Hai cách đơn giản để tìm kiếm một người thầy hoàn hảo
Khi bạn đang sắp chết đuối, muốn bỏ cuộc, bạn cần một cái cọc cách mình hai bước, thay vì cái bóng râm từ phía sau lưng của một con tàu chiến lấp ló phía chân trời.
Phần lớn mọi người trong chúng ta đều mong muốn có người chỉ giáo, một người thật sự giỏi, khiến tất cả chúng ta phải trầm trồ, ngưỡng mộ.
Từ nhỏ, bố mẹ chúng ta phải xếp hàng, nghe ngóng, đưa ta đến một lò luyện của thầy A, cô B, để rồi sau X tháng, ta tự dưng thoát mù chữ, câm điếc, trên thông thiên văn, dưới tường địa lý, không còn cảm thấy mình ngu dốt, bất lực nữa.
Nếu may mắn, các cô bạn xinh đẹp có thể nhìn ta như Xuka nhìn thấy Đê-khi thay vì Nobita, và rồi ta có tư cách và tư thế để giao tiếp với đồng loại hơn, không phải lo bị thiên hạ coi như một thằng ngu, một kẻ thất bại, phế vật hay đồ vật biết di động nữa.
Các bạn có thể thấy mô tuýp này quen thuộc đến nhàm chán trong các phim điện ảnh. Những cụ già đầu bạc, ngồi sâu tận trong núi, tính tình thậm chí có phần trẻ con, gàn dở, nhưng khi ta mò vào đó, được các cụ bắt hầu hạ, gánh nước, dọn phân,.. rồi ban cho thuốc tiên, sách quý,..tự dưng ta dần trở nên lợi hại, rồi sau xuống núi bá chủ thiên hà, lay động càn khôn.
Tôn Ngộ Không, Sôn Gô Ku, Quách Tĩnh, Harry Potter, Karate Kids,... từ Tây đến Tàu đều kể cho ta những câu chuyện như vậy. Và thường sẽ có người nào đó mách cho ta người thầy ấy, ta chỉ cần chui vào núi, tìm thấy ông và kiên nhẫn chịu đựng, ắt sẽ thành chính quả.
Vấn đề của bài toán đi tìm một người thầy hoàn hảo?
.. đấy là họ rất khó tìm 🤣. Nếu không vì sao bài viết dưới đây của mình lại từng viral như thế? 👇
Điểm thi vào trường sư phạm ngày càng thấp, trong khi nhu cầu cần học của con người ngày càng tăng cao. Những người học giỏi nhất quanh bạn liệu họ có đi dạy không? Những người có kỹ năng sư phạm tốt, liệu họ có trình độ trong lĩnh vực bạn muốn theo đuổi không?
Đấy là còn chưa bàn đến vấn đề đạo đức, họ có thực sự muốn dạy bạn hết mình với cái tâm trong sáng, tận tuỵ của một tiền bối, hay là họ muốn đánh đổi một điều gì đó từ bạn? (tài chính, quan hệ, sự kiểm soát,...)
Tìm một người thầy đã khó, một người thầy tốt (có đủ kiến thức, kỹ năng sư phạm, và đạo đức) còn khó gấp vạn lần.
Thời xưa mình học tiếng Anh, chưa có nhiều trung tâm ielt như thế này, bàn dân trong thiên hạ còn phải đi luyện TOEFL. Trong các cao tăng thời ấy có thầy Mạnh bạo, chuyên phong cách bún mắng, cháo chửi. Học sinh xếp hàng dài xin xỏ như người bệnh, thầy trợn mắt đuổi về không hết. Ở thời kỳ ngu độn, mình từng học hơn một năm tiếng Anh ở đó, đi xe đạp 6-7 cây số, với tất cả quyết tâm của một đứa đọc làu làu kịch bản các câu chuyện đi lên của những siêu anh hùng.
Phương pháp của thầy là thầy bật các đoạn băng cassette trong sách, rồi bắt học sinh chép ra vở trước, rồi đọc nhại theo, rồi thầy chỉnh. Mình không nhớ nổi chứng kiến bao nhiêu lần những học sinh bật khóc, mếu máo khi đọc sai bị thầy chửi là đồ ngu, não lợn,... và thậm chí đuổi về luôn không cho học nữa. Mình cố gắng trở nên vô hình nhất có thể, để một ngày nào đó tốt nghiệp. Tiếng đồn của thiên hạ là thứ khiến mình bám trụ, nào là nếu chịu được một năm thì khỏi bệnh dốt, điểm hình như ai cũng cán mốc gì đó, bất kể ngu thế nào.
Giờ không rõ thầy sống ra sao, nhưng chắc chắn sẽ không recommend các bạn phải trải nghiệm đi simp thầy nào như vậy. Tiếng Anh sau này của mình có tốt hơn, nhưng là do học từ những thứ khác, chứ chắc chắn không phải nhờ việc nhại lại băng đọc cassette và nín thở nghe thầy chửi xả.
Chưa kể, còn một vấn đề quan trọng hơn, đấy là kể cả khi bạn có tìm ra thầy giáo có cả ba điều trên kia ấy
.. thì họ cũng không có rảnh để đi dạy bạn.
Một khi quá tuổi đi học, bạn có bỏ nhiều tiền cũng không chắc đã mua được thời gian để những người siêu giỏi họ dạy cho bạn. Bạn cần quá nhiều thứ (cơ duyên, mối quan hệ, lợi ích,...) để một người thầy siêu sao chấp nhận bạn và luyện võ cho bạn mỗi ngày.
Và kể cả khi bạn có được những điều trên, bạn sẽ có thể gặp phải một vấn đề nữa, điều mà sếp Tùng Núi MTP đã hát trong bài dưới đây.
Bạn bị ngợp!!!
Lý do rất đơn giản:
Không phải ai cũng có kỹ năng và kiến thức để giải thích mọi vấn đề cho một đứa trẻ 5 tuổi, nhất là khi điều đó có phần động đến cái tôi của họ, khi họ tự nhận ra mình không giỏi đến thế (mình sẽ giải thích thêm đoạn này ở ý sau).
Cuối cùng, mình cũng muốn nhắn nhủ đấy là dù có đời nhiều người giỏi ta ngưỡng mộ, nhưng cũng không nên thần tượng một ai quá.
Chữ thầy là một từ Á Đông rất thiêng liêng, nhưng cũng khiến bạn dễ bị rơi vào cạm bẫy của sự kỳ vọng. Ai cũng là con người cả, bạn thần tượng ai quá đà mà quên mất điều đó, bạn sẽ rất tổn thương, vỡ mộng khi người ta không thật được như "kỳ vọng" của bạn.
Một người thầy cũng như mọi người, có điểm mạnh, điểm yếu riêng, và chưa chắc tất cả những gì họ dạy đã đúng.
Vậy tìm thầy ở đâu?
Người thầy hoàn hảo sẽ dễ xuất hiện hơn, khi bạn hiểu đúng bản chất của khái niệm hoàn hảo.
Đừng tìm người thầy hoàn hảo nữa, mà hãy tìm người thầy hoàn hảo...CHO BẠN.
Và rất nhiều khi người thầy đó xuất hiện dưới dạng người thầy ..HAI BƯỚC.
Là người thầy mà đi trước (và thậm chí là sau) bạn một vài bước, vừa đủ xa để chỉ cho bạn biết bước thành công tiếp theo cần làm gì cho tiết kiệm sức, vừa đủ gần để giúp bạn chia sẻ mùi vị của khó khăn.
Mình sẽ cụ thể bằng câu chuyện dưới đây
Khi học thầy không tày học bạn
Năm lớp 6, mình là một trong hai đứa học ngu nhất lớp chuyên Toán.
Bố mình (làm trưởng ban phụ huynh), kể lại là mở đầu buổi họp phụ huynh cuối năm, cô giáo chủ nhiệm tươi cười nói rằng, trừ Nhất Quang (là mình - the1ight của các bạn 🤣), và một bạn khác là cháu của cô là đuối ra, thì các bạn còn lại đều ổn, với mục đích để xoa dịu và trấn an các phụ huynh khác.
Bố mình ngượng trân, rồi về kể cho mẹ, người lắc đầu ngao ngán, thở dài vì đã muốn đẩy mình vào môi trường này để mình tiến bộ.
Vấn đề là, cuối lớp 5, mình từng là một trong những học sinh giỏi nhất lớp về Toán ở trường tiểu học, nằm trong đội tuyển Toán của trường, và chưa bao giờ nghĩ mình dốt Toán. Lên cấp hai, mình được vào lớp chuyên Toán của một trường điểm, học một cô giáo là người chuyên đào tạo đội tuyển Toán đi thi thành phố.
Theo mọi tính toán thì cá phải gặp nước, nhưng mình thì ngợp, cảm giác như bị chết đuối mỗi ngày.
Mình nhớ rõ cảm giác mình đã học cách chấp nhận thực tế là mình ngu dốt. Mình nhìn tất cả các bạn như những siêu nhân, và mình không thể nào sánh được với họ. Mình được xếp vào nhóm cuối, học lực yếu, cần kèm cặp thêm.
Hè năm đó, theo tư vấn của mẹ, mình có mở sách đọc trước, ôn trước một số khái niệm sẽ học trong năm, để trong năm đỡ khổ.
Cho đến khi...
Đầu năm lớp 7, mình được xếp ngồi cạnh một người bạn thuộc nhóm trên. Mình cảm thấy may mắn đây có người chỉ bảo mình đây rồi.
Và thực tế là, khi các môn học được dạy lại từ lúc đầu, các khái niệm được giới thiệu cho tất cả,.. mình thấy mình tiếp thu không hề tệ so vớ bạn ngồi cạnh. Thậm chí, có thời điểm mình thấy mình hiểu nhanh hơn và còn giải thích lại cho nó - bạn mình.
Khi mình nhận ra mình không ngu như mình nghĩ, đấy là lúc mình tiếp cận vấn đề theo một thái độ khác. Mình bắt đầu tin mình có thể học được và giải thích được cho các bạn khác.
Và những gì còn lại là lịch sử. Cuối năm đó, mình nhảy lên các nhóm trên, vượt qua các vòng sơ loại, tham gia thi giải quận và đạt giải. Nhiều bạn trong lớp từng nghĩ mình chép bài bạn khác mới được như vậy, dần chuyển sang công nhận mình.
Và kể từ đó mình luôn thuộc về nhóm trên của lớp Toán.
Thực chất, mình nghĩ bí kíp của mình thời đó rất đơn giản:
"Mình muốn đi nhanh hơn thằng bạn mình 2 bước, và duy trì việc đó"
Ví dụ này đang hơi ngược một tí, nhưng mà bản chất là mình dùng một người khác làm tham chiếu để tiến bộ theo họ. Và mình đã tiến bộ và người bạn bên cạnh này sau trở thành thằng bạn thân nhất của mình.
Sau này, khi apply du học, mình và thằng bạn cùng chiến đấu để tìm hiểu cách xin học bổng đi Mỹ.
Và người bạn của mình lúc này cũng chính là một "người thầy" của mình, dù đi xa hơn mình chắc phải "hai mươi bước".
Qua việc học hỏi nhau, mình đã xin được học bổng du học, dù trường không xịn lắm, nhưng cũng đã đủ để giúp mình thực hiện "giấc mơ Mỹ" mà mình mong muốn.
Và người thầy giúp mình chính là người bạn này, người mà mình nhìn thấy rõ mình cần phải làm gì, đi tiếp ra sao, và luôn sẵn sàng trao đổi, giúp đỡ. Người mà cũng đang vật lộn ôn luyện tiếng Anh, học SAT, viết luận, tìm cách thêm các hoạt động ngoại khoá.
Chứ không phải là một ngôi sao đang ở bên Mỹ, học bổng triệu đô, bắn tiếng Anh như gió, kính râm cool ngầu, accent cháy chuẩn, đạo lý chói ngời, gia cảnh hào môn,..
Khi bạn đang sắp chết đuối, muốn bỏ cuộc, bạn cần một cái cọc cách mình hai bước, thay vì cái bóng râm từ phía sau lưng của một con tàu chiến lấp ló phía chân trời.
Người thầy sẽ xuất hiện, khi bạn chịu khó mở con mắt thứ ba của mình.
Cái lợi của người thầy hai bước?
Người thầy hai bước có hai cái lợi sau:
1. Họ vừa tầm với bạn
Đúng hơn là vừa với... tầm với của bạn. Điều này giúp bạn hai điểm:
Bạn không bị ngợp vì khoảng cách trong trình độ.
Có những thứ người ta làm nhìn rất đơn giản, nhưng thực ra họ đã học được skills đó từ lâu, và làm chủ nó.
Việc nhìn bạn mình từng sợ sệt, xấu hổ ra sao và sau đó nói tự tin hơn thế nào sẽ giúp bạn truyền cảm hứng và gần gũi hơn là nghe một người thở ra đã nói accent Anh Anh, mix với tiếng Việt ngọng, lơ lớ.
Cũng giống như tập gym, một người mới tập 5 tháng có thể chỉ cho bạn cách đơn giản để bắt đầu thế nào tốt hơn một vận động viên cử tạ hú hét, căng gồng vài trăm cân.
Họ thoải mái với bạn hơn, và sẵn sàng giúp đỡ bạn khi cần
Trừ thiểu số rất ít những thằng khốn nạn ra, đa phần những người mới rất vui vẻ chỉ cho nhau biết, và dễ gần. Mình cũng không muốn giải thích tại sao, nhưng mình thích và biết ơn việc này.
2. Họ có thể cho bạn những lời khuyên thực tế, hữu ích nhất
Họ biết nỗi khổ của bạn, vì họ từng khổ giống như bạn. Họ thoát khổ chưa lâu, và do đó có thể chỉ chính xác bí kíp đơn giản, đúng trọng tâm nhất để giúp bạn thoát khổ.
Bạn nào học toán và coding mà bị kẹt, code bị bug, sẽ hiểu cảm giác bứt rứt của việc mình biết là mình đang không biết một cái gì đó, nhưng không biết là do đâu. Thay vì lên mạng tìm những cao thủ võ lâm trên stack overflow, người thầy hoàn hảo rất có thể là người đã làm hệ thống này từ trước, vỗ vai chỉ cho bạn thấy một logic ẩn mà hắn đã từng mất nhiều thời gian để "nhận biết".
Có rất nhiều thứ tưởng siêu khó trên đời, nhưng chỉ cần bạn "nhận biết" và "giác ngộ", là bạn sẽ có cách vượt qua. Và người thầy hoàn hảo là người giúp bạn làm việc đó nhẹ nhàng nhất, dù họ có được dán nhãn "thầy" trên trán hay không.
Trở thành một người thầy hai bước?
Khi bạn chia sẻ, giúp đỡ cho người khác, bạn sẽ học được nhiều hơn.
Đây không phải là lời mị dân đạo lý, mà nó có khoa học của nó.
Trong lý thuyết về học tập mình mới biết gần đây, Bloom Taxonomy, thì có 6 mức độ để làm chủ kiến thức.
Trong đó, mức độ ghi nhớ là thấp nhất, và cách học thông thường ta vẫn được dạy chỉ kiểm tra được mức độ này, dẫn đến nhồi nhét.
Mức độ cao hơn của nhớ, đấy là hiểu. Để thực sự hiểu được, thì ngoài việc nhận diện, phân loại, thì cách tốt nhất đấy là giải thích được cho mình và cho người khác.
Nếu bạn nghĩ bạn hiểu, hãy thử viết ra và giải thích nó, rồi đọc lại, xem bạn có tự nuốt nổi những gì mình viết không.
Hơn cả thế nữa, bạn thử chia sẻ hoặc giảng giải, xem người khác họ có "mua" những gì bạn vừa nói không.
Cách tốt nhất để biết suy nghĩ của mình có đủ tốt không, đấy là những gì bạn nói ra được một bộ não khác chấp nhận, và đặc biệt là não trẻ con.
Một bộ não lỗi lạc khác, Richard Feymann, người từng đạt giải Nobel Vật Lý, sử dụng hiện tượng trên cho một phương pháp học riêng của ông, gọi là Kỹ thuật học Feymann (Feymann's technique): dạy cho một đứa trẻ những gì mình biết.
Và 4 bước đó là:
1. Chọn một thứ để học
2. Dạy nó cho một đứa trẻ
3. Tự vấn và ngẫm về cách bạn hiểu
4. Viết ra các notes, hệ thống hoá và xem lại chúng thường xuyên
Như Eisntein có nói:
Nếu bạn không giải thích được suy nghĩ của mình cho một đứa trẻ 6 tuổi, thì bạn cũng chưa thực sự hiểu đâu.
Hay Mortimer Adler nói:
Những người tự tin vào những gì mình nghĩ nhưng mà không giải thích được thường không thực sự hiểu chúng.
Chính vì vậy, bạn đừng quên giúp đỡ người khác khi họ gặp khó khăn, khúc mắc, đừng tính toán, vì giúp người ta cũng chính là giúp đỡ chính bạn tốt hơn.
Một số bạn có thể cảm thấy tự ti, là mình đã biết gì đâu mà giúp, không muốn gánh nặng phải làm "thầy" ai cả.
Nhưng như mình nói ở trên, chữ "thầy" đang bị hiểu theo nghĩa nguy hiểm quá đà ("overrated")
"Thầy hai bước" cũng là thầy, thậm chí kể cả hai bước đằng sau.
Thầy ở muôn nơi, miễn là tìm đường người cùng lý tưởng, hiểu được mong muốn. Đấy cũng là cách mình ngộ ra chân lý:
Khi người học trò đã sẵn sàng, người thầy sẽ xuất hiện.
Kết bài
Vậy nên, bài học hôm nay mình muốn nhắn nhủ là:
Mọi mong muốn tìm thầy bản chất đều xuất phát từ nhu cầu cá nhân muốn mình được giỏi nhanh hơn.
Có hai cách để tìm thầy, nếu bạn tìm mãi mà chưa có thầy:
Tìm một người thầy hai bước, học từ những người đi trước.
Trở thành một người thầy hai bước bằng cách giúp những người đi sau bạn.
Bằng cách này, mỗi người quanh bạn đều có thể dạy bạn được điều gì đó, và bạn đều có thể giúp người ta được điều gì đó.
Thậm chí, một người bạn mình còn từng nói một câu rất tâm đắc về con mình:
Con của anh chính là người thầy lớn nhất của anh
Bài viết đến đây là hết. Nói là làm, học là hành, mình sẵn sàng trở thành một "người thầy hai bước" của bạn ở một số lĩnh vực mình biết, dưới đây 👇. Bạn có thể subscribe link cho blog của mình để không bỏ lỡ các bài viết mỗi tuần nhé!
Quan điểm - Tranh luận
/quan-diem-tranh-luan
Bài viết nổi bật khác
- Hot nhất
- Mới nhất