Rồi một ngày, mình thức dậy và mọi thứ dần sáng hơn. Thì ra, mình không phải chán sống, mình chỉ muốn tất cả những nỗi đau đớn buồn khổ này đều kết thúc. Mình vẫn muốn được ở lại thế giới để được ngắm mưa qua cửa sổ, muốn ngắm hoa trong vườn, muốn được dạo phố, muốn về Nha Trang thăm nhà. Mình vẫn muốn làm nhiều thứ, đi nhiều nơi, mình vẫn tò mò mình sẽ trở thành con người như thế nào sau từng ấy những nỗ lực, liệu từng ấy những lần cố vực dậy thì mình có hạnh phúc theo đúng như tiêu chuẩn và định nghĩa của riêng mình. 
Mình đã luôn tự nhủ, chỉ có giai đoạn này stress thôi, cố gắng thêm chút nữa thì mọi thứ sẽ khá hơn. Nhưng không, mọi chuyện sẽ chẳng bao giờ thay đổi nếu mình không thay đổi. Thời gian không làm mọi chuyện tốt hơn, chỉ có sự hiểu biết mới giúp chúng ta xoay chuyển mọi chuyện. Để thay đổi, chúng ta cần phải hiểu cốt lõi của stress, điều gì khiến chúng ta stress và từ đó, làm cách nào để giữ stress ở mức chấp nhận được thay vì để stress rút cạn linh hồn mình, hay tệ hơn, mình nghiện stress.
Stress là gì? Về cơ bản đó là tình trạng căng thẳng kéo dài mà cơ thể không có đủ thời gian để hồi phục và tái tạo. Vậy căng thẳng là gì mà chúng ta cần thời gian để hồi phục?
Đây là cơ chế của cơ thể con người hoặc bất kỳ sinh vật nào trong tự nhiên khi nhận thấy mối đe dọa từ môi trường bên ngoài. Khi đó, hệ thống thần kinh nguyên thủy gọi là hệ thần kinh chiến đấu hoặc chạy trốn (fight-or-flight) được kích hoạt, tất cả năng lượng của cơ thể đều được huy động để ứng phó với mối đe dọa từ bên ngoài. Đồng tử của chúng ta mở rộng, chất nhầy trong miệng ngưng tiết, không phải lúc ăn, nhịp tim tăng, hô hấp dồn dập, máu được gửi đến các chi và ngừng gửi đến các cơ quan nội tạng bởi vì đó là lúc chạy trốn, chiến đấu hoặc ẩn nấp. Tưởng tượng ngoài tự nhiên, khi con ngựa vằn hoặc con hươu vượt qua mối đe dọa và thoát khỏi kẻ săn mồi, 30 phút sau, phản ứng căng thẳng bắt đầu tắt và cơ thể trở lại cân bằng. Nhưng ở thời đại hiện tại, không còn kẻ săn mồi, thay vào đó ta có những mối lo đến từ công việc đồng nghiệp của bạn, hoặc là mẹ chồng của bạn, hoặc là sếp của bạn.
Khác với động vật, chúng ta có khả năng hồi tưởng lại quá khứ, suy xét về những gì đã xảy ra hoặc dự báo diễn biến trong tương lai để ra quyết định. Đó là lý do, ngay cả khi không có mối đe dọa thực tế, con người cũng có thể kích hoạt phản ứng căng thẳng chỉ bằng suy nghĩ, chế độ SINH TỒN (Survival Mode) được bật. Nghiện stress hoàn toàn có thể xảy ra khi chúng ta bắt đầu thích nghi và quen dần với cảm giác andrenaline dồn dập, kịch tính.
Biểu hiện của trạng thái sinh tồn:
• Suy giảm hệ miễn dịch, người uể oải. ốm vặt, rụng tóc - bạn sẽ tiêu tốn năng lượng cho phản ứng căng thẳng, tạo ra trạng thái mất cân bằng trong cơ thể, dẫn đến các vấn đề sức khỏe.
• Mất ngủ, bồn chồn vì nỗi lo nếu ngồi yên sẽ bị ăn thịt, năng lượng được dồn vào các chi để luôn sẵn sàng chiến đấu hoặc bỏ chạy.
• Suy nghĩ luẩn quẩn không thoát ra được vì luôn phải cảnh giác nguy hiểm rình rập - làm gì cũng không thật sự được thư giãn.
• Mất khả năng suy nghĩ dài hạn - trong trạng thái căng thẳng, chúng ta không nhìn thấy nhiều khả năng vì đây không phải lúc tạo ra điều gì mới, thay vì nhìn thấy những cơ hội, chúng ta chỉ có thể nhìn được những giới hạn và bị dẫn dắt bởi nỗi sợ. 
• Luôn nghĩ đến viễn cảnh tồi tệ nhất (aka tiêu cực) - đây là một chiến lược sinh tồn, khi chúng ta dự đoán tình huống xấu nhất, cơ hội sống sót sẽ cao hơn nếu mọi chuyện không tệ như ta nghĩ. LOL nên đừng trách mình sao bị tiu cực nhó, là do cơ chế phòng vệ của bạn mạnh hơn người thường thui. 
Mình dạo gần đây luôn lo lắng sợ hãi, luôn cảm thấy bất an dù mình cố gắng trấn tĩnh bản thân như thế nào. Mọi suy nghĩ của mình đều quay về công việc, dù là những buổi đi chơi với bạn bè hay lúc ở một mình tận hưởng sở thích riêng. Có những đêm mình lờ mờ tỉnh dậy nhận ra 1 vấn đề tồn đọng cứ đeo bám mình cả trong giấc ngủ, mình gạt nó qua một bên để rồi 1 vấn đề khác lại ùa tới. Hay những hôm mình cảm thấy tiêu cực kinh khủng, những câu chuyện chữa lành thay thế bằng câu chuyện về những bế tắc của mình - mình ghét bản thân thế này, mình trộm nghĩ. Đây không phải là mình.
Trong trạng thái này, hành động và quyết định của chúng ta chủ yếu được thúc đẩy bởi sợ hãi, căng thẳng và nhu cầu bảo vệ bản thân khỏi những mối đe dọa tiềm ẩn, không còn chỗ cho suy nghĩ chất lượng và sự sáng tạo.
Mình thức dậy vào buổi sáng và điều đầu tiên mình làm là suy nghĩ về những vấn đề trong cuộc sống, mớ to do list tồn đọng của ngày hôm qua. Những vấn đề đó là ký ức từ quá khứ. Mỗi vấn đề đó đều có cảm xúc đi kèm, vì vậy mình bắt đầu cảm thấy không hạnh phúc. Từ quá khứ quen thuộc, mình sống trong tương lai được định sẵn. 
Để thay đổi, bước đầu tiên mình làm là nhận thức về những suy nghĩ của chính mình.
Một người là sản phẩm của những gì anh ta suy nghĩ. Những gì anh ta suy nghĩ, anh ta trở thành.
“A man is but the product of his thoughts. What he thinks, he becomes.” – M.K.Gandhi
Nếu chúng ta không thể suy nghĩ vượt lên khỏi cảm xúc của mình, chúng ta chỉ đang sống theo những gì môi trường quyết định cho cơ thể chúng ta. Thay vì thực sự suy nghĩ, đổi mới và sáng tạo tương lai, chúng ta chỉ kích hoạt lại những mô thức của quá khứ; các phản ứng căng thẳng lặp lại giống nhau khiến chúng ta sống trong trạng thái sinh tồn." - Joe Dispenza
Tưởng tượng não bộ như Tiktok, khi bạn càng xem nhiều về một chủ đề, Tiktok sẽ ưu tiên đề xuất cho bạn những nội dung tương tự và đôi khi Tiktok cũng sẽ đề xuất cho bạn những nội dung mới nhưng không phù hợp với bạn, bạn cần đủ tỉnh táo để nhận ra không đắm chìm vào dòng newsfeed đó. Thay vì lướt Tiktok một cách vô thức, bạn có thể tinh chỉnh, tập trung vào những chủ đề bạn muốn tìm hiểu, bạn không để Tiktok định hướng bạn, bạn là người quyết định. Tương tự, chúng ta cũng có thể nhận biết những suy nghĩ hàng ngày của mình bằng chánh niệm, bạn không để bất kỳ suy nghĩ nào vượt qua màng lọc nhận thức của bạn, bạn sống có ý thức. 
Như trong một bài giảng của thầy Minh Niệm đại ý bảo là hãy chăm sóc tâm trí của chúng ta như một khu vườn, thường xuyên quan sát chúng, nhổ bỏ cỏ dại (những suy nghĩ không giúp ích cho chúng ta) để tạo nên một khu vườn tươi tốt. 
Công thức đơn giản là: Khi bạn dành thời gian để nhận biết suy nghĩ của mình, bạn chăm nhổ cỏ, bạn rút lui khỏi chương trình tự động (những hành vi vô thức) không để những cỏ dại xâm chiếm khu vườn của bạn. Chúng ta hình dung cuộc sống mà chúng ta mong muốn, điều chỉnh tư duy và cảm xúc của mình với tầm nhìn đó, và hành động để manifest nó thành hiện thực. 
Trở lại câu chuyện làm sao để hết stress, điều đầu tiên, bạn cần nhận biết được rằng mình đang stress, bạn cần lùi lại và nhận ra vấn đề gốc rễ nằm ở đâu và giải quyết nó. Biết được giới hạn bản thân, học cách từ chối, ra tín hiệu ét ô ét vì mỗi người sẽ có một ngưỡng chịu stress khác nhau và rất khó để mọi người hiểu cho bạn nếu bạn không kêu cứu. 
Nhưng đôi khi, chúng ta cần stress, cần cháy hết mình, cần vắt kiệt sức mình để biết thế nào là cân bằng, thất bại để biết cách tôn trọng bản thân và sống cho chính mình. Cuộc sống không phải để luôn đúng mà để bớt sai đi. Mỗi một lần bị stress đánh gục quên đi bản thân thì lần tới, mình lại vực dậy nhanh hơn - been there, done that, sẵn sàng cho những trọng trách lớn hơn. 
Thật kỳ lạ khi việc tìm hiểu về stress khiến mình nhẹ lòng đến nhường này, đến đây thì mình tự dưng nhớ ra câu chuyện về cách Elon Musk vượt qua nỗi sợ bóng tối:
Khi tôi còn nhỏ, tôi rất sợ bóng tối. Sau đó tôi hiểu ra, bóng tối chỉ là sự thiếu vắng của các hạt quang tử (photon) trong bước sóng hữu hình - từ 400 tới 700 nanô mét. Thế là tôi nghĩ, thật ngu mới đi sợ sự thiếu vắng của photon. Từ đó, tôi không còn sợ bóng tối chút nào.
Sau khi hiểu bản chất của stress mình chợt nhận ra thật là ngock ngeck mới đi sợ cơ chế sinh tồn của mình LOL. 
Hôm kia mình tâm sự với bạn: "Ly không hết stress được, Ly còn trách nhiệm với công việc", bạn bảo mình "Trách nhiệm duy nhất của em là làm cho bản thân hạnh phúc". Thế mới bảo, mình phải chọn hạnh phúc thì hạnh phúc mới chọn mình được.
Chúng ta cần đắm mình trong stress để biết được ngưỡng cân bằng, bliss point, nơi mà không quá nhiều stress đến mức kiệt sức nhưng cũng không quá ít khiến chúng ta ngưng trệ không phát triển. Nên là, phải vượt qua stress cho nhanh rồi còn tận hưởng hương vị cuộc sống nữa.