Có thể bạn chưa biết, năm 2022, Việt Nam xếp thứ 77/180 về mức độ tham nhũng trên thế giới (tăng 10 bậc từ xếp hạng thứ 87, năm 2021), do Tổ chức Minh bạch Quốc tế (TI) công bố (top 1 là ít tham nhũng nhất). Đây được coi là mức tốt so với mặt bằng chung, vì 86% các nước trên thế giới không cải thiện tốt hơn mức độ tham nhũng trong 1 thập kỷ trở lại đây, Việt Nam thậm chí nằm trong top 3 nước có mức cải thiện tích cực nhất trong 5 năm gần đây. 
Tuy nhiên sự thật có phải như vậy ko khi vẫn còn đó những Việt Á, FLC hay mới đây là đại án Trương Mỹ Lan với những con số choáng ngợp như: 1 triệu tỷ đồng bị "rút lõi", 300 nghìn tỷ bị chiếm đoạt - giá trị tương đương top 3 vụ lừa đảo tài chính lớn nhất trong lịch sử thế giới và hơn 42,000 nạn nhân bị hại chỉ tính riêng Trái phiếu VTP. 
Đây rõ ràng ko phải vụ án tham ô đầu tiên mà chúng ta được biết, bởi vì trong quá khứ cũng đã có rất nhiều những vụ đại án như vậy gây thất thoát hàng trăm nghìn tỷ cho Nhà nước, và đặc biệt là các vụ sau ngày càng tinh vi và liều lĩnh hơn các vụ trước. Vậy lý do đằng sau là gì và liệu sau này có thể có đại án nào đánh bại những con số khổng lồ trong vụ đại án lịch sử Trương Mỹ Lan được ko?
Trước hết, hãy cùng mình điểm lại 1 số đại án chấn động nhất trong lịch sử thông qua bài viết bên dưới nhé.

1, Minh Phụng (1999)

Đầu tiên là 1 vụ án mà mình thấy gần như là phiên bản tiền nhiệm của Vạn Thịnh Phát vậy, chủ mưu cũng là người Việt gốc Hoa, trùm bất động sản, tham ô bằng cách rút tiền từ Ngân hàng và che dấu bằng cách dùng nhiều công ty con cùng với hối lộ quan chức. Tuy nhiên sự thú vị ở đây là cho đến nay vẫn có nhiều ý kiến trái chiều về việc chủ mưu của vụ án thực chất là người tốt hay xấu. 
Và nhân vật chúng ta đang nói đến ở đây là Tăng Minh Phụng, 1 trong những đại gia đầu tiên, người từng được coi là ông vua bất động sản Việt Nam những năm thập niên 90. Công ty Minh Phụng của ông khởi đầu là 1 công ty nhỏ làm trong lĩnh vực dệt may, nhờ sự chăm chỉ của chính ông mà công ty nhanh chóng trở thành chuỗi phân xưởng lớn nhất thành phố trong những năm đầu thập niên 80. Ông Phụng được miêu tả là người giản dị và rất chịu khó. Ngay cả khi công ty phát triển mạnh mẽ rồi thì ông cũng luôn có mặt ở phân xưởng, đồ ăn buổi trưa luôn là ổ bánh mỳ, chai nước suối và 3 tờ báo.  "Niềm vui duy nhất của ông là con cái và đam mê lớn nhất là công việc. Không rượu chè, cờ bạc, trai gái" " vợ ông miêu tả. Vào những năm 1993-1996, Công ty Minh Phụng đã có doanh thu vài triệu USD cùng hàng nghìn nhân công. 
Bước ngoặt chính thức đến vào năm 1992 khi công ty Minh Phụng quyết định tham gia vào lĩnh vực bất động sản, 1 nơi đầy tiềm năng nhưng cũng không ít rủi ro. Tuy nhiên ở thời điểm công ty chưa có chức năng kinh doanh bất động sản, vì thế việc này có thể coi là bất hợp pháp. Đến đầu năm 1997, tổng danh mục bất động sản của Tăng Minh Phụng đã có tới 169 biệt thự, nhà ở, văn phòng các loại; 1,2 triệu m2 nhà xưởng; 2,6 triệu m2 đất chuyên dùng và các tài sản khác phân bố khắp địa bàn Thành phố Hồ Chí Minh và các tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu, Bình Dương, Lâm Đồng. Thế nhưng, số tài sản khổng lồ này có được không phải nhờ tiềm lực tự thân của doanh nghiệp này mà hoàn toàn từ vốn vay ngân hàng. Thực chất, các bất động sản mới mua đều ngay lập tức được thế chấp cho ngân hàng để công ty có dòng vốn đầu tư tiếp, vì vậy rủi ro đòn bẩy là cực kỳ cao.
Câu chuyện thực tế đã bắt đầu vào giai đoạn 1993-1996, với đòn bẩy lớn, công ty đã rơi vào tình thế khó khăn do lãi vay tăng nhanh nhưng giá bất động sản thì không tăng theo kịp. Khi đó, ông Phụng đã có 1 quyết định sai lầm, thay vì bán bớt tài sản để trả nợ thì ông đã lên kế hoạch lừa các ngân hàng để có vốn tiếp tục đầu tư. 
Vậy cách thức lừa đảo ra sao? Thì theo quy định của Ngân hàng Nhà nước vào thời điểm đó, 1 doanh nghiệp chỉ được vay vốn không quá 10% vốn tự có, nên để có thể được vay được nhiều ông Phụng đã thành lập rất nhiều công ty con, cấu kết với các quan chức ngân hàng sử dụng trên 40 pháp nhân để vay vốn từ 7 ngân hàng lớn. Tổng số nợ là gần 6.000 tỷ đồng và 32,6 triệu USD. Tăng Minh Phụng sau đó bị tuyên án tử.
Cho đến bây giờ nhiều người vẫn nói rằng, vấn đề của ông Phụng bắt nguồn từ tham vọng quá lớn của ông. Ngay cả khi khám xét nhà Tăng Minh Phụng, cơ quan điều tra cũng không tìm thấy tài sản riêng gì có giá trị vì ông đã đầu tư toàn bộ số tiền tự có vào Công ty Minh Phụng. Câu chuyện đúng sai thì mỗi người sẽ có câu trả lời của riêng mình. Tuy nhiên cuộc đời của ông vẫn là bài học lớn cho giới đầu tư sau này về câu chuyện cân đối giữa rủi ro và lợi nhuận trong quá trình đầu tư. 

2, Tập đoàn kinh tế Vinashin (2012-2014) 

Tiếp theo, 1 trong những đại án tham ô lớn nhất trước thời Trương Mỹ Lan phải kể đến đại án tại Tập đoàn Công nghiệp tàu thủy Việt Nam (Vinashin). 

2.1, Sai phạm

Tập đoàn này thành lập năm 2006, do Chính phủ sở hữu 100% vốn điều lệ. Kể từ sau khi thành lập, Vinashin đã đồng loạt triển khai các dự án nghìn tỷ, tuy nhiên rất nhiều trong số đó thua lỗ và gây thất thoát hàng trăm tỷ do những sai phạm trong điều hành và kế hoạch tham ô của ban quản lý. Một số dự án có thể kể đến như: 
- Mua tàu cũ giá cao: 
Cụ thể, 1 dự án của công ty đã chi hơn 3000 tỷ đồng mua 06 con tàu có tuổi từ 22 đến 26 năm. Các tàu này sau đó không chạy được do hỏng hóc hoặc càng chạy càng lỗ, chi phí sửa chữa còn cao hơn mua mới. 
Điển hình có tàu Lash Sông Gianh, sau khi đưa vào vận hành chỉ chạy được 1 lần chở than từ Quảng Ninh vào Sài Gòn (lần đầu và cũng là lần cuối luôn). Tổng tiền thu được chuyến đó chỉ 1.8 tỷ nhưng chi phí mất đến 4 tỷ. Thời gian thực hiện cũng đạt kỷ lục: gần 2 tháng. Nghe thật là hài hước phải không ^^.
Hay 1 dự án khác là mua tàu Hoa Sen năm 2007. Con tàu này đã được sản xuất năm 2001, qua sử dụng nhiều lần, rất cũ rồi, thậm chí từng bị thủng đáy trong thời gian khai thác ở Italia. Ông Phạm Thanh Bình (Chủ tịch HDQT kiêm Tổng giám đốc Vinashin lúc đó) biết điều này tuy nhiên vẫn lấp liếm thông tin và cố bỏ ra hơn 1300 tỷ đồng để mua bằng được đống sắt vụn này về. Để sau đó tàu càng chạy càng lỗ, đến khi ko sử dụng thì vẫn phải trả lãi vay 80 tỷ đồng mỗi năm và "đốt" tổng cộng 500 tỷ đồng nguồn ngân sách Nhà nước.  
- Sai phạm trong đầu tư:
Tương tự các khoản chi tiêu bị làm giá, các khoản đầu tư của tập đoàn này cũng gặp rất nhiều sai phạm.
Như tháng 3 năm 2007, Vinashin góp vốn xây dựng nhà máy nhiệt điện Sông Hồng tổng mức đầu tư gần 1500 tỷ. Ông Phạm Thanh Bình tiếp tục là người phê duyệt. Tuy nhiên tháng 5/2007, sau khi thẩm tra hồ sơ, Bộ Công nghiệp đã nhận ra: dự án không có cơ sở pháp lý để phê duyệt, thiết bị công nghệ thì lạc hậu và kết quả là phải đình chỉ thực hiện. Tổng thiệt hại  là hơn 300 tỷ đồng.
Thế nhưng không hiểu sao sau đó Tập đoàn lại đầu tư 1 dự án điện khác là Nhà máy điện Cái Lân với tổng mức đầu tư hơn 36 triệu USD (tương đương 600 tỷ đồng). Mặc dù hợp đồng quy định rõ các thiết bị máy móc phải được mua mới và có xuất xứ từ Châu Âu, nhưng Ban quản lý Dự án đã ký kết với nhà thầu mua sắm nhiều thiết bị đã qua sử dụng, kém chất lượng, không đồng bộ; trong đó thiết bị chính của nhà máy thậm chí được tháo dỡ từ một nhà máy điện thanh lý ở Trung Quốc. Kết quả lại ném 70 tỷ đồng ra ngoài cửa sổ. 
Ngoài ra còn rất nhiều những sai phạm khác không chỉ xảy ra ở Vinashin mà còn nhiều đơn vị trực thuộc và ảnh hưởng ở 33 tỉnh, thành phố trong cả nước. Tổng thiệt hại là hơn 900 tỉ đồng và lượng tài sản tham ô lên tới hơn 19 triệu USD. 9 bị cáo sau đó đều bị bắt và xử mức án từ 10-20 năm tù. Ông Bình chịu mức án cao nhất 20 năm tù và phải bồi thường hơn 500 tỷ.
Ông Phạm Thanh Bình
Ông Phạm Thanh Bình

2.2, Những tưởng sự việc với Vinashin đến đó là kết thúc, nhưng không

Giữa năm 2010, Chính phủ ban hành quyết định về việc tái cơ cấu Vinashin và cấp cho tập đoàn này hơn 6,000 tỷ đồng. Tuy nhiên Nguyễn Ngọc Sự (chủ tịch Hội đồng thành viên Vinashin khi đó) đã ko sử dụng số tiền đó vào tái cơ cấu mà lại dùng để gửi tiền vào Ngân hàng Oceanbank nhằm mục đích ăn lãi tiền gửi và những khoản bên ngoài khác. Việc này được Hà Văn Thắm (Chủ tịch HĐQT Oceanbank) đề xuất khi ông này biết Vinashin có khoản tiền lớn mới về.
Ngày 29-10-2010, Nguyễn Ngọc Sự ký văn bản gửi Thủ tướng Chính phủ và Trương Văn Tuyến (Tổng Giám đốc Vinashin) ký văn bản gửi Bộ Tài chính đề nghị được sử dụng tiền gửi có kỳ hạn tại Oceanbank nhằm nâng cao hiệu quả sử dụng vốn. Chính phủ tất nhiên không chấp thuận nhưng 2 bị cáo vẫn tự ý gửi tiền để chuộc lợi cá nhân.
Sau đó từ tháng 11-2010 đến 6-2014, Vinashin đã thực hiện 2.341 hợp đồng giao dịch gửi tiền có kỳ hạn vào Oceanbank, với tổng giá trị tiền gửi hơn 103.000 tỷ đồng, số lãi tương ứng hơn 1.000 tỷ đồng. Còn Oceanbank theo chỉ đạo của Hà Văn Thắm đã thực hiện việc chi trả tiền ngoài lãi suất cho Vinashin là hơn 105 tỷ đồng. Việc chia chác số tiền này thế nào thì đều do ông Sự quyết định. Ông này về sau cũng nhận mức án cao nhất là 16 năm tù. Còn Hà Văn Thắm thì về sau còn dính dáng tới đại án Tập đoàn dầu khí Việt Nam PVN và chịu mức án chung thân.
Đúng là khó khăn chồng chất khó khăn khi mà số tiền đáng ra để sửa chữa những sai phạm cũ thì lại được dùng để tái phát những sai phạm mới)

3, Tập đoàn dầu khí Việt Nam (PVN) (2015-2017)

So với 2 vụ án về bất động sản và tàu thủy, thì đại án tại tập đoàn Dầu khí Việt nam sẽ còn làm bạn sốc hơn nhiều vì sự nghiêm trọng của nó. 
Trong giai đoạn 2015 - 2017, các sự vụ liên quan PVN trầm trọng đến nỗi cả 4 người từng là Chủ tịch Hội đồng thành viên PVN đều bị khởi tố. 1 lãnh đạo công ty con của PVN (PVC) là Trịnh Xuân Thanh thậm chí gây ra xung đột giữa Đức và Việt Nam, vì ông này sau khi phạm tội đã trốn sang Đức, sau đó được đưa về Việt Nam thì bên Đức cáo buộc Việt Nam đã bắt cóc bị cáo. Sau đó phía Đức đã đuổi 2 nhân viên ngoại giao Việt Nam về nước và tạm đình chỉ quan hệ đối tác chiến lược với Việt Nam. 
Do giới hạn bài viết nên mình sẽ nhắc đến 2 sai phạm lớn liên quan đến ông Đinh La Thăng, các sự vụ khác các bạn có thể tìm hiểu thêm thông qua bác google nhé.
+ Vụ án đầu tiên là dự án Nhà máy nhiệt điện Thái Bình 2.
Cụ thể, PVN được giao làm đầu mối đầu tư dự án Nhà máy nhiệt điện Thái Bình 2, với tổng mức đầu tư sau thuế hơn 31,505 tỷ đồng, tương đương gần 1.7 tỷ USD. Mặc dù chưa chọn nhà thầu nhưng ông Đinh La Thăng (Chủ tịch HĐQT PVN lúc đó), đã chỉ định Tổng công ty cổ phần xây lắp dầu khí (PVC - công ty con của PVN) thực hiện gói thầu EPC cho dự án này, cùng với đó chỉ đạo PVPower ký hợp đồng EPC số 33 với PVC trái quy định, sau đó lại chỉ đạo cấp dưới và Ban quản lý dự án căn cứ hợp đồng này cấp tạm ứng hơn 6,6 triệu USD và trên 1.312 tỷ đồng cho PVC. Thực tế PVC còn chưa có kinh nghiệm quản lý, điều hành những dự án lớn như thế này.
Chủ tịch HDQT kiêm Tổng giám đốc PVC lúc bấy giờ là ông Trịnh Xuân Thanh đã không dùng số tiền ứng trước vào thực hiện dự án mà đã rút lõi 1115 tỷ đồng để trả các khoản nợ khác. Hậu quả là dự án bị chậm tiến độ 18 tháng, đội vốn hàng triệu đô và gây thiệt hại cho Nhà nước gần 120 tỷ đồng. 
+ Vụ án thứ 2 đó là khi ông Đinh La Thăng chỉ đạo cấp dưới góp vốn trái pháp luật vào Ngân hàng thương mại cổ phần Đại dương (Oceanbank).
Kịch bản thì vẫn quen thuộc, dùng vốn đầu tư của công ty gửi vào Ngân hàng và ăn tiền lót tay bên ngoài. Kết quả đã gây thất thoát cho Nhà nước 800 tỷ đồng. Còn đầu mối sai phạm tại Oceanbank cũng chính là Hà Văn Thắm mà mình đã nhắc đến ở trên. 
Kết hợp với những sai phạm khác nữa thì ông Đinh La Thăng đã gây thiệt hại hơn 2000 tỷ đồng cho ngân sách Nhà nước và kết quả đã bị lãnh án 30 năm tù cùng với mức bồi thường 830 tỷ đồng. 
Còn ông Trịnh Xuân Thanh sau 1 năm trốn truy nã ly kỳ như trong phim (liên đới tới cả mối quan hệ Việt Nam và Đức), thì tháng 7/2017 đã ra đầu thú, bị kết án tù chung thân và phải bồi thường tổng cộng 122 tỷ đồng.

4, Thay lời kết

Bà Phạm Chi Lan, thành viên Ban cố vấn của Thủ tướng Chính phủ Việt Nam các thời thủ tướng Võ Văn Kiệt và Phan Văn Khải cũng từng phát biểu rằng: "Một điều tra ở Việt Nam cho thấy, trung bình cứ 1 đồng lợi nhuận thì doanh nghiệp phải mất 1,02 đồng cho "bôi trơn". Có nghĩa, nếu tham nhũng ở nước ta giảm đi 50% thì đã làm tăng được 50% lợi nhuận của doanh nghiệp rồi". Nói vậy để thấy tham nhũng vốn vẫn là 1 vấn đề nhức nhối ở nước ta, nó thậm chí đã thành văn hóa khi mà người ta mặc định nếu bạn vào làm những vị trí đó thì kiểu gì cũng phải có những “hoạt động ngầm” như vậy. 
Điều này gây ra nhiều hệ lụy như: công chúng mất lòng tin về bộ máy quản lý, Việt Nam mất uy tín với các dòng vốn đầu tư quốc tế, xã hội mất cân bằng và nguy hiểm nhất là đà phát triển của cả quốc gia bị kéo lùi chỉ vì những lợi của 1 số cá nhân. 
Chính vì vậy mà Chính phủ gần đây đã có những thông điệp rất mạnh mẽ trong việc tuyên chiến với tham ô, tham nhũng. Bằng chứng là rất nhiều sai phạm nghiêm trọng đã được đưa ánh sáng chỉ trong 1 thời gian ngắn như là: Việt Á, kít xét nghiệm, hay gần hơn là Tân Hoàng Minh, Vạn Thịnh Phát. Tất nhiên kết quả về dài hạn thế nào thì chỉ thời gian mới có thể trả lời. Nhưng ít nhất chúng ta đã và đang quan sát được những tiến triển, những thành công nhất định trong cuộc chiến dài hơi này.
----------------------------------------------------
Trang cá nhân tác giả: