Buồn làm chi em ơi ?
Buồn làm chi em ơi ?
Bài này, anh - người đã từng trượt đại học - sẽ cho các em lời khuyên ngắn gọn xúc tích nhất có thể, để các em hiểu mình sẽ phải làm gì tiếp theo ngoài việc ngồi khóc lóc !

TRƯỚC HẾT MẤY NHÓC CẦN HIỂU CHUYỆN GÌ ĐÃ XẢY RA

Đầu tiên, anh muốn hỏi một câu: "Theo các em, đậu ĐẠI HỌC MƠ ƯỚC là gì?" Chắc chắn phần đông nhiều đứa ở đây sẽ gọi đó là khúc ngoặt của cuộc đời, là bước đệm cho tương lai hay là sự chứng minh bản thân với cả xã hội... Xong, định nghĩa thì cũng chỉ là định nghĩa, cuộc thi đơn giản chỉ là một cuộc chơi, liệu các em có đang quá chú tâm đến ý nghĩa của nó mà bỏ quên luôn những năng lực có sẵn của mình không ?
Thật buồn là ở nền giáo dục Việt Nam đã cũ mèm này, cho dù có là học sinh xuất sắc nhất trường thì đôi khi cũng có đứa chẳng thể biết mình muốn làm gì tiếp trong tương lai. Anh có những đứa bạn học siêu giỏi từ bé đến lớn, 12 năm thì cả 12 năm không những đạt rất nhiều giải học sinh giỏi mà còn sớm có năng khiếu múa, hát, MC này kia nữa. Nhưng, cho đến tận khi đã là sinh viên năm 3 của một trường top cả nước, chúng nó vẫn nói là: "Tao chẳng biết mình sẽ làm gì khi ra trường" hay "Tao chán cái ngành khô khan này lắm rồi mà không biết nếu bỏ sẽ đi về đâu" ...
Nghe buồn chưa? Đến cả đứa học siêu giỏi, được gia đình, nhà trường ủng hộ hết mức cho việc học như thế còn chẳng hiểu rõ mình thì nói gì đến mấy đứa làng nhàng thi trượt đại học mơ ước như chúng ta.
Nhưng rồi ở đâu thì phải ăn mắm ngoé ở đó. Chúng ta sống ở Việt Nam - một quốc gia thuộc Châu Á - Châu lục mà việc học hành để thi cử tạo áp lực nặng đến nỗi làm méo mó đi cả con người. Đấy là Việt Nam còn đỡ chán, thử nhìn sang Nhật, Trung, Hàn mà xem, cứ mỗi mùa thi là biết bao nhiêu là học sinh tự tử, bao nhiêu là gia đình tan hoang, bao nhiêu là con người bị hắt hủi đến trầm cảm. Con người ở những quốc gia đó, một mặt họ khuyến khích con em mình học cho chăm thi cho tốt, mặt khác lại lên án cách mà nền giáo dục tạo áp lực quá lớn cho học sinh.
Có một bài viết trên spiderum anh trước đây có nói về khả năng "hack các bài thi". Đọc rồi mới ngộ ra: đề thi năm hàng năm, hàng tháng sẽ chỉ là một tiêu chuẩn rất chung chung, không thể đánh giá đúng năng lực và sự cố gắng của mỗi học sinh. Hơn hết, việc ra đề năm này qua năm khác sẽ làm cho bài thi có những quy tắc nhất định (nếu mấy đứa để ý thì đó chính là mấy cái mẹo mà các thầy cô hay nói chúng ta note cần lại) Cho nên :
người được điểm cao nhất không phải là người giỏi nhất mà là người nắm rõ quy tắc để hack bài thi nhất!
Thế thì giờ các em đang buồn vì cái gì? Buồn vì mình không biết hack bài thi à? Hay buồn vì đã không cố gắng? Nếu là 2 điều này thì em thật nực cười. Nếu em buồn vì đã không đủ sức hack bài thi thì hãy nhớ việc học cốt yếu là để các em có kiến thức, mà ở một xã hội đang ngày càng công bằng hơn như bây giờ những người có kiến thức thì chẳng phải lo chết đói. Còn nếu là vì đã lười, vì đã không cố gắng thì các em nên tự giác nhấc mông nên đi làm thứ gì đó hơn là ngồi đợi cho cái quá khứ xấu xí kia nó nuốt chửng mình!

THẾ RỒI EM PHẢI LÀM GÌ TIẾP ?

Mỗi cây mỗi hoa, mỗi nhà mỗi cảnh. Em phải là người đầu tiên hiểu mình nhất bằng những câu hỏi tự đặt ra! Và nếu em đã tự hỏi rồi mà vẫn cần lời khuyên thì ...
Vỗ vỗ vào mặt cho tỉnh đi, mấy đứa vừa ra khỏi trường cấp 3 rồi và phải xác định ngay bản thân "ĐÃ LÀ NGƯỜI LỚN"!
Cuộc sống của chúng ta từ bé cho đến cấp 3 là một đường thẳng, nhưng sau khi bước ra khỏi cổng trường đó thì sẽ rẽ ra rất nhiều hướng vô định. Nếu như ngày trước ta có làm gì lỡ dại điều gì, có thi trượt lớp chuyên, có rớt vài 0; để trượt mất danh hiệu học sinh giỏi thì vẫn yên tâm, về nhà bố mẹ kiểu gì cũng có cách giải quyết. Khi đã là người lớn, chắc chắn sẽ có nhiều thứ ta không thể thay đổi ngay lập tức mà phải học cách chấp nhận và tự chịu trách nhiệm. Mấy đứa từ giờ sẽ phải đối mặt với rất nhiều thứ mà chỉ cần sai sót một chút là đi tong cả một khoảng thời gian trong tương lai, thâm chí cả đời. Nhưng mà kệ thôi, biết làm sao giờ? Hãy coi thất bại là điều hiển nhiên phải đến, coi chúng là những bài học bắt buộc ta phải học trên trường đời và hãy luôn giữ cho mình một chân lý :
Sau cơn mưa, trời chắc chắn sẽ sáng trở lại !

GIỜ ĐỦ TỈNH TÁO CHƯA ?

Để tiếp tục sau khi tự vả vào mặt 7749 lần, mấy đứa có thể đi theo 2 hướng sau: Một là ôn thi lại, Hai là học tiếp ở một ngôi trường không mơ ước...
1 - Ôn thi lại
Dù năm nay hay năm sau, hay năm sau nữa vẫn giữ cái tình trạng lạm phát điểm thi thì hãy cứ yên tâm nhé. Vì nếu mấy đứa thấy mình có thừa đủ năng lực học tập thì ÔN THI LẠI luôn là lựa chọn đúng đắn nhất! Anh có những người bạn năm 18 tuổi thi thiếu 1,2 điểm vào Bách Khoa, Kinh tế Quốc Dân nhưng những năm sau khi thi lại thì điểm còn thừa cả rổ. Khi đã có năng lực thật sự thì điểm số chỉ là để đo đếm sự hack bài thi, em chưa đủ sức hack năm nay thì năm sau chắc chắn sẽ đủ! Phương pháp học mà anh tham khảo được từ chúng nó là : nửa năm đầu tuy vẫn giữ tâm thế phải học lại nhưng hãy cứ để đầu óc thật thoải mái. Ta phải dần dần để thích nghi với trạng thái nửa học sinh nửa người lớn đi đã, nửa năm về sau sẽ bỏ qua mọi thứ mà nỗ lực hết mình. Có một vài đứa mua những khoá học online, có đứa xin đi học lại lớp 12 ở trường cấp 3 ở nửa năm cuối, cũng có những đứa pro hơn thì chỉ cần dùng tài liệu cũ mà tự ôn thi lại được. Ngày đó ôn thi lại, anh có tham gia một cộng đồng trên Facebook gồm những người cùng ôn thi lại. Bọn anh lập những nhóm chat để trò chuyện, chia sẻ với nhau về hoàn cảnh đặc biệt của mình và cũng để chia sẻ tài liệu cho nhau. Trong nhóm còn có cả những anh chị lớn hơn đến vài tuổi vẫn nỗ lực vừa đi làm vừa ôn thi lại THPTQG, nghe câu chuyện của họ mà anh thấy mình được an ủi rất nhiều.
Link group năm đó :
Đã gặp được những người bạn siêu giỏi ở đây !
Đã gặp được những người bạn siêu giỏi ở đây !
2 - Học ở một ngôi trường không mơ ước
Trường Đại học của anh không phải là một ngôi trường danh tiếng. Nhưng sau một năm học thì anh thấy nó có tiềm năng và ở thời điểm hiện tại, anh thấy hài lòng về nó. Con người chúng ta đôi khi dù có nắm được số liệu rõ ràng như nào đi chăng nữa, vẫn luôn canh gánh bên mình một nỗi sợ về những điều chúng ta chưa từng trải nghiệm. Thời gian vừa rồi anh vừa tham gia chương trình tư vấn, giải đáp thắc mắc cho tân sinh viên của trường, vì có dán link facebook nên cũng đã nhận thêm được nhiều câu hỏi thầm kín của mấy em sau đó. Tất cả thể anh tổng hợp lại được là : Có mấy đứa thì hớn hở vì vừa mới đỗ ĐH, muốn hỏi về cách tham gia CLB này nọ, hỏi cách kiếm người yêu ở trường mới này kia. Có mấy đứa thì nghiêm túc hơn thì hỏi về cách kiếm học bổng, hỏi về thư viện trường và cách dạy của từng thầy cô giáo. Sau cùng là mấy cái tin nhắn cảm giác như vừa hỏi vừa khóc vì đã trượt hết những nguyện vọng đầu nên đành học ở trường này. Nhưng rồi đâu đã có cái gì xảy đến đâu ? Chính bản thân anh cũng đâu có nghĩ đến ngày sẽ thấy yêu mến ngôi trường này đến thế? Nếu các em đã chắc chắn rằng mình không có đủ kiên nhẫn để ôn thi lại 1 năm dài đằng đẵng và muốn nhanh chóng được đi tới sống một thành phố mới thì đừng lo âu gì nữa, xách balo và đi! Những thiệt hơn khi học ở một ngôi trường không mơ ước anh sẽ nói ở một bài viết sau, ở bài này, để ngắn gọn hết mức có thể, anh chỉ muốn khuyên mấy đứa:
Nếu không chắc chắn thì hãy cứ làm tới, mình còn trẻ, miễn là chịu học hỏi và có một thái độ tốt thì cơ hội ắt sẽ đến với mình!

KẾT LẠI

Dù các em có chọn con đường gì để đi tiếp theo thì xin đừng đánh mất ý chí ban đầu. Hãy cứ mơ cao, mơ xa nhưng vì nó là con dao 2 lưỡi nên đừng bao giờ lấy ước mơ đó làm phương ngôn cho cuộc sống của mình. Đời vốn dĩ không công bằng, không ai đi con đường giống ai cả. Hãy thật tỉnh táo để đôi khi nhanh chóng đưa ra quyết định và thực hiện kế hoạch. Nhưng rồi thi thoảng cũng nên chậm rãi nhìn lại xem mình đã đi được đến đâu, có gì trong tay và bước nhỏ nhất tiếp theo mình nên làm là gì!
Làm chủ được mình trước khi làm chủ ai !
Đen Vâu
Good luck !