img_0
Hôm bữa, tôi có kể cho mọi người nghe về những tổn thương mà ba tôi đã gây ra cho tôi. Thú thật mà nói, đến tận bây giờ, những cảm xúc tiêu cực ấy vẫn còn ám ảnh tôi rất nhiều.
Tuy nhiên, khi tôi tìm hiểu về luật hấp dẫn, về tâm lí học và phát triển bản thân, tôi không muốn bản thân là một người có thái độ sống tiêu cực. Tôi càng không muốn sống một cuộc sống mà bản thân chất chứa đầy thù hận.
Tôi bắt đầu suy nghĩ đến những điều tích cực mà cuộc đời, à không, mà chính gia đình này đem lại.
Điều thứ nhất:
Ba tôi là một người tiêu cực (tôi đã kể trong phần trước), tuy nhiên, mẹ tôi lại ngược lại với ba. Mẹ tôi là người có thái độ sống rất tích cực. Tôi may mắn được là con mẹ, nên tinh thần của mẹ ảnh hưởng lên tôi cũng rất nhiều.
Ba tôi rất hay chửi mẹ tôi. Đôi lúc, ba tôi chửi mẹ tôi rồi giận cá chém thớt (tức là chém luôn cả tôi và anh tôi nữa). Lúc trước, anh tôi và tôi cứ hay cải đi cải lại, tôi hậm hực tỏ thái độ. Tôi cương đến cùng với ba tôi để bảo vệ mẹ mình. Tôi còn hay trách mẹ, ba mà chửi mẹ như vầy, mẹ phải giận lên, để ông không làm điều ấy nữa. Mẹ tôi nói tôi, nói đi nói lại với ổng chỉ trút bực vào thân. Mẹ quen rồi. Tôi ghét câu: "Mẹ quen rồi." Cái sự chửi rủa của ba tôi cũng là do mẹ tạo thành thói quen luôn rồi.
Đến một ngày, tôi nhận ra, tôi chẳng thay đổi được ba tôi theo cái cách đứng lên bảo vệ mẹ như vầy. Tôi vô tình đọc một câu chuyện từ sách của thầy Thích Nhất Hạnh (thú thật là tôi không nhớ quyển sách tên gì), nội dung thế này: Nếu một người đến đốt nhà mình, nhà mình đang cháy, điều đầu tiên mình nên làm là gì? Tìm cái người đốt nhà mình hay chửa cháy cho căn nhà mình trước? Qua câu chuyện đó, mình mới hiểu được cách làm của mẹ mình. Chọn cách im lặng đôi khi cũng là một cái hay.
Những lần ba mình chửi, gieo vào đầu mình những điều tiêu cực. Mình sẽ chọn cách im lặng, và bỏ đi. Điều mình cần làm khi tiếp nhận những điều khiến mình không vui, không phải phản ứng gay gắt lại điều đó, mà làm nó làm bản thân mình ít tổn thương nhất có thể. Khi mình im lặng, ba mình vẫn tiếp tục chửi. Tuy nhiên, vì chẳng ai phản ứng lại nên thời gian ba mình chửi cũng giảm đi. Bản thân mình cũng nghe những lời khó nghe ấy lại, và vì không nói đi nói lại, mình càng ít giải phóng năng lượng tiêu cực ra bên ngoài. Tôi thiết nghĩ, im lặng không phải là cách giải quyết vấn đề tốt nhất, nhưng nó giúp tôi giảm được sự tiêu cực khá là hiệu quả.
Tôi thiết nghĩ, im lặng không phải là cách giải quyết vấn đề tốt nhất, nhưng nó giúp tôi giảm được sự tiêu cực khá là hiệu quả.
Điều thứ hai:
Tôi có những người anh chị em tốt. Anh tôi không phải mẹ tôi sinh ra, nhưng là con ruột của ba tôi. Tuy nhiên, anh em tôi khá là thương nhau. Mỗi lúc ba tôi đi vắng, ngồi chung mâm cơm, ba anh em tôi, hoặc là bốn người (có mẹ tôi) thì chụm lại nói xấu ba.
Việc này xảy ra thường xuyên. Mỗi lần cùng nhau chia sẻ những câu nói khó chịu của ba tôi mang lại, bốn người đều cười. Dù ba tôi mang lại những cảm xúc không vui vẻ gì, nhưng chúng tôi lại có thể cùng nhau sản xuất ra vitamin tích cực từ những chuyện không vui đó. Khi ăn mà được nói chuyện vui vẻ. Tôi nhận ra, cùng nhau trải qua một điều tiêu cực, nhưng cùng nhìn lại theo một hướng tích cực cũng khiến tinh thần trở nên thoải mái, dễ chịu vô cùng.
Điều thứ ba:
Tôi học cách nhìn sự việc theo hướng khác. Lý do tại sao ba tôi lại có thái độ tiêu cực với cuộc đời, luôn luôn tức giận với mọi thứ xung quanh. Tôi dần hiểu ra: Ba tôi là một người đàn ông thất bại trong cuộc sống hôn nhân lẫn sự nghiệp. Ba tôi không hạnh phúc với người vợ đầu rồi đến mẹ tôi. Ba tôi đến năm 43 tuổi mới bắt đầu sự nghiệp nghiêm túc. Thế nên, công việc của ba tôi mười mấy năm liền chỉ vừa đủ ăn, đủ nuôi con, không có dư. Đôi lúc phải cầm sổ đỏ để đi mượn tiền ngân hàng để vượt qua khó khăn. Cả ba và mẹ đều cố gắng để có thể giữ vững công việc của mình để mà nuôi ba đứa con ăn học đàng hoàng. Ba tôi không có thời gian nghỉ ngơi, chăm sóc bản thân, suốt ngày chỉ biết đi kiếm tiền. Vòng quay đó khiến ba tôi trở nên tiêu cực.
Đôi lúc tôi trách ba mình, và bây giờ tôi nhìn lại. Ba tôi hy sinh cho những đứa con của mình rất nhiều. Bao nhiêu năm nay ba không tự sắm cho mình đồ mới, ai cho đồ thì mặc. Đồ người ta cho cũng phải sửa đi sửa lại. Dép ba tôi đi khi nào mòn ba tôi mới mua đôi dép mới, nhưng đôi dép mới cũng là kiểu dáng của đôi dép cũ. Thỉnh thoảng có ai cho tiền, ba tôi đều đem cất giữ, chẳng tiêu xài gì. Ba nói để dành, sau này có việc gì thì dùng. Buổi tối, mẹ tôi rất ít khi nấu ăn vì thường anh em tôi ít ăn tối ở nhà. Tôi thì chẳng bao giờ ăn đồ ăn lúc trưa mẹ nấu. Ba tôi thì ăn lại đồ ăn trưa.
Tôi chợt nhận ra, để tôi ngủ nướng thêm một chút ba tôi phải dậy sớm hằng ngày hơn mười mấy năm. Tôi cũng hiểu, để tôi và anh em tôi có tiền ăn học, ba tôi từ chối rất nhiều mối quan hệ bạn bè. Tôi cũng biết được, để tôi và anh em tôi có sự hiểu biết thế giới bên ngoài, ba tôi chọn cách giam mình vào một chỗ làm việc, chỉ biết làm việc, mà không biết cách giải toả, nên năng lượng tiêu cực cứ ngày càng chất chứa. Lúc tôi buồn, tôi có thể ra ngoài với bạn bè. Còn ba tôi, ba tôi chọn một mình với bia và thuốc lá.
...
Nếu bạn đọc đến đây, chắc bạn tôi đã hoàn toàn cảm thấy thoải mái khi nói chuyện với ba mình. Không đâu, tôi vẫn chưa. Hiện tại, tôi chỉ cảm thấy, bản thân mình đã dần bớt tiêu cực khi nghĩ đến ba mình thôi. Khi tôi nói chuyện với ba mình, tôi còn dè chừng. Vì tôi sợ, nếu như lỡ nói đến chủ đề nào đó mà nhạy cảm, những lời không hay từ ba tôi sẽ trào ra.
Câu chuyện này vẫn sẽ được tiếp tục vào những ngày tiếp theo...