"...Ngày hôm nay, khi tôi đến trường vẫn thấy hàng loạt sinh viên trải mình trên bàn, thiếu ngủ, dí mắt vào smartphone và ngán ngẩm chuyện này chuyện kia không ngớt, đó là lúc tôi biết mình không thể trông cậy vào trường Đại học thêm nữa, hãy ra ngoài và trải nghiệm thôi..."



Tôi bảo mẹ mọi thứ vẫn diễn ra bình thường, phụ huynh sẽ không hỏi thêm bất cứ câu gì nữa về việc học cho tới khi cả hai bên đều dập máy. Đơn giản, họ tin rằng tôi sẽ luôn làm tốt mọi thứ như hồi tôi học cấp 3. Nhưng nay, mọi thứ đã hoàn toàn thay đổi...

Tôi không nghĩ có nhiều người hài lòng về hệ thống giáo dục mà mình đang trải nghiệm, đơn giản họ cảm thấy ổn vì Đại học sẽ giúp tuổi trẻ an toàn và ổn định chí ít trong 4 năm, 4 năm đó họ không ngại ngần ngửa tay xin tiền phụ huynh nộp học phí và những khoản tiền chi tiêu, sinh hoạt khác. Và thế, ta nuôi động lực "nhất định phải học chăm chỉ ở trường để không phụ công dưỡng dục của cha mẹ." Trường Đại học khiến chúng ta nuôi niềm tin rằng tấm bằng giỏi sẽ giúp mình kiếm được một công việc ổn định trong tương lai, họ dựa dẫm vào kiến thức mà giảng viên chuyển tải và ghi chép cẩn thận những thứ được giảng dạy ở trường. Muốn tốt nghiệp, bạn phải hoàn thành xấp xỉ 140 tín chỉ, vượt qua hàng chục môn học ở các thể loại khác nhau, tư duy của bạn phải chăng được đánh giá dựa trên số điểm mà bạn đạt được?

Tôi không nghĩ như vậy!

Tôi tin vào trình độ kiến thức của đội ngũ giảng viên trong trường mình. Nhưng bạn có biết hầu hết họ đều mắc phải một khiếm khuyết lớn nào không? Lẽ ra, các giảng viên của chúng ta cần phải được đào tạo kĩ qua một vài khóa học mang tên "Phương pháp giảng dạy sáng tạo", "Kĩ năng thuyết trình" hay "Tin học" và cam kết sẽ ứng dụng và phát huy nó nghiêm túc cho tới khi họ về hưu.

Những người anh đi du học bảo với tôi rằng giáo trình kinh doanh ở Đại học bên Singapore không hề khác với giáo trình được giảng dạy ở trường Đại học Ngoại thương, vậy tại sao sinh viên nước mình đổ xô đi học ở nước họ? Chỉ có một câu trả lời: phương pháp và môi trường giảng dạy.

Tôi đã học 3 bộ môn chuyên ngành ở trường: Vĩ mô 1, Vi mô 1 và 2, tôi chưa bao giờ cảm thấy mình bị khủng hoảng đến như vậy. Tôi không nằm trong số ít những sinh viên cảm thấy điều đó, họ cảm thấy bất lực với cách giảng dạy của giảng viên, tôi không phàn nàn nhưng ước giá như họ đặt vị trí của bản thân mình vào sinh viên để cảm thấy bài giảng dở tệ như thế nào. Tại sao họ không áp dụng những ví dụ thực tế nhiều hơn vào trong bài dạy, tại sao họ không học cách để nói chậm rãi hơn và khuấy động lớp học hơn. Hàng loạt sinh viên cứ mỗi 10 phút lại nhìn đồng hồ một lần, lại rục rịch chiếc smartphone dưới gầm bàn, gục mặt lướt facebook hay thậm chí điểm danh xong chuồn đi lúc nào không hay biết. Nếu việc đến trường trở nên mệt mỏi như vậy, tại sao ta vẫn tiếp tục chọn đi học? Trường Đại học không dạy cho ta bài học về hạnh phúc, tự do, sáng tạo, nó đang khiến ta chấp nhận miễn cưỡng rằng mình phải tiếp tục nếu muốn có tương lai.



Khi đi làm bạn sẽ thấy tư duy ở công ty, doanh nghiệp sẽ khác với tư duy ở trường. Ở Đại học, chỉ cần cố gắng, chỉ cần chăm chỉ, bạn sẽ đạt được điểm cao nhưng khi vào môi trường doanh nghiệp, khi đi làm thực tế, bạn sẽ thấy nhiều người choáng ngợp giữa hai ranh giới đó. Chúng tôi không hiểu tại sao bộ môn Mac Lê nin lại được giảng dạy ở trường, thầy cô không bắt đầu nguyên nhân tại sao chúng tôi phải học nó, chúng tôi sẽ được gì khi học môn đó, chúng tôi sẽ áp dụng nó như thế nào và nó giúp ích gì trong tư duy của sinh viên. Nhưng tại công ty, khi bắt đầu ứng tuyển vào một ví trí nào đó họ đề nghị chúng tôi trả lời những câu hỏi như vậy:"Tại sao bạn ứng tuyển vào vị trí này? Bạn muốn nhận được gì khi trải nghiệm môi trường làm việc ở đây? Bạn muốn thay đổi như thế nào khi làm ở vị trí đấy?" Những câu hỏi đơn giản giúp chúng tôi xác định đúng định hướng và biết được mình có thể sẽ phát triển đến đâu. Trong bộ môn Marketing, khi tôi giơ tay phát biểu trả lời câu hỏi 4 yếu tố "văn hóa doanh nghiệp, công nghệ, tài chính và nhân sự" sẽ tương ứng với bộ phận nào trên cơ thể một con người. Tôi trả lời: "Văn hóa doanh nghiệp tương ứng với đạo đức, công nghệ là bộ não, tài chính là túi tiền của bạn còn nhân sự là sức khỏe." Rõ ràng tôi biết câu trả lời không chắc chắn nhất là nhân sự, nhưng tôi vẫn không thể nói đúng đáp án của thầy, cho tới khi tôi bảo em sẽ tìm đáp án nhanh nhất đó là "hỏi ý kiến các bạn khác trong lớp", thầy giáo không đồng ý. Rõ ràng thầy không hề đưa ra giới hạn nào khi để tôi lên bục giảng, Đại học đặt ra nhiều quy tắc ngầm khiến tư duy con người bị kìm hãm.



Tôi học được nhiều hơn khi tham gia CLB Truyền thông, đi làm ở một startup và một doanh nghiệp xã hội. Ở đó, họ chỉ cho tôi cách brainstorm như thế nào, họ cởi mở và lắng nghe ý tưởng và bài thuyết trình của tôi ra sao, ở đó tôi làm mà không sợ sai vì đơn giản sau thất bại tôi học được cách đi khác. Nhưng ở Đại học, nhiều sinh viên không dám thể hiện sự sáng tạo của mình vì sợ gặp phải giảng viên cổ hủ chỉ biết soi nội dung giáo trình mà chấm. Bởi thế, bộ não của chúng ta đang là một bộ não sao chép y hệt những gì được học vào tờ giấy kiểm tra. Nhưng ở  môi trường ngoài không như vậy, các leader training cho chúng tôi lý thuyết, lấy ví dụ cụ thể và sau đó chúng tôi có cơ hội được thực hành. Một điều đáng tiếc là giảng viên Đại học không ra cho chúng tôi bài tập thực hành thay vì những bài kiểm tra dài ngoằng những chữ.



Tôi chưa bao giờ nghĩ rằng đến một lúc nào đó kho ý tưởng của bạn sẽ cạn dần giống như việc nếu bạn dùng than đá nhiều thì tài nguyên đó sẽ bị cạn kiệt. Ý tưởng không phải là tài nguyên hữu hạn nếu bạn tiếp tục làm mới bộ não của mình. Ở CLB, chúng tôi được dạy mỗi ngày phải có 10 ý tưởng mới mẻ nào đó. Với một ai đó, ý tưởng viết ra giấy chẳng có ý nghĩa mẹ gì cả nhưng đến một lúc nào đó bạn sẽ thấy sự diệu kì của nó. Nếu không có ý tưởng, những thứ thay đổi cuộc sống của chúng ta ngày hôm nay sẽ không đến tầm tay của ta và tôi vẫn cứ tiếp tục viết bằng bút chứ không phải đánh máy như này. Có một ngành gọi là quảng cáo, ý tưởng có thể bán và kiếm tiền, tôi đang lấy một ví dụ cho bạn để bạn thấy rằng thói quen brainstorm là vô cùng quan trọng. Có một tiết học ở bộ môn Marketing tôi khá thích, khi thầy giáo bảo cả lớp hay lên ý tưởng kinh doanh và ra chiến lược marketing cho sản phẩm đó, cả lớp tôi đã có nhiều ý tưởng thiệt hay.


+ Bán thịt chó ở phố chùa Láng

+ Mở quán bar ở phố chùa Láng

+ Mở spa, tắm trắng ở chùa Láng

+ Mở trung tâm dạy thiết kế thời trang (make up, set đồ, may mặc) ở quận Đống Đa...


Họ chọn những ý tưởng này vì nó chưa được kinh doanh hoặc chưa được kinh doanh nhiều trên địa bàn đó. Chỉ trong vòng 5 phút, tôi thấy sự sáng tạo của các bạn đã được thể hiện qua lời thuyết trình trong vòng 2 phút. Tại sao giảng viên không khích lệ sinh viên nghĩ thêm nhiều ý tưởng và để họ thỏa sức thể hiện bản thân như vậy?

Tôi chọn môn Lịch sử học thuyết kinh tế vì muốn tìm hiểu nhiều về nó. Nhưng thật không may mắn khi giảng viên chẳng được như kì vọng của tôi cho lắm. Tôi không thích việc một giảng viên ngồi dạy vì nó khiến cho sinh viên cảm thấy thụ động, với một bộ môn nhiều chữ như thế này tôi nghĩ thầy nên đi lại linh hoạt và đầu tư một slide nhiều hình ảnh và dẫn chứng thực tế hơn. Nhưng hầu như các bộ môn Đường lối, tư tưởng, Lịch sử, Pháp luật đại cương,... không hề có slide bài giảng dù chúng nên có. Nghề nào chả đòi hỏi sự sáng tạo, ngay cả nghề này lại càng cần sáng tạo nhiều hơn vì nó có trách nhiệm điều khiển tư duy của hàng triệu bộ não trẻ.

"Sáng tạo" không thể nào là bộ môn vì chúng ta chỉ có thể học phương pháp để trở nên sáng tạo chứ không có khóa học nào về nó giúp chúng ta trở thành chuyên gia của nó. Vì sáng tạo đòi hỏi sự rèn luyện tư duy theo chiều sâu và chiều dài thời gian. Ngày hôm nay tôi brainstorm ý tưởng cho một bài hay ngày mai tự dưng lại có ngay bài dở. Bạn có thể thuyết phục được bố mình bỏ hút thuốc lá hay không cũng nhờ vào khả năng sáng tạo đó. Nhiều lúc, khi ngồi với đôi ba người trong ngành sáng tạo, tôi tự nhủ "não họ chứa gì mà lúc nào cũng toàn thứ mới lạ". Họ quan sát, họ đọc nhiều, họ học hỏi và họ không ngừng ghi chép, bắt kịp xu thế mới. Thế giới của chúng ta xích lại gần nhau hơn, mọi kiến thức đều ở chiếc laptop có kết nối internet của bạn. Ngày nay, nhiều người lựa chọn "homeschool" (Học ở nhà) thay vì đến trường, họ vẫn có thể nhận chứng chỉ khi kết thúc một khóa học, có thể tự chủ thời gian và thỏa sức sáng tạo những gì mình thích. Sự tò mò sẽ khiến thế giới của bạn lúc nào cũng mới mẻ.



Tôi ngồi với một người bạn, nói đôi ba câu chuyện về việc bản thân nên học chuyên sâu cái gì vì những thứ ở trường Đại học bây giờ quá chung chung. Tôi mới biểu như thế này:

- Cậu mất 50 triệu tiền học phí ở trường Đại học để có một tấm bằng đỏ. Thay vì bỏ chừng đó tiền, hãy đầu tư tham gia các khóa học bên ngoài. Nếu muốn học marketing, hãy tham gia nó. Muốn học design hãy bỏ tiền ra và chuyên sâu vào nó. Muốn học ngoại ngữ, 50 triệu có thể giúp cậu có thêm 2 khóa học tiếng Nhật và Trung nếu cậu thích ấy chứ.

Nhưng hầu hết chúng ta không thể biến điều đó thành hiện thực, nhưng phải chăng đó là một cách tính sáng tạo nếu như bạn dám đánh đổi. Tôi thử làm một phép toán như thế này: Một năm chi phí học và ăn ở của tôi ở HN rơi vào khoảng 60 triệu đồng. 4 năm tôi mất khoảng 250 triệu chỉ để có một tấm bằng và sau đó đi xin việc để lấy lại số tiền mà gia đình đã bỏ ra. Nhiều người dành 250 triệu đồng đó để học nghề, để làm thêm và tham gia một khóa học nào đó, họ trải nghiệm môi trường bên ngoài và họ thành công, âu đó cũng là lựa chọn. Tôi nghĩ Đại học sẽ tốt đẹp hơn nếu phương pháp giảng dạy cũng như cơ sở vật chất ở đây thay đổi đi. Có điều, giảng viên có vẻ cố chấp, vài ba khảo sát đánh giá chất lượng giảng viên được tạo ra cho có thế thôi chứ chẳng loại được người nào trong hệ thống giáo dục ấy. 



Có vẻ đó là một vài ý tưởng điên rồ nhưng thực sự có ích cho một bộ phận nào đó vì họ nghĩ rằng mình có thể thành công bằng nhiều phương án khác nhau, miễn sao phù hợp với họ và trong khả năng chi trả của họ. Đối với tôi, sự sáng tạo được thể hiện rõ nhất khi mình trải nghiệm thật nhiều thứ và luôn luôn cảm thấy vui vẻ khi làm việc với mọi người, chúng ta cần "having fun to have ideas".Cách đây vài tuần, tôi xem một video về một nơi nào đó giáo dục trẻ em ở trong rừng. Tôi thích ý tưởng giáo dục này. Tôi thích ở trường Đại học kinh tế cũng có sự nhập vai như ở trong một doanh nghiệp ấy, giảng viên là CEO và người đó có thể giúp chúng tôi định hình một tổ chức công ty sẽ như thế nào, cùng nhau đi giải quyết một vấn đề nào đó, bởi dù sao những kiến thức này cuối cùng phải áp dụng thực tế, sao phải chờ đến 4 năm sau, khi sinh viên ra trường mới có thể áp dụng?

Ngày hôm nay, khi tôi đến trường vẫn thấy hàng loạt sinh viên trải mình trên bàn, thiếu ngủ, dí mắt vào smartphone và ngán ngẩm chuyện này chuyện kia không ngớt, đó là lúc tôi biết bạn không thể trông cậy vào trường Đại học thêm nữa, hãy ra ngoài và trải nghiệm đi.


Nguồn: http://blogtrangps.blogspot.com/2016/11/truong-ai-hoc-ang-giet-chet-su-sang-tao.html