"Kẻ vô tình đâu hiểu nỗi khổ của người đa tình,
Một tấc tương tư cũng biến thành ngàn vạn sợi sầu khổ.
Chân trời góc bể cũng có nơi cùng tận,
Chỉ có lòng tương tư là không có kết thúc.”
Đó là bốn câu thơ của nhà thơ Án Thù khi ṿiết về những tương t̀ư, thương nhớ của một người đối với kẻ mình yêu, mang trong đó là một chút oán hận, buồn đau khi không được đáp lại tình cảm. Bốn câu thơ ấy cũng khiến ta liên tưởng đến Trình Điệp Y và Đoàn Tiểu Lâu, về những đoạn tình cảm đau thương trong nghệ thuật, về một vở kịch mang tên là Bá Vương biệt cơ trong quá khứ.
Ra mắt năm 1993 , Bá vương biệt cơ là bộ phim của đạo diễn Trần Khải Ca dựa trên cuốn tiểu thuyết cùng tên của nhà văn Lý Bích Hoa kể về những thân phận nhỏ bé, đau khổ trong xã hội cũ, về những day dứt giữa tình yêu và nghệ thuật đặt trong bối cảnh chính trị- lịch sử đầy biến động tại Trung Hoa nửa đầu thế kỉ 20.
Dù bị cấm chiếu tại thị trường nội địa, bộ phim vẫn gặt hái được nhiều giải thưởng lớn trên trường quốc tế như Cành Cọ Vàng tại LHP Cannes, thuộc top 100 phim hay nhất mọi thời đại và là bộ phim Trung Quốc được yêu thích nhất năm 2005

 Bá vương biệt cơ - giấc mộng kinh kịch của một đời người.

Lấy bối cảnh đất nước Trung Hoa đầy biến động từ những năm 1924-1977 , Bá Vương biệt cơ kể về hành trình của Trình Điệp Y và Đoàn Tiểu Lâu, từ khi còn nhỏ gia nhập gánh hát kinh kịch cho đến những ngày thành tài, nổi tiếng cũng là lúc họ phải đối mặt với những guồng quay dồn dập của xã hội, tình yêu và danh vọng. 
Ngay từ phần mở đầu, Đức Chí (sau này là Trình Điệp Y) hiện lên là một cậu bé xinh đẹp đến lạ kì, cậu bị mẹ của mình là một cô gái lầu xanh đưa vào gánh hát- nơi mà hàng chục cậu bé phải trải qua thời kì rèn luyện nghiêm khắc để có thể hát trước mặt công chúng. 
Phân đoạn đầu tiên khiến mình cảm động nhất là khi mẹ của Đức Chí cầm dao chặt đứt ngón tay thừa thứ 6 của cậu- ngón tay tượng trưng cho sự  không may mắn. Cậu không khóc, chỉ thốt nhẹ lên rằng: “Mẹ, tay con lạnh lắm, lạnh như băng vậy.” Phải chăng, cái thốt đầy cam chịu ấy đã báo hiệu phần nào cuộc đời đầy những đau khổ, gian truân của cậu sau này. Và đúng là như vậy.
Trong gánh hát những đứa trẻ hắt hủi cậu vì cậu là con của kỹ nữ. Lúc ấy, chỉ có Sĩ Tứ xuất hiện (sau này là Đoàn Tiểu Lâu), bảo vệ, giúp đỡ cậu, cùng cậu luyện tập, chăm lo cho cậu.
Một trong những phân cảnh đặc biệt của phim khi Đức Chí cởi áo, trùm chăn cho Sĩ Tứ sau khi cậu bị phạt quỳ dưới trời mưa tuyết và cảnh 2 đứa trẻ nằm gối lên nhau ngủ, trao cho nhau hơi ấm của chính mình, cho nhau niềm tin và cả tình cảm, có lẽ, cũng chính từ đó, Đức Chí đã quyết không thể rời xa Sĩ Tứ, và mặc định hắn là Sở Bá Vương của đời mình.
Khi luyện tập vở “Giấc mộng ngoài tu viện", Đức Chí phải diễn một câu thoại “Bản chất ta là nữ, không phải nam", nhưng cậu kiên quyết sửa lời “Bản chất ta là nam, không phải nữ". bởi Đức Chí lúc này thực sự phân biệt được thế nào là thực thế nào là kịch, cậu cố chấp sống với hiện thực dù nó hết mực đau thương. Thế nhưng, sư phụ và những người xung quanh lại một mực ép cậu đóng kịch, họ muốn cậu “là nữ" để có thể làm tròn vai diễn kinh kịch của mình. Họ ép cậu bằng những trận đòn roi, bằng cái chết của cậu bạn Lai Chi và cả những hiện thực phũ phàng cậu phải trải qua. 
Vì vậy, dưới làn nước mắt chảy dài đầy thương xót của Sĩ Tứ cùng đôi môi đỏ rớm máu của mình, Đức Chí buộc lòng thốt lên: "Bản chất ta là nữ, không phải nam". Đây cũng chính là chi tiết tạo nên bước ngoặt của cuộc đời cậu, cậu đã thực sự từ bỏ thân phận nam nhi để dùng thân phận nữ nhi bước vào kinh kịch, bước vào giấc mộng của nàng Ngu Cơ hết mình vì tình yêu, một lòng thuỷ chung với Sở Bá vương Hạng Vũ và hi sinh bản thân mình cho nghệ thuật. 

Nàng Ngu Cơ một lòng một dạ của Sở Bá Vương. 

Bá vương biệt cơ vốn dĩ là tên của một vở tuồng cổ trong kinh kịch tái hiện lại cảnh ly biệt giữa Tây Sở Bá vương Hạng Vũ và nàng Ngu Cơ- ái thiếp của ngài. Sau cuộc chinh chiến thất bại, khi mạng sống cũng bị đe doạ, ái thiếp Ngu Cơ để chứng minh sự trong sạch cùng lòng thuỷ chung với Sở Bá Vương đã rút kiếm tự kết liễu đời mình.
Nàng Ngu Cơ ấy là vai diễn của Trình Điệp Y và cũng chẳng khác anh là bao. Để diễn được vai nàng Ngu Cơ đa tình, anh đã dồn toàn bộ tâm trí của mình vào đó. Nàng Ngu cơ yêu Hạng Vũ cũng như Trình Điệp Y yêu Đoàn Tiểu Lâu, một lòng một dạ không chút dối gian, toan tính.
Nàng Ngu Cơ Trương Quốc Vinh trong Bá Vương Biệt Cơ
Nàng Ngu Cơ Trương Quốc Vinh trong Bá Vương Biệt Cơ
Thế nhưng trái ngược với một Trình Điệp Y yếu đuối, trông chờ vào tình cảm của bậc quân vương, Đoàn Tiểu Lâu khi gỡ bỏ vai diễn Sở Bá Vương đầu đội trời, chân đạp đất, khoác lên mình tấm áo đời thường lại hiện lên vô cùng phàm tục, đó là kẻ đam mê những thú vui tầm phào, thích rượu chè và những cô gái thanh lâu.
Phải chăng, cũng vì quá nhập tâm vào vai diễn của mình nên dù thấy được những “ thói hư tật xấu” của Đoàn Tiểu Lâu, Trình Điệp Y vẫn muốn ở bên anh. Nó cũng là lý do sau một buổi biểu diễn, với những dự cảm không lành của một trái tim chất chứa yêu thương dành cho đối phương, Trình Điệp Y đã mạnh dạn thổ lộ với Tiểu Lâu:
“ Tôi muốn ở bên anh suốt cuộc đời còn lại. Thiếu một năm, một tháng, một ngày, một giờ thì không còn là cả đời nữa.”
Con người trong tình yêu đôi khi thật ích kỷ, luôn muốn độc chiếm đối phương là của riêng mình. Nhưng cũng chính sự ích kỉ đấy cho thấy ta đã yêu và mong muốn được yêu nhiều ra sao. Thử hỏi xem trên đời, có ai lại muốn chia sẻ người mình yêu với một người khác, có ai lại muốn “san năm sẻ bảy" thứ tình cảm được coi là thiêng liêng. Tấm chân tình của Điệp Y dành cho Tiểu Lâu suy cho cùng cũng chỉ là tình đơn phương, bởi những cảm xúc thành thật sâu thẳm trong đáy lòng nhiều khi cũng chẳng chạm nổi người vô tâm.
Trình Điệp Y và Đoàn Tiểu Lâu
Trình Điệp Y và Đoàn Tiểu Lâu
Sau này, Tiểu Lâu lấy Diệu Linh- một cô gái điếm về làm vợ. Đáp lại tấm chân tình của Điệp Y chỉ là câu nói phũ phàng:
“ Cậu đừng sống trong kịch nữa, đây là hiện thực".
Nhưng Điệp Y nào có sống trong kịch, cậu sống ở thực tại với tình yêu một lòng dành cho Tiểu Lâu, chỉ là nó quá khác biệt mà thôi.
Làm gì có kẻ nào đóng kịch mà sẵn sàng “đi quá giới hạn” với một người đàn ông khác chỉ để chuộc lại thanh kiếm mà người mình yêu muốn có? Lấy đâu ra một kẻ đóng tuồng khi người mình yêu bị quân Nhật bắt, chấp nhận hát cho giặc nghe để cứu anh rồi nhận lại là một bãi nước bọt đầy khinh bỉ? Ôi tình yêu là gì mà để ta hy sinh quá nhiều và nhận lại chỉ toàn những đau khổ, thương tâm? Điệp Y ơi, những hi sinh ấy liệu có đáng? Có lẽ anh nên chỉ là nàng Ngu Cơ của Sở Bá Vương, bởi vốn dĩ Đoàn Tiểu Lâu đời thường cũng không phải Sở Bá Vương, và hắn cũng chẳng xứng có được tình cảm đẹp đẽ của Ngu Cơ hay chính xác hơn là của Trình Điệp Y.
Một nhân vật khác của phim là cô gái thanh lâu Diệu Linh- kẻ mà hầu hết mọi người cho là “vật cản" giữa tình cảm của Điệp Y và Tiểu Lâu hoá ra lại là người có kết cục bi thảm và thương tâm nhất. Diệu Linh trong một lần được Tiểu Lâu cứu giúp ở nhà chứa đã đem lòng yêu mến anh, coi anh là “nam tử trượng nghĩa" của chính mình. Thế nhưng cô nào ngờ tên “nam tử trượng nghĩa" ấy lại nhút nhát, khốn nạn biết bao. Khoảnh khắc hắn gọi cô là gái điếm, khẳng định bản thân không có tình cảm với cô, lòng cô như đã chết. Cô treo cổ tự tử với bộ y phục đỏ thắm ngày cô làm vợ của Tiểu Lâu, nó như muốn khẳng định một điều, cô thà chết với những mộng tưởng tốt đẹp về trang nam tử trượng nghĩa của mình còn hơn sống cuộc đời khi nhận ra tình cảm của hắn trao cô chỉ là phù du ảo ảnh. 
Cuối cùng, chỉ là Điệp Y và Diệu Linh quá cố chấp với tình yêu dành cho một người, bởi Đoàn Tiểu Lâu vốn không phải Sở Bá Vương anh hùng của Trình Điệp Y, lại càng không phải nam tử trượng nghĩa mà Diệu Linh mong đợi. Tất cả chỉ là kì vọng mà họ đặt ra cho chính mình.

Lịch sử là gì nếu mất đi văn hoá?

Năm 1966, khi Cách mạng văn hoá nổ ra tại Trung Quốc, những tư tưởng, văn hoá, nghệ thuật cũ được coi là phản cách mạng đều bị đem ra đấu tố, trong đó có kinh kịch. Nó cũng chính là thời điểm nút thắt đẩy bộ phim đến bi kịch lớn nhất. Những gánh hát bị tẩy chay, người người đả đảo, căm hận, thậm chí đứa trẻ mà Đắc Di và Tiểu Lâu nhận nuôi năm xưa, lại chính là kẻ mang kinh kịch ra đấu tố và bình thản nhìn nó đứng trên bờ diệt vong.
Tuy nhiên, đó vẫn chưa là tận cùng của đau đớn. 
Khi bị đem ra phán quyết, Đoàn Tiểu Lâu một mực đổ hết tội lỗi lên người Điệp Y, nói anh là kẻ bán nước, nghiện thuốc phiện, sống bỉ ổi để bản thân hắn được thoát tội. Cuối cùng, bộ mặt bạc nhược, xấu xí, ham sống sợ chết của Đoàn Tiểu Lâu cũng đã lộ rõ. Hắn sau cùng đều không phải là một Sở Bá Vương oai phong lẫm liệt, càng không phải một Sĩ Tứ trượng nghĩa, hào hùng.
Đối với Điệp Y lúc này, mọi thứ đều đã quay lưng với anh. Điều còn lại duy nhất há chăng chỉ là vai diễn Ngu Cơ trong giấc mộng về một vở kịch Bá Vương biệt cơ của quá khứ. Trình Điệp Y sống trong mộng hay ở thực tại, giờ cũng chẳng còn quan trọng, anh đã yêu Đoàn Tiểu Lâu trước? Hay vì Hạng Vũ mà mới yêu Đoàn Tiểu Lâu? cũng chẳng cần đáp án, bởi cuối cùng dù có câu trả lời thì mọi thứ anh hy sinh cũng không bao giờ được đền đáp. Vậy thà anh sống trong mộng mị, trong hình hài của một nàng Ngu Cơ thuỷ chung há chẳng phải tốt hơn sao?
Trình Điệp Y nhận ra bộ mặt bạc nhược của Đoàn Tiểu Lâu
Trình Điệp Y nhận ra bộ mặt bạc nhược của Đoàn Tiểu Lâu
11 năm sau khi Trình Điệp Y và Đoàn Tiểu Lâu gặp lại nhau trong ngày kỉ niệm 200 năm kinh kịch Bắc Kinh, ở nơi sân khấu trống rỗng, họ cùng nhau diễn lại vở Bá Vương biệt cơ năm nào. Mọi thứ vẫn như vậy, duy chỉ có một điều là khác, nàng Ngu Cơ Trình Điệp Y đã rút gươm tự kết liễu chính mình. Cuối cùng thì:
  Hồng trần như mộng
Người tỉnh mộng tan
Nhân sinh như kịch
Người tản kịch tàn…
Cuộc đời của Trình Điệp Y sau cùng cũng chỉ là một cơn mộng mị, tỉnh khỏi giấc mộng hoang đường khi biết mình thực sự không là nàng Ngu Cơ của Sở Bá Vương, anh tự kết liễu cuộc đời khi còn ở trên sân khấu, còn ở hình hài của một nàng Ngu Cơ nhất mực chung tình để giữ trọn trái tim đối với nghệ thuật.
Cái chết của Trình Điệp Y và sự lụi tàn của kinh kịch lúc bấy giờ cũng phần nào tố cáo những hạn chế, sai lầm của cuộc cách mạng văn hoá. Những văn hoá được coi là đẹp đẽ, quý báu nhất của lịch sử đều bị chôn vùi bởi cuộc cách mạng vô nghĩa này. Bi kịch của Trình Điệp Y cũng chính là bi kịch của tầng lớp trí thức, nghệ sĩ dưới thời ấy, nơi mà cái đẹp, văn hoá truyền thống bị coi là phản cách mạng và chắc chắn bị diệt trừ.
Nỗi đau của Trình Điệp Y cũng chính là nỗi đau của cái đẹp trước sự phá huỷ những hành động tầm thường, tằn tiện, của những tư tưởng bảo thủ, sai lầm. Tuy nhiên, xét cho cùng, rồi cái đẹp cũng sẽ thắng, điều thiện cũng sẽ nở rộ. Những người yêu nghệ thuật, hết mình vì nghệ thuật rồi cũng sẽ được đền đáp. Bởi sau tất cả, nghệ thuật dù vị nhân sinh hay vị nghệ thuật đều có những nét đẹp đáng trân quý và được nâng niu. 
Bài viết của mình đã được chuyển thể thành clip trên Phê Phim, các bạn có thể xem clip tại:
Bá vương biệt cơ