Tôi mơ màng thức dậy sau một giấc ngủ dài...
Lồng ngực đau nhói, trong khi toàn bộ cơ thể dường như tê cứng lại. Tôi có thể cảm nhận được cái mùi nồng nặc, ngai ngái của cồn khử trùng đang xộc thẳng vào khoang mũi mình, dẫu cho khuôn mặt đã được bịt chặt bằng một chiếc mặt nạ thở oxy.
Chậm rãi, tôi cựa người trong khó nhọc. Một cơn đau từ cổ tay trái bỗng dưng nhói lên khiến tôi hơi giật mình. Nheo mắt nhìn lên trên, tôi nhận ra có một bịch lớn chứa dung dịch màu trắng ngà được treo bên chiếc cột đầu giường. Một chiếc ống ngắn và rỗng cắm phía dưới bịch, đang nhỏ xuống từng giọt nước. Thứ chất lỏng đó cứ vậy chảy qua đường dây nhựa trong suốt. Cuối cùng, nó dừng lại trên cổ tay trái tôi, nơi cây kim truyền dịch lạnh buốt cắm thật sâu vào trong tĩnh mạch.
Tôi thở dài buồn bã, cơ thể già nua và bệnh tật của tôi đang dần yếu ớt hơn. Dường như hít thở thôi đã trở nên rất khó khăn, còn việc ăn uống thì cũng chẳng tự chủ được nữa. Dẫu bác sĩ vẫn khuyên bảo tôi rằng có thể kéo dài thêm chút nữa, nhưng khi nhìn những bịch sữa đạm được truyền liên tục ngay phía trên đầu mình. Tôi biết rằng sẽ chỉ là vấn đề thời gian, trước khi cơ thể này chẳng thuộc về mình nữa.
Này, anh đã sẵn sàng chưa vậy? Chúng ta chỉ còn vài phút nữa thôi.
Một giọng nói bỗng cất ra từ đâu đó trong căn phòng khiến tôi giật mình. Khó nhọc, tôi cố gắng tựa lưng mình vào giường rồi nheo mắt nhìn kỹ. Ở phía góc phòng, là một người phụ nữ tóc ngắn đang ngồi vắt chéo chân và hút thuốc.
Cả cơ thể cô dường như được chùm kín trong một chiếc áo măng tô màu đen đầy bí ẩn. Những làn khói thuốc lơ lửng, bay bổng theo từng hơi thở của cô gái lạ mặt. Dù đã cố gắng nheo mắt lại để nhìn cho thật kỹ, tôi vẫn không tài nào có thể thấy rõ được khuôn mặt đang ẩn phía sau lớp khói mập mờ kia. Dường như thứ duy nhất trông có vẻ rõ ràng là một đốm lửa đỏ từ điếu thuốc đang bị kẹp chặt giữa hai ngón tay của cô ta.
"Cô... là ai vậy?" Tôi cố gắng thở ra từng hơi khô khan một cách khó nhọc, trước khi liên tục ho lụ khụ bởi mùi thuốc lá nồng nặc trong phòng.
Thật là kỳ lạ, tại sao người phụ nữ kia lại có thể đột nhiên xuất hiện trong phòng bệnh của tôi cùng với điếu thuốc lá phì phèo bên môi. Dù cũng có hơi lú lẫn vì tuổi tác, tôi khá chắc rằng mình đã không hề nhìn thấy cô ta ngồi đó ngay khi vừa tỉnh giấc. Đã thế, cô ta vẫn cứ hút thuốc liên tục, rất thản nhiên như thể không biết rằng đây là bệnh viện vậy.
"Anh biết tôi là ai mà." Người phụ nữ nở một nụ cười đầy bí hiểm, vô tư gạt nhẹ tàn thuốc lá vào ly nước đặt trên bàn.
Tôi nheo mắt, cố gắng lục lọi lại trong cái trí nhớ đã già nua của mình để tìm được một khuôn mặt nào đó trùng khớp với cô ta. Nhưng dù đã xới tung lên tất cả những mảnh ký ức khác nhau xuyên suốt cuộc đời mình, tôi vẫn chẳng thể nhớ ra được cô gái kia là ai.
Bỗng dưng trong một khoảnh khắc, cả sống lưng tôi chợt lạnh toát lại, cứ như vừa có một luồng điện chạy dọc qua. Bộ não tôi nhanh chóng xâu chuỗi lại ký ức gần đây, về những cơn đau ngực dữ dội, những hơi thở khó nhọc, và cả những bịch sữa đạm được truyền hằng ngày. Tất cả những hình ảnh đó dần hé lộ cho tôi biết danh tính của người đang ngồi trước mặt mình. Dẫu không thể trực tiếp đoán ra, nhưng tôi vẫn có thể lờ mờ cảm nhận được cô là ai.
Một người mà cả đời tôi chưa bao giờ từng gặp, nhưng rồi chắc chắn sẽ phải đối mặt.
"Vậy là... thời khắc của tôi đã đến rồi sao?" Tôi run rẩy hỏi lại cô ta.
Người phụ nữ mỉm cười, gật đầu xác nhận. "Cũng không mất quá lâu để anh nhận ra nhỉ?"
Lặng lẽ, cô hút một hơi thuốc thật sâu. Đốm tàn lửa thoáng đỏ rực lên trước khi cả điếu thuốc tan thành tro bụi. Nhắm mắt lại và chậm rãi, cô thở nhẹ tất cả khói trong phổi qua hai cánh mũi. Thế rồi, người phụ nữ vứt đầu lọc thuốc đang cháy dở xuống sàn nhà, trước khi đứng dậy giẫm nát nó rồi bước về phía tôi.
Một thứ áp lực nặng nề như tỏa ra trước từng bước đi của cô ta khiến toàn bộ cơ thể tôi lập tức bị ép chặt xuống chiếc giường mình đang nằm. Trong vô thức, những ngón tay cứng đờ của tôi bỗng run rẩy lẩy bẩy, hoàn toàn mất kiểm soát một cách thảm hại.
Lẽ nào... tôi đang sợ hãi sao?
Tôi cố gắng trấn an bản thân mình lại, nhưng mọi nỗ lực đều vô dụng khi mà cơ thể đã chẳng còn muốn nghe lời tâm trí nữa. Bởi hiện giờ, nó đang phải đối diện trước một trong những nỗi sợ nguyên thủy nhất của mọi sinh vật sống: cái chết.
Trong một phút giây ngắn ngủi, tôi đã định hô thật to lên để cầu cứu y tá và bác sĩ. Nhưng rồi, tôi lại tự cười thầm trước ý định có phần ngu ngốc và ngây thơ đó của mình. Bởi chắc chắn rằng, người phụ nữ kia sẽ cắt đứt hơi thở của tôi trước cả khi kịp mở miệng. Mà nếu họ thực sự có thể cứu được tôi, thì cô gái này có lẽ đã chẳng ngồi ở đây từ mấy phút trước rồi.
Sau cùng thì, đâu ai có thể thoát khỏi lưỡi hái thần chết cơ chứ. Giây phút mà điếu thuốc kia được châm, cũng là lúc sinh mệnh tôi bị đếm ngược rồi.
Tôi thả lỏng cơ thế và buông xuôi mọi ý định phản khảng. Tới giờ phút này có muốn kéo dài thêm thời gian cũng chẳng còn nghĩa lý gì nữa.
Dẫu đôi tay vẫn hơi run rẩy, tôi dứt khoát gỡ bỏ chiếc mặt nạ oxy ra khỏi khuôn mặt, rồi rút ngược cây kim truyền dịch đang cắm thật sâu vào tĩnh mạch nơi cổ tay. Xong xuôi, tôi lặng lẽ ngồi đợi khoảnh khắc cuối cùng của mình.
Người phụ nữ đã tiến tới và đứng bên cạnh giường. Cô gật nhẹ đầu, như thể hiện chút ngưỡng mộ trước sự sẵn sàng của tôi. Lạnh lùng, cô rút ra từ trong vạt áo măng tô một lưỡi hái dài và sắc lẻm rồi giơ lên thật cao, chuẩn bị tung ra một nhát cắt kết liễu.
Giây phút đứng trước cái chết, con người ta thật nhỏ bé và vô thường...
Tôi lặng lẽ nhắm mắt lại, chấp nhận số phận khi lưỡi hái thần chết lướt nhẹ qua cần cổ của mình.
72 năm cuộc đời dần tua ngược lại trước mắt tôi. Tất cả mọi thứ mà tôi từng nhìn thấy, từng cảm nhận, từng khao khát, từng lãng quên cứ liên tục hiện về trong tâm trí, như hàng trăm ngàn ngôi sao băng lấp lánh đang vút bay giữa bầu trời đêm tối.
✦ ✦ ✦
22 tuổi, tôi tốt nghiệp đại học với một chuyên ngành mà bản thân chẳng có chút hứng thú nào. Dẫu vậy, đó chưa bao giờ là một điều quan trọng với cuộc đời tôi.
Bố mẹ tôi đã không được vào đại học trong những năm tháng tuổi trẻ của họ, khi còn phải vật lộn với những khó khăn thời bao cấp. Bởi vậy, việc tôi vào đại học theo lựa chọn của họ và tốt nghiệp với một tấm bằng trong tay, không chỉ là niềm tự hào, mà còn là sự hạnh phúc của bố mẹ. Nhờ có tôi, họ đã thực hiện được cái ước mơ mà mình từng bỏ lỡ suốt những năm tháng tuổi trẻ.
Dù vậy, ước mơ của tôi là gì? Khao khát của tôi là gì? Đó có lẽ là điều mà bố mẹ tôi chẳng bao giờ quan tâm cả. Thậm chí, họ còn cấm nói về nó trong những bữa ăn tối như thể tôi đang nói về một điều gì đó thật ngốc nghếch và ích kỷ.
Tuy nhiên, đây vẫn là một ngày rất vui trong cuộc đời của tôi, khi mà đã thành công vượt qua mọi khó khăn suốt bốn năm đại học. Trong sự háo hức và mừng rỡ, tôi liền lấy điện thoại gọi cho cha, người đàn ông luôn cọc cằn và khó tính với mọi điều tôi làm. “Bố à, con ra trường rồi...”
“Mày lo mà kiếm việc đi.” Ông chỉ đáp lại một câu ngắn ngủi trước khi cúp máy.
23 tuổi, chuyên ngành đã từng “hot trend” một thời dần bão hoà và trở nên khó kiếm việc. Suốt mấy năm đầu sau khi ra trường, tôi phải chạy xe ôm và nhận giao hàng để kiếm được chút đồng ra đồng vào nuôi thân.
25 tuổi, tôi đã tìm được công việc mới, bỏ lại những tháng ngày đội nắng, đi mưa ngoài đường. Mặc dù được ngồi máy điều hòa mát, nhưng tiền lương tôi cũng chẳng cao vì kinh nghiệm văn phòng không nhiều, đã vậy phải thường xuyên tăng ca nữa. Dù vậy, công việc này cũng ít bấp bênh hơn so với nghề shipper trước kia.
29 tuổi, sau nhiều năm miệt mài phấn đấu và nỗ lực không ngừng, tôi cuối cùng cũng được thăng chức. Mức lương thưởng và đãi ngộ cũng nhiều hơn. Vội vàng cảm ơn những lời chúc mừng từ đồng nghiệp ở công ty, tôi xin phép chạy ra ngoài để gọi điện về khoe với bố trong sự mừng rỡ và hân hoan. “Bố ơi... con vừa mới được thăng chức rồi bố.”
Ông vẫn chỉ trả lời bằng một câu ngắn ngủi trước khi lạnh lùng tắt máy. "Mày lo mà kiếm vợ đi."
30 tuổi, tôi kết hôn với một người phụ nữ mà mình chẳng hề quen biết, chỉ là do bạn của mẹ tôi giới thiệu cho. Những ngày trước đám cưới, mẹ hỏi tôi có yêu cô ấy không. Tôi chỉ biết cười trừ mà gật đầu, bởi giờ muốn lắc đầu, có lẽ cũng chẳng còn kịp nữa.
35 tuổi, sức khỏe tôi dần suy kém đi sau những tháng ngày miệt mài với công việc. Dường như tôi chẳng thể thường xuyên tăng ca và cày cuốc như hồi còn trẻ nữa. Lương thưởng vì thế cũng thấp dần, rồi tốc độ thăng tiến cũng chậm đi. Kể cả vậy, tôi vẫn phải luôn nỗ lực hết mình. Chỉ cần tụt lại phía sau một chút, tôi hoàn toàn có thể bị công ty đào thải bởi lớp thế hệ trẻ tràn đầy nhiệt huyết và năng lượng hơn mình.
40 tuổi, những ngày tháng bình thường cứ lặp đi lặp lại trong tâm trí của tôi. Là quần áo, pha cà phê, cho con gái ăn sáng, chở nó tới trường, đi làm 8, 9 tiếng một ngày trên công ty. Rồi khi tan làm, thì lại chở con gái về nhà, sửa soạn để đưa nó đi học thêm, và tan học xong thì lại đón về. Thời gian cứ vậy mà trôi đi thật nhanh một cách mờ nhạt, chẳng đọng lại được chút gì trong ký ức mơ hồ của tôi. Mỗi ngày trôi qua đều thật giống nhau, mọi thứ cứ như một vòng lặp quanh quẩn những lo toan chuyện cơm áo gạo tiền.
Một hôm nọ, vợ gọi tôi vào phòng nói chuyện: “Anh à, giờ con cũng sắp vào lớp 6 rồi. Mình cũng phải cho nó đi học thêm tiếng Anh thôi anh ạ. Cô giáo bảo nó học văn khá tốt, nhưng môn toán thì lại kém lắm.” Cô lo lắng thủ thỉ với tôi.
Tôi biết cô muốn nhờ tôi đóng thêm tiền học phí cho con bé, nhưng trước đó chúng tôi cũng đã lên lịch cho một chuyến du lịch gia đình. Dù vậy, khi nhìn vào đôi mắt lo âu của vợ, tôi biết rằng cô cũng chẳng thể nào tận hưởng được kỳ nghỉ vì sợ rằng con mình có thể bị các bạn cùng trang lứa bỏ lại phía sau.
“Em cứ yên tâm nhé.” Tôi ôm vợ mình vào lòng, xoa nhẹ lưng và trấn an cô. Lặng lẽ, tôi xóa app đặt vé du lịch trên điện thoại mình rồi chuyển khoản 40 triệu cho vợ mình để lo tiền học phí của con gái.
42 tuổi, tôi đã buông bỏ đi tất cả những đam mê tuổi trẻ ở lại phía sau. Trách nhiệm và những hóa đơn đè nặng lên đôi vai đã cho tôi biết rõ mình là ai và cần phải làm gì. Là một người cha, tôi có thể thiếu ăn, thiếu ngủ, hay thiếu đi mọi thứ, nhưng không bao giờ được phép để cho vợ con mình phải chịu đựng sự thiếu thốn. Vào những ngày tăm tối của cuộc đời, họ là những gì mà tôi tìm về để đủ sức tiến lên phía trước.
43 tuổi, bố tôi mất vì căn bệnh viêm phổi. Đứng lặng người trước ngôi mộ của ông, tôi chỉ thầm hỏi trong nước mắt: "Bố à... đã bao giờ bố từng cảm thấy tự hào về con chưa bố?"
45 tuổi, con gái tôi giờ đã là một thiếu nữ xinh xắn và đáng yêu. Nó thật là trông giống mẹ nó như đúc. Thi thoảng, tôi có thể nhìn thấy được hình bóng hồi trẻ của mình trong đôi mắt ngây thơ của nó. Ở đó có một sự hồn nhiên và vô tư mà tôi đã đánh mất, đã vứt bỏ đi kể từ khi phải lao vào guồng quay của cuộc sống vội vã.
48 tuổi, con gái nói với tôi rằng nó đã chọn được ngành học mà nó mong muốn. Cầm những tờ nguyện vọng của nó trên tay, tôi cứ đọc đi đọc lại mãi, trong lòng không khỏi thấp thỏm lo lắng trước những lựa chọn của con mình. Dẫu vậy, tôi cũng không muốn ép buộc nó phải thực hiện những ước mơ từng dang dở của mình.
"Con à, con chắc chắn với lựa chọn này chứ?" Tôi lo lắng nhìn nó.
Nó nhoẻn miệng tươi cười và đáp lại. Ánh mắt đầy tự tin chẳng có lấy chút sự ngần ngại nào. "Con chắc chắn lắm rồi bố ạ."
Trong cái khoảnh khắc ngắn ngủi đó, tôi như nhìn thấy được những tia sáng hạnh phúc lóe lên từ sâu thẳm trong đôi mắt của con bé. Đó có lẽ là một điều mà bố tôi chưa bao giờ từng cảm nhận được khi ông nhìn vào đứa con của mình.
Tôi ôm chầm lấy nó trong sự vui mừng và tự hào. Tới giây phút này, con gái tôi giờ đã là một thiếu nữ đôi mươi đầy tự tin rồi. Với tư cách là một người bố, tôi nhận ra rằng mình cần phải học cách lùi lại và đặt niềm tin vào những sự lựa chọn của nó. Biết rằng sẽ có lúc nó bị vấp ngã trên con đường theo đuổi những lựa chọn của mình, nhưng chắc chắn đó là một phần của quá trình trưởng thành. Điều tốt nhất tôi có thể làm, là luôn luôn ở bên cạnh để động viên và giúp đỡ con bé khi nó cần.
57 tuổi, con gái tôi quyết định kết hôn với một chàng trai cùng công ty sau nhiều năm hẹn hò. Trước ngày cưới, nó thấy tôi cứ đứng hút thuốc một mình ngoài ban công, nên lặng lẽ đến bên cạnh.
"Bố à, bố đừng lo lắng quá. Con đã rất chắc chắn với lựa chọn của mình rồi." Nó ôm lấy cánh tay tôi rồi tâm sự nhỏ nhẹ. Trước giờ tôi lúc nào cũng che chở nó. Ấy thế mà giờ khi đứng bên cạnh, trông nó còn cao lớn hơn cả tôi rồi.
"Con gái à, bố chỉ muốn con sống một cuộc đời mà không phải hối hận thôi." Tôi cười đáp lại rồi nắm chặt lấy bàn tay của con bé. Bàn tay vốn nhỏ nhắn chỉ như đứa trẻ ngày nào, khi này đã là của một người phụ nữ trưởng thành. Có lẽ, cũng đã đến lúc tôi phải ngừng lo lắng cho cuộc sống của con gái mình rồi.
65 tuổi, vợ tôi qua đời sau một thời gian dài hóa trị. Trong đám tang của cô ấy, nước mắt tôi cứ lặng lẽ chảy dài. Dẫu tôi và cô ấy không cùng đến với nhau một cách tự nguyện, nhưng chúng tôi vẫn chấp nhận đi đến hết cuộc hành trình này cùng nhau. Mặc dù ban đầu để hòa hợp hai tâm hồn lạc lõng thật chẳng phải dễ dàng. Nhưng nhờ sự thấu hiểu và đồng cảm, chúng tôi đã dần tiến sát lại bên cạnh nhau hơn.
68 tuổi, ở cái độ tuổi xế chiều này, con người ta đã không còn khát khao về những cái hoài bão thuở hàn vi nữa. Tâm trí giờ chỉ lười biếng đắm chìm vào những khoảng lặng của hoài niệm và suy tư.
Thỉnh thoảng, khi ngồi một mình ngoài ban công, với điếu thuốc trên môi cùng ly cà phê bên tay, tôi lại mơ màng về những khoảnh khắc đẹp đẽ thời trẻ với người vợ yêu quý của mình. Khi mà chúng tôi đã cùng nhau nấu ăn, cùng nhau tâm sự, cùng chăm nhau sóc con gái. Đó thật chẳng phải những khoảnh khắc vĩ đại gì cả mà chỉ là những ngày tháng rất đỗi bình dị. Ấy vậy mà, những ký ức đó lại cứ in thật sâu vào tâm trí đã lúc nhớ lúc quên của tôi.
Thở dài buồn bã, tôi gạt nhẹ đi giọt nước mắt trực trào bên khóe mắt đã đầy vết chân chim, rồi lặng lẽ ngắm nhìn những đám mây trôi hờ hững trên nền trời xanh thẳm.
71 tuổi, tôi phải nhập viện sau một cơn đột quỵ. Bác sĩ nói rằng tôi đã bị suy tim độ 3, chỉ nên nghỉ ngơi chứ không được phép vận động mạnh. Cứ cuối tuần, con gái lại vào viện để thăm tôi. Vốn hiểu rõ cơ thể của mình, cũng đã biết rằng bản thân chẳng còn nhiều thời gian nữa. Tôi nắm chặt lấy tay con gái mà dặn dò nó đủ thứ. Điều quan trọng nhất là phải động viên và chuẩn bị tâm lý cho nó, bởi tôi hiểu được rằng điều gì sẽ xảy đến với mình.
Nằm một mình trên giường bệnh, thi thoảng tôi lại tơ tưởng về những đam mê, khát khao một thời mà mình đã từng mơ mộng. Nếu những năm tháng tuổi trẻ đó mà tôi nỗ lực hết sức để theo đuổi ước mơ của bản thân, thì liệu giờ đây có phải nằm dài mà nuối tiếc về cuộc đời mình như hiện tại không nhỉ?
Có lẽ, tôi cũng chẳng thể nào biết được. Bởi cuộc đời là những sự lựa chọn, và ta thì không bao giờ có thể được chọn lại lần nữa.
72 tuổi, thời gian của tôi đã cạn kiệt rồi. Lặng lẽ nhắm mắt và chấp nhận số phận, tôi thanh thản trút bỏ đi những hơi thở cuối cùng...
Trước mắt tôi giờ chẳng còn gì khác ngoài một khoảng không đen tối. Tôi có thể nghe thấy tiếng khóc nức nở của con gái mình ở gần đó. Tôi có thể cảm nhận được hơi ấm từ bàn tay của nó đang nắm chặt lấy bàn tay đã lạnh ngắt của tôi. Thật đáng tiếc, bởi cơ thể tôi giờ đã không còn phản ứng lại được nữa. Chẳng thể khóc, cũng chẳng thể cất tiếng nói, tôi cứ lặng lẽ bay bổng trong không gian đó. Có lẽ bởi còn chút vương vấn, mà tôi vẫn cứ cố nán lại thêm chút nữa. Nhưng khi tiếng khóc xa dần, và hơi ấm cũng không còn nữa, tôi biết rằng đã đến lúc mình phải đi thật rồi.
Chậm rãi, tôi nhẹ nhàng tan biến dần vào trong thinh không, hoàn toàn tự do khỏi thể xác bệnh tật của mình.