện những việc cần phải làm. Trong quá trình vận hành có chủ ý này, những sinh thể tiếp cận có chú ý nhiều hơn với những kích thích đặc biệt có ảnh hưởng đến những vận hành ấy. Những kích thích này được gọi là kích thích củng cố đơn giản hơn đấy là một tác nhân củng cố. Kích thích củng cố có nhiệm vụ thúc đẩy số lần của một vận hành nhất định tăng lên trong tương lai. Nghĩa là một hành vi sẽ xảy ra nhiều hơn sau khi sinh thể tiếp cận với nguồn kích thích có lợi. Đây là quá trình vận hành phản xạ có điều kiện: Một hành vi tạo ra một kết quả, và kết quả ấy sẽ thuyết phục sinh thể để tạo ra một xu hướng lặp lại những hành vi ấy trong tương lai.
Thí nghiệm của Skinner được kể lại như sau: Một con chuột được thả vào một cái hộp có một nút nhỏ đặt bên trong. Khi chuột ấn nút xuống, thức ăn sẽ rơi xuống. Ban đầu con chuột chạy khắp nơi trong hộp và vô tình một lần đạp phải cái nút nhỏ và phát hiện ra thức ăn rớt xuống. Lối vận hành, là hành vi xảy ra ngay sau khi có tác nhân củng cố, trong trường hợp này tác nhân củng cố là thức ăn. Tất nhiên sau đó chuột liên tục đạp vào nút và hăm hở mang thức ăn rớt xuống xếp vào một góc hộp.
Sau đó ông kết luận: Một hành vi khi có sự xuất hiện của kích thích tác nhân củng cố - là thức ăn sẽ tạo một kết quả là khả năng xảy ra của hành vi ấy và sẽ diễn ra thường xuyên hơn trong tương lai.
Khi chuột không được cho thức ăn mỗi khi đạp vào nút, sau vài lần cố gắng, chuột sẽ ngừng hành vi đạp vào nút. Đây là quá trình triệt tiêu (hay còn gọi là quá trình quên) hành vi đạp nút của chuột (extinction of the operant behavior).
Ông kết luận rằng: Một hành vi không có sự xuất hiện của tác nhân củng cố (là thức ăn) sẽ tạo ra một kết quả là khả năng xảy ra (probability) của hành vi (đạp nút) sẽ giảm đi trong tương lai.
Sau đó thức ăn lại được cung cấp, chuột đạp vào nút và nhận được thức ăn, hành vi của chuột chợt trở về thật nhanh, mau hơn lần đầu tiên chuột vô tình phát hiện ra thức ăn. Đơn giản là tác nhân củng cố (reinforcer) đã thiết lập một lịch trình củng cố trong quá khứ và đây là một quá trình gợi nhớ.
3. Lịch áp dụng củng cố
Skinner rất thích kể về chuyện một lần ông tình cờ chứng kiến một khám phá mới mẻ. Lần ấy ông gần hết thức ăn trong lúc làm thí nghiệm với lũ chuột nên phải tự chế thức ăn cho chuột. Điều này đã làm chậm hẳn tiến độ thí nghiệm bình thường. Vì thế Skinner quyết định giảm thiểu số lần kích thích củng cố những thí nghiệm phản xạ có điều kiện với chuột. Ông nhận ra chuột vẫn tận tụy với những hành vi đạp nút của mình một cách không thay đổi. Điều này đã giúp ông thiết lập lịch củng cố trong những thí nghiệm của mình sau này. Dưới đây là những lịch củng cố mà Skinner đã thiết lập được.
– Củng cố liên tục là hoạt cảnh đầu tiên: mỗi lần chuột đạp vào nút sẽ được thưởng thức ăn.
– Lịch tỷ lệ số lần cố định: là lịch củng cố đầu tiên Skinner phát hiện ra: Nếu chuột đạp nút 3 lần mới được thưởng. Hoặc 5 lần, hoặc (n) lần, sẽ tạo ra một tỷ lệ số lần đạp nút và được thức ăn là: (3:1], [5.1] và [n:1], một mô thức khoán sản phẩm. Ví dụ như may gia công sản phẩm: may 3 cái áo gối được trả 1 ngàn đồng.
– Lịch khoảng cách thời gian cố định: sử dụng thời gian như một công cụ trong việc hình thành hiệu ứng phản xạ có điều kiện. Chẳng hạn trong một khoảng thời gian nhất định (ví dụ cứ 20 giây) chuột phải đạp nút ít nhất là 1 lần mới có thưởng. Nếu không đạp nút sẽ không có thưởng. Ông phát hiện ra thuật học khá nhanh, rất chậm rãi trong việc đạp nút lúc đầu, và chỉ hăng hái khi thời gian điểm hẹn được thưởng (reinforcer) đang đến gần.
– Lịch tỷ lệ số lần thay đổi: chuột phải trải qua những thay đổi số lần đạp nút để có thưởng. Chẳng hạn lúc thì cứ đạp 3 lần mới có thưởng, rồi có khi 7 lần, 1 lần, 5 lần, 2 lần, (n) lần mới được thức ăn. Rõ ràng là thí nghiệm này khiến chuột rất bối rối.
– Lịch khoảng cách thời gian thay đổi: Chuột trải qua những lần thí nghiệm, thay đổi ở đây không phải về số lần đạp, mà là thay đổi về khoảng thời gian có thưởng. Nghĩa là chuột cứ phải đạp ít nhất một lần trong khoảng thời gian. Có lúc là cứ 10 giây, cứ 15 giây, cứ mỗi (n) giây phải đạp 1 lần mới có thưởng.
Với lịch thay đổi (tỷ lệ số lần và khoảng cách thời gian), chuột không còn giữ nhịp độ đạp nút nữa vì chuột đã không tạo ra được một liên hệ có tính chu kỳ giữa hành vi (đạp nút) và phần thưởng (thức ăn). Tuy nhiên một khám phá quan trọng là với hai lịch thay đổi trên, một hành vi có điều kiện khi được thiết lập sẽ nhớ rất lâu. Vì sao? Vì chuột nghĩ rằng sau nhiều lần đạp nút mà chẳng có thưởng, vậy có thể cái đạp nút sau cùng là cái đạp nút gây ấn tượng nhất. Giống như nơi người ta vẫn nghe nói: Miếng ngon nhớ lâu.
Điều này theo Skinner giống như ở chiến lược đánh bài nơi người. Chuột tuy không trúng thưởng thường xuyên nhưng chúng biết mình sẽ được trúng thưởng nếu khi chuột không bỏ cuộc. Và như thế chuột sẽ tiếp tục đạp nút. Cũng thế, người đánh bài hoặc chơi cờ luôn tin rằng ván tới họ sẽ thắng.
4. Tạo nếp
Một vấn đề được nhiều người đặt ra tại sao con người có những thói quen hành vi phức tạp. Skinner đã đưa ra một đề nghị khái niệm quá trình tạo nếp, hay là phương pháp liên tục phỏng đoán. Về căn bản, quá trình tạo nếp nơi người liên quan đến việc định hình một hành vi chưa được xác định trước đó. Khi biết rõ điều mình thích, cá nhân sẽ tìm những hình thái vận hành để đạt được điều mình thích nhất. Nơi động vật những hành vi ấy thể hiện rất rõ Skinner và học trò của ông đã dạy các thú vật có những hành vi thường không xảy ra trong cuộc sống hàng ngày tự nhiên của chúng. Chẳng hạn như chuyện chim bồ câu vì muốn có thưởng đã biết chơi banh bowling.
C. George Boeree (2006) đã kể lại một kinh nghiệm của mình khi ông có cô con gái khoảng 3 – 4 tuổi rất sợ đi cầu tuột. Ông đã tập cho con bằng cách đặt bé ngay dưới bệ cầu tuột rồi động viên em nhảy xuống. Em nhảy xuống và ông vỗ tay khen em thật nhiệt tình. Sau đó ông cứ từ từ nhích cao hơn lên, nếu bé sợ, thì ông ngưng lại. Mãi cuối cùng ông đã đặt được con lên đỉnh cầu tuột để bé tự thả mình xuống như bao trẻ em khác. Tuy nhiên ông kể rằng con gái vẫn không thể tự leo thang cầu tuột được. Sau đó ông phải ngừng huấn luyện con vì ông là một ông bố quá bận rộn.
Đây là một cách được áp dụng rất phổ biến trong môi trường trị liệu gọi là phương pháp triệt tiêu cảm thụ hay còn gọi là tẩy xóa cảm giác từ từ, được phát minh bởi nhà tâm lý hành vi Joseph Wolpe. Ví dụ với một người rất sợ nhện được giới thiệu nhưng hoạt cảnh có liên quan đến nhện qua những mức độ từ cấp độ gián tiếp nhẹ nhàng đến cấp độ trực tiếp mạnh mẽ. Có thể ban đầu là chỉ nói chuyện về nhện, sau đó là nhện giả, nhện qua hình vẽ, tranh ảnh. Sau đó thân chủ sẽ tiếp cận một con nhện nhỏ, nhìn từ xa, dần dần nhìn con nhện to hơn, đứng gần hơn, sau đó nâng cấp đến mức cá nhân có thể cầm được con nhện lên và quan sát chúng.
Nhà trị liệu trong quá trình nâng cấp cường độ tác nhân gây sợ. Sẽ huấn luyện thân chủ những kỹ năng thư giãn cơ bắp, một trạng thái sinh lý bình thản đối nghịch với trạng thái sinh lý lo lắng. Sau vài ngày thân chủ tập luyện và thành thục kỹ năng thư giãn cơ bắp sẽ quay trở lại gặp nhà trị liệu. Quá trình tẩy xóa cảm giác được áp dụng từ nhẹ đến nặng. Nếu cần thiết, thân chủ có thể được giải lao. Chậm nhưng chắc chắn, thân chủ sẽ áp dụng tập luyện cho đến khi tác nhân gây sợ không còn ảnh hưởng mạnh mẽ lên thân thủ nữa.
Đây chỉ là một ví dụ tương đối đơn giản, trên thực tế quá trình tạo nếp thật ra còn có tác động lên những hành vi khác phức tạp hơn rất nhiều của con người. Ví dụ một bác sĩ giải phẫu não. Anh ta không chỉ thi đậu vào một trường Đại học y khoa dạy phẫu thuật, để rồi sau đó cưa xương hộp sọ của người khác, và rồi anh ta được trả lương cao, được mọi người kính trọng. Trên thực tế anh ta đã trải qua một quá trình tạo nếp lâu dài từ khi còn trẻ, qua những điều anh ta thích thú trong môi trường sống. Anh ta yêu thích nghề này từ khi còn bé, anh phải học thật tốt các môn khoa học tự nhiên, và rồi đậu Đại học Y dược, phải trải qua huấn luyện, với cả những động viên từ gia đình nữa.
5. Những kích thích khó chịu
Một kích thích khó chịu là kích thích trái ngược hẳn với kích thích củng cố. Như tên gọi, kích thích khó chịu gây ra cảm giác khó chịu và đau đớn cho một cá nhân.
Kết quả: một hành vi sau khi tiếp cận một kích thích khó chịu thường dẫn đến kết quả giảm khả năng xảy ra của một hành vi trong tương lai.
Kích thích khó chịu là hình thức tạo ra hiệu ứng phản xạ có điều kiện trên mô thức hình phạt. Nếu dí điện vào chuột khi chúng đến một góc hộp, chuột sẽ né tránh đến góc hộp ấy. Ví dụ cha mẹ phát vào mông khi em bé ném đồ chơi, sau vài lần như vậy, em có khuynh hướng thôi không ném đồ chơi nữa.
Nếu ta ngừng việc dí điện, chuột sẽ đến góc hộp mà trước đó vẫn hay bị dí điện thường xuyên vì đã quên cảm giác đau. Nếu cha mẹ thôi không phát vào mông nữa, em bé sẽ quay trở lại hành vi thích ném đồ chơi trước đó. Đây là quá trình củng cố tiêu cực (negative reinforcement) khi kích thích khó chịu được cất bỏ đi sẽ kéo theo một hành vi nào đó được tăng lên. Ví dụ các tù nhân sẽ lao động chăm chỉ hơn để khỏi bị phạt. Bị phạt ở đây là những kích thích khó chịu. Và hành vi được tăng lên là tù nhân sẽ lao động chăm chỉ hơn.
Kết luận: Các hành vi có khả năng xảy ra trong tương lai cao hơn, khi các kích thích khó chịu được hủy bỏ.
Skinner phản đối việc sử dụng kích thích khó chịu mà một số nhà trị liệu thuộc nhóm học thuyết hành vi thường áp dụng. Chẳng hạn như áp dụng hình phạt lên những hành vi tiêu cực. Ông không quan trọng lắm về vấn đề đạo đức học mà đơn giản là vì áp dụng biện pháp này thường không hoạt động hữu hiệu lắm.
Ví dụ em bé ném đồ chơi, tuy hành vi phạt em (bằng cách phát vào mông) có thể cản ngăn việc em ném đồ thơi trong khi cha mẹ có mặt, nhưng sau lưng cha mẹ thì em sẽ vẫn ném đồ chơi vì đây là điều em thích thú. Nếu phạt em, em sẽ rơi vào lịch củng cố thay đổi và như thế em sẽ nhớ đến việc ném đồ chơi lén sau lưng cha mẹ lâu hơn. Cuối cùng, em chỉ ngừng ném đồ chơi vì sợ mình bị phát giác chứ không phải vì tự giác bỏ thói quen này.
6. Điều chỉnh lại hành vi
Điều chỉnh lại hành vi được áp dụng trong liệu pháp của Skinner một cách rất phổ thông. Tương đối đơn giản, cách này là dập tắt một hành vi cần bỏ bằng cách cất bỏ đi những tác nhân củng cố tiêu cực và thay thế bằng những tác nhân củng cố tích cực để xây dựng một hành vi mới lành mạnh hơn. Lối điều chỉnh hành vi dược áp dụng trong nhiều lĩnh vực như chữa trị người nghiện, loạn thần kinh, xấu hổ thái quá, né tránh xã hội, và bệnh tâm thần phân liệt. Đây là liệu pháp rất có hiệu quả đối với trẻ em. Những áp dụng của ông đã khiến những bệnh nhân tâm thần có thể tự thay quần áo, sử dụng muỗng, dao khi ăn, tắm rửa và vệ sinh cá nhân trên mô thức phản xạ có điều kiện.
Một điểm nổi bật của mô hình điều chỉnh hành vi là tặng thưởng có giá trị kinh tế (token economy). Đây là quá trình được sử dụng chủ yếu trong các trung tâm tâm thần, các trại cải tạo, và những trung tâm cải huấn trẻ em có vấn đề. Những chính sách khen thưởng cụ thể là những tặng thưởng kinh tế, chẳng hạn như thẻ chứng nhận tiến bộ, các thẻ lao động chăm chỉ, thẻ phấn đấu tốt hoặc những phiếu ghi nhận tích cực, thưởng cho những thành viên có biểu hiện tốt. Nếu các đối tượng có những hành vi tiêu cực sẽ dẫn đến việc bị lấy đi những tặng thưởng kinh tế nói trên.
Những tặng thưởng kinh tế của các thành viên sẽ được chuyển đổi thành những phẩm vật có giá trị sử dụng như kẹo bánh, thuốc lá, sách báo, tem thư, hay thẻ điện thoại liên lạc với bên ngoài. Hoặc những tặng thưởng kinh tế có thể được quy ra thành những hình thức chế độ ưu đãi như được nghỉ lao động, được tăng số lần thăm nuôi… Cách áp dụng này đã được chứng minh là rất có hiệu quả.
Tuy nhiên có một điểm yếu của tặng thưởng kinh tế làm những phạm nhân sau khi trở về với môi trường đời sống khắc nghiệt cám dỗ trước đó sẽ quên đi khía cạnh tích cực này. Các thành viên sẽ thường trở về với những hành vi cũ. Như thế ta có thể kết luận là tặng thưởng kinh tế không có tác động tích cực lâu dài. Vì khi các cá nhân trở về đời sống cũ, hệ thống những tặng thưởng kinh tế ấy hoàn toàn không tồn tại. Và họ sẽ ứng xử bởi sự giật dây của môi trường sống.
7. Cuốn sách mang tên Walden II
Skinner bắt đầu cuộc đời sự nghiệp của mình với việc dạy tiếng Anh, viết truyện ngắn và làm thơ. Dĩ nhiên là ông đã viết rất nhiều sách và các bài báo về thuyết hành vi. Nhưng ông được nhớ đến nhiều nhất trong sự nghiệp cầm bút của mình qua tác phẩm Walden II khi ông mô tả về một mô hình cộng đồng thế giới đại đồng trong việc giới thiệu những nguyên lý vận hành trong học thuyết của mình.
Nhiều người nặng về tôn giáo đã chỉ trích cuốn sách này của ông. Họ cho rằng những tư tưởng của ông đã lấy đi sự tự do và phẩm cách của con người. Ông đã phản ứng lại bằng một tác phẩm khác có tên Đằng Sau Tự Do Và Phẩm Cách. Trong tác phẩm này ông đã đặt câu hỏi: Chúng ta đã có ngụ ý gì khi chúng ta nói mình muốn được tự do. Phải chăng chúng ta thường ước muốn sống trong một xã hội không hề bị xử phạt. Chúng ta không muốn bị kết án bởi những điều chúng ta muốn làm. Nếu như kích thích khó chịu không đạt hiệu quả. Vậy thì tại sao chúng ta không áp dụng củng cố tích cực để kiểm soát xã hội chúng ta đang sống. Và nếu chúng ta có những giá trị củng cố đúng đắn, chúng ta sẽ trở thành tự do, vì chúng ta đã được làm những gì chúng ta cảm thấy muốn làm, chứ không chỉ là muốn làm.
Giống như khái niệm phẩm cách, khi ta nói: Cô ấy đã nằm xuống như một người có phẩm cách. Chúng ta đã có ngụ ý gì khi nói thế! Phải chăng chúng ta muốn nói rằng cô ấy đã sống đàng hoàng, không có bất cứ một tì vết nào và chẳng có bất cứ một động cơ mờ ám nào. Thực ra, theo Skinner chính những củng cố tích cực đã giúp cô ấy sống một cuộc đời có phẩm cách.
8. Kết luận
Theo ông, kẻ xấu làm việc xấu vì việc xấu là phần thưởng của họ. Người tốt làm việc tốt vì việc tốt là phần thưởng đối với họ. Sẽ không bao giờ có sự tự do tuyệt đối và cũng không có phẩm cách thật sự. Ngay trong lúc này, những tác nhân củng cố cho những hành vi tốt hay xấu thật ra rất khó xác định và vượt ra khỏi những tiêu chuẩn kiểm soát của chúng ta.
Ông cổ súy việc chúng ta cần có thật nhiều cơ hội được cha mẹ, thầy cô, bạn bè và những ảnh hưởng tích cực khác tác động lên quá trình phát triển. Skinner khuyến khích hãy kiến tạo một xã hội văn hóa văn minh khuyến khích những hành vi tốt cần được thưởng và những hành vi xấu cần được triệt tiêu thay vì kiểm soát như hiện tại, sử dụng hình phạt để trừng trị. Skinner tin rằng sự kết hợp giữa khoa học kỹ thuật với các ứng dụng chủ thuyết hành vi chúng ta có thể kiến tạo ra một nền văn hóa như thế.
Hai khái niệm tự do và phẩm cách là những ví dụ mà Skinner gọi là những cấu trúc tâm thức vốn khó giải thích vì đây thuộc về khoa học tâm lý. Những ví dụ khác là cơ chế tự vệ, nguyên mẫu ở Carl Jung, khung chung sau cùng, chiến được đối phó, giác ngộ, cõi vô thức, ngay cả những phạm trù sinh lý khác như đói khát, cõi ý thức. Theo ông điều quan trọng nhất trong hệ thống của con người là khái niệm con người nhỏ của mình. Homunculus trong tiếng Latinh có nghĩa là chú người nhỏ. Chính chú người nhỏ ấy tồn tại bên trong mỗi chúng ta đã giật dây chi phối tất cả những hành vi của chúng ta, bao gồm các mảng đời sống tinh thần tư tưởng, khái niệm linh hồn, tâm thức, cái tôi, khao khát ý chí, bản thân, và dĩ nhiên là nhân cách của chúng ta.
Tuy nhiên Skinner luôn động viên các nhà tâm lý hãy tập trung nhiều hơn nữa vào những đại lượng có thể quan sát được, đó là môi trường sống và những hành vi của chúng ta trong môi trường sống ấy.
Tác giả: Nguyễn Thơ Sinh
Trích trong Các học thuyết tâm lý nhân cách
Đọc thêm:
Khoa học - Công nghệ
/khoa-hoc-cong-nghe
Bài viết nổi bật khác
- Hot nhất
- Mới nhất