"Trung thành", lằn ranh nào giữa đức tính và " sợi dây" bầy đàn?
Tập tính xã hội là tiền đề, lợi ích cụ thể là động lực khiến loài người tụ họp với nhau thành những nhóm hòng khai thác một lợi ích...
1. Nguồn gốc của trung thành:
Tập tính xã hội là tiền đề, lợi ích cụ thể là động lực khiến loài người tụ họp với nhau thành những nhóm đại diện và tập trung vào một đối tượng cụ thể nào đó nhằm khai thác lợi ích vật chất hay tinh thần đến từ đối tượng đó.
Khi cá nhân kiên định với điều mà tập thể ( xuất phát từ quan niệm của bản thân họ) đại diện và tìm kiếm ta có khái niệm về lòng trung thành. Đối tượng phổ biến của lòng trung thành có thể xoay quanh một người, một tập đoàn, một lý tưởng, một nguyên tắc, một niềm tin, một tập quán.
Trong mỗi tập thể dần hình thành những giá trị đóng vai trò bản sắc riêng và tạo ra " cái tôi tập thể" nhưng không bao giờ vượt qua được sức mạnh dựa trên lợi ích, tập hợp dựa trên quan niệm chung đó hình thành, chuyển biến và tan rã đều do lợi ích có đồng thuận hay không.
Trong tập thể đó, chúng ta buộc phải thực hành nghĩa vụ để duy trì sự tồn tại, phát triển của tập thể, đó là hình thức bảo tồn lợi ích chung nhưng đừng bao giờ nhầm lẫn rằng việc thực hành nghĩa vụ là để phục vụ cho ai khác ngoài phục vụ chính bản thân, có thể thấy rõ điều này trong bài Hịch tướng sĩ của Trần Hưng Đạo, có đoạn:
...Một khi giặc Mông đến nơi, thì cựa con gà nòi không thể đâm thủng áo-giáp của giặc; thuật ở bàn bạc không thể đem làm mưu mẹo ở trong quân; vườn ruộng tuy giàu, tấm thân ấy nghìn vàng khôn chuộc; vợ con tuy sẳn, trong đám ba quân khó dùng, của cải tuy nhiều, không thể mua được đầu giặc; chó săn tuy khỏe, không thể đuổi được quân thù, rượu ngon không đủ để cho giặc phải mê; hát hay không đủ làm cho giặc phải điếc; lúc đó thầy trò ta sẽ cùng bị trói, đáng đau đớn biết chừng nào! Nếu thế, chẳng những là thái-ấp của ta không còn, mà bổng-lộc của các ngươi cũng bị kẻ khác chiếm mất; chẳng những là gia- quyến của ta phải đuổi, mà vợ con của các ngươi cũng bị kẻ khác bắt đi; chẳng những xã tắc của tổ tông ta sẽ bị dày xéo, mà đến mồ mả của cha mẹ ngươi cũng sẽ bị kẻ khác đào lên, chẳng những thân ta kiếp này chịu nhục, và trăm kiếp khác tiếng nhơ khôn rửa, tên xấu vẫn còn, mà gia thanh của các ngươi cũng chẵng khỏi mang tiếng là nhà bại tướng. Đã đến khi đó các ngươi muốn chơi bời cho thỏa, được chăng?...
Rõ ràng đoạn trên hàm ý khuyến khích tướng sĩ chống giặc Mông Nguyên chủ yếu để bảo vệ lợi ích của chính họ và gia quyến! Trong tình hình nguy cấp, họ chỉ có cách nhất quyết tự vệ thì mới đảm bảo được yên ổn, bài hịch đã tinh tế lồng ghép lợi ích cá nhân để củng cố mục đích chống Mông Nguyên bên cạnh tinh thần trung quân - thứ vốn chỉ có tác dụng khơi gợi tinh thần và kém thuyết phục trong hoàn cảnh trên. Đó quả là một ý tưởng rất thực tế! Lấy gương đó mà rút ra kết luận sau:
Có làm thì mới có ăn và ngược lại, có ăn thì mới có làm, quyền lợi và nghĩa vụ y như hai mặt của đồng xu vậy, một đồng xu không có giá trị khi chỉ tồn tại một mặt, y như vậy, nếu đơn phương chỉ đề cập đến quyền lợi hay chỉ đề cập đến nghĩa vụ thì sự đề cập đó là vô giá trị. Dân gian cũng có câu nói về nghĩa vụ phải tương đương quyền lợi: tiền nào của nấy, vô công bất thọ lộc. Trong marketing, chúng ta có khái niệm " lòng trung thành của người tiêu dùng đối với nhãn hiệu ...", ở đây đã thể hiện rõ quá trình trao đổi giá trị cụ thể và hợp lý chính là sợi dây gắn kết. Không cớ gì phải tự động phục tùng mà trong thực tế ta đã không nhận được gì cụ thể hoặc nhận được thứ không xứng đáng rồi sau đó bị bắt buộc phải biết ơn, đền ơn một cá nhân hay tổ chức dựa vào lý lẽ chung chung, nguỵ biện và miễn cưỡng, đó chính là phương pháp nhìn thấu luận điệu " ban ơn" trong các mối quan hệ toxic nhất là đối với quan hệ bạn bè, cha mẹ và công ty hoặc sếp.
Luận điểm trên đã chứng minh cho tính chất bình đẳng của lòng trung thành và trung thành là một cam kết có khả năng được thiết lập hoặc huỷ bỏ bất cứ lúc nào tuỳ hoàn cảnh cụ thể, vậy nên không thể tồn tại sự trung thành cao cả hay tuyệt đối như nhiều người dùng trong luận điệu ca ngợi để quan trọng hoá mối quan hệ, luận điệu đó đơn thuần là sản phẩm của diễn dịch dựa trên cảm xúc. Trung thành trong các mối quan hệ rất thực tiễn, bình dân và cụ thể chứ không chỉ mang màu sắc trọng đại hay khiên cưỡng, giáo điều.
" Con tằm nhả tơ" là một biểu hiện tiêu biểu cho loại diễn dịch này, đồng ý nghệ sĩ phục vụ đời sống tinh thần cộng đồng nhưng họ làm điều đó để đem lại lợi ích nuôi sống bản thân, đó là một nghề như bao nghề khác và nghề nào cũng phải đánh đổi mồ hôi nước mắt chứ không phải làm không công nên đừng dùng luận điệu cao thượng để kêu gọi lòng thương hại hoặc cố tự dát vàng lên mặt mình với cái vẻ ban ơn đầy thượng đẳng.
Từ đó suy ra, đối tượng của lòng trung thành phải cụ thể là một lợi ích thực tế có thể nhận thức, đo lường và thu nhận trên nguyên tắc sòng phẳng.
2. Trung thành thoái hoá?
Theo tác phẩm Đám đông (The crowd: A study of popular mind) của Gustave Lebon (1897). Ông cho rằng có việc cá nhân bị đám đông ảnh hưởng gồm 3 giai đoạn: tràn ngập – submergence (cá nhân đánh mất nhân dạng và trách nhiệm trong đám đông), lây nhiễm – contagion (cá nhân dễ dàng nghe theo quyết định của đám đông) và ám thị – suggestion (cá nhân chia sẻ vô thức với đám đông). Ông kết luận rằng cá nhân trong đám đông đánh mất lý trí, hành động theo bản năng và đám đông sẽ dẫn đến hệ quả tiêu cực.
Lòng trung thành là một " sợi dây" gắn kết mối quan hệ giữa người với người nhưng cũng có thể tiêu cực biến thành " gông cùm" trong trường hợp cá nhân bị đánh mất chính kiến, mất bản sắc do trình độ tự nhận thức thấp, lòng tự trọng thấp, từ đó, lòng trung thành trở thành công cụ thao túng danh chính ngôn thuận và lợi ích rơi vào tay một thiểu số khôn ngoan biết tận dụng điều đó. Ngu trung có bản chất không gì khác ngoài " cơn lên đồng" của bầy đàn mà ai không tham gia vào thì liền bị chụp mũ " tội đồ", " cơn lên đồng" không phanh đó được nguỵ tạo bằng đánh tráo khái niệm, tiêu chuẩn kép, đánh đồng dưới danh nghĩa tốt đẹp của lòng trung thành để những kẻ sa vào có chỗ " tự sướng" mà quên rằng vừa họ mới vừa đánh rơi tự do và lợi ích chân chính của bản thân, chính cái trò vừa đấm vừa xoa đó đã khích lệ thói ngu trung trong vô thức. Tư duy nhị nguyên " không đúng thì sai" cũng là một yếu tố cản trở phản biện, nếu không khéo léo vượt qua thì người ta dễ bị kéo trở lại cái khuôn khổ được sắp đặt sẵn, vì sao vậy? Vì bị ám thị bởi mặc cảm tội lỗi do vi phạm một thứ luân lý, đạo đức được cho là thường tình! Ví như một người nhân viên bất mãn do chịu đối đãi bất công thì bị đồng nghiệp và sếp quy chụp là phản bội, ví như một người con bất mãn bởi cha mẹ đối xử bất công thì bị quy chụp là bất hiếu, vợ chồng sống không hạnh phúc nhưng quyết định ly hôn thì bị chụp mũ là không chung thủy, quy nạp vội vàng đã đẩy họ vào vai kẻ phản diện đầy gượng ép.
Vậy thì thói ngu trung nói không ngoa nên bị vạch trần bằng tục danh " phục dịch" hoặc " phục tùng" thay vì được che đậy dưới bất kỳ ý nghĩa tốt đẹp nào.
Cụm từ quyền và nghĩa vụ cũng thường bị hiểu lầm, quyền có thể hiểu là tự do hành động trong khuôn khổ cho phép, nếu lựa chọn từ chối quyền thì đương nhiên không có cơ sở phát sinh nghĩa vụ theo lẽ công bằng, đằng này, nhiều người cố tình nhét cái quyền vào tay người khác và bắt buộc họ phải chịu trách nhiệm về cái quyền đó, y như cách một người bán nhét món hàng vào tay bạn và bắt buộc bạn phải mua nó mặc cho bạn có muốn mua hay không, bằng lý do trên, chúng ta cần sửa lại cách hiểu cụm từ trên bằng quyền lợi và nghĩa vụ để mối quan hệ tư duy trở nên khăng khít hơn.
Thói quen thần thánh hoá cũng kích thích tật " thích phục tùng" bởi con người cần một cái phao để bám vào trong tình cảnh bị động, khiếm khuyết và nghèo nàn tinh thần. Ví dụ cho luận điểm này là hiện tượng fan cuồng, con nhang, tôn sùng những nhân vật lịch sử dưới con mắt của nhà làm phim thay vì khảo cứu tư liệu lịch sử.
Quy nạp lòng vòng hoá ra viễn vông cũng là một điểm đen cần loại bỏ. Ví dụ như quán tính gom chung " Bản thân", " Gia đình" sát bên " Xã hội" trong những câu hô hào sặc tinh thần " chúng ta" đã khiến cho nhiều người ảo tưởng rằng lý tưởng của họ là to lớn và vĩ đại bao hàm cả nhân loại, trong đó, họ biện luận rằng gia đình nằm trong xã hội nên sống vì xã hội cũng là sống cho gia đình? Rõ là nguỵ biện bởi xã hội đơn thuần là nơi trao đổi lợi ích chứ chẳng có " chúng ta" nào ở đây cả. Thêm nữa, cơm của tôi tôi ăn, áo của tôi tôi mặc, tiền của tôi tôi xài và tất cả những thứ đó đều do gia đình và bản thân tôi lao động ra nên tôi không có nghĩa vụ nào khác với xã hội ngoài nghĩa vụ không gây tổn hại cho xã hội và đóng thuế để bồi đắp lợi ích chung mà vốn cũng có phần lợi ích riêng của tôi trong đó, đó là khoảng cách rất lớn giữa " ta" và " chúng ta", cho nên không thể đánh đồng. Đó là lỗi tổng kết sơ sài, vội vã. Nói đúng ra, tinh thần hi sinh nên là nguyện vọng chứ không phải là bắt buộc! Ấy thế mà nhiều người có xu hướng chụp mũ " ích kỷ", " hèn nhát" lên những người từ chối " làm anh hùng", dường như những người đó có sở thích soi mói rồi suy diễn, xuyên tạc dựa vào niềm đam mê thuyết âm mưu hoặc họ đang nhân danh " chính nghĩa" để vỗ về cái tôi thèm khát được lắng nghe, công nhận và tự hào, họ thèm cảm giác được làm trung tâm, làm con đầu đàn khi mọi người vây quanh ngưỡng mộ. Trên phương diện thế giới quan, nhân sinh quan, những người như vậy không những " nghèo" mà còn " hèn", hay đơn thuần đám đông chỉ đang cần một " lý tưởng cao đẹp" để định hướng còn hơn là không có gì. Đồng ý rằng con người có quyền tự do lựa chọn lý tưởng sống nhưng không đồng nghĩa có quyền ép buộc người khác phải tuân theo quan niệm của mình.
Tệ hại hơn, nhiều người còn cố chấp đến mức " rác nhà mình dù sao cũng thơm hơn rác nhà hàng xóm". Có thể nhìn thấy tình trạng này trong luận điệu " bẻ lái" vấn đề tiêu cực: " nơi khác ( người khác) cũng có tiêu cực, đâu phải chỉ riêng ta, đó là hiện tượng chung thế nên ta phải chấp nhận"!
Cách sử dụng sai từ ngữ cũng tạo ra tư duy nô lệ, ví dụ như " Đơn XIN việc", tại sao quá trình mua bán, trao đổi sức lao động công bằng lại bị gọi là " Xin"? Tại sao không gọi là " Đơn ứng tuyển" cho đúng bản chất!
Tư duy nô lệ cũng bị dắt mũi bởi quá trình ám thị với những câu nói triết lý " dạy đời" của ông này bà kia mà căn cứ của những câu nói đó chỉ dựa trên niềm tin mong manh vào uy tín toát ra bởi hình tượng quyền quý của họ chứ không phải từ một căn cứ lập luận vững chắc hay kết quả nghiên cứu khoa học nào, ta nhiều lúc bị thôi miên bởi người nói triết lý thay vì tập trung vào tính xác thực của triết lý được nói ra.
3. Bài học rút ra?
Không ai có quyền áp đặt, phán xét người khác bằng quan điểm, tiêu chuẩn, lợi ích hay niềm tin của cá nhân, thế nên, hãy biết tôn trọng quan điểm và đặc biệt là lợi ích của người khác miễn nó chính đáng. Từ đó ta rút ra, đức tính TRUNG THÀNH đơn giản là thể hiện tốt nhất có thể vai trò của bản thân đúng với cam kết trong các mối quan hệ chứ không mang tính chất phục tùng một chiều. Khi một mối quan hệ đã không còn giá trị thì nên tỉnh táo rồi mạnh dạn kết thúc nó, không còn gì phải hối tiếc hay mặc cảm tội lỗi.
Trung thành là cái bắt tay chứ không phải cái cúi đầu
Lưu ý: quan điểm trong bài viết trên là trung thành với lợi ích chính đáng, trong sáng và bình đẳng giữa người với người chứ không phải ủng hộ lợi ích bè phái, vụ lợi, thói cơ hội tiểu nhân, thượng đội hạ đạp, bất chấp thủ đoạn, ngược lại, nhìn nhận khách quan vấn đề lợi ích mới chính là nhân vị chân thật.
Quan điểm - Tranh luận
/quan-diem-tranh-luan
Bài viết nổi bật khác
- Hot nhất
- Mới nhất