Trên thị trường hiện có rất nhiều cuốn sách dạy cách yêu. Từ những cuốn tạo nên trào lưu trong giới trẻ như tuyển tập của tác giả Vãn Tình, đến Đàn ông sao hoả, đàn bà sao kim nổi tiếng từ Đông chí Tây của tác giả John Gray, hay Thuật yêu đương của một tác giả tưởng không liên quan gì đến tình yêu như Thu Giang - Nguyễn Duy Cần. Thậm chí cả những cuốn không viết về tình yêu như Bước chậm lại giữa thế gian vội vã mà mình đang đọc, cũng nhắc đến tình yêu như một phần không thể thiếu trong cuộc sống. Hầu hết các cuốn này đều dạy ta phải yêu làm sao cho đúng, phải ứng xử như thế nào cho phải trong một mối quan hệ.
Còn bạn? Bạn có bao giờ tìm đến những cuốn này để tìm câu trả lời cho những khúc mắc trong mối quan hệ? Hay bạn có từng tìm đến chúng như một cuốn giáo trình cơ bản để học yêu?
Bạn có từng đọc sách để học yêu?
Bạn có từng đọc sách để học yêu?
Thực tế, những cuốn này thực sự hữu ích cho nhiều người. Chúng gỡ rối cho những người đang gặp khó khăn trong chuyện tình cảm. Chúng đưa ra lời khuyên cho những ai đang cảm thấy bế tắc. Và đưa ra câu trả lời cho những ai đang vật lộn tìm cách giải thích cho những điều khó hiểu, cho những mối quan hệ phức tạp của họ. Sách "dạy yêu" cứu vớt những người đang yêu khỏi chìm sâu trong sự rắc rối của mối quan hệ giữa người với người. Bởi, con người thường yêu theo bản năng mà không chú trọng nhiều đến kỹ năng. Họ chưa kiểm soát được bản thân, chưa biết hợp tác với đối tác và chưa thực sự làm chủ mối quan hệ. Thế nên những cuốn sách thế này được viết ra để trợ giúp cho những người như vậy.
Vậy có phải là ai cũng nên đọc sách "dạy yêu" không? Ai nên đọc và ai không nên đọc?
Bước chậm lại giữa thế gian vội vã - Hae Min
Bước chậm lại giữa thế gian vội vã - Hae Min
Sách cũng giống như thuốc, không phải món gì bổ thì tất cả mọi người đều nên ăn.
Trong khi nguồn cung cho dòng sách "dạy yêu" ngày một nhiều, văn hoá đọc ngày một mở rộng, thì không chỉ nhu cầu của những người đang có thắc mắc được đáp ứng, mà cả những người chưa có trải nghiệm yêu cũng có cơ hội được tiếp cận. Họ, những người chưa từng đem hết lòng mình ra yêu, đã được tiếp cận với dòng sách và mớ kiến thức mà đáng ra chỉ dành cho những người đã có trải nghiệm, nôm na gọi là đã có kiến thức nền. Điều này dẫn đến một hệ luỵ, đó là nó khiến những kẻ chưa yêu nảy sinh tính đề phòng. Họ cho rằng tình yêu luôn có vấn đề, họ phải gồng mình trong một mối quan hệ để vấn đề không xảy ra. Rõ ràng nếu họ cứ nhìn tình yêu như một vấn đề như vậy, họ chẳng thể nảy sinh tình yêu cuồng nhiệt với người khác. Lo lắng khiến tình yêu không thể phát triển, ngay cả khi nó chưa kịp hình thành.
Dòng sách "dạy yêu" này vốn giúp người đọc hiểu rằng, họ cần một đầu óc sáng suốt trong tình yêu. Họ cần hiểu mình, hiểu người, cần tỉnh táo và có thật nhiều những kỹ năng khác để xây dựng và duy trì một mối quan hệ tốt đẹp. Tức là, để có một mối quan hệ suôn sẻ, họ cần tư duy theo lý tính. Với một thứ đầy cảm tính như tình yêu, ta cần lý tính để cân bằng. Vậy là, ngay khi đọc xong, những kẻ chưa một lần hy sinh, chưa một lần ngốc nghếch trong tình yêu vội vàng chuẩn bị một chiếc đầu lạnh và nạp đầy đạn giáp để chiến đấu. Họ quên mất rằng phần cảm tính mới là gốc rễ của tình yêu. Họ không hiểu rằng tình yêu thì vốn không hoàn hảo. Nếu không có sự vội vàng, ngây ngốc, nếu không có lúc bế tắc, ngẩn ngơ, nếu không đem hết lòng ra yêu một cách không toan tính, thì họ chẳng có lấy một tình yêu thật sự để lôi đạn giáp ra dùng.
Thay vì trải lòng yêu thương và để cho tình yêu đến một cách tự nhiên. Họ tiếp cận với tình yêu một cách gượng gạo, dè dặt và mang đầy tiêu chuẩn. Ngay cả cách nói chuyện, bông đùa hay việc bộc lộ con người thật của mình cũng phải có phép tắc. Họ nhìn tình yêu bằng con mắt tìm ra vấn đề để giải quyết thay vì tận hưởng và để nó diễn ra một cách tự nhiên.
Tình yêu vốn không hoàn hảo
Tình yêu vốn không hoàn hảo
Những cuốn sách trên kia thực chất muốn dạy bạn cách giải quyết vấn đề chứ không hề dạy bạn cách yêu. Cái gốc rễ của tình yêu, cái làm cho tình yêu thăng hoa là cảm tính thì họ không nhắc tới. Hoặc nếu có, họ cũng chỉ xem nó như là nguyên nhân gây ra vấn đề. Sách đâu có dạy bạn cách hy sinh, cách đau khổ và cách yêu hết mình đến khờ dại. Thiết nghĩ, phải có yếu tố phi thực tế thì tình yêu mới dễ thăng hoa, phải có lúc khờ dại mới biết thế nào là khôn được. Nếu chỉ học khôn thôi mà không biết dại nó có hình dáng thế nào, thế là học từ ngọn. Đôi khi còn dễ biến thành khôn lỏi, tính toán thiệt hơn.
Mình từng nghe ai đó nói, hạnh phúc trong tình yêu là những gì nhỏ nhặt lắm và khó nói thành lời, ngay cả với người trong cuộc. Những người đi trước, người ta dạy ngọn vì họ chủ đích viết cho những người đã có gốc, hoặc họ giả định rằng ai cũng có gốc rồi. Còn bạn, những cô cậu chưa một lần yêu nhưng lý thuyết đã nằm lòng, thì trước khi tập tành thực hành đống kỹ năng đấy, hãy học cách thả lỏng và yêu hết mình đi đã nhé.
Just love ❤