Truyện dài : Đền - phần 3
4-2 Lúc này Văn đến nhà chúng tôi thường xuyên hơn. Giống như một thành viên trong gia đình, cậu ta đến mỗi buổi sáng, đón tôi đi...
4-2
Lúc này Văn đến nhà chúng tôi thường xuyên hơn. Giống như một thành viên trong gia đình, cậu ta đến mỗi buổi sáng, đón tôi đi học sau khi đã vào phòng chào mẹ tôi, rồi chỉ rời đi khi đã đưa tôi về đến tận cửa. Những ngày cuối tuần cậu ta ở lỳ cả buổi chiều với chúng tôi. Trước đó tôi đã không nói với cậu ta về tình trạng của mẹ tôi, vì nhiều lý do khác nhau, nhưng tôi không giấu được trạng thái bồn chồn của mình, cậu ta gặng hỏi, tôi đành nói. Mẹ tôi khi còn khỏe rất yêu quý cậu bạn này, không phải chỉ vì cậu ta là người bạn tốt đầu tiên của tôi ở nơi này, mà ở cậu ta có cái gì thánh thiện trong sáng thu hút mẹ tôi, giống như cái hạt của cậu ta điều khiển cậu ta nhiều hơn là ý thức điều khiển. Chính thế nên khi nghe tin mẹ tôi bị bệnh nặng và không có cơ may qua khỏi, câu ta cũng giống như tôi, buồn nhiều ngày, nhưng sau một thời gian buồn bã, cậu ta xin phép bố mẹ mình bớt chút thời gian làm việc nhà để đến với nhà tôi. Tôi không biết vì sao một cậu bé như cậu ta, sống ở một môi trường như ở thị trấn này, lại có những ý nghĩ người lớn và hợp lý đến như vậy, giống như cậu ta được nuôi dưỡng ở ngay trong cuốn “Giết con chim nhại” chứ không phải ở môi trường thực tế bên ngoài. Tôi và mẹ đã không lầm khi yêu thích cậu ta.
Thời gian Văn dành cho gia đình tôi khiến tôi dễ thở đi rất nhiều, vì cuối cùng thì cũng có người để tôi tâm sự những thứ vị thành niên sau những mệt mỏi trong suy nghĩ mà người ta hay nảy ra trong cùng một trường hợp của tôi. Văn cùng tôi ngồi trong góc kín trông chừng mẹ tôi, hoặc khi tôi muốn ra ngoài hít thở không khí thì cậu tat hay tôi trông chừng. Chúng tôi bàn bạc về tình trạng của mẹ, về những nét đau đớn mà gần đây mẹ tôi không tài nào che giấu nổi nữa, bàn bạc về hành động của cha tôi, và nhiều lần cãi nhau vì điều ấy. Tôi cho rằng cha tôi đã hành động không đúng và tôi thấy ghét ông, còn Văn thì ngược lại, cậu ta nói cha tôi hành động chính xác và không có lí do gì để tôi phải căm ghét cha mình. Cậu cho rằng giữ vẻ bình thản trước cơn đau của mẹ tôi là cha tôi đã giữ thông thoáng cho đầu óc của bà, để bà không cảm thấy mình vô dụng và bất lực, rằng ngay cả khi mẹ tôi ốm yếu thì ông vẫn cần sự chăm sóc của bà. Và ở một điểm nào đó, ông thầm nói với bà rằng kể cả khi bà không thể ở đây nữa, thì tinh thần của bà vẫn ở lại không gian này vẫn là cần thiết cho cả hai người, cho cả ông và cả tôi. Ông thay tôi làm cái việc lờ đi bệnh tật của bà, để bà thoải mái với không gian của mình. Hơn thế nữa, ông để thời gian để tôi chứng mình cho mẹ mình thấy rằng mối quan hệ của hai người vẫn ở một cung bậc thiêng liêng mà không ai có thể làm lấn chiếm nó, kể cả mối quan hệ của tôi với cha mình.
Tôi sau khi nghe những lời phân tích của Văn thì đâm ra lúng túng, ý nghĩ rời rạc thành từng đoạn như trong một chuỗi gene bị đứt gãy, tôi cũng từng nghĩ đến những giả thuyết như của Văn về tình cảm của cha mình, nhưng tôi lại hoàn toàn gạt nó ra như gạt một hạt nước đọng vào mắt kính của mình, tôi làm như thế là có lí do, một lí do sâu xa mà ngay cả bản thân tôi cũng không muốn nghĩ đến nó, che mờ nó đi trong những thù ghét, việc này giúp cho tình cảnh của hai mẹ con tôi dễ chịu hơn, cuộc giằng co giữa bờ vực bên này và bờ vực bên kia có một điểm nhấn, giữ vững sự kiên định trong lòng tôi. Chuyện này chắc chắn là ý thức hệ của tôi xây dựng nên với sự khuyên can không được của hạt nên nó đành nhượng bộ ru ngủ tôi đi trong một niềm thù ghét không gây thương tổn lớn lao. Tính trẻ con hãy còn sót lại trong một đứa con gái gần mười sáu tuổi là nguồn cơn cho mọi cơ sự này, mà sau này khi tôi đã lớn hơn mới nhận thấy điều ấy và tôi thừa nhận nó như một lời bào chữa. Nó là nguyên nhân của lòng hận thù đối với cha mình trong một khoảng thời gian không dài nhưng cũng đủ làm cho tôi tự phải xấu hổ với bản thân mình và với Văn - đứa trẻ có tâm hồn thánh thiện vô cùng. Tôi đã từng nhiều lần đề cập đến lòng thù ghét của mình với cha tôi trong tương lai, nhưng ông thường xuyên gạt đi bằng cách nở một nụ cười nhàn nhạt và nhìn chằm chằm vào khoảng không đằng sau tôi, tôi chắc ông cũng như tôi, cảm nhận được sự thù ghét bản thân khi phải hành động như một người vô trách nhiệm. Điều ấy không giúp lòng tôi thanh thản, mà khiến tôi càng đau buồn hơn nữa, khi nhìn người mà tôi hằng tôn kính trăn trở trong nỗi chán chường bản thân mà ông phải hy sinh để dạy đứa con ông một bài học của hoàn cảnh. Ôi, khi nhận ra điều đó tôi đã chuyển lòng thù hằn đối với cha mình vào bản tính cố chấp trẻ con của mình, nhưng có một ai hạnh phúc khi thù ghét chính bản thân mình kia chứ?, tôi thấy những đường hằn trên bàn tay mình càng rối rắm và mờ nhạt hơn bao giờ. Tôi bảo Văn hãy cứ ngồi trong này mà đọc sách, tôi ra ngoài hít thở một chút rồi trở lại ngay. Nó không nghi ngờ gì, cắm cúi đọc nốt cuốn sách mà nó hỏi mượn tôi từ mấy hôm trước.
Tôi bước ra hiên nhà, dù rằng trong nhà không có mùi thuốc men như nhà những người bệnh khác nhưng nó vẫn cứ trĩu nặng bênh tật không chỉ xuất phát từ cơn đau cụ thể của mẹ tôi, mà từ cả ý thức trong hai cha con chúng tôi. Cái thứ ẩm thấp ấy không tránh được dù rằng cả ba chúng tôi đã cố giữ gìn bầu không khí chung của ngôi nhà trong vòng bảo vệ bí mật mà kiên quyết, trong sự câm lặng đồng tình của tình yêu mến. Bây giờ đã là đầu tháng 2, chuẩn bị bước sang năm mới, thời tiết lạnh càng lạnh hơn khi gió phả ra từ các dãy núi bao quanh thị trấn một thứ không khí bị giam hãm lâu ngày trong những vách đá vôi trắng toát, buốt đến tận mang tai. Tôi khép vạt áo bông của mình lại,dúi cằm và miệng của mình vào trong cổ áo, kín mít đến tận nhân trung, chỉ để hở hai lỗ mũi vừa đủ để hít vào mùi giá rét của núi rừng, tôi men theo những bậc thang đi lên trên Đền. Chắc hẳn các mùa cũng có màu của nó nên người ta mới nhìn ra mùa đông chỉ toàn một màu xám như thế, không phải chỉ duy các cành cây và cỏ úa dưới chân mới là nơi tụ tập điểm sắc xám ấy, mà ngay cả bầu trời, khoảng không gian dưới bầu trời và trên mặt đất, và cả mặt đất, đều duy chỉ một màu xám. Xầm xì và dữ dằn, như miệng con thú chực xồ ra cắn xé, không đám mây trắng nào phản chiếu ánh mặt trời, không một hiện vật tươi tắn đủ nào dũng cảm khoe mình. Ngôi Đền cũng như thế, khi tôi đứng từ dưới hiên nhà ngước lên nhìn, nó giống như một tàng cây rụng hết lá chỉ còn trơ lại những xương sống và xương sườn, những bức tường của nó tan vào làm một với hiện thực bầu trời như trong suốt đến độ mắt thường cảm tưởng như màu xám ở mặt này cũng chính là màu xám ở mặt bên kia. Duy chỉ có bốn phía mái cong lên với những con rồng ngậm ngọc là vẫn thế, chắc bởi màu sắc của chúng dù cho mùa xuân, mùa hè, hay mùa thu đều chỉ là một màu xám nên vẫn giữ ngyueen được sắc thái và cường độ của mình. Tuy nhiên sự dữ dằn của bốn đầu rồng dưới sự tăng cường ánh sáng xám trở nên mạnh mẽ hơn, hai hàm răng nhe ra trên dưới hòn ngọc to hơn, vững chãi hơn và đôi lúc còn nhỏ vài giọt nước như nước dãi của con thú. Ánh mắt không tròng nhìn chằm chằm lên bầu trời mở rộng ra trong một tầm nhìn vô bờ bến. Nhưng sự dữ dằn của nó không tác động được đến tôi, tôi cứ thẳng bước mà tiến về phía nó, đứng dưới ánh mắt bốn con thú, không còn nỗi sợ hãi nào hành hạ được tôi.
Sau cuộc kiện tụng ầm ĩ giữa người đàn bà trông Đền và những bậc phụ huynh tố cáo con em họ bị lạm dụng, người ta (chính xác là ai thì tôi không rõ) chuyển người phụ nữ đến một ngôi chùa khác, thay vào đó là một người đàn ông béo tốt thường ăn vận đồ bà ba màu nâu bóng, những cử chỉ và gương mặt tươi tắn lúc nào cũng dặm phấn nói cho người ngoài biết giới tính thật của ông ta. Phải chăng tất cả những người trông coi những ngôi Đền chùa đều không thuộc tầng lớp người bình thường?, ở họ lúc nào cũng toát lên cái vẻ đồng bóng lâu đời, không biết có từ khi mới sinh ra hay qua quá trình luyện tập. Tính cách ấy dễ dãi hơn những ham muốn cứng nhắc của người bình thường, như cha tôi, nhưng cũng vì phần đỏng đảnh mà nó làm phiền nhiều người ở thế trung gian hơn mức bình thường. Khuôn mặt họ lúc nào cũng toát lên vẻ sơn son thếp vàng như không khí tỏa ra từ các thần điện, không nghiêng về một tính toán chính xác nào, nhưng cảm nhận chung của mọi người tiếp xúc đều là thế. Với những người tin và theo tôn giáo này, họ nuông chiều những bộ mặt như vậy giống như bộ mặt của những người đưa tin, của kẻ truyền giáo, tuy nhiên họ vẫn đối xử với chúng ở một mức độ vừa phải, có thể chấp nhận được. Như đã nói gia đình tôi không theo đạo giáo nào, nhưng chúng tôi cũng có những cảm nhận của mình về từng môn phái và ở một khía cạnh nào đó, một nếp gấp sâu thẳm nào đó, tôn giáo cũng tồn tại như một vật kín bất li thân.
Buổi hôm nay cũng như nhiều buổi bình thường khác, ngôi Đền không có dấu hiệu của sự sống ngoại trừ hai ngọn đèn dầu vẫn luôn được giữ cháy ở trên ban điện ngoài trời. Người coi đền mới hẳn đã chứng tỏ uy quyền mới của mình bằng cách thay đổi vị trí của cây đèn dầu và thêm vào một cây nữa, nhưng cũng vẫn cùng một cung cách, luôn giữ cho nó cháy bất kể ngày hay đêm.
Tôi bước qua thần điện, tiến hẳn lên bậc thềm của ngôi Đền mặc dù những cánh cửa gỗ của nó vẫn đóng im ỉm, tôi chỉ muốn chạm tay vào những bức vách trong suốt của nó để xem nó có mang đến cho tôi một tín hiệu, một cảm nhận hay bất cứ một cái gì khác với những cái đã có sẵn trong tôi tự đời nào. Tôi muốn những mảng màu rêu xanh giờ cũng đã ngả xám của nó chạm vào da thịt mình, mọc rễ và phân chia lại một phần ở đó, giống như các tế bào bệnh trong cơ thể mẹ tôi, chúng sẽ giữ cho tôi một niềm đau đớn giông giống với niềm đau của mẹ tôi, và khi những cái rễ nhỏ ngọ nguậy dài ra, cơ thể tôi sẽ chống lại chúng bằng tất cả sức lực của nó, bằng cả ý chí của ý thức tôi lẫn ý chí của hạt trong tôi, để xem, trong cuộc chiến giữa thực và ảo, tôi hay mẹ tôi sẽ chiến thắng. Nhưng cái ý nghĩ đen tối trong đầu tôi không sống được lâu quá hai phút sau khi tôi chạm tay mình vào bức tường và những mảng rêu bám ấy. Tôi bắt đầu sợ hãi, cơn sợ hãi không giống như khi nhìn vào vẻ hung dữ của bốn đầu rồng trên đỉnh mái, mà cơn sợ hãi này xuất phát từ phía trong nhân của các tế bào đang phân tách, từ trong hạt của tôi, và từ trong ý thức của tôi. Cơn sợ hãi bấu những móng tay sắc nhọn vào trong thành ruột tôi khiến chúng quặn lên, chèn ép vào phổi và tim khiến cử động hít thở trở nên khó khăn hơn bao giờ hết, mà không thèm nói một lời giải thích nào về nguồn cơn của nó. Tôi đổ bừa cho khát vọng sống, khát vọng được có một tương lai, nhưng tôi lại lắc đầu rũ cái khát vọng quái quỷ ấy ra, ai chẳng có một tương lai, ngay cả mẹ tôi - người đang nằm thoi thóp trên giường của bà cũng có một tương lai. Tôi phì cười vào cái ý nghĩ vớ vẩn khát vọng gì đó ấy, và rồi lại tiếp tục sợ hãi trong cơn mê màng của mình. Mặt trời đổi hướng khiến toàn thể bóng của ngôi Đền chụp lên tôi, bịt lấy mắt tôi và cái xuyên thấu nhanh chóng tắt đi không cần một tiếng động nhắc trước. Cái bóng của ngôi Đền hỗn loạn mọc ra đầy những tay, những chân và những con mắt quấn quít lấy nhau thành một mớ hỗn độn không tài nào gỡ nổi, chúng nắm lấy cổ chân tôi, nắm lấy bàn tay tôi, dí hai con mắt vào trước hai con mắt đang bị bịt kín của tôi mà run rẩy, truyền cái run rẩy ấy đến tận giác quan sâu cùng nhất của tôi, chọc ngoáy vào các bộ phận trong cơ thể và bắt đầu kêu lên những tiếng tinh tinh không dứt. Những khấc nối bóng đen với tay chân của ngôi Đèn bắt đầu rên lên thành từng tiếng xin xít, ken két như khi người ta cào cái thìa vào thành nồi nhôm khiến chân răng tôi bắt đầu tê buốt, và từ hai bên khóe mắt đang giật giật của mình, nước mắt chảy ra thành từng dòng. Nỗi sợ hãi cứ thế theo hai dòng nước mắt mà chảy ra ngoài, giữ những điểm thanh tịnh vừa bị khuấy động kết tụ lại thành một chỗ, như khối u bắt đầu sưng lên, đỏ tấy và lở loét, nhưng nó giữ cho tôi cảm giác yên bình.
Tất cả chỉ như một giấc mộng trong cơn thiêm thiếp của mẹ tôi, cái bóng của ngôi Đền nhanh chóng trở lại thành cái bóng in dài từ góc các bức vách đến một nửa sân trước, nhốt tôi ở trong. Tôi đã lấy lại bình tĩnh và nhìn thẳng vào nó, không còn những tiếng vặn vẹo, những nút thắt, mà thẳng thớm và mờ mờ trong cái xám ngắt của không gian. Hơi thở của tôi trở lại bình thường, tôi quay bước trở ra khỏi cái bóng, đứng ngắm ngôi Đền thêm một lúc nữa, rồi trở về nhà, nơi mẹ tôi hãy còn đang say trong giấc ngủ không mấy bình yên.
Văn đợi tôi quay lại rồi mới chào từ biệt để về. Quyển sách nó vừa đọc hãy còn để trên bàn, mẹ tôi vẫn ngủ, một cốc nước khác được thay vào cốc nước cũ hãy còn âm ấm bốc một làn hơi khói lên. Trời tối dần, tôi chuẩn bị bữa tối phòng trường hợp mẹ tôi muốn ăn gì đó.
Năm mới đến, ngôi nhà của ba chúng tôi cũng trang hoàng những cành đào và cây quất do bạn bè cha gửi từ khắp nơi đến. Họ cũng đã biết tin người phụ nữ thường tiếp đón họ nhiệt tình và chu đáo mỗi bận đến thăm cha tôi đã ngã bệnh - một thứ bệnh không hề tầm thường, nên thay vì đến tận nơi tặng chúng tôi những ánh mắt thương hại thì họ gửi những cành nở hoa hồng, những chậu kiểng thế đắt đỏ… Tôi thấy mỗi cánh hoa nở ra, mỗi chiếc lá rụng đi trên những cành cây ấy đều đang diễn nốt vai trò của mình trong cuộc đời nó, vì chỉ một tuần nữa thôi, một tuần sau Tết, những cái cành cây bị cắt lìa khỏi thân cây sẽ phủ phục đi trong sự cố gắng cuối cùng khoe sắc của mình, rồi bị vứt thẳng ra xe chứa rác, thế là xong đời, giống như mẹ tôi, bà nằm thoi thóp hướng ra phía cửa sổ phòng mình, dùng con mắt đã mờ đục nhìn về phía ấy như thể chờ đợi một trần cuồng phong tới. Tết này không còn giống những cái Tết xưa, tôi bỗng dưng mang trong mình trọng trách dọn dẹp và trang hoàng nhà cửa, chuẩn bị các vật dụng và đồ ăn cho tuần tới,..- trọng trách mà bình thường chỉ có mẹ tôi mới tìm thấy niềm vui trong đó nay chuyển giao cho tôi, khi tôi còn chưa bước sang tuổi mười sáu đã thấy mình đứng trong vị thế của một người phụ nữ đổ bóng xuống nền nhà, nửa tôi lấy làm khó chịu, nửa nhỏ hơn lại vênh váo vì mình đã có cái quyền lớn ngần ấy. Nhưng nửa vênh váo mau chóng bị dập tan khi tôi phải lau hai tầng nhà bao gồm các chi tiết cửa nẻo, các con tiện ở lan can, bàn thờ một năm không dọn, những cửa kính bụi mờ…,thậm chí việc thằng Văn mang đến cho nhà tôi mấy cái bánh chưng mẹ nó gói với vài cây mía mập và đẹp cũng không làm tôi vui lòng. Thời gian làm tất thảy những chuyện ấy khiến công việc canh chừng mẹ có phần xao lãng, ấy mà chỉ độ một tuần khi vào phòng bà để mở cái cửa sổ đón chút gió mới thì gương mặt bà đã ngoặt hẳn sang một bên, dù còn thở nhưng vồng ngực nhô lên của bà làm tôi khiếp hãi. Tôi đã quen với hình dáng mẹ mình gầy đến độ những góc cạnh của gương mặt lồ lộ hiện ra ngay sau lớp da, tóc dính vào da đầu nay chỉ còn vài sợi nham nhở, đôi môi bà không còn màu sắc nào nữa như được gắn lỏng lẻo như cái phẹc mơ tuya quần bò, nhưng hôm nay dưới ánh sáng của cả đất trời sắp chuyển giao sang một thời gian mới thì tôi mới thật sự nhìn thấy sự kinh hãi của mình dành cho hình hài hiện tại của bà. Tôi đã không khi nào nghĩ được rằng một con người với đầy đủ da thịt lại có thể chuyển biến thành một thứ vô dụng với toàn những xương và da nằm một đống trên giường, không thể nào nghĩ được rằng những suy nghĩ trong khối óc ấy, tình yêu thương trong con tim ấy bay biến đi đâu khi cơ thể không còn sức chứa đựng?, có lẽ nào chúng cũng bị thứ không khí ẩm ướt ở thế giới này hút bay lên trời như những phân tử nước ?. Tôi trở lại giường mẹ mình - người cả tuần nay đã không còn dùng ánh mắt để giao tiếp được nữa, chạm tay vào tóc mẹ mà vuốt ngược lên như bà làm khi bắt gặp một đứa trẻ con. Bà không phản ứng gì, mẹ tôi thậm chí không còn sức để tỏ thái độ khó chịu. Phía bên trong bà các tế bào hiện giờ có phân chia nữa không?, hay chúng cũng bị sự công kích của chính mình đánh gục?.
Tôi nằm xuống bên cạnh bà, cái giường hãy còn rộng đủ chỗ cho tôi có được một tư thế nằm thoải mái, nhưng tôi rúc đầu về phía bắp tay mẹ, để im ở đó đợi chờ sự phản ứng của các tế bào trong cơ thể. Từ chỗ tôi nằm không nhìn được ra phía cửa sổ, nên tôi đành ngắm trần nhà. Một cái hố như bị ai đục chỉ bằng đầu ngón tay nằm ngay chính giữa trần nhà, không biết mẹ mình khi mở mắt có nhìn nó không. Tôi thử đưa ngón tay trỏ của mình đặt vào chỗ ấy, nheo một mắt tôi làm ra vẻ như vị họa sĩ đang dùng đầu bút chì căn chỉnh góc độ. Rồi bỗng nhiên chuyện đó xảy ra, ầm vang trấn động như tiếng ngôi Đền rền vang trong những đêm đỏ đèn : tôi không thấy đầu ngón tay trỏ của mình đâu cả. Nó biến mất hẳn một đốt trong câm lặng, không báo hiệu, không đau đớn, không máu chảy...chỉ đơn giản là nó không có ở đó - một đốt ngón tay trỏ. Tôi không tin vào mắt mình, giơ cả hai bàn tay lên mà ngắm ngía, các ngón đều đủ đốt, chỉ duy có một ngón trỏ bàn tay phải là ngắn hơn các ngón khác một chút. Tôi quay về phia mẹ cố tìm một câu trả lời, nhưng mắt bà vẫn nhắm tịt, vòm ngực nhô lên, rồi hạ xuống, tiếng khò khè phát ra như động cơ bị hỏng chức năng. Không khí bên trong và bên ngoài phòng quá êm ắng đâm ra tôi nghi ngờ nhãn lực của mình, tôi định kiếm cha để hỏi ông có nhìn thấy ngón tay trỏ của tôi ở đâu không thì một cái gì níu lấy cổ chân tôi. Lưỡi tôi tiết ra thứ dịch đăng đắng bắt đầu lan dần về phía cuống họng, ấy thế mà tôi lại có cảm giác như vị của đốt ngón trỏ. Tôi bị sự êm ái của chiếc gối và chăn với sợi dây ấm nóng của các tế bào đang liên tục cọ xát trong cơ thể của mẹ tôi truyền qua mảnh da đầu tôi ghé vào sát bắp tay bà ru đi trong một cơn mơ màng, tôi không thể định hình được cái đốt ngón trỏ ấy như thế nào nữa, những điểm không chắc chắn xồ ra phía trước chắn lấy bán cầu não đang rung lên như sắp bị đè bẹp. Trong giây phút ấy ngôi Đền đột ngột hiện ra trước mặt tôi, với người đàn bà tóc ngắn có khuôn mặt trang điểm đậm đứng bên cạnh, một người một vật cứ thế phình to cái hố đen là miệng ra nuốt chửng lấy toàn bộ những thứ thuộc về nó, hoặc chẳng may rơi vào trong nó. Sự nuốt diễn ra mà không một tiếng động nào thoát ra ngoài, như thể cơn ám ảnh bóng đè chèn lên ngực con người sự hãi hùng mạnh mẽ và to lớn đến độ không có đường nào trên cơ thể đủ rộng để thải nó ra ngoài, chỉ vừa kịp phồng lên ép vào các mạch máu khiến cả cơ thể đỏ rực rồi bất chợt tan biến sau một tiếng “bụp” như tiếng nổ của thiên thạch trong không gian. Xung quanh tối sầm đi và tôi chìm dần vào trong giấc ngủ vừa kịp chờ tới.
Khi tôi thức dậy cũng đã gần đến giờ đón Giao Thừa. Mẹ tôi vẫn nằm trong cơn mê mải của bà và thở ra những làn không khí đậm hơn bình thường. Tôi quên không đóng cửa sổ, cái lạnh tràn vào chiếm đoạt lấy không gian và cơ thể của người phụ nữ đã bị ru ngủ trong sự trường tồn của thế gian. Tôi nắm lấy bắp tay hở ra khỏi chăn của mẹ mình mà lay, bà vẫn không có một cử chỉ đáp lại. Chuông đồng hồ vừa điểm mười một giờ. Cánh cửa sổ phòng đột ngột bị một cơn gió hất tung lên xoay theo chiều bản lề đập trả lại bức tường. Sự giận dữ của ngôi nhà dành cho tôi ư? Đứa con gái vừa phát hiện mình không còn đốt ngón tay trỏ, hay là chính cái giấc ngủ yên bình của mẹ tôi làm nó ghen tị?. Những phán đoán của tôi về thời tiết, về cánh cửa và về không gian ngay lúc này chẳng có ý nghĩa gì ngoài việc lấp cho đầy não bộ không được thông tuệ, giống như con thú quằn quại trong cơn đói, tôi cố gắng gạt bỏ mình ra khỏi những lo toan thường ngày mà bây giờ bỗng trở nên có ý nghĩa với tôi hơn hết thảy. Cái này không gì hơn là một sự bối rối, bối rối cho mâu thuẫn giữa bên ngoài và bên trong của cùng một cơ thể, khi mà ta vừa mở mắt ra đã phát hiện mình không còn là một mảnh toàn vẹn. Tôi lửng lơ trong căn phòng lạnh giá mà không khí bên ngoài tràn vào mà vẫn không thể toàn tâm tập trung cho việc lý giải sự đột ngột ra đi của một đốt ngón tay, nó giống như chuyện vốn là vậy cả trăm năm nay, đột nhiên có người tới đòi lí do và đền bù.Trong một giới hạn nào đấy tôi vẫn tin tưởng vào cái mà mình có thể định nghĩa chứ không phải vào những thứ vừa bị đánh cắp đi bằng tâm tưởng và ý chí của một thế lực nào khác. Tôi không lo sợ, vì tính cách ương bướng và trẻ con hãy còn là bản tính chủ yếu trong cái tuổi này, không thể nào cơ thể người có thể tan vào không khí như a xít chuyển hóa kim loại, không, nó làm tôi liên tưởng đến hình ảnh của nàng tiên cá đang tan thành bọt biển hơn. Tôi không giống như nàng, tôi có ý chí của riêng mình, có sự dung hòa giữa tâm thể và bản thể, sự dung hòa ấy khiến tôi luôn giữ được bản thân mình đứng vững trước bất cứ sóng gió nào, và giúp tôi quên ngay những vấn đề không đáng được giữ lại ở trong mình. Sự dung hòa ấy nhiều lần cứu tôi khỏi những đau khổ, cả bây giờ và sau này, cứu giúp tôi ngay cả khi tôi không tự ý thức được mình cần sự cứu giúp, giống như thời gian, nó ở bên tôi, sát cánh với tôi ngày qua ngày và già đi cùng tôi, nhưng tôi không cảm nhận được hiện diện của nó, không chạm được vào hình dáng nó, không nhìn được tới bản chất thật của nó, tác động của nó lên tôi là tác động một chiều, tôi không cần trả giá, không cần đền bù. Nhưng lần này với một đốt ngón trỏ biến mất vào trong không khí thì tôi không tìm thấy sự hiện diện của sự dung hòa trong tôi, mà biến thể của nó bằng sự sai lệch đi một li đã trở thành mâu thuẫn , sự thuận hợp biến mất, sự đồng nhất biến mất, sự hòa giải biến mất, cái còn lại là những đối trọng không cân sức lao vào nhau trong một cuộc chiến vô nghĩa không hồi kết. Tôi ngạc nhiên với những gì đang diễn ra trong mình, ngạc nhiên như thể đốt ngón trỏ của tôi biến mất theo cái cách mà tôi có nó, như thể ai đó vừa chợt nghĩ ra “ôi mình cần một đốt ngón trỏ” thế là mau mắn nhấc nó ra khỏi ngón tay tôi. Chuyện này phần nào trong cơ thể tôi mách bảo chỉ có mẹ tôi mới giải đáp được, như cái cách tôi đã nhận được các tế bào phân chia của mẹ, và chuyển hóa nó thành của mình để biến mình thành một cơ thể mang mã gene na ná. Tôi cần phải được nói chuyện với bà, nếu được thì đây sẽ là cuộc nói chuyện đầu tiên của chúng tôi, cuộc nói chuyện đánh dấu cái phát triển lên bậc cấp cao nhất của tình mẫu tử, hay đúng hơn là quan hệ gắn kết chặt chẽ giữa các đoạn gene và tế bào. Bà chính là vật mẫu đã nuôi dưỡng tôi, cung cấp cho tôi tất cả những thứ vật chất mà tôi cần, không một lời ca than hay hỏi vì sao, bà truyền cho tôi năng lượng của mình từ trong cơ thể bà. Tôi không tự giác ngẩng đầu về phía mẹ mình, nhưng cặp mắt băng giá và đôi môi càng lúc càng đen thẫm lại của bà không có ý muốn trả lời. Tôi để ngón tay thiếu một đốt lên bụng bà, nơi từ đó tôi đã được nuôi dưỡng, khoảng không trống rỗng trên đầu ngón tay náo loạn, các hạt nguyên tử ở đoạn cần phải có cọ xát vào nhau nóng dần và truyền lại hơi nóng ấy về phía hai đốt còn lại, nhanh chóng toàn bộ bàn tay tôi ấm lên, rồi cả cánh tay, bả va, cổ, ngực..đều nóng lên. Cái nóng ấy cũng được truyền sang cơ thể mẹ tôi, khiến bà ngọ nguậy cái đầu vào một tư thế khó chịu. Ý chí bà không cảm nhận được nó.
Cơn nóng vô tình nói với tôi rằng nó vẫn ở đó,đốt ngón trỏ của tôi vẫn ở chỗ nó phải ở, các hạt vật chất vẫn làm đúng cái nghĩa vụ của nó, tức là nếu tôi muốn bóp cò một khẩu súng thì không có cách gì ngăn cản được ngón trỏ của tôi quặp vào đó mà ấn chặt, tức là tôi vẫn có thể dùng bàn tay mình như một cái lược hãy còn đầy đủ răng mà chải tóc cho mẹ tôi, tức là tôi vẫn còn cảm nhận được cái nóng ở đầu ngón tay trỏ của mình. Nhưng ở một không gian khác, trong một thời điểm khác, kể từ khi không gian và thời gian là hai thứ gắn kết với nhau thì ngón tay trỏ của tôi không tồn tại, không còn hình dáng cũng như cảm xúc, tức là bàn tay tôi có một ngón ngắn hơn các ngón khác. Không gian ấy chỉ được nhận ra khi mẹ tôi hãy còn tồn tại, vật chủ của tôi, nơi đã phát triển từng dạng thức của tôi trong thời gian hơn chín tháng, và đó là thời gian thuận hợp để sản sinh ra một tôi thiếu đốt ngón trỏ bàn tay phải. Và một khi mẹ tôi biến mất khỏi không gian này, thì không có gì ngăn cản tôi bị thiêu đốt trong ngọn lửa của sự mất mát các bộ phận cơ thể, tôi tin nó chỉ dừng lại khi bản thân tôi kịp hoàn thiện mình. Nhưng cũng như ý nghĩ của Thượng Đế khi đặt loài sinh vật không thể thở dưới nước vào một hành tinh 70% là nước, tôi sẽ tan biến trước khi mình kịp hoàn thiện, ấy là điều tất lẽ xảy ra, không ai hoàn thiện được bản thân cả.
Sự lí giải ấy phù hợp đến độ sự dung hòa trong tôi lập tức trở lại, chạy thành dòng bên cạnh ý thức hệ của tôi, thuận hợp và can đảm, như từ xưa vẫn vậy. Thời khắc chuyển giao giữa năm mới và năm cũ điểm tanh tanh thành từng tiếng trên đồng hồ ngoài phòng khách, tôi nghe tiếng cha mình trở người trong phòng làm việc, tiến về phía bàn thờ tổ tiên, thắp lên những nén hương đã được tôi chuẩn bị sẵn. Mùi hương lẩn quất trong sự rùng mình của ngôi Đền phía đối diện, ai đó dùng dùi đánh vào quả chuông vô hình lơ lửng trong không gian, đủ mười hai tiếng với các sắc thái đỏ khác nhau. Tôi ngọ nguậy ngón trỏ bàn tay phải một lần nữa cảm nhận sự hiện hình của vật chất nơi đốt đầu tiên, rồi giữ nó chặt trong lòng bàn tay trái cố truyền cho hai bàn tay một sự hài hòa về tổng thể, để chúng rời xa nhưng ganh ghét đố kị, quay trở lại với bản chất thật mà tôi gắng điều hòa trong thời gian qua. Sự vật xung quanh bỗng trở mình nổi lên thành một vòng tròn xung quanh tôi, đưa tôi vào thế giới của một cái gì đó vừa trỗi dậy ngay bên trong mình. Thời khắc này, giữa các tế bào đang phân chia, các chuỗi gene của tôi thay đổi hạt nhân của nó - tôi trở thành một tôi mới.
Tôi đồ rằng cha mình có lường trước được sự việc này, chính vì ông đã chủ động để cho tôi thời gian một mình với mẹ mà chôn mình trong phòng làm việc lâu hơn hẳn tất cả những ngày khi mẹ tôi hãy còn khỏe mạnh. Ông đã nhìn thấy sự rùng mình biến động trong cơ thể tôi, đã đoán trước khi nào thì nó sẽ xảy ra và tôi sẽ tự tìm kiếm được câu trả lời ở cơ thể mẹ mình, thế nên ông không nói không rằng, chuyển mọi tình cảm và đau thương của ông dành cho mẹ mà đáng lẽ phải biến thành hành động sang cho tôi. Tôi không biết trong những đêm ông ở bên cạnh bà ông có kể cho bà nghe sự biến đổi từ từ này, hay xin lỗi bà về việc ông phải làm, vì trong khuôn mặt mẹ tôi dù đã chìm vào trong sự kiểm soát vô thức cũng không hề để lộ ra bất cứ một điểm trách cứ chồng mình - người mà con gái bà những tưởng ông vô tâm đến độ không đếm xỉa gì đến giấc mộng đớn đau của mình. Tôi nghĩ đến những lời Văn nói, nghĩ đến những ngày qua, nghĩ đến bóng lưng ông còng còng bên ánh đèn làm việc,...tất thảy những thứ ấy, hiện giờ đã trở thành kí ức, và khi mùi hương của nhang tan đi, cũng là lúc một ngày mới thức dậy nơi đỉnh cao của những ngọn núi bao quanh thị trấn này.
Ba tuần sau năm mới, mẹ tôi chết. Tôi không có nhiều thứ muốn nói về đám tang của bà, nó xảy ra như hàng ngàn đám tang bí ẩn khác mà tôi không bao giờ hiểu được tất cả những quy trình đó lấy ở đâu ra và ai là người điều khiển nó diễn ra trơn tru như vậy. Tất cả những gì tôi làm là nhìn bà nằm trong quan tài gỗ sơn màu khó chịu nhức nhối với những khảm vàng trông giả tạo hết sức đang say sưa trong một giấc ngủ thiếu những hơi thở khò khè của động cơ hỏng. Tôi lén thay chiếc gối có sẵn trong quan tài bằng chiếc gối của riêng tôi, đặt mái đầu bà lên trên nó, vuốt lại mái tóc cho thẳng thớm. Người ta (tôi không biết là ai) trang điểm gương mặt bà hồng hơn, môi bà thắm hơn, nhưng lại quên không vuốt lại mái tóc cho bà. Tôi đặt trong bàn tay bà mớ tóc tôi cắt và buộc lại vẫn để trong ngăn kéo đầu giường hàng ngày, giữa đủ những thứ vàng xanh bằng giấy mà người ta đặt vào. Rồi tôi đậy nắp quan tài, gương mặt bà giờ chỉ còn nhìn thấy qua một ô cửa kính nhỏ. Người ta đem bà thả xuống hố đất đã đào sẵn. Cái lạnh mùa đông cắt vào da thịt những người đến dự đám tang một cơn buốt giá biến thành cái rùng mình chạy dọc sống lưng. Mẹ tôi, trong cái khoảng khắc xẻng đất đầu tiên hất lên quan tài của bà, đã mở hé một nửa phần mắt, và nhìn về phía đốt ngón trỏ bị thiếu nơi bàn tay phải của tôi, và thả ra một tiếng thở dài, rồi mọi việc lại theo tuần tự của nó, bà nằm im ắng dưới tàng đất sâu.
Sáng tác
/sang-tac
Bài viết nổi bật khác
- Hot nhất
- Mới nhất