Bài viết này để nói lên tiếng lòng của những người đã gặp rất nhiều rắc rối với trẻ con, cụ thể là con anh A, con chị B, cháu bà C, ông D nào đó. 
Bài viết cũng dành để cảnh tỉnh tất cả các bạn đang, và sẽ có con nhỏ.


    Nhân dịp có một nhà hàng ở Tampa bắt đầu thực hiện chính sách "Không tiếp trẻ con vì lý do an toàn", và các vị phụ huynh bắt đầu hò hét tẩy chay như một lũ dở, tuy nhiên vẫn có rất rất nhiều người hưởng ứng và muốn lui tới vì họ không còn phải bận tâm đến sự ồn ào của lũ nhóc nữa. Thế là, tôi bỗng nghĩ đến tình trạng ở Việt Nam hiện nay, nếu như có nhà hàng nào thực hiện chính sách này, ắt phải đóng cửa ngay tức khắc, vì ở Việt Nam, trẻ con là Ông nội, là Bà nội. Vì đâu nên nỗi?
Nhà hàng không tiếp trẻ con, nguồn: Tampabay.com

Con của các vị, xin các vị giữ lấy!

    Căn bản cái lý do "để đảm bảo an toàn" mà nhà hàng kể trên đưa chỉ là một sự nói giảm nói tránh. Nói thẳng nói thật ra, họ - những người chủ, và những thực khách đã cảm thấy quá mệt mỏi và phiền phức, khi mà họ bỏ tiền ra để ăn, để tận hưởng thú vui của việc cắt một miếng Steak, nhấp ly rượu vang, rồi liếc mắt đưa tình với nhau, chứ không phải để bịt tai, bịt mắt, bịt mũi giữa khung cảnh hỗn loạn như một sở thú, mà tác giả là những "búp trên cành." Gọi là sở thú không oan đâu, vì tiếng gào thét, tiếng khóc than, mẹ mắng con, con chửi bố, mùi tã bọc phân vứt lăn lóc trên bàn, mùi nước tiểu trây trét từ trên tường xuống sàn, từ sàn lên đến ghế... Nhà hàng kể trên chỉ là một ví dụ nho nhỏ, chứ ngoài kia vẫn còn 1001 các cửa hàng, tiệm nail, tiệm tóc... treo bảng không tiếp trẻ con.
Trẻ con la hét om sòm. Nguồn: Mamamia.com 
    Trẻ con chơi đùa, nghịch ngợm, nhìn rất vui mắt đấy, nhưng mà đấy là trong mắt của các bậc phụ huynh, chứ không phải trong mắt những người khác. Thậm chí có nhiều phụ huynh tranh thủ gửi con ở nhà để có thể tận hưởng bữa ăn tối lãng mạn ở nhà hàng, họ cũng chả ưa tiếng khóc và cũng chả thông cảm nổi đâu. Hay ví dụ như ở hội trường đám cưới, khi cặp đôi đang nhìn nhau trìu mến chuẩn bị mở miệng nói, "I do," thì bỗng nhiên có đứa trẻ con nào đó nhào lên giật bung hết cả cổng hoa, làm đổ nước ra hệ thống âm thanh và phá tan cả buổi lễ, liệu lúc này có thông cảm nổi hay không!? Cũng chính vì lý do này, mà trên thiệp mời đám cưới của các cặp đôi dạo gần đây luôn kèm theo dòng chữ "Please don't bring your children," và các công ty in thiệp cưới thì kiếm bộn tiền từ việc bán ý tưởng "nói giảm nói tránh đuổi khéo trẻ em."
Đám cưới không tiếp trẻ em.
Ít ra là đối với tôi, tiếng la hét của trẻ con nó cũng kinh khủng như tiếng bass ở vũ trường dội thẳng vào tai vậy. Và quan trọng là, cũng có rất nhiều người nghĩ như tôi.
Hôm vừa rồi mình xui xẻo trúng vào chuyến bay quốc tế của Vietnam Airlines toàn người Việt, lại còn con nhỏ nheo nhóc. Thế là xong! 15 tiếng bay trong kinh hoàng, khi mà các bố các mẹ tám chuyện tỉnh bơ và các "thiên thần" tung tăng các hàng ghế, la hét khóc lóc om sòm ỏm tỏi.
-Một thành viên của diễn đàn du lịch châu Âu cho hay-
Một bình luận điển hình trên group DU LỊCH KHÁM PHÁ CHÂU ÂU.
    Không ít lần tôi đã phải nhắc nhở các cặp vợ chồng vô ý thức, khi cứ để con mình quậy phá om sòm kinh khủng như vậy. Biết rằng trẻ con rất khó kiểm soát, nhưng không phải là mặc kệ cho chúng muốn làm gì thì làm. Ví dụ như trong một chuyến tàu SE từ TP. HCM về Nha Trang, tôi gặp một cặp vợ chồng dắt theo 2 đứa con tầm 3-4 tuổi. Vào giờ ăn, lúc tất cả mọi người đều ăn uống, nhân viên đến từng khoang một phát đồ ăn, thì cả gia đình này lăn ra ngủ khò khò như chết, và khi tất cả mọi người đã ăn xong và chìm vào giấc ngủ, thì cả nhà này hò nhau dậy ăn uống và tập đếm với nhau. Như hai vợ chồng tôi trẻ tuổi còn đỡ, chứ trong khoang còn một bác tầm 60-70 tuổi, cứ một tí là lại bị các cháu dựng dậy hỏi ông ơi cái này là cái gì, cái kia là cái gì. Nhìn bác này ngái ngủ mà thấy tội, càng tội hơn khi bác lắc đầu bỏ ra đầu toa hút thuốc vì quá ồn, chịu không nổi. Thế là tôi lên tiếng. Anh chồng dạ dạ. Chị vợ nghiến răng kèn kẹt, lầm bầm chửi. 

Con làm, bố mẹ chịu. 

    Trong trường hợp các cháu nhỏ phá phách mà được nhắc nhở, gặp các cặp vợ chồng có giáo dục một chút thì họ còn dắt con lại mồm năm miệng mười:
Thôi bác cho cháu nó xin lỗi, cháu nó còn nhỏ, cháu nó không biết. 
Hầu hết trong tình huống này, tôi đều bảo:
Cái này là lỗi của cháu nó, nếu trước không biết thì đây giờ là lúc để biết. Anh chị cứ để cháu nó xin lỗi và có trách nhiệm với việc của mình đã làm. Chứ không phải con làm mẹ chịu thế này được.
    Người nào hiểu thì càng tốt, còn không hiểu thì thôi, tôi cũng chả có cách nào thay đổi, căn bản ở Việt Nam mình coi trẻ con như thượng đế. Còn có nhiều trường hợp có các vị phụ huynh vô học (tôi xin phép dùng thẳng từ này) đanh đá trợn mắt lên chửi lại, rồi khuyến khích con làm tiếp, phá tiếp cho bõ tức, tôi đành chịu chết. 
Chú gì mà ích kỷ thế, cháu nó lỡ làm vỡ đồ đạc chút xíu cũng la.
-Tay phụ huynh thổ tả nào đó-
    Ai bảo tôi ích kỷ, tôi chấp nhận, nhưng việc đứa nhỏ tự tiện vào phòng của tôi, cầm món đồ của tôi lên và phang thẳng vào tường thì nó hoàn toàn không gọi là lỡ. Nếu như chúng chạy chơi và vô tình va vào món đồ, thì còn chấp nhận được, chứ hành vi chủ động phang đồ đạc như thế mà gọi là lỡ, thì bây giờ tôi lỡ cầm cục gạch phang vào xe bạn được không?
_4 tuổi, con làm vỡ lọ hoa nhà hàng xóm, mẹ sang xin lỗi, con nằm nhà chơi game.
_10 tuổi, con đi học đánh bạn dập mũi, bố lên trường cúi đầu xin lỗi, bồi thường chi phí khám chữa, con ăn trận đòn rồi thôi.
_15 tuổi, con đâm chết người, bố mẹ gào khóc bảo nó còn trẻ con, nó chả biết gì cả. Lúc này bố mẹ có vào tù thay cho con được hay không?
_25 tuổi, con ra tù, không học hành, không nghề nghiệp, hồ sơ một vệt đen to tướng, con đổ tại bố mẹ. Thế là một thằng Chí Phèo ra đời.
Hình ảnh minh họa về đứa trẻ ngỗ ngược. Nguồn Boldsky.com 
    Các vị phụ huynh cứ xem thường từng lỗi lầm của trẻ con đi, rồi sau đó sẽ cảm thấy hối hận, khi mà từ "đập vỡ bình bông" sẽ dẫn tới "đâm chết người."
Những tin tức thế này hoàn toàn không hề thiếu. Nguồn News.zing.vn 
    Trẻ con quan sát biểu hiện của phụ huynh, cân đo đong đếm các biện pháp trừng phạt của cha mẹ (ví dụ phạt quỳ, roi,...) chứ chúng hoàn toàn không hề ý thức được việc chúng gây ảnh hưởng cho người khác, nếu như không có sự hướng dẫn từ nhỏ của cha mẹ. Chúng cứ mặc nhiên là có làm gì đi chăng nữa cũng sẽ được cha mẹ cứu vớt, được cha mẹ bợ đỡ. Một thời gian dài tích tụ lại sẽ cho đứa trẻ cảm giác như mình là bá chủ thiên hạ. Chưa nói đến việc phạm tội tày trời gì, nhưng chỉ việc đến lớp với tư thái một "ông trời con" thì rất khó để những đứa trẻ này có thể hòa nhập vào cộng đồng, thường là bị tẩy chay vì tính hách dịch, hống hách. Hầu hết các trường hợp bị đuổi học ở trường cấp 2 của tôi ngày xưa đều xuất phát từ các chuỗi lỗi với cấp độ từ thấp đến cao như: trốn học - quay cóp - ăn cắp - đâm chém, chứ hiếm khi nào một phát đuổi luôn lắm. 

Đào thải thì dễ, dung dưỡng mới khó.

    Những thiếu niên bị dạy hư từ bé, khi đến trường và phạm những lỗi lớn thì dĩ nhiên phải bị đuổi học, bởi vì họ xâm hại đến lợi ích của tất cả những học sinh, giáo viên khác mà không có một biện pháp nào để ngăn cản nữa. Nhất là trong cái thời đại mà hơi một chút là phụ huynh gào ầm ầm lên như những con lợn bị chọc tiết như thế này, thì việc giáo dục càng lúc càng khó. Thêm vào đó, mẹ dạy con thì bố cự, bố dạy con thì mẹ khóc, bố mẹ dạy con thì ông bà chửi... toàn cái khó mà chả ló được cái khôn nào. Nhưng sau khi đuổi học rồi thì số phận của những thiếu niên này sẽ như thế nào? 2 trường hợp xảy ra:
Trường hợp một: Gia đình và thiếu niên nhận ra vấn đề, và cùng nhau giải quyết mọi việc, bắt đầu lại từ đầu ở một trường học khác, và trở thành một người có ích cho xã hội.
Trường hợp hai: Gia đình tiếp tục bợ đỡ, thiếu niên càng ngày càng lộng hành, thành giang hồ cộm cán rồi vào tù ra tội. Xã hội có thêm một cái ung nhọt. 
    Trường hợp hai thì dễ lắm, dễ cực kỳ, còn trường hợp một mới khó. Bởi lẽ một quá trình kéo dài hàng chục năm không thể được thay đổi chỉ trong chốc lát, nhất là khi các thiếu niên đang nhận được một cú shock, cảm thấy chán chường khi bị đuổi học. Thậm chí có nhiều thiếu niên còn lấy việc bị đuổi học làm niềm vui, như để "lấy số" trong sự nghiệp giang hồ cộm cán của mình.
3.340 trẻ em và người chưa thành niên vi phạm pháp luật trong sáu tháng đầu năm 2017. 
Số liệu thống kê của Cục Cảnh sát quản lý hành chính về trật tự xã hội (C64), Bộ Công an cho thấy trong hai năm (2014-2015), toàn quốc xảy ra hơn 17.000 vụ vi phạm pháp luật do hơn 25.000 trẻ em và người chưa thành niên gây ra. Trong đó, phần lớn là các hành vi cướp tài sản (2.105 vụ), cố ý gây thương tích (3.236 vụ), gây rối trật tự công cộng (2.035 vụ), trộm cắp tài sản (4.027 vụ)...
Cơ quan công an đã xử lý hình sự 5.667 vụ với hơn 8.300 người. Đáng chú ý, số trẻ dưới 14 tuổi chiếm tỉ lệ gần 20%.
Tại các TP lớn như Hà Nội, TP.HCM đã manh nha xuất hiện hiện tượng mại dâm trẻ em nam 12-17 tuổi. 
-Theo News.zing.vn- 

Thế nước ngoài họ dạy con thế nào?

    Đừng ai bảo tôi bưng bô cho Tây lông nhé, căn bản là cái gì hay ho thì ta học, thế thôi. Lấy ví dụ ở nước Áo nơi tôi đang sống:
Một, các học sinh chịu trách nhiệm trực tiếp với việc làm của mình, bên cạnh việc giáo viên thông báo với phụ huynh. Nhẹ thì phải làm việc công ích để bù lại những ảnh hưởng mình gây ra với xã hội, nặng thì đi tù. 
Hai, con té con tự đứng dậy, con muốn ăn con tự làm lấy. Bố mẹ hướng dẫn cho con để con tự làm và chịu trách nhiệm trong việc chăm sóc bản thân mình. Hàng ngày những đứa trẻ tự leo lên tram, tự bấm vé, tự đến trường. 
Ba, giải thích chứ không phải là đánh mắng, dọa dẫm. Ở Việt Nam, các vị phụ huynh cứ toàn lấy ví dụ, "Ăn đi không chú la, nín đi không chú Công An bắt," vừa vớ vẩn vừa vô ích. Bởi vì các đứa trẻ sẽ hiểu ngay là, chúng sẽ chỉ phải ăn nếu có một "chú Công An" nào đó ở bên cạnh, còn nếu không có, chúng không việc gì phải lo sợ. Ở nước ngoài, họ bỏ ra hàng tiếng đồng hồ để giải thích cho con hiểu rằng tại sao không nên/không được làm một việc gì đó. Còn nếu như đứa trẻ không thực hiện, họ để cho đứa trẻ tự nhận lấy hậu quả đã nói trước. Ví dụ: nếu một đứa trẻ ương bướng không chịu ăn, họ cất hết toàn bộ đồ ăn đi và để mặc cho đứa trẻ chịu đói đến bữa ăn sau. Và dĩ nhiên là việc này chỉ xảy ra một lần cho mãi mãi.  Trên đường cũng không thiếu trường hợp những đứa nhỏ gào thét đòi hỏi một món đồ nào đó, bố mẹ nghiêm khắc bảo, "Nếu muốn thì con tự làm, tự mua lấy!", nói xong cứ lạnh mặt đi tiếp. Đứa trẻ vùng vẫy một hồi rồi tự khắc nín và chạy theo.
Bốn, tuyệt đối không bao giờ so sánh. So sánh càng làm cho mọi thứ tồi tệ hơn mà thôi, đứa trẻ sinh ra cảm giác mặc cảm, tự ti, tị nạnh và sẽ càng làm ngược lại. Ngoài ra các sang chấn tâm lý từ việc so sánh là rất thường thấy. Các bạn có thể tìm hiểu thêm về tác hại của việc so sánh qua bài viết sau:
Giải thích tốn thời gian một chút, nhưng được lợi ích về sau.
    Và kết quả là tỉ lệ tội phạm vị thành niên tương đối thấp, và các hành vi cũng ở mức chấp nhận được, giới hạn ở việc: hút thuốc, uống rượu bia, ăn cắp vặt... Chứ không phải ở mức độ như ở Việt Nam khi mà hôm nay nghe tin thiếu niên 16 giết người giấu xác, ngày mai nghe tin thiếu niên 14 tuổi đâm chết bạn học (xin đừng nhắc tới ví dụ nước Mỹ, nơi mà 10 m2 có một khẩu súng, cái này là trường hợp đặc biệt). Dĩ nhiên trẻ trâu nơi nào cũng có, ở bên này tôi vẫn thấy đám trẻ trâu vẽ bậy nguệch ngoạc, uống rượu bia vứt chai ra đường, xả rác, khạc nhổ... nhưng cũng chỉ dừng ở đó.
    Tôi chả hiểu các vị phụ huynh dồn cả mớ tiền vào đống sách "Dạy con kiểu Hàn, Nhật, Tây, Tàu..." để làm cái gì, trong khi 4 điều tối cơ bản ở trên thì 90% chả ai thèm làm. Kiểu này chắc tôi cũng phải về Việt Nam và tức tốc xuất bản một quyển sách với tựa đề "Dạy con kiểu Áo" cho kịp mốt thời thượng thôi. Làm giàu không khó!

Kết luận

    Tôi hiểu rằng việc chăm sóc, và nuôi dưỡng một đứa con rất khó khăn, gian nan và mệt mỏi. Tôi rất thông cảm cho nỗi khổ của các bậc làm cha, làm mẹ, nhưng không phải vì lý do đó mà tôi làm ngơ trước một thực trạng chướng tai gai mắt như thế này. Việc giáo dục một đứa trẻ nó không chỉ đơn giản như vậy, mà để đảm bảo cho một thế hệ tương lai trong sạch, mà không phải toàn những kẻ gàn dở, ngang ngược và phách lối.

Trẻ em hôm nay, thế giới mai sau.



Tham khảo: 
https://news.zing.vn/thieu-nien-14-tuoi-dam-ban-tu-vong-trong-tiem-internet-post798942.html
https://www.tampabay.com/things-to-do/food/dining/Tampa-pizza-restaurant-Hampton-Station-banned-kids-and-some-parents-are-not-happy_162178658