Ngày 09/02/2022, Tập đoàn FPT chính thức công bố thành lập Trường Tiểu học, Trung học cơ sở, Trung học phổ thông Hy Vọng (Trường Hy Vọng) tại Khu đô thị FPT City Đà Nẵng, nhằm tạo điều kiện và cơ sở để nuôi dưỡng, đào tạo các em nhỏ mồ côi vì COVID-19. Đây được cho là một hành động vô cùng nhân văn của Tập đoàn FPT với sứ mệnh “chia sẻ, yêu thương, nâng bước trưởng thành cho các em”. Nhưng yêu thương đó, liệu có thực sự trọn vẹn?

Mở ra cơ hội

Đại dịch COVID-19 bùng phát lần thứ 4 ở Việt Nam đã cướp đi sinh mạng của hàng chục ngàn người dân, kéo theo đó là hơn 2.000 trẻ em phải chịu cảnh mất cha, mất mẹ, nhiều em mồ côi cả cha lẫn mẹ. Đây là mất mát không gì có thể bù đắp được khi các em còn rất nhỏ nhưng đã phải sống trong hoàn cảnh thiếu thốn tình yêu thương, sự chăm sóc từ gia đình và người thân. Và cũng chính vào lúc khó khăn này, hơn bất cứ điều gì khác, các em cần nhận được sự giúp đỡ, hỗ trợ cả về vật chất lẫn tinh thần để có thể được tiếp thêm sức mạnh, vượt qua nỗi đau.
Trước tình cảnh này, Nhà nước, Chính phủ, Uỷ ban Trung ương MTTQ đã cùng chỉ đạo, phối hợp với các Bộ, Ban ngành các cấp, các tổ chức và cá nhân đưa ra nhiều giải pháp cụ thể nhằm hỗ trợ trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt, khó khăn vì COVID-19. Cụ thể:
+ Nghị định 20/2021/NĐ-CP của Chính phủ quy định về chính sách trợ giúp xã hội đối với đối tượng bảo trợ xã hội, có hiệu lực từ ngày 1/7/2021, trẻ em mồ côi không có nguồn nuôi dưỡng, được hưởng trợ cấp 900.000 đồng/tháng với trẻ dưới 4 tuổi và 540.000 đồng/tháng đối với trẻ từ đủ 4 tuổi trở lên. Bên cạnh đó, khi sống tại nơi nhận chăm sóc, nuôi dưỡng thì trẻ mồ côi còn được hỗ trợ tiền ăn; chi phí điều trị trong trường hợp không có thẻ bảo hiểm y tế; chi phí đưa về nơi cư trú hoặc đến cơ sở trợ giúp xã hội, nhà xã hội.
+ Đầu tháng 9/2021, Bộ trưởng Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội cũng quyết định hỗ trợ 2 triệu đồng/người cho trẻ em mồ côi cha mẹ; trẻ em có hoàn cảnh khó khăn mồ côi cha hoặc mẹ do đại dịch COVID-19 trong khoảng thời gian từ ngày 27/4-31/12/2021, kinh phí trích từ Quỹ Bảo trợ trẻ em Việt Nam.
+ Cục Trẻ em đã yêu cầu các địa phương cần nắm nhanh, sát thông tin trẻ em cần giúp đỡ, đặc biệt là trẻ em mồ côi, có hoàn cảnh khó khăn để huy động sự trợ giúp kịp thời và đầy đủ nhất với tinh thần dành tất cả những gì tốt đẹp nhất cho trẻ em và không trẻ em nào bị bỏ lại phía sau, không trẻ em nào phải bỏ học vì COVID-19.
+ Hội đồng Đội Thành phố Hồ Chí Minh đã phát động chương trình hỗ trợ học bổng 3 triệu đồng/năm học cho các em học sinh mất cha, mẹ do dịch COVID-19 cho đến khi các em học hết trung học phổ thông.
+ Trung ương Hội Doanh nhân trẻ Việt Nam triển khai chương trình "ATM yêu thương", kêu gọi các doanh nghiệp, doanh nhân đăng ký nhận bảo trợ cho các trẻ em bị mồ côi có hoàn cảnh khó khăn với mức 1 triệu đồng/tháng cho đến khi các em đủ 18 tuổi… 
+ Ba tổ chức phi chính phủ: Saigon Children’s Charity (Saigonchildren), Viện Nghiên cứu quản lý phát triển bền vững (MSD) và Trung tâm Nâng cao Năng lực, Hỗ trợ Phụ nữ và Trẻ em (CSWC) phát động chiến dịch "Em không lẻ loi" để kêu gọi ủng hộ, cung cấp hỗ trợ khẩn cấp và dài hạn cho trẻ em có hoàn cảnh khó khăn mất cha, mẹ, hoặc người chăm sóc chính vì dịch COVID-19.
Cùng chung tinh thần này, Tập đoàn FPT đã nhanh chóng tổ chức xây dựng một cơ sở đào tạo, nuôi dưỡng và chăm sóc trẻ mồ côi vì đại dịch, đặt tên là Trường Hy Vọng. Ngày 07/02/2022, ngôi trường đã chính thức đón các em học sinh đầu tiên với con số dự kiến đối với lứa học sinh trong thời gian đầu năm nay là 300 em, và sẽ tiếp tục tiếp nhận theo kế hoạch nuôi dưỡng 1.000 em với nguồn kinh phí được tài trợ từ Quỹ Hy Vọng (Hope Foundation).
Theo ông Trương Gia Bình, Chủ tịch FPT, đồng thời là người đưa ra ý tưởng xây dựng Trường Hy Vọng thì đây “là ngôi trường của tình yêu thương. Đó là tình yêu thương của các thầy cô; tình yêu thương của anh, chị, em học sinh trong trường - những người cùng cảnh ngộ như các con; của những người trong Quỹ Hy Vọng, những người trong đại gia đình FPT và cả những tấm lòng nhân ái trong cộng đồng". Ngôi trường được thành lập với mong muốn “tạo ra một môi trường để các em được chăm sóc, yêu thương, học tập và rèn luyện, biến đau thương thành sức mạnh, từ đó trưởng thành và góp phần xây dựng đất nước trong tương lai”.
Theo Báo Dân trí, tính đến nay dự án Trường Hy vọng đã nhận được sự hỗ trợ, góp sức từ nhiều đơn vị/tổ chức đồng hành, gồm hàng ngàn phần quà dụng cụ học tập và vui chơi, sáng tạo cho các học sinh trong giai đoạn 5 năm (2021 - 2025), chương trình đỡ đầu chăm sóc, bảo trợ trẻ em và hoạt động hỗ trợ di chuyển về quê thăm nhà cho các em, ít nhất 2 lần/năm từ các hãng hàng không.
Đây được cho là một bước đi mang tính nhân văn của Tập đoàn FPT, đã và đang nhận được sự đồng tình và ủng hộ từ rất nhiều người dân trên cả nước.

Khép lại cánh cửa hoà nhập

Dù mang theo sứ mệnh cao cả cùng những mục đích nhân văn, nhưng dự án Trường Hy Vọng khi nhìn lại, liệu có thực sự là liều thuốc, là cách hỗ trợ có thể đem lại những hiệu quả lâu dài dành cho trẻ em mồ côi hay không?
Dưới đây mình xin phép trích dẫn một bài báo từ Trang Thông tin điện tử của MTTQ Việt Nam, bàn luận về việc cần thiết đưa ra các chính sách toàn diện, lâu dài trong vấn đề hỗ trợ trẻ em mồ côi vì đại dịch, chi tiết như sau:
“Theo bà Rana Flowers, Trưởng Đại diện UNICEF tại Việt Nam, các cơ sở nuôi dưỡng tập trung không phải là lựa chọn tốt nhất cho trẻ em mồ côi, thiếu người chăm sóc, mà thay vào đó, Chính phủ cần phát triển một hệ thống bảo vệ trẻ em, đảm bảo có thể tìm kiếm, giám sát chặt chẽ các gia đình thay thế. Các cơ quan chức năng cung cấp trợ cấp để trẻ em có thể ở trong môi trường gia đình, cộng đồng của chính mình, được kết nối với với môi trường quen thuộc như trường học, bạn bè quen biết và nhận được sự hỗ trợ từ cộng đồng.
Cục trưởng Cục Trẻ em Đặng Hoa Nam cho biết, nguyên tắc chung của Luật Trẻ em nêu rõ: Trẻ em chỉ có thể phát triển tốt nhất trong môi trường gia đình. Khi các em mất môi trường gia đình, mất cha, mẹ, không có sự chăm sóc đầy đủ của gia đình thì nên tìm kiếm sự chăm sóc từ người thân. Khi không có người thân thích thì có thể tìm tới một cá nhân, gia đình khác có nhu cầu chăm sóc. Giải pháp đưa các em về nuôi dưỡng tập trung ở cơ sở tập trung, cơ sở nuôi dưỡng dài hạn… chỉ là giải pháp cuối cùng khi các giải pháp trên không thực hiện được.
Mỗi trẻ em mồ côi sẽ có số phận, hoàn cảnh khác nhau. Do đó, phải dựa trên thực tế hoàn cảnh của các em, cần lắng nghe con trẻ để hiểu được các em cần hỗ trợ như thế nào. Nếu các con còn có thể ở với gia đình người thân thì cần hết sức hỗ trợ để các em được sống trong môi trường gia đình, sống với người thân, cộng đồng nơi các em sinh ra… ông Nam nhấn mạnh.”
Ngoài ra, theo quan điểm cá nhân, việc xây dựng cơ sở tập trung, đào tạo nội trú như dự án Trường Hy Vọng bước đầu có thể cung cấp điều kiện học tập, ăn ở cũng như hỗ trợ kinh tế cho các em nhỏ không may rơi vào hoàn cảnh khó khăn, thiếu thốn sự chăm sóc của cha mẹ. Tuy nhiên, khi xét về khía cạnh tinh thần và hướng đến một tương lai dài hạn hơn, điều này có thể gây ra nhiều ảnh hưởng tiêu cực không đáng có lên tâm lý các bạn nhỏ.
Là đối tượng nhỏ tuổi dễ bị tổn thương, còn không may gặp phải quá nhiều khó khăn và biến động trong cuộc sống khi mất đi người thân cận, yêu thương nhất của mình là cha mẹ, ít nhiều các bạn nhỏ sẽ vướng vào tâm lý mặc cảm, tự ti với mọi người xung quanh đặc biệt là bạn bè đồng trang lứa. Khi đó, dù việc để các bạn tiếp tục theo học ở trường học công lập, dân lập bình thường như trước đây có thể phần nào đó khơi dậy nỗi đau, sự tủi thân vì phải chứng kiến bạn bè xung quanh vẫn có cha mẹ chăm sóc đưa đón, nhưng môi trường đó vẫn là nơi lý tưởng nhất để các bạn tìm kiếm và theo đuổi những cơ hội phát triển bản thân, vượt qua khó khăn vươn lên trong cuộc sống. Quan trọng nhất, các môi trường học tập truyền thống mới là nơi tạo cho các bạn cảm giác công bằng, được học tập và phát triển một cách bình đẳng với bạn bè, đặc biệt là tránh được cảm giác bị cô lập, tách biệt hoàn toàn với xã hội.
Một người chị mình quen tâm sự rằng, do đã từng có cơ hội dạy học ở làng trẻ SOS trước đây, chị mới biết được một điều đó là, các bạn nhỏ ở làng trẻ tuy được tạo điều kiện học tập, sinh hoạt và cũng nhận được nhiều sự quan tâm, chia sẻ, hỗ trợ từ nhiều tổ chức, cá nhân, nhưng các bạn vẫn luôn cảm thấy mình bị tách biệt với xã hội, gây ra tâm lý mặc cảm và tự ti.
Tương tự đối với trẻ em mồ côi cha mẹ vì đại dịch COVID-19, nếu để các bạn học tập và sinh sống trong môi trường khép kín, xung quanh đều là những hoàn cảnh đặc biệt như mình, cảm giác bị cô lập là điều không thể tránh khỏi. Bản thân trẻ em có khả năng thích ứng tương đối tốt, nên dù nỗi đau chưa thể nguôi ngoai, thì việc tiếp tục cuộc sống ở môi trường như trước đây sẽ góp phần lớn giúp các bạn sớm trở lại nhịp sống bình thường, dần dần vượt qua nỗi đau và tiến về phía trước.
Ngoài ra, ở độ tuổi vẫn còn rất nhỏ, việc được sinh sống bên cạnh người thân, họ hàng, nhận được tình yêu thương từ những người thân thiết là vô cùng quan trọng trong giai đoạn phát triển của trẻ em.

Kết

Có lẽ điều tốt nhất chúng ta có thể làm để giúp đỡ các bạn nhỏ bây giờ là chia sẻ, hỗ trợ kinh tế, ổn định cuộc sống của các bạn cùng với những người thân khác như ông bà, cô dì chú bác, v.v… Chung tay cùng Nhà nước, Chính phủ, các tổ chức, cá nhân để hỗ trợ tài chính, học bổng giúp các bạn nhỏ không bị gián đoạn việc học tập, hướng đến tương lai tốt đẹp phía trước.
Ngoài ra cũng cần xây dựng ý thức cộng đồng về vấn đề bảo vệ quyền lợi, sự an toàn của trẻ em. Dù là gia đình, người thân, người quen hay chỉ là hàng xóm, người ngoài cuộc cũng cần ra sức quan sát, kịp thời lên tiếng, tránh để xảy ra những sự việc đáng tiếc ngoài mong muốn.
Suy cho cùng, quan trọng nhất vẫn là máu mủ, ấm áp nhất vẫn là tình thân, hãy để những cơ sở tập trung chỉ là giải pháp cuối cùng đối với các em.