Tôi đèo bố tôi về giỗ sang cát cho ông ngoại. Ông mất mấy năm rồi. Bé tôi hay về ngoại, vì nhà ngoại cách nhà tôi có ba cây số. Diễn. Làng Đình Quán. Cái đất có giống bưởi nhỏ ngọt, cùi dày, người ta chỉ tặng nhau nhân ngày lễ Tết chứ cấm có mua được ở đâu. Cái đám mang đi bán, phần nhiều cũng là giống đấy, nhưng trồng ở nơi khác, chẳng bao giờ có thể có được cái hương vị của quê ngoại tôi.
Con đường giờ về cũng khác. Năm xưa đi xung quanh xanh ngát, hoặc cây hoặc đồng, còn có một cái cổng đá to giữa đường, có một cái đường sắt. Giờ về trơ trọi hai bên, nhà với bụi lẫn lộn, trên cao là một cái đường xe lửa lổn nhổn mà bố tôi, ngồi phía sau, bám chặt lấy áo tôi vì con đường thi công đầy cát sỏi, nói: "Kiểu gì cũng đội vốn lên chục lần, còn lâu mới xong". Và vì không quen đường, tôi đi lạc, cái ngõ bao nhiêu năm giờ khác rồi, còn tôi thì thường chỉ nhớ những thứ xưa cũ đẹp đẽ. Vậy là đi đường khác, cái đường về cổng làng.
Giờ thì cái cổng lại thành hướng đường to, con đường làng trước kia hoàn toàn biến mất. Không một dấu vết. Cái dấu vết thôn quê may ra chỉ còn lảng vảng đâu đó trên chiếc cổng, đã được xây lại, ghi rằng "Làng Đình Quán", rồi cái ao làng, và sân đình. Giờ nhà cửa chẳng thấp bé như xưa, cao hết cả rồi. Về đến đây thì tôi nhớ, rồi tôi đi, vòng vèo, vòng vèo, đến nhà ông bà ngoại tôi, giờ là nhà của cậu mợ tôi.
Ký ức về quê ngoại của tôi, đến giờ, vẫn còn lất phất vài mảnh trong đầu, là ngôi nhà vách đất cột gỗ cũ. Cửa xếp ra xếp vào. Sân gạch. Vườn bưởi. Trong nhà có cái phản to ụ chính giữa, ông tôi hay ngồi uống rượu ở đó. Bên phải có chiếc giường to, tôi hay được ngủ ở đó. Dưới gầm giường, mà vào dịp Tết, là sẽ có bưởi. Đêm mùi bưởi thơm nhẹ nhàng, dễ ngủ lắm. Còn giả như có đợt hoa bưởi, thì lại còn thơm tợn.
Rồi như bao ngôi nhà khác trong làng, ngôi nhà cũ kỹ đó bị đập đi, để xây một ngôi nhà bốn tầng mới. Ban đầu thì vẫn còn giữ cái nhà ngang, nơi có nhà xí bao gồm hai phần: một cái lu to ở ngoài để đựng nước tiểu, lúc nào cũng vàng khè và khai mù, còn phía trong là hố xý ngồi bệt. Quê mà. Bếp thì phía sau nhà ngang, với tro, với mèo, với gà, với chó. Giờ đây thì mất cả rồi.
May mà vẫn còn vườn bưởi. Tôi nghĩ vậy, trong lúc rảo bước vào nhà sau khi để chiếc xe phía ngoài, lẫn trong một đống xe, họ hàng, bà con, đến ăn giỗ sang cát cho ông ngoại tôi. Tôi ngước mắt nhìn vườn bưởi. Mẹ tôi bảo năm nay mất mùa. Ừ đúng, năm nay làm gì có mùa đông, mà bưởi Diễn thì chỉ có gần Tết mà thôi. Nhưng vẫn thấy mấy quả. Cái giống bưởi nhỏ nhỏ, tròn tròn. Có điều không thấy mùi đâu cả. Vì mùi thức ăn, mùi thuốc lá, mùi rượu, mùi người, mùi nhang khói mù mịt, đủ thứ mùi, nhưng không có mùi bưởi. Tôi đang miên man tìm kiếm cái thứ mùi đấy, thì có tiếng gọi:
- Về rồi đấy à, vào đây cháu.
Cậu tôi. Giá mà tôi có thể nói rằng: Bao nhiêu năm rồi cậu vẫn vậy. Giá mà tôi có thể. Hồi bé tôi quý cậu tôi lắm. Cậu hay ra nhà tôi trông tôi, dạy cho tôi một thứ mà đến giờ tôi vẫn biết ơn cậu: nấu nhiều món ăn ngon. Rồi cậu lấy vợ, vứt bỏ sự nghiệp, và chẳng bao giờ ra nhà tôi nữa. Rồi mấy cái chuyện đất cát trong nhà khiến cậu đổi tính đổi nết, từ một người hào sảng, đa tài, trở thành một kẻ cáu bẳn, thù chị ghét em. Nhưng cũng may gần đây cậu đổi khác. Có lẽ vì ông tôi mất, có lẽ vì bà tôi cũng theo ông mấy năm sau. Tôi chào, lâu lắm rồi tôi mới chào cậu như vậy:
- Cậu ạ.
Này, cái tiếng "ạ" đắt lắm. Đắt lắm đấy. Tôi không biết bao nhiêu năm rồi, tôi mới dành cho người đàn ông trước mặt tôi một tiếng "ạ". Tôi chợt nhận ra tôi cao bằng cậu. Đã bao giờ tôi cao bằng cậu đâu. Hóa ra lý do là lưng cậu hơi chùng xuống. Thêm tóc đã điểm bạc. Khuôn mặt anh tuấn thuở nào giờ đầy vẻ mệt mỏi. Dáng đi tiêu sái nhanh nhẹn nhường chỗ cho động tác chậm chạp, già nua. Tôi chợt giật mình. Cậu hơn tôi hai giáp. Ừ, già nua. Già rồi. Cậu tôi... già rồi.
- Cháu vào thắp hương - Tôi nhẹ giọng.
Cởi giày, bước vào, nhìn sang bên gian bên cạnh. Bà tôi hay nằm đó trong ngồi nhà sau này, ông tôi hay nằm gian ngay cạnh phía trong. Rồi đến khi bà tôi bệnh đổ nặng cách đây vài năm thì bà nằm trong đấy. Cái đêm tưởng bà mất, mẹ báo, tôi đèo mẹ về. Tôi bóp chân cho bà tôi đỡ đau, trong tiếng Kinh Phật. Đôi chân khẳng khiu, da bọc xương. Bà dù hết sức rồi, vẫn kêu đau nhiều. Chẳng bao lâu sau, nhanh lắm, bà mất, mẹ tôi nói bà mất trong đau đớn. Tôi không thích cái từ "đau đớn" đấy.
Bàn thờ. Ba nén hương. Một nén bàn trên cao. Hai nén dưới. Một cho ông, một cho bà. Tôi đứng chắp tay, không biết nói gì. Người ta bảo, khi vái, phải nói ra thành tiếng, thì hồn người chết mới nghe, mới phù hộ cho. Nhưng tôi chẳng biết nói gì. Thật lòng tôi không biết nói gì. Nói gì bây giờ? Đi xem bói người ta bảo tôi có bà cô tổ đi theo rồi, tôi lại phải làm phiền linh hồn ông bà tôi vốn cuộc đời đã đầy những đau đớn bằng cách cầu xin phù hộ ư? Hay là tiền tài, những thứ ra chùa xin còn dễ hơn đối với phần lớn người ta? Hay là... Tôi chẳng biết. Nên tôi giả bộ lẩm nhẩm. Chẳng đầu chẳng đuôi. Tôi không biết nói gì.
Rồi tôi quay lại, hỏi han cậu tôi. Nhưng chẳng được mấy. Vì cậu tôi là con trai cả. Trên cậu toàn chị, trong đó có mẹ tôi. Nay cậu đeo băng tang. Con của ông bà tôi đều đeo - những ai mang họ. Còn người họ "ngoại" như tôi thì không cần. Có điều, một phần, nhỏ thôi, tôi cũng muốn đeo.
Hôm nay khác với thường lệ, thường lệ cho một cái cỗ. Đó là có hẳn một công ty phục vụ tiệc tùng đến để làm. Cho nhanh, tôi đoán. Thường thì những cái dịp thế này, người nhà sẽ làm, mà người nhà ở đây thì thường là người làng, anh em họ hàng cả. Thế nên thành ra tôi thấy một đám thanh niên lạ hoắc. Bưng, bê, rót, dọn, cất, nấu, nướng, rửa. Toàn người không quen. Tôi nhìn quanh, kiếm mấy đứa em họ. Bố tôi, cùng với mẹ, đã ngồi đâu đó tiếp khách. Mấy đứa em họ cũng chưa đến. Nên tôi lủi thủi ra ngoài. Đi loanh quanh.
Mấy năm trước, hoặc có lẽ là phải hơn chục năm trước về, cái làng này bắt đầu đổi mới. Theo nghĩa xấu. Tức là giải tỏa, nhận tiền, xây nhà to, trong nhà chẳng có gì ngoài dàn ka-ra-ô-kê gào thét, với đám con cái nghiện ngập tệ nạn, hầm bà lằng những thứ khác. Làng này xưa kia của cụ tôi. Địa chủ. Đất đai bạt ngàn. Người ăn người ở nhiều. Đến lúc mẹ tôi còn nhỏ vẫn còn. Sau này nhiều chuyện xảy ra, nhưng đất đai vẫn rộng rãi. Ông tôi cùng anh em của ông đều có nhiều đất đai lắm. Thời xưa thì phúc, thời nay thì họa. Tấc đất tấc vàng mà. Mà đã nói đến vàng, kim tiền, hay bất cứ thứ gì có giá trị nói chung, thì giọt máu đào hay ao nước lã cũng vứt đi hết.
Thế nên có một thời gian tôi ghét về quê ngoại. Lúc tôi hơi lớn, hơi biết, hơi hiểu một chút. Tất nhiên là trừ dịp lễ lạt, cỗ bàn này nọ, nhưng về thì cũng nhanh nhanh chóng chóng đi, chẳng mấy khi ở lại lâu như hồi còn bé.
Nhưng hôm nay thì khác. Chẳng biết có phải vì gần trưa hay không, mà làng yên tĩnh lạ. Đường cũng chẳng mấy ai đi. Ka-ra-ô-kê cũng không thấy. Từ bao giờ thì tôi chẳng biết. Chắc cũng vài năm, tôi tặc lưỡi. Cái sự không thường xuyên khiến cho việc nhận biết thời gian trở nên khó khăn thế. Năm năm, bảy năm, mười năm, mười hai năm, tôi không nhớ nổi. Lác đác người đi, người lái xe máy, xe đạp. Cái con đường làng, đất đã nhường chỗ cho bê tông. Cái ao làng, người ta xây bờ cao bọc kín, theo cái cách mà bố tôi nhận xét là "rất văn minh". Một cái khoảnh khắc nào đó, đột nhiên tôi thấy mọi thứ, vừa lạ vừa quen. Mơ hồ, kỳ lạ. Tôi cứ lững thững, mà cảm giác xung quanh vẫn còn cây cối, xa xa vẫn còn đồng ruộng, thoang thoảng đâu đó vẫn mùi phân trâu phân bò, hay là trâu bò, chó chạy khiến tôi nơm nớp, lũy tre xào xạc, đống rơm... những thứ xưa cũ. Nhưng chỉ khoảnh khắc thôi, chỉ một cái khoảnh khắc thoảng qua rất nhanh thôi. Bởi có tiếng chuông điện thoại. Tôi hơi mất hứng, nhấc máy:
- Về ăn đi con - Mẹ tôi gọi.
Lại lững thững bước về. Lại cái ngõ quanh co, nhỏ nhỏ. À, còn ngôi nhà cổ, xây năm "1940" theo cái chữ được khắc bằng đá lên đó. Tôi chợt cười khẩy, rồi lấy máy điện thoại "thông minh" ra chụp. Lâu lắm mày mới hữu dụng đấy nhé. Tôi lẩm bẩm. Tôi muốn chụp lại cái cổng cổ đấy. Bỏ qua cái đống khoan cắt bê tông của đám mất dạy nào đó sơn lên ngôi tường bằng tuổi ông bà chúng nó. Rồi lại bước tiếp về nhà ông ngoại tôi.
À, kia rồi. Chú tôi, chồng dì tôi. Tóc cũng bạc nhiều. Dáng cũng gầy nhiều. Ôi, mẹ kiếp thời gian...
- Mấy đứa về chưa chú - Tôi to giọng từ xa
- À... ờ, về rồi đấy, vào đi, mấy đứa nó vừa về - Chú ngớ ra một lúc rồi mới đáp tôi.
- Vâng
Tôi chào chú rồi đi tiếp. Vừa đến cổng thì có giọng nói. Thằng em họ tôi.
- Anh, anh vừa về à?
- Ừ, à không, cũng được một lúc rồi.
- Chào anh đi - Nó nói với một người phụ nữ đứng cạnh, rồi quay lại tôi - Vợ em
- Ừ, tao biết, cưới mày tao có về mà, quên à.
Thực ra thì tôi... cũng không nhớ được. Đấy. Lớn rồi, và cái cuộc sống bận bịu của tôi cùng cái gia đình nho nhỏ của tôi, khiến tôi không nhớ được nhiều thứ lắm. Những khuôn mặt bao nhiêu năm thì không nói, như thằng em tôi thì không nói, nhưng vợ nó, rồi con nó, thì, thật lòng, đôi khi tôi không thể tự dưng mà phản xạ nhanh chóng để bật ra một lời chào được. Lại thêm cái, mà tôi vẫn bao biện, là "không về thường xuyên" nữa chứ.
- Anh - Lại một tiếng khác đằng sau
Tôi quay lại. Một đứa em họ khác. Lần này, vì đã chuẩn bị sẵn tinh thần, cùng trí nhớ, tôi biết ngay người đi cùng là vợ nó, và đứa bé cô nàng đang bế là con nó. Và tôi chủ động:
- Hai đứa về rồi đấy à. Thằng cu lớn thế này rồi à?
- Vâng, sáng nay em nghỉ, nhưng giờ mới lên được. Chào bác đi con.
Và hình như cu con có chào. Mẹ nó thì không. Tôi cũng chẳng để ý. Thấy mấy người ở đó, dì tôi tất tả:
- Vào đây, có mâm đây
- Vâng - Tôi nghe lời, rảo bước đi trước. Anh mà, ở đây thì tôi là lớn nhất. Bởi mẹ tôi là thứ ba trong nhà, và anh chị họ của tôi hôm qua đã sang rồi.
Chúng tôi ngồi xuống. Và ăn. Cỗ không ăn thì để làm gì. Im lặng. Ai làm nhiệm vụ người đấy. Chính xác hơn là nhà nào ăn nhà nấy. Tôi thở dài. Nhưng không cho ai nghe thấy. Thôi thì ăn thôi chứ biết làm sao. Có điều tôi nuốt không trôi. Tôi về đây đâu phải để ăn, tôi về hôm nay, là để gần họ hàng tôi cơ mà. Tôi lại còn lớn nhất cái mâm này nữa chứ.
- Lâu phết rồi anh em mới ngồi với nhau nhỉ - Tôi mở lời
- Vâng, cũng phải cả năm rồi, anh toàn bận nên ngồi được mấy đâu. Tết rồi em ra anh cũng không có nhà - Một thằng em tôi nói.
- Ừ, năm rồi anh cũng lắm việc. Nhưng nay thì không bận, nay anh ngồi lâu được. - Tôi cười, có phần tự trách mình.
- Thế dạo này anh thế nào? - Đứa còn lại hỏi
Và chúng tôi hỏi chuyện nhau, những câu chuyện, xã giao, nhưng lúc này đây lại quý hơn bao giờ hết. Đột nhiên, cậu em tôi, vừa bế con, vừa mơ màng:
- Nhanh nhỉ, mới ngày nào anh em còn chụp ảnh trước cửa đây, lúc đấy em còn bé cái Yến bé tí, thằng Cường bế con Chi, rồi còn anh, anh Quang, chị Ngân, chị Hằng. Thế mà đã gần ba chục năm rồi.
- Ừ, gần ba chục năm rồi - Tôi thở dài, lần này thì tôi không giấu nữa - Nhớ hồi bé, toàn mày với thằng Cường ra nhà anh chơi, anh em khóa cửa nhà đi chơi điện tử, rồi về nhà lại ngồi chơi bài cả đêm, vui vãi đái. Rồi còn cái đầu điện tử băng nhà mày nữa. Về ông ngoại chẳng mấy, cứ nhanh nhanh chóng chóng sang nhà dì để chơi. Nhoằng cái đã gần ba chục năm rồi.
- Tuổi thơ đấy anh, tuổi thơ đấy - Thằng em tôi gật gật.
Rồi tôi chợt nhận ra, khuôn mặt nó cũng chẳng còn nét thơ ngây nữa. Khuôn mặt em trai nó, ngồi ngay bên cạnh tôi cũng vậy. Vợ chúng nó cũng đầy nét vất vả. Có lẽ, có lẽ chúng nó nhìn tôi cũng vậy. Tôi chợt đưa tay lên cằm, nhận ra hôm nay mình cũng râu ria. Chợt thấy mệt mỏi, đưa tay lên cầm kính xuống, dụi dụi mắt. Rất nhanh thôi. Lại ngẩng lên nhìn đám em, và cười. Nhìn sang xung quanh nữa. Chú tôi ngồi xa xa tóc bạc. Lại chú tôi ngồi xa xa tóc bạc. Dì tôi ngồi đấy gầy gò. Bác tôi ngồi đấy gầy gò. Đám em tôi đứa bé nhất đã cấp ba. Tôi lại cười. Không vui, không buồn. Chỉ cảm thấy một chút gì đó, vừa ấm áp thân thương, vừa xa xôi lâu lắc. Tôi cầm cốc bia lên, nhấp một ngụm lớn, đắng, nồng, để tôi gật gù:
- Ừ, tuổi thơ đấy - Và không quên bắt chúng nó "trăm phần trăm" ngay sau.
Cỗ tàn. Người về. Tôi về. Một mình. Mẹ tôi đèo bố tôi. Vừa đi vừa nghĩ miên man. Rồi đột nhiên lòng quặn lên đau đớn. Tôi khóc. Nước mắt ròng ròng. Cay hết cả mũi, đắng hết cả họng. Tôi vừa lái xe vừa khóc. Lòng cứ quặn lên từng cơn, từng cơn, từng cơn. Ông bà tôi mất rồi. Tôi khóc. Cái cảnh cánh đồng con trâu lũy tre mất rồi. Tôi khóc. Tuổi thơ tôi đi xa quá rồi. Tôi khóc. Thời gian ơi, sao khốn nạn thế. Tôi khóc. Sao mày vô tình thế, phũ phàng thế, độc ác thế. Tôi khóc. Nước mắt cứ thế mà rơi, mà rơi. Ông trời ơi, tôi không muốn lớn.
Rồi nguôi. Cứ thế mà nguôi. Cơn bão lòng đến đột ngột, đi đột ngột. Lại thấy nhẹ nhàng.
Đột nhiên tôi nhớ thuở bé, tôi một mình chạy ra đầu cái làng đấy, bắt gặp ông tôi đi xe đạp về. Tôi chỉ chỉ về hướng nào đó, nói rằng: "Về nhà". Ông bế tôi lên, đầm ấm:
- Ừ, để ông đưa cháu về nhà.