Từ đặc khu tới bạo động: Chúng ta cứ thóa mạ nhau để làm gì?
Nếu đã từng gặp gỡ hay biết về mình qua Spiderum, có lẽ các bạn đều ngờ ngợ nhận thấy @please là một thằng tưng tửng, khá hiền hòa...
Nếu đã từng gặp gỡ hay biết về mình qua Spiderum, có lẽ các bạn đều ngờ ngợ nhận thấy @please là một thằng tưng tửng, khá hiền hòa và không thích sa đà vào chuyện tranh cãi, kích động hay mạt sát người khác, đặc biệt là trên mạng xã hội.
Trong niềm tin của mình, việc này chưa bao giờ (và có lẽ là không bao giờ) mang lại hiệu quả tích cực. Hãy thử nghĩ lại xem tâm trạng của bạn trong lần gần nhất bị công kích như thế nào:
Bố mẹ có phần nặng lời và khiến bạn cảm thấy cái tôi bị tổn thương, bạn sẽ bình tĩnh phân tích đúng sai hay cũng nóng máu quăng lại đôi ba câu có hàm ý xúc phạm, bất cần rồi bỏ ngoài tai mọi lý lẽ?
Va chạm giao thông ngoài đường, chưa kịp làm gì đã ăn chửi vì "đi ngu", "ra đường không mang não", bạn sẽ bình tĩnh nói chuyện hay mặc kệ, cứ phản công cái đã vì "kể cả thằng này có đi đúng, mình đi sai thì cũng cứ phải chửi cho nó chừa cái thái độ bố đời"?
Thử nghĩ sâu hơn một chút nữa: Có bao giờ bạn nhận thấy việc bị công kích thẳng mặt khiến bản thân thậm chí ác cảm và thù ghét luôn quan điểm/lý lẽ của người kia, bất chấp nó có hợp lý?
"Vì tao ghét mày nên mọi điều mày nói ra đều là rác rưởi." - và dĩ nhiên, rác rưởi thì việc gì phải bận tâm? Khi trạng thái phòng thủ đã được kích hoạt, tất cả lý lẽ, dẫn chứng sẽ đều vô nghĩa.
Đứng trên góc độ một người đang bày tỏ quan điểm và muốn thuyết phục người khác tin vào quan điểm của bản thân, mình luôn tin rằng đây không phải là cách thức hiệu quả.
Chúng ta sinh ra đã vậy
Xu hướng phản ứng tiêu cực trước các tác động tiêu cực vốn dĩ là bản năng tự nhiên của con người. Trong tâm lý học, xu hướng này được biết đến với cái tên "Negativity Bias" (tạm dịch: thiên kiến tiêu cực). Theo đó, não bộ của con người luôn phản ứng dữ dội hơn trước các thông tin không tốt; do đó, thái độ của chúng ta cũng chịu ảnh hưởng nhiều hơn từ các kích thích kiểu này.
Phản ứng này là một tiến hóa hết sức tự nhiên của não bộ giúp con người tránh được các mối nguy hiểm, từ đó gia tăng cơ hội sinh tồn. Bằng cách chú ý nhiều hơn tới các thông tin tiêu cực, con người dễ dàng tránh hoặc phản kháng lại các tác động được não bộ nhận diện là "nguy hại". Lúc này, cơ chế chiến-hay-chạy (fight or flight) tự động kích hoạt khiến chúng ta hoặc là lảng tránh hoặc tấn công ngược lại tác nhân tiêu cực ban đầu.
Trong đời thực, đó là phản ứng lảng tránh sự độc hại trong lời thóa mạ hay thóa mạ ngược lại đối phương vì những cáo buộc vô lý trước đó. Ở cả hai trường hợp này, cho dù căng thẳng có được đẩy lên cao hơn nữa hay không thì phần lớn những gì còn đọng lại trong não bộ người bị công kích sẽ chỉ là thông tin tiêu cực.
Kết quả là một mâu thuẫn lẽ ra có thể được giải quyết khi ta chịu lắng nghe và bình tĩnh đối thoại với nhau bây giờ lại trở thành một hố sâu ngăn cách khó có thể hàn gắn.
Dán nhãn và quy chụp
Khi theo dõi những tranh cãi trên mạng xã hội, mình rất hay bắt gặp những lời giải thích kiểu này cho những hành động thóa mạ đầy định kiến:
"Cái lũ lừa đó thì phải chửi cho chúng nó khôn ra, nói lý lẽ nó không hiểu đâu"
"Chỉ có những con bò mới bị dắt mũi như thế, cứ chửi thẳng mặt chứ phí công giải thích với chúng nó làm gì?"
Và nói thật là mình cực kỳ ác cảm với kiểu dán nhãn người khác chỉ dựa vào những khía cạnh rất nhỏ họ thể hiện trên mạng xã hội như vậy.
Trong thế giới thật, một "con bò bị truyền thông dắt mũi" có thể là một kỹ sư tài năng, thành đạt và có trách nhiệm với xã hội.
Trong thế giới thật, một bà sồn sồn "dốt nát chỉ toàn share những thứ ngu xuẩn" có thể là một bà mẹ tuyệt vời từng phải gồng gánh nuôi hai đứa con ăn học tới nơi tới chốn.
Trong thế giới thật, hai anh hùng bàn phím được gắn mác "dư luận viên" hay "phản động" có thể đều không nhận được lương ba củ hay vài trăm Mỹ kim như bạn nghĩ. Có thể họ cũng chỉ thực tâm mong muốn đất nước phát triển hơn mà thôi.
Và rất có thể, dù bày tỏ quan điểm và niềm tin trái chiều, họ không hề ngu ngốc như bạn tưởng.
Về đặc khu, an ninh mạng, biểu tình và bạo động
Suốt thời gian vừa qua, câu chuyện về đặc khu, về luật An ninh mạng, hay gần đây nhất là về biểu tình, bạo động đang không ngừng tạo ra những chia rẽ sâu sắc trong xã hội:
Người phản đối luật đặc khu gọi chính quyền là "bán nước", là "Hán nô"
Chị X chửi anh Y là dư luận viên, bò đỏ, bồi bút bảo vệ chế độ; anh Y mắng chị X là phản động, bò vàng, ducanger chờ ngày phục quốc.
Người ủng hộ bạo động hả hê khi cảnh sát bị người dân tấn công, vui mừng khi ủy ban thất thủ, xe cộ bị đốt cháy; người phản đối lại háo hức trước viễn cảnh "lũ ngu dân" bị trấn áp bởi "quân triều đình", và thậm chí còn mong đợi một Thiên An Môn thứ hai.
Trong cơn say máu, họ không tiếc lời nhục mạ, xúc phạm nhau, xúc phạm niềm tin của nhau và xúc phạm cả những người dù không quen biết nhưng lại là chủ đề trong những cuộc cãi vã không hồi kết.
Chính phủ ngu, công an ngu, dân ngu, trí thức ngu, lề phải ngu, lề trái ngu, Trung quốc ngu, Mỹ cũng ngu... Những cái mác này đơn giản hóa mọi thứ phức tạp, đồng thời chặn luôn nhu cầu đặt ra những câu hỏi sâu hơn nhằm tìm hiểu vấn đề một cách đa chiều, ví dụ như:
Tại sao chính phủ lại đề xuất mô hình đặc khu?
Vì chính phủ "ngu", vì muốn "bán nước cho Tàu"? Hay vì một lý do nào khác? Có phải vì đặc khu cũng có những lợi ích và có khả năng nào chính phủ dự thảo bộ luật cũng trên tình thần mong muốn tạo ra lợi ích cho đất nước?
Đọc thêm:
Tại sao người dân lại lựa chọn bạo động?
Vì họ "ngu" nên dễ bị kích động, vì họ được cho tiền để bạo động phá hoại? Hay còn vì nguyên nhân sâu xa nào khác? Có phải vì họ cũng từng chịu nhiều đè nén, cũng đang ở vào bước đường cùng nên vì khổ quá mà phải phản kháng?
Đọc thêm:
Dễ thấy rằng trong cả hai câu hỏi ví dụ kể trên, chúng ta càng đi sâu thì lại càng phải tìm kiếm thông tin, suy nghĩ kỹ càng và bóc tách từng lớp thông tin trước khi đưa ra kết luận. Quá trình này không dễ dàng; không đem lại cảm giác thỏa mãn tức thì (instant gratification) khi được đứng ở vị thế "bề trên" mà phán xét những kẻ mông muội; và đôi khi còn tạo ra xung đột với hệ thống niềm tin vốn đã định hình từ lâu trong đầu kẻ đang tìm kiếm câu trả lời.
Đó là lý do nhiều người lựa chọn dán nhãn, quy chụp và để cho thiên kiến xác nhận (confirmation bias) tự động tìm kiếm những thông tin, dữ liệu củng cố thêm cho niềm tin được hình thành từ hành động đó.
Kết quả là chúng ta có những đám đông giận dữ, phi lý trí, và tuyệt nhiên không muốn lắng nghe bất cứ giải thích nào từ các phe đối lập. Đó là những đám đông không cần đối thoại. Không muốn đối thoại. Là những đám đông lựa chọn lối tư duy khép kín chỉ để thỏa mãn vẫy vùng trong hệ thống niềm tin thiên lệch của họ.
Cứ như thế, cái hố sâu ngăn cách chính người Việt với người Việt cứ càng ngày càng sâu hoắm đến đáng sợ...
Please
Bài khác của mình:
Tham khảo:
Quan điểm - Tranh luận
/quan-diem-tranh-luan
Bài viết nổi bật khác
- Hot nhất
- Mới nhất