Trong những năm gần đây, những công cụ hỗ trợ dựng website cho một số bộ phận người dùng không thông thạo về code trở nên ngày một phổ biến. Những cái tên như Wix, Spacesquare, Blogger, hay ở Việt Nam là Ladipage đã không còn xa lạ với phần đông Marketer và cả những chủ doanh nghiệp vừa và nhỏ. Các công cụ này phát triển mạnh đến nỗi, những nhà lập trình website chuyên nghiệp cũng đã phần nào lo lắng về thị phần của mình.
Vậy nếu đứng trên phương diện là người dùng cuối, bạn có quan tâm đến những ưu, nhược điểm của các website xây dựng theo kiểu “mỳ ăn liền” này không?

Ưu điểm:

  • Thao tác dễ dàng và nhanh chóng: Ưu điểm vượt trội nhất của công cụ hỗ trợ dựng website cho người dùng cuối là giúp họ không cần phải có kiến thức cơ bản về lập trình cũng hoàn toàn có thể xây dựng được website đúng theo nhu cầu. Nó nhanh và dễ đến nỗi, bạn chỉ mất khoảng 1 ngày, để nắm bắt và tự xây dựng một trang web xịn xò dành cho mình.
  • Chi phí cực rẻ: Tiếp theo cần nói đến sức cạnh tranh về mặt chi phí. Phần lớn các công cụ này cung cấp các tính năng cơ bản một cách miễn phí, Những tính năng cao cấp hơn vẫn sẽ được hỗ trợ nhưng với với mức chi phí không quá lớn.
  • Tính thẩm mỹ cao: Thứ ba không thể không kể đến hệ thống theme phong phú, phù hợp với rất nhiều kiểu nội dung website, với thiết kế lung linh, bố cục rõ ràng, phong cách hiện đại. Có thể nói vui rằng, với những công cụ như thế này, để làm cho website của mình xấu cũng khó.
  • Không phải mua hosting & domain: Trong trường hợp vì một lý do nào đó mà bạn không muốn đầu tư quá nhiều tiền vào website của mình, bạn thậm chí sẽ chẳng cần phải mua domain hay hosting. Bạn có thể dùng Subdomain và gói Hosting cơ bản do chính nhà cung cấp tools hỗ trợ. Thậm trí, trong một vài trường hợp, ví dụ như nền tảng Blogger, bạn còn được nhận những gói Hosting có băng thông rất lớn từ đơn vị cung cấp.
  • Tích hợp sẵn với mạng xã hội: Phần lớn các tool đã hỗ trợ tính năng liên kết với các mạng xã hội phổ biến như facebook, twitter, instagram. Tính năng này rất hữu ích cho các marketer khi muốn xác định danh tính trên mạng xã hội của khách hàng cũng như trực tiếp trao đổi với họ thông qua các kênh này.
  • Chạy mượt trên mobile: Nếu như đặt hàng xây dựng website với những freelance hoặc đơn vị làm web không uy tín, rất có thể bạn sẽ gặp khá nhiều vấn đề với phiên bản mobile của mình. Tình trạng này hầu như sẽ không bị gặp phải nếu bạn sử dụng các ứng dụng hỗ trợ dựng website.
  • Ít lỗ hổng bảo mật: Đối với các tính năng cơ bản, người dùng cuối không được phép can thiệp sâu vào phần code phía dưới của trang web, điều này có nhiều bất cập, nhưng lợi thế là nó giúp website đảm bảo được cấu trúc nền mà các nhà phát triển đã xây dựng. Đó cũng là nguyên nhân khiến website giữ được sự vận hành tương đối ổn định và ít xuất hiện lỗ hổng bảo mật trong quá trình sử dụng. Trên thực tế là, công cụ build website Blogger do Google phát triển còn được giới lập trình đánh giá khá cao về mức độ bảo mật thông tin người dùng.
  • Có thể chạy trên domain của khách hàng: Các công cụ này mở rộng khả năng cho người dùng xuất và download bộ code về để đẩy lên hosting và domain của chính mình. Khi đó, nếu bạn có hiểu biết một chút về code, bạn có thể thoải mái điều chỉnh website theo ý muốn mà không quá lệ thuộc vào những quy tắc của công cụ gốc.
  • Tích hợp sẵn với các bên thứ 3 thường gặp: Không phải tất cả nhưng 1 số tools đã kết hợp sẵn với các các third party phổ biến hoặc mở rộng khả năng tích hợp với ứng dụng của bên thứ 3 qua cổng API.
 

Nhược điểm

  • Phụ thuộc nhiều vào điều khoản sử dụng: Nên nhớ rằng, dù bạn có trả tiền để build website trên các ứng dụng này, thì bạn vẫn chỉ đang sử dụng nền tảng của người khác. “Nhập gia thì phải tùy tục”, không phải lúc nào bạn cũng có quyền tự do quyết định mình sẽ đăng tải nội dung gì, như thế nào lên website của mình. Tuy mỗi ứng dụng sẽ có một bộ nguyên tắc chung, yêu cầu bạn cần phải đọc thật kỹ trước khi xây dựng website của mình, tuy nhiên, một vài dạng nội dung thường sẽ bị “tuýt còi” là: nội dung 18+, các nội dung có tính bạo lực hay kích động, các nội dung nhạy cảm có thể bị cấm lưu hành ở quốc gia sở tại, v..v…
  • Hạn chế chức năng: Bởi vì bạn xây dựng website trên những khung có sẵn, nên số lượng tính năng mà bạn có thể sử dụng bị giới hạn rất nhiều hoặc phải trả phí để nâng cấp lên phiên bản cao cấp hơn. Chưa kể đến việc tùy biến và bổ sung các tính năng mà bạn cần gần như là bất khả thi. Trong trường hợp vẫn muốn can thiệp vào cấu trúc website, bạn buộc phải down bộ code của website về và thay đổi trên đó hoặc buộc phải liên hệ với đội ngũ developer để nhận được sự hỗ trợ cần thiết.
  • Hỗ trợ SEO kém: Không giống các website build trên nền tảng PHP đã có sẵn các module có thể tích hợp đầy đủ cho việc SEO website, bộ core của các ứng dụng tự build web không thể tuân thủ hoàn toàn các tiêu chuẩn SEO hiện có. Điều đáng buồn là, người dùng không thể can thiệp để cải thiện chức năng này.
  • Giới hạn trong việc update nội dung: Việc đăng tải nội dung (hình ảnh, video, text,v..v…) trên website sẽ ảnh hưởng trực tiếp tới dung lượng của hệ thống, nhất là khi bạn sử dụng hosting do ứng dụng cung cấp. Vì vậy, trong hầu hết các trường hợp, các tools này sẽ giới hạn độ lớn files upload lên website của bạn, tùy vào các gói thành viên mà bạn đăng ký.
  • Không hoàn toàn miễn phí: Điều này cũng tương đối dễ hiểu vì dù nói là miễn phí, nhưng các ứng dụng này vẫn cần có nguồn thu để bảo chất lượng dịch vụ. Vì vậy, người dùng sẽ phải trả những khoản phí nhất định để mở rộng các khả năng tùy chỉnh, và giữ website của mình luôn ở trạng thái hoạt động ổn định.
Nhìn chung các ứng dụng giúp người dùng cuối tự xây dựng website sẽ cho ra những sản phẩm “ngon – bổ - rẻ” phù hợp với nhu cầu xây dựng blog cá nhân, hoặc landing page giới thiệu sản phẩm. Nhưng nếu bạn nghiêm túc và muốn xây dựng một trang web nhiều tính năng hơn, và hỗ trợ tốt với các nhu cầu marketing, thì nên cân nhắc kĩ ưu khuyết điểm của chúng đã được đề cập trên đây trước khi quyết định.