Từ một câu ngụy biện
Gửi cho một bé hay phàn nàn với tôi về những ngụy biện phổ biến trên mạng xã hội. Tôi sẽ không phân tích theo kiểu học thuật với...
Tôi sẽ không phân tích theo kiểu học thuật với nhiều thuật ngữ latin như một vài người khác hay làm. Thay vào đó tôi đi theo hướng đặt câu nói vào các bối cảnh khác nhau để cho thấy sự lố bịch của nó.
Đã làm được gì chưa mà lên tiếng?
Đây là loại ngụy biện phổ biến chúng ta thường gặp trong các diễn đàn hay các cuộc thảo luận về chính trị đất nước. Phiên bản đầy đủ của loại ngụy biện này là:
"Anh đã làm được gì cho đất nước chưa mà lên tiếng chỉ trích chính quyền?"
Anh chị em của nó là:
"Anh giỏi thì lên làm đi, sao cứ nói hoài."
"Có làm được như người ta không mà nói."
Tuy khác nhau chút chút nhưng giả định trong mỗi câu ngụy biện trên đều là:
Trước khi một người được bày tỏ ý kiến, anh ta phải hoàn thành được một điều kiện, ở đây là: đóng góp cho đất nước hoặc có tài.
Hãy lật ngược vấn đề:
Từ khi nào chúng ta bị hạn chế trong việc bày tỏ ý kiến? Từ khi chúng ta học văn chúng ta đã được phép tự do (dù khá hạn hẹp) bày tỏ ý kiến: ý kiến về các vấn đề xã hội thông qua văn nghị luận, về các tác phẩm văn học cổ điển lẫn hiện đại. Giả sử một học sinh nhận xét tiêu cực về Hịch tướng sĩ với những lập luận ngây ngô, người giáo viên hẳn sẽ phê:
"Lập luận của em chưa chặt chẽ."
Chứ không viết:
"Em có viết được Hịch Tướng Sĩ hay hơn ngài Trần Hưng Đạo mà đòi chê?"
Như vậy việc bày tỏ ý kiến cá nhân là tự do, được nhà nước khuyến khích qua các chính sách giáo dục và không cần phải yêu cầu một cá nhân hoàn thành nghĩa vụ hay công việc gì cả trước khi cá nhân đó bày tỏ ý kiến.
Tuy nhiên luận điểm này mới là luận điểm vững chắc nhất để đè bẹp cái ngụy biển rởm đời kia:
Luật pháp cho phép cá nhân bày tỏ ý kiến một cách tự do không bị ràng buộc bởi các điều kiện nào khác ngoài điều kiện được ghi trong các điều luật.
Và vì chẳng có điều luật nào bắt một công dân phải đóng thuế cho quốc gia mới được bày tỏ ý kiến cả, hay một công dân phải có công trình nghiên cứu về khoa học mới được nói về khoa học, học y mới được nói về ngành y, thì người công dân đó được phép thoải mái tự do bày tỏ ý kiến của mình trong khuôn khổ luật pháp. Và chỉ cần như vậy thôi là sẽ đè bẹp được cái ngụy biện kia.
Có thể bạn sẽ nói
"Chúng ta đang nói về chủ đề tranh luận mà chứ đâu chỉ về việc bày tỏ ý kiến?"
Trả lời cho bạn: chủ đề của mọi cuộc tranh luận đều bắt nguồn từ một quan điểm, một ý kiến. Như vậy phải có quan điểm, có ý kiến đó thì mới có chủ đề tranh luận. Câu ngụy biện ở trên hàm ý luôn rằng cá nhân kia không được nêu ý kiến và như thế dập tắt sự khởi đầu của mọi sự tranh luận.
Tuy nhiên hãy giả sử.
Hãy giả sử rằng có điều luật quy định mọi công dân phải đóng góp được cho đất nước thì mới được nêu ý kiến.
Ngay lập tức sẽ có hai vấn đề phát sinh. Có thể có hàng trăm vấn đề lớn nhỏ nhưng tôi chỉ liệt kê ra hai cái:
1/ Sẽ có người mãi mãi không nêu được ý kiến.
2/ Sẽ có việc ý kiến của một người này mạnh hơn ý kiến của trăm người khác.
Trường hợp đầu tiên xảy ra cho những người gặp hoàn cảnh không may bị tật nguyền nặng và như thế mãi mãi sống dựa vào tình thương của xã hội, hoặc sống phụ thuộc trong một thời gian dài, 5 năm chẳng hạn, trước khi có thể tự làm việc mưu sinh. Như vậy trong thời gian sống phụ thuộc ấy, người đó không lao động và như vậy coi như không đóng góp được gì cho đất nước. Như thế đối với chính quyền họ sẽ như người câm, tiếng nói không bao giờ được nghe vì luật pháp không cho phép. Họ sẽ chẳng bao giờ được lên tiếng để bảo vệ họ.
Trường hợp hai là một sự bất công nghịch lý thay lại xảy ra do những nỗ lực tạo ra sự công bằng. Hẳn một doanh nhân thành đạt đóng thuế chục triệu một năm sẽ luôn coi công sức của mình đóng góp cho nhà nước nhiều hơn là một cô bán chè mua vé số 10 ngàn đồng kiến thiết nước nhà. Các nhà soạn luật hẳn sẽ đưa ra chuẩn mực, thước đo để so sánh công sức, khả năng cao là quy ra tiền. Và một hệ quả của hành động đó: những người nhỏ bé sẽ bị lép vế hoàn toàn trước những kẻ nhà giàu, có quyền thế "đóng góp nhiều công sức hơn". Tiếng nói của hàng ngàn hộ nghèo khi đo sẽ chẳng bằng một ông nhà giàu mới phất bán thuốc lá, rượu bia và đóng thuế trăm tỷ. Chính quyền tạo ra là để bảo vệ công dân một cách công bằng, đảm bảo mọi công dân đều được hưởng những quyền cơ bản và được lắng nghe như nhau. Với kiểu ngụy biện trên nó tạo ra một xã hội phân biệt đối xử và làm suy sụp những giá trị nhân văn trong một xã hội.
Và bây giờ bạn, người hay thích ngụy biện như vậy, hãy nhấm nháp cà phê hoặc thức uống ưa thích của mình và tự hỏi:
- Bản thân mình có muốn sống trong xã hội vậy không? Giả sử vợ tôi bị bệnh và nằm mãi ở nhà, cần tôi chăm sóc hằng ngày, vậy là cô ấy sẽ mãi không được lên tiếng nói lên bất công trong xã hội? Ý kiến của tôi dù có đúng cũng sẽ thua ý kiến của một anh giàu hơn sao? Còn con cái tôi, sau này lớn lên nó không đóng thuế được nhiều như người ta thì tức là nó sẽ mãi bị những kẻ lớn chèn ép, đời nó không phất lên được? Tôi có muốn như vậy không.
Tại sao tôi phải phân tích quá sâu về một câu ngụy biện như thế. Câu ngụy biện đó, cũng như hàng trăm câu ngụy biện khác, khi được phân tích rõ sẽ cho ta thấy:
- Người hay nói như vậy là người lười suy nghĩ. Họ hay áp dụng nguyên tắc "least-effort principal" theo cách gọi trong tâm lý học: thay vì suy nghĩ kỹ về một vấn đề, họ dùng những lối suy nghĩ sẵn có để nêu ra ý kiến của mình, dễ nói hơn, nói nhanh hơn, phù hợp với lối sống nhanh trong thời đại mạng Internet hiện nay. Vì lười suy nghĩ, họ không hiểu được hàm ý của những gì họ nói, những sự ngu ngốc, độc ác lẫn lố bịch của nó. Tránh những người như vậy!
- Một cách suy nghĩ cũng dẫn đến nhiều hậu quả không lường trước được.
- Bạn đã thấy sự lố bịch của các ngụy biện. Hãy là một người suy nghĩ cẩn thận, tránh ngụy biện và xây dựng một văn hóa tranh luận tích cực.
Vũng Tàu, 27.01.2016
/quan-diem-tranh-luan
- Hot nhất
- Mới nhất