Người ta vẫn thường nhắc đến tuổi 20 như một bước ngoặt của tuổi trẻ, tuổi 25 như cánh cổng của thanh xuân, và tuổi 30 là một nửa của trưởng thành. Từng đoạn đường của một thời bồng bột, non dại, và trẻ tuổi đều được dồn vào những cột mốc đó.

Nhưng lại rất ít người đề cập đến những độ tuổi ở giữa, bởi vì nó không tròn trịa. Và đời người 50, 60, năm là quá dài để người ta kể hết những đoạn đường đã qua. Người ta muốn nhìn vào cột mốc.

Vượt qua tuổi 20, bạn có tuổi trẻ, thời gian, đam mê và mọi người xung quanh.

Bước qua tuổi 25, bạn vừa chạm ngưỡng trưởng thành, vừa đủ trải nghiệm, và dần mất đi những đam mê thuở ban đầu, nhưng bạn biết rõ mình là ai, cần gì và làm gì.

Bước qua tuổi 30, bạn đi hết một nửa đời người, lưng chừng của tuổi trẻ, sấp xỉ của tuổi già, nhưng lại có đủ đầy những kinh nghiệm để đi tiếp quãng đời còn lại, một mình, hoặc với một ai đó khác.

Đọc thêm:

Còn tôi, thì chỉ vừa bước qua tuổi 23 được 5 tháng. Ở cái độ tuổi vừa trưởng thành, vừa bồng bột, và lưng chừng giữa đam mê, tài năng, và lạc lối.

Có lẽ, người ta thường thích nhắc tới cột mốc, tôi lại thích nhắc tới những lưng chừng. Bởi chẳng ai biết được, giữa cái lưng chừng đó, chúng ta có vô tình vấp ngã và dừng lại mãi mãi hay không.
Ở tuổi 23, tôi sống qua ngày chấp vá bằng nỗi đau, tình yêu, và sự ích kỉ với bản thân mình. Giữa cái xã hội ngày càng phát triển tới mức chóng mặt, hơi thở dường như bị chính gia đình, người thân, và bạn bè siết chặt bởi cái gọi là tình thương.

Những mối quan hệ dần ít đi, mâu thuẫn dần nhiều hơn. Và tôi nhận ra, không phải chỉ mình tôi thay đổi, mà vì Trái Đất luôn di chuyển, nên mọi người ai cũng phải thay đổi. Vì đó là quy luật tự nhiên để sống, để tồn tại.
Tôi vùng vẫy trong đam mê, tài năng, tiền bạc, và rồi tôi lạc lối. Vừa bước chân ra khỏi trường, ở một đất nước xa lạ. Không người thân, không bạn bè, cái tôi có chỉ là chút niềm tin ít ỏi, cố chèo lái cả cơ thể đã mỏi nhừ này để bước tiếp. Tôi dám cá là không phải chỉ mình tôi ở độ tuổi này cảm thấy lạc lối. Ngoài kia, chắc hẳn cũng không ít người đã nghĩ đến cái chết. Bởi vì so với sống trong đau đớn từng ngày, cái chết dường như lại dễ thở hơn hẳn. Và dù rằng mình có chết ở một nơi đất khách quê người, cũng sẽ chẳng mấy ai để tâm.

Tôi vẫn nhớ lần đầu tiên mình tự sát là năm 20 tuổi. Khi bản thân quá mệt mỏi với gia đình, chuyện học hành, lẫn con đường quá khứ cứ mỗi ngày mỗi hiện về.
Từ chuyện bị bắt nạt, đến chuyện bị quấy rối tình dục, và những đau đớn khi bị bỏ rơi trong chính gia đình mình. Nó vắt kiệt tuổi trẻ và đam mê của một con người. Có lẽ, sẽ rất khó để thấu cảm, nhưng chính những người đã đớn đau sẽ rất hiểu cảm giác thèm chết đó mãnh liệt đến mức nào.
Một quá khứ không trọn vẹn, một hiện tại lạc lối, và một tương lai mịt mù. Chính tôi đã cố bóp nghẹt chính mình bởi mớ suy nghĩ không hồi kết đó. Giống như đem bản thân nhốt vào một cái lồng bằng gai nhọn không có khóa, nhưng lại mãi không chịu bước ra.

Đọc thêm:


Và rồi, thật may, năm đó, tôi không có can đảm để chết. Con dao sắc nhọn tôi dùng để tự sát rơi xuống nền gạch lạnh ngắt, vang lên từng tiếng chua chát cùng tiếng khóc nghẹn ngào.

Sau 3 năm vật lộn với cái ý định đó, tôi đã 23 tuổi. Tôi nhận ra bản thân mình rất đáng thương.

Tôi bắt đầu cầu cứu bằng cách tìm kiếm những lời an ủi. Vùng vẫy trong mớ gai nhọn hy vọng sẽ có người kéo tôi ra khỏi đó.
Nhưng đừng vội phán xét, đừng phê phán, đừng dè biểu, con người khi đã cùng đường vì lý do này hay lý do khác đều là cái cớ. Cái quan trọng là họ không nhìn thấy mục đích để sống, và tự sát như một hiệu ứng cánh bướm có thể thấy nhan nhản trên các tờ báo, tạp chí, và truyền thông mạng xã hội.

Ngày hôm nay nam sinh này thất tình tự sát, ngày hôm kia vì trầm cảm sau khi thi mà nhảy lầu, hay ngày hôm nọ vì không cùng tiếng nói với gia đình mà bản thân gục ngã trong biển máu và đau đớn. Có quá nhiều cách, cũng có quá nhiều lý do để kết thúc cuộc sống của con người một cách dễ dàng.

Ý định tự sát là một suy nghĩ. Một khi đã có trong đầu, nó sẽ không dẫn đến hành động dứt khoát ngay lập tức. Mà nó sẽ ăn mòn cơ thể theo từng nỗi đau mà ta chịu đựng, rồi đến một ngày nắng xanh đẹp trời, chẳng có quá nhiều phiền não, nó sẽ đến và bắt cóc từng nỗi khốn khổ trong cuộc đời mà ta đã trải qua này.

Có lẽ, khi một người đang trong tình trạng muốn tự sát đi tìm lời khuyên, những lời sáo rỗng như “ Không sao cả “, “Rồi sẽ ổn thôi”, hay “ Đã sống đến được bây giờ, còn nghĩ quẩn cái gì nữa” đều sẽ rất dễ nghe thấy. Thật ra, cố tìm sự an ủi không phải là để nghe lời khuyên. Bởi vì không phải tự bản thân trải qua cảm giác đó, thì chúng ta sẽ không thể hiểu được cảm giác đó tròn méo thế nào. Cũng giống như một người mù cảm nhận màu sắc, dù họ có hình dung bao nhiêu lần trong đầu thì vẫn sẽ không có cùng trải nghiệm với người có thể nhìn thấy màu sắc. Thế nên, lời an ủi chỉ đơn giản là những nhát dao khứa vào lòng kẻ đang tổn thương. Không hề có tác dụng. Nhưng chí ít, nó vẫn giúp níu giữ đối phương thêm một vài giây phút.

Nhưng rồi trong khoảnh khắc tôi muốn tự sát. Tôi vùng dậy như bản năng tự nhiên của con người là sinh tồn. Tôi vật lộn với suy nghĩ tiêu cực luôn muốn kéo mình xuống. Tôi chiến đấu bằng chút dũng cảm cuối cùng của mình.

Tôi nhận ra vấn đề, con đường tôi đang đi, nơi mà tôi bị giam giữ, cốt lỗi không phải là tìm người kéo tôi ra khỏi cái lồng đầy gai đó, mà là bản thân phải thật sự mong muốn thoát khỏi nơi đó. Phải để bàn tay tự đâm vào những chiếc gai của quá khứ, phải dùng sức lực của hiện tại đẩy ra cánh cửa đi về tương lai.

Rồi tay sẽ đau, lòng ngực cũng đau nhói, mà tinh thần lại càng bị ăn mòn đến hoảng loạn. Nhưng sau khi đặt chân ra khỏi nơi đó, tôi mới thấy bản thân mình mới thật sự được sống.

Tôi thôi khao khát, thôi làm hài lòng mọi người, cũng thôi vẽ lên những nhận định mình mong muốn. Tôi chấp nhận những sự thật, và đối diện quá khứ.

Tôi từng bị quấy rối tình dục, quá khứ của tôi tràn ngập trong những nhục dục đau đớn. Tôi đã từng sợ hãi những đụng chạm thân mật, tôi cũng từng sợ đối diện với người đã làm hại mình. Tôi trốn tránh, tôi bỏ chạy, và rồi tôi nghĩ rằng bản thân mình đã chiến thắng quá khứ. Nhưng ngay từ lúc tôi quay đầu bỏ chạy, tôi đã thua. Thua hoàn toàn chính mình.
Và giờ, khi đem gai nhọn tự mình đâm vào. Tôi biết mình không cần sợ hãi, bởi sợ hãi chỉ ăn mòn sức chịu đựng và lòng can đảm của con người. Tôi chấp nhận sự thật mình là nạn nhân, và mình không còn cơ hội để tống những tên cặn bã đó vào tù. Nhưng tôi thôi đòi hỏi những lời xin lỗi xáo rỗng, cũng thôi nghĩ đến những lý do vì sao chuyện đó xảy ra. Bởi vì dù là một lý do xấu xí hay đẹp đẽ đến mức nào, quá khứ chính là cái lồng gai nhọn tôi cần rời đi bằng cách đối diện. Đau đớn đến mức nào, tôi cũng học được cách dũng cảm với quá khứ của chính mình. Ai cũng sẽ có một nỗi đau đáu đâu đó trong quá khứ. Nhưng bước tiếp hay chìm đắm trong vũng đáy thì lại là lựa chọn của chúng ta ở hiện tại.

Tôi không có một gia đình hoàn mỹ. Thiếu hụt tình cảm từ nhỏ, thiên vị, và những tư tưởng áp đặt từ gia đình khiến tôi kiệt quệ. Nhưng tôi cũng thôi không mong muốn sửa đổi. Là gia đình, tôi chấp nhận con người của họ, tình yêu của họ, dù rằng nó chưa bao giờ như tôi mong muốn. Và thứ tình cảm không đồng đều khiến tôi thôi so sánh, thôi đau đớn. Bởi vì chỉ cần họ thương tôi, bao nhiêu cũng không cần đong đếm, chỉ cần họ ở đó, dù rằng là tình yêu rất đỗi nhỏ bé, nhưng tôi cũng sẽ học cách trân trọng cái mình đã nhận được, thay vì khát cầu cái mình không có được. Và nếu người khác không thương mình, vậy tôi học cách tự thương mình.

Có lẽ, lời nói thì dễ nghe, dễ làm. Nhưng hành động thì rất khó khăn. Tôi vật lộn với nó suốt bao nhiêu năm, chí ít, tôi chưa từng bỏ cuộc. Dù rằng tôi đã bước một chân tới con đường tự sát, nhưng tôi lại chấp nhận dẫm lên gai nhọn để quay đầu.

Chưa từng bỏ cuộc, thì nhất định sẽ có thành công. Chỉ là thời gian ngắn hay dài.

Người ta thường bảo, là người trưởng thành thì phải lập nghiệp, có sự nghiệp riêng, độc lập tài chính, độc lập tư tưởng. Nhưng thật ra, trước khi làm được những điều đó, trước nhất có lẽ phải là tự là chính mình. Giết chết nỗi sợ hãi, giết chết những đau đớn đã trải qua, và giết cả bản thân đã nhu nhược, yếu ớt của quá khứ.

Năm 20 tuổi, tôi tự sát bất thành về mặt thể xác.
Năm 23 tuổi, tôi tự sát rất thành công. Tôi giết chết chính mình của quá khứ.

Chúng ta, ai rồi cũng sẽ thay đổi, nhưng thay đổi thành bản thân tốt hơn ở tương lai.

Có lẽ hiện tại chúng ta đang vấp ngã, đang lạc lối, đang hoảng sợ, đang đau đớn. Đừng lo, không chỉ riêng chúng ta đang trải qua những khó khăn. Vẫn còn rất nhiều người ngoài kia như thế.

Và nếu ai trong số chúng ta có ý định tự sát, tôi hy vọng bạn đọc được bài viết này. Tôi không hy vọng nhìn thấy nỗi đau tương tự, cũng chẳng mong bạn sẽ thấy nó cho bạn sự thấu cảm. Bởi vì, mỗi người đều có một trải nghiệm riêng về nỗi đau trong quá khứ, sẽ chẳng ai có thể hiểu rõ nó bằng chính bản thân mình.

Nếu bạn đau đớn, vậy thì cứ đau đớn. Nếu bạn đang lạc lõng, đừng cố ép bản thân mình tìm kiếm con đường đúng đắn. Chỉ cần là chính mình, đem gai nhọn xung quanh từng gai một vứt bỏ.

Nhắm mắt lại, mở mắt ra đã là chuyện chẳng thể chạm đến nữa. Tất cả đều chỉ nằm trong suy nghĩ, và rồi, ngày mai nắng sẽ lại rợp trời. Chúng ta sẽ có thể có cơ hội kiếm tìm hạnh phúc một lần nữa.

Và nếu hôm nay là ngày đẹp trời, vậy thì hãy đem bản thân của quá khứ ra tự sát. Giết chết đi một phần khiến ta yếu đuối, ngày mai chỉ có bản thân trong gương thật mạnh mẽ, và xinh đẹp.

Tôi của năm 23 tuổi, đã chết rồi. Nhưng sẽ sống lại như Phượng Hoàng trong đống tro tàn. Và đời người thì vẫn luôn là quá trình luân hồi mạnh mẽ như thế.

Tác giả: Lâm Hảo
------------------
Cuộc thi Viết Để Trưởng Thành được tổ chức định kỳ 02 tháng/lần. Thông tin chi tiết về cuộc thi vui lòng xem tại: http://bit.ly/CuocthiVDTT

Bản quyền bài viết thuộc về A Crazy Mind và cuộc thi Viết Để Trưởng Thành. Mọi đăng tải lại cần trích dẫn nguồn đầy đủ theo cú pháp: “Tên tác giả - Nguồn: A Crazy Mind - Viết Để Trưởng Thành”