Rất nhiều bạn chán với việc cắp sách đến trường, các bạn không tìm thấy ý nghĩa trong việc mình làm nhưng cũng chẳng dám làm gì phản kháng tại vì mọi người xung quanh bạn đều làm thế. Tuy nhiên, hành động là vậy nhưng cảm xúc chán chường, thái độ thù ghét với môi trường học tập mà cụ thể ở đây là trường học là không thể tránh khỏi. Và, điều này nếu đến quá thường xuyên sẽ gây tổn hại đến tâm lý của bạn. Vậy nên, trong bài viết này mình sẽ phân tích về trường học, tác dụng của nó và đưa ra ý nghĩa của việc bạn đang đến trường là gì nhé.
Đổi mới giáo dục luôn khó khăn?

1. Tác dụng giáo dục:
Trường học vốn dĩ được định nghĩa là một cơ quan xã hội với chức năng giáo dục học sinh. Ngày nay, trường học phổ biến ở khắp thế giới. Mọi người đi học từ lúc 3 tuổi tới khi đi làm, có người đi làm rồi vẫn đi đến trường là việc hết sức bình thường. Đôi lúc điều này lại làm bạn có một cảm giác chững về thời gian. Bạn cảm giác rằng trường học là 1 thứ tồn tại ở đấy từ trước và trong một thời gian dài, và việc đi đến trường là một “qui tắc” xã hội (norm) mà bạn phải tuân theo. Tuy nhiên, mình hãy dừng lại chút và nhìn nó dưới góc độ lịch sử. Trong tiếng Anh, trường học là school, bắt nguồn từ từ “scole” trong tiếng Hi Lạp nghĩa là thời gian rảnh rỗi. Bởi lẽ, lúc đó, trường học chỉ dành cho tầng lớp giàu có trong xã hội. Các chàng trai trẻ dành thời gian rảnh rỗi đến gặp các vị thầy, triết gia như Plato hay Socrates. Vậy nên có thể nói, nguồn gốc của việc đi học là một lựa chọn để tích lũy giá trị (ở đây là kiến thức) chứ không phải là một điều bắt buộc.
Tuy nhiên, sự tích lũy kiến thức hay nói cách khác là nền giáo dục mà trường học ngày nay đem lại cho chúng ta có đạt “chuẩn” mong đợi hay không thì lại là một câu chuyện khác. Theo kênh The school of life (1 trong những kênh mình thích) thì một nền giáo dục tạm gọi là hoàn hảo là nơi giúp mình đối mặt với cuộc sống. Bạn cần được học cách tồn tại, cách xây dựng những mối quan hệ tốt và hiểu về bản thân mình. Cụ thể hơn, bạn cần được học cách nền kinh tế vận hành để hiểu cách kiếm tiền, cách dùng tiền và những việc bạn cần làm để giữ an toàn tài chính cho bản thân. Tiếp, bạn cần học cách để xây dựng các mối quan hệ xã hội lành mạnh. Bởi, con người là sinh vật xã hội. Việc có những kết nối tốt đẹp sẽ giúp bạn khỏe khoắn hơn về mặt tinh thần, và đôi khi là cả thể chất (có nghiên cứu về béo phì cho thấy rằng nguy cơ béo phì của bạn sẽ tăng lên nếu nhóm xã hội (social group) của bạn gồm những người thừa cân). Sau cùng, bạn cần học cách để hiểu rõ về bản thân mình. Bạn cần nắm được những kiến thức sinh học cơ bản của cơ thể bạn. Mỗi khi bạn đau, bạn cần phải biết cách miêu tả cảm giác đó. Hay như mỗi khi bạn ốm, bạn cần phải biết mình có sốt không? Mình biết điều này có thể bạn đã được ba mẹ bạn dạy nhưng không phải ba mẹ nào cũng làm điều đó. Theo mình, thà thừa còn hơn thiếu, nếu đã đảm nhận trách nhiệm giáo dục của xã hội, trường học nên dạy cho học sinh những điều này. Và, không chỉ về mặt sinh học, bạn cũng cần hiểu về mặt tâm lý của bản thân, bạn cần được học cách tìm hiểu mình muốn làm gì, đối mặt với áp lực và làm sao để giữ thăng bằng trong cuộc sống.
A 3-Part Focused Attention Meditation Series - Mindful


Mình nêu ra những tiêu chuẩn trên để các bạn đối chiếu lại nền giáo dục của các bạn đang được nhận đã đạt được những chuẩn nào, để chúng ta cùng tìm cách đối phó, vì mình biết đời không như mơ. Đối phó ở đây mình không nhằm chỉ đến việc thay đổi nền giáo dục hay biểu tình. Mình muốn nói đến phương diện cá nhân hơn. Rằng, nếu trường học không đáp ứng được những thứ bạn cần. Hãy tự tìm hiểu! Ngày nay với Internet và Google, mình tin bạn có thể làm được điều đó.
2. Thước đo “năng lực”:
Ngày xưa lúc mình thi rớt chuyên, ba mẹ mình an ủi: “Trường nào cũng như nhau thôi, cũng học cùng 1 sách, mà chưa kể trường chuyên còn bị học lệch”. Lúc ấy, mình nghe cũng đỡ buồn, nhưng đương nhiên câu chuyện đằng sau thì hoàn toàn không như thế.
Khi mình đi học cấp 3, mỗi lần người quen hỏi ba mẹ mình học trường gì, ba mẹ mình có khi chẳng cần nói tên trường, chỉ cần nói trường thường thôi thì người ta tự hiểu không hỏi thêm gì nữa. Khi đi học thì thầy cô cũng thỉnh thoảng đem tụi mình ra so sánh với học sinh trường chuyên. Kể cả khi đi bồi dưỡng học sinh giỏi thì tụi mình cũng bị nói là ráng làm sao để được giải tỉnh thôi chứ thi quốc gia thì nhường cho trường chuyên hết rồi. Thành ra trong mấy năm mình đi học chỉ có 1 anh đi thi giải quốc gia môn sử. Mà trong quá trình bồi dưỡng thì anh ấy chuyển qua trường chuyên học trong một thời gian, cũng nghe đồn là bị thầy cô bên ấy nói ra nói vào đến khổ. Rồi bao nhiêu hoạt động ngoại khóa của tỉnh cũng là trường chuyên. Đành rằng có thể do các bạn trường chuyên giỏi hơn nên nổi bật hơn là điều dễ hiểu. Nhưng các đánh giá, nhận xét của người xung quanh làm các năng lực các bạn trường khác bị giới hạn đáng kể. Mình cũng biết có những bạn rất giỏi, vào trường thường học vì chỉ đơn thuần là không thích học chuyên, và các bạn bị kìm hãm lại rất nhiều. Khi lên Đại học cũng thế, cái mác trường A với điểm đầu vào 28 vẫn đem lại cho các bạn một sự tự tin đáng kể hơn học trường B lấy đầu vào chỉ có 15 điểm.
Week 9: A Crash Course on Giving Grades | fionakarla


Mặc dù nghe hơi bất công nhưng bạn cần hiểu một điều, người ngoài cuộc không sống chung với bạn. Người ta không hiểu tâm tình bạn ra sao, tư duy bạn thế nào để mà đánh giá. Chưa kể để tìm hiểu về những chuyện đó, người ta vừa tốn thời gian, vừa tốn tâm sức. Vậy nên, người ta đánh giá bạn thông qua những dấu hiệu bên ngoài như bạn học trường gì, được giải gì, bao nhiêu điểm thi Đại học là điều dễ hiểu. Mình biết vấn đề này nghe rất khó chịu nhưng không phải một sớm một chiều mà bạn có thể thay đổi tư duy của người khác. Mình đề ra 2 cách để giải quyết vấn đề trên. Một là bạn cần phải vững tin vào bản thân trước sự phán xét, nếu không tinh thần bạn sẽ bị “thoái hóa” dần và những gì người khác áp đặt lên bạn sẽ trở thành sự thật. Cách thứ 2 đó chính là cố gắng để có cái mác “tốt nhất” cho bản thân. Mình biết điều này nghe khó chịu, nhưng cách nào cũng đem lại cho bạn 1 vị trí cân bằng bằng sự nỗ lực thì theo mình cả 2 lựa chọn này đều không có gì là sai.
3. Xã hội thu nhỏ:
Lúc năm 1 Đại học, mình đã gặp một bạn nữ vô cùng thông minh, và bạn này đã làm thay đổi lối suy nghĩ của mình rất nhiều. Trải qua mười mấy năm đi học, bạn chưa bao giờ cảm nhận trường học theo lối mọi người hay nghĩ, mà đó chính là 1 xã hội thu nhỏ - một cộng đồng được tạo nên bởi những thành viên có những điểm chung về văn hóa (ở đây là văn hóa học đường). Trong “cộng đồng” này, bạn học cách để tương tác giữa người với người chứ không đơn thuần lượm nhặt kiến thức và cố gắng đạt điểm cao.
Điều đầu tiên mình có thể kể đến là xây dựng các mối quan hệ. Hiếm có nơi nào bạn sẽ gặp được những người cùng trang lứa vào cùng một thời điểm như lúc đi học. Các bạn khi còn ngồi trên ghế nhà trường cũng ít có động cơ lừa lọc hay làm hại lẫn nhau hơn ở ngoài xã hội. Việc tạo ra những tình bạn bền vững, cùng nhau học hành, cố gắng, vui chơi giúp tâm lý bạn ổn định hơn, chưa kể đến việc, những mối quan hệ đó có khả năng kéo dài và trở thành chỗ dựa tinh thần vững chắc cho những lần chuyển đổi sau này như việc mới lên Đại học chưa kết được bạn mới hay mới tốt nghiệp xong và đang lạc lõng. Vậy nên, hãy cố gắng kết bạn, xây dựng những mối quan hệ chất lượng, yêu thương lẫn nhau và cùng nhau cố gắng.
13 Mẹo Giúp Tăng Và Duy Trì Tương Tác Trong Group


Tiếp theo, mình muốn nhắc lại việc trường học không phải là chỉ là nơi để cố gắng học hành và đạt điểm cao nhất. Khách quan hoàn toàn là một điều kiện lý tưởng và đã là con người thì bạn không thể nào khách quan 100%. Lí do là vì về mặt tâm lý, bạn sẽ luôn thích cái này hơn cái kia, ghét cái này hơn cái nọ. Cho dù bạn cố gắng đến đâu thì cảm xúc và thái độ của bạn không thể nào hoàn toàn lý tính và đạt đến cái mức “khách quan” kia. Trong môi trường trường lớp, người giáo dục bạn là thầy cô, và thầy cô ở đây là con người, đôi lúc bạn nên “mềm mỏng” để tránh gây bất lợi cho bản thân. Hồi đó, do mình thi Đại học môn Hóa, bài trên trường không đủ khó để luyện Đại học nên mình lấy bài ra làm thêm. Cô giáo thấy vậy thì xuống thu vở và phê mình vào sổ đầu bài là “Làm việc riêng trong giờ học”. Lúc đấy, mình cũng bực vì mình cảm thấy mình làm Hóa trong giờ Hóa là không có gì là sai, nhất là khi bài trên trường mình đã hoàn thành tốt hết. Lúc ấy, giáo viên chủ nhiệm của mình bắt mình đi xin lỗi thì mình đi nhưng trong lòng không hề phục. (Mình vừa xin lỗi, vừa vùng vằng). Kết quả là mình vẫn ngồi vào sổ đầu bài và bị hạnh kiểm khá tuần đấy. Trong khi chuyện không đáng như vậy, bạn mình tạm gọi là B trải qua tình huống tương tự như vậy trong giờ thể dục nhưng bạn ý giải quyết như sau:
Bạn ý ở lại cuối giờ và nói chuyện riêng với thầy.
B: Con xin lỗi thầy!
Thầy: Không phải xin lỗi! – Quay mặt đi.
B im lặng đi theo.
Thầy: Bây giờ cô muốn gì?
B: Con xin lỗi thầy! Thầy xóa tên con ra sổ đầu bài với, chứ hong tuần này con xỉu thiệt á! (Với vẻ mặt tội lỗi pha thật lòng).
Bạn ý được xóa tên ra khỏi sổ đầu bài thật. Và mấu chốt ở đây là, bạn ý ở lại cuối giờ nói chuyện với thầy, đó là sự tế nhị. Bạn ý im lặng đi theo và xin lỗi, kèm thêm biểu cảm thật thà, bạn ý đạt được điều bạn ý muốn một cách nhẹ nhàng và khéo léo.
Và, không chỉ dừng lại trong môi trường học đường. Trong cuộc sống, theo mình, điều gì giải quyết được bằng lời nói “khéo” thì không nên đùng đùng lên làm gì. Có lần mình đang đứng xếp hàng với bạn thì có cô chạy chen vào giữa. Mình thấy khó chịu và tính “cà khịa” nhưng bạn mình kìm mình lại. Nó gọi và nói nhỏ với cô ý là “Cô ơi, cô đứng sau tụi con nè, cô đợi tụi con xíu thôi, nhanh lắm luôn á cô!”. Cô ý xin lỗi tụi mình rồi lùi ra sau thiệt! Từ câu chuyện này, mình mới rút ra một điều “Quê thì khó huề”, cố gắng làm sao nhẹ nhàng, mềm mỏng nhất để đạt được điều mình muốn mới là điều thông minh. Bạn hoàn toàn có thể luyện tập điều này trong môi trường trường lớp, sống sao để “thầy cô, bạn mến” có thể giúp bạn cư xử với những mối quan hệ sau này.
Tóm tắt lại, trong môi trường học đường, bạn có thể tự chủ hơn trong việc giáo dục, tự tin vào bản thân mình và học cách khôn khéo để giải quyết vấn đề để có những năm tháng đi học hiệu quả hơn.
Cám ơn các bạn!
Các video mình tham khảo: