Bài viết nhằm giải ảo những lời đồn về Đồ án ở Bách Khoa đồng thời chia sẻ bí kíp ẵm trọn A+ đồ án của một sinh viên năm cuối đã đi qua bao thăng trầm của Bách Khoa, lên đỉnh có, chạm đáy cũng có. Hy vọng bạn có thể góp nhặt được cho mình những bài học phù hợp để chiến hết mình mỗi mùa Đồ án. Love you!

NGHE NÓI LÀ: giải ảo những lời đồn về Đồ án Bách Khoa

https://www.facebook.com/BachKinhXayvn/posts/177356334641102
https://www.facebook.com/BachKinhXayvn/posts/177356334641102
Một khi đồ án đã lên tiếng, những thứ khác có hay không không quan trọng?
Giải tích I, II, III hay những học phần vấn đáp từ bao đời nay đã trở thành đặc sản mùa thi, là nỗi ám ảnh khiếp sợ của sinh viên Bách Khoa? Nhưng kẻ giết người thầm lặng và có sức công phá lớn hơn cả đã gọi tên Đồ án?
Vì sao ư, học phí gấp 6-9 lần tín chỉ học phần, bạn có bao nhiêu can đảm để học lại? Bạn có tự tin khoe mình học lại lần thứ n lần như một chiến tích học càng nhiều càng chắc.
Vì sao ư, vì tuần nào bạn cũng phải ngồi face to face với toàn phó giáo sư, tiến sĩ để báo cáo tiến độ đồ án rồi bàn luận cho ra vấn đề như hai bậc chuyên gia. Nó hoàn toàn không giống với việc bạn lên lớp cười hết 5 tiết xong về và cuối kỳ vẫn được đi thi?
Mấy điều ở trên chỉ là quá trình thôi, bạn sợ một thì đến lúc thi, nỗi khiếp sợ và căng thẳng leo thang lên 10. Thời gian thuyết trình thì giới hạn cho 70 -100 slide, bạn liên tục bị thầy, cô nhấn nút next, next và next để kịp giờ. Điều đó khiến bạn càng trở nên rối trí. Nhưng đáng sợ hơn nhất là tiết mục vấn đáp, tớ hay nói đùa đấy là tiết mục đem sự thật bị che dấu phơi bày ra ánh sáng. Hoặc là bạn bản lĩnh và trả lời một cách khôn ngoan rồi tỏa sáng trước thầy cô và bạn bè. Hoặc là bạn toát mồ hột, bị một mớ câu hỏi quật cho không thấy được gì nữa và kết thúc phần trình bày ở đây :)
Quãng thời gian đợi chờ sau đó còn đáng sợ hơn nữa. Nếu như thi vấn đáp, bạn có một đặc quyền là biết điểm luôn, biết được rằng mình qua hay tạch ngay lập tức thì với Đồ án, bạn không thể biết được mình rằng liệu mình được bao nhiêu điểm, có qua hay không, không trả lời được thì điểm có thấp không? Bạn cứ thấp thỏm hết hy vọng rồi thất vọng về bản thân, rồi lại hy vọng thầy cô “thương”. Quá trình đó cứ trở đi trở lại ám ảnh bạn hằng đêm cho đến khi điểm của bạn chính thức lên kệ. Khoảng thời gian này thường kéo dài 1 tuần cho đến 1 tháng.
Vậy Đồ án có thực sự đáng sợ vậy không? Và làm thế nào để sống sót qua các mùa đồ án Bách Khoa. Rất tiếc bài viết này không dành cho bạn. Bài viết dành cho những người thật sự nghiêm túc và coi trọng việc học và ngành học của mình – thái độ ấy giúp bạn nắm trong tay 50% sự thành công với đồ án của mình rồi. Điều tớ nói sau đây sẽ thành thừa nếu bạn không thực sự có thái độ nghiêm túc với nó.

THỰC RA LÀ: Đồ án cũng chỉ là một môn học, ở đó bạn vừa là thầy vừa là người học. Tóm lại là, nó không đáng sợ đâu nếu bạn thay đổi góc nhìn.

Tớ và team của mình vừa được A+ đồ án trong khi cả ba đều đi làm thêm và học nhiều môn khác nữa, thế nên tớ mới đủ tự tin “gáy” ở đây chứ 😊))

Tip 1: Thái độ của bạn quyết định mục tiêu và điều khiển cách bạn làm

Đừng nhìn đồ án qua lăng kính của người khác mà hãy nhìn nó bằng chính đôi mắt tinh anh của bạn. Bạn muốn học được gì ở nó, bạn muốn kiểm soát nó hay làm nô lệ cho nó hằng tuần? Kết quả cuối cùng bạn mong muốn đạt được là gì. Với tớ thì, kể cả không phải đồ án đi nữa tớ đều mong muốn rằng phải được điểm cao nhất có thể, khó dễ gì cũng cứ phải cao nhất, không có chuyện đủ qua môn. Ngoài ra, sau từng môn học, tớ đều cố gắng làm chỉn chu nhất để có thể đưa nó vào Portfolio của mình. Portfolio sau này sẽ là điểm cộng cho bạn khi làm CV cho công việc bạn yêu thích (nếu bạn trong ngành sáng tạo, những ngành khác tớ không rõ)
Rõ ràng tớ có 2 mục tiêu: phải tốt nhất (điểm cao) và lấy kinh nghiệm thông qua môn học (portfolio)
Thái độ và mục tiêu ấy khiến tớ luôn chú tâm đến hành động của mình như : làm tới cùng, tới bến, làm cho ra, không bỏ bê, hời hợt với đồ án, đặc biệt đó còn là đồ án do chính mình chọn đề tài, phải có trách nhiệm với nó đến cuối cùng.

Tip 2: Hãy đi tìm và tôn trọng sự đa dạng

Trong một bài kiểm tra tính cách và mức độ phù hợp với công việc (Occupational Personality Questionnaire), mục đích của mấy bài kiểm tra dạng này để xác định xem bạn có những tố chất cần thiết mà công việc cần hay không, có câu đại loại thế này, tớ không nhớ chính xác - I look for diversity (diversity= many different backgrounds ). Tớ chợt nghĩ, nếu bạn chưa từng đi tìm đồng đội hay tìm đồng đội cho team của mình một cách dễ dãi (chỉ chọn những người chơi chung vào làm nhóm với nhau) thì sẽ khó mà hiểu được nghĩa của câu này.
Hay ở khía cạnh khác, nếu chỉ toàn những người giỏi về chung một nhóm thì chưa chắc team đấy đã mạnh nhất, không khéo còn teamwork như hạch (nó đúng tới 80 %). Bởi vì ai cũng là nhất thì ai là nhất của nhất đây?
Sự đa dạng tớ muốn nói tới ở đây là thế mạnh của mỗi người trong team nên đa dạng nhất có thể. Đây cũng chính là điều tớ tìm kiếm khi xây dựng đội nhóm cho mình, tớ mong muốn được học hỏi lẫn nhau, làm chị em nương tựa của nhau 😊))), đưa nhau đến cái đích cao nhất.
Nhóm tớ có ba người, nhưng ai cũng có thế mạnh nổi bật riêng, đặt cạnh nhau trông như đúng kiểu con nhà người ta. Hai bà bạn tớ, một bà thì cẩn thận câu chữ, bảng biểu không những thế còn rất giỏi phần kỹ thuật (ra rập và may). Bà còn lại cực kỳ trau chuốt hình ảnh, thành thạo Photoshop, AI,… nói chung liên quan đến mảng trình bày bằng hình ảnh, vô cùng sáng tạo và bắt mắt. Còn tớ, tớ nhận thấy bản thân mạnh trong việc trình bày ý tưởng một cách rõ ràng, sâu chuỗi và giải thích một cách mạch lạc, logic các vấn đề, để người nghe không bị mộng mị khi nghe tớ nói (khả năng thuyết trình, khả năng dẫn dắt nhóm,…).
Rõ ràng cả 3 chúng tớ khác biệt, đều có điểm mạnh riêng, mối quan tâm khác nhau nhưng chúng tớ không hề xung đột khi về chung một đội, thậm chí còn làm việc nhóm cực kỳ hòa hợp và tương hỗ lẫn nhau. Đây là một điều tuyệt vời khi làm teamwork.
Để teamwork không biến tướng thành taowork, các bạn nên chủ động và đặt mục tiêu rõ ràng khi thành lập team nhé, học ra học chơi ra chơi. Tránh trường hợp teamwork xong, các bạn không còn muốn chơi với nhau nữa.
Nguồn: unsplash
Nguồn: unsplash

Tip 3: Bạn phải hiểu là bạn đang làm cái gì

Nghe buồn cười đúng không. Nhưng đó đúng là tip để giúp bạn có thể tự tin khi trình bày ý tưởng, trình bày đồ án của mình. Hiểu không phải là bạn bám sát đề cương, bám sát barem và điền nội dung bạn nghiên cứu được vào đầy chỗ cho nó xong, cho nó đủ nội dung. Hiểu không có nghĩa là quyển word của bạn dày cả 100 trang, chi chít chằng chịt từ ngữ cũng như bảng biểu nặng nề tính học thuật. Hiểu với mình đơn giản là khi mình có thể dạy lại, diễn đạt lại, truyền tải lại cho người nghe mà người ta cũng hiểu được tất cả những gì mình nói.
Không hiểu mình làm cái gì cũng chính là nguồn cơn cho sự mất tự tin và lo lắng của bạn trong buổi báo cáo/ bảo vệ đồ án. Tại sao bạn lại sợ các câu hỏi vấn đáp của thầy cô đến thế? Thầy cô hỏi, không phải là để làm khó bạn hay để quăng quật bạn. Họ hỏi bởi vì trong phần thuyết trình, bạn làm chưa rõ, người nghe chưa hiểu và mục đích duy nhất của những câu hỏi ấy là đánh giá xem bạn có hiểu những gì bạn làm không thôi.
Để hiểu được những thứ mình đang làm, đòi hỏi bạn phải luôn luôn đặt câu hỏi tại sao rồi tự cày xới mà tìm câu trả lời. Nếu vẫn chưa thỏa đáng, chưa tin tưởng thì đương nhiên phải tiếp tục quá trình ấy, sống chết tìm cho ra được câu trả lời khiến bạn tự tin.

Tip 4: Giao đúng người đúng việc và phân bổ thời gian hợp lý

Tip này cực kỳ quan trọng nhưng dễ bị chúng ta xem nhẹ nhất. Đúng người đúng việc đơn giản là bạn hoặc các thành viên khác có thế mạnh nhất trong phần nào thì nên chủ động đảm nhận phần đó để tiến độ cũng như chất lượng đồ án được bảo đảm nhất.
Nếu những thành viên khác chưa đủ tự tin hoặc chưa nhìn ra thế mạnh của mình thì nhiệm vụ của bạn là thúc đẩy họ, đặt niềm tin vào họ, nói rằng mình tin họ, chắc chắn họ sẽ hoàn thành tốt. Niềm tin và sự trao quyền cũng cực kỳ quan trọng khi teamwork nha. Quan trọng như thế nào thì bài trước mình cũng có nói rồi. Các bạn có đọc thêm tại đây. (https://hatran831999.wixsite.com/tranthithuha/post/chuyen-ve-ai-se-lam-team-leader)
Phân bổ thời gian hợp lý để tránh lắp bắp trong buổi bảo vệ, vì ngoài thời gian hoàn thành đồ án ra bạn còn dư hẳn một quỹ thì giờ để luyện tập, ăn nói và vạch ra các câu hỏi vấn đáp có thể để tập dượt trước với team của mình.
Phân bổ thời gian hợp lý tưởng dễ mà rất khó bởi nó không thực sự nằm trong tầm kiểm soát của bạn. Nó phụ thuộc vào từng người trong đội. Nó phụ thuộc vào bối cảnh thực tế ( dịch dã, nghỉ tết, đi làm,…). Vậy nên bạn phải có ít nhất 1 kế hoạch thời gian dự phòng cho các tác động ngoại cảnh trên. Tránh trường hợp nộp đồ án muộn và mất điểm một cách lãng nhách.
Bạn là sinh viên Bách Khoa, bạn có thừa sự thông minh để chiến với mọi kỳ thi của Bách Khoa. Đừng vì một hai lời đồn mà để cho mục tiêu của bạn chỉ dừng ở mức qua môn nhé!
Cảm ơn bạn đã ghé thăm và ở lại cùng tớ!
Người viết,
Hà Trần
Ghé thăm tớ tại: