Tiếp nối phần 1, phần này sẽ tiếp tục dẫn các ghi chép về nước ta trong các bộ chính sử Trung Quốc. Quãng thời gian sẽ là các triều đại Trần, Hồ và thời kỳ Bắc thuộc lần 4 (tức thời thuộc Minh).

THỜI KỲ TỰ CHỦ (tiếp)

NHÀ TRẦN, HỒ - NHÀ NGUYÊN, MINH

[MÔNG CỔ] Hiến Tông, năm Quý Sửu (1253), Ngột Lương Hợp Thai theo Thế Tổ đi bình định Đại Lý. Thế Tổ trở về, lưu Ngột Lương Hợp Thai ở lại tiến đánh những dân di chưa phụ theo.
Hốt Tất Liệt lên ngôi Đại Hãn Mông Cổ năm 1260, nhưng tranh chấp với A Lý Bất Ca đến năm 1264 mới yên. Đến năm 1271 thì đổi tên nước từ Đại Mông Cổ quốc thành Đại Nguyên, lên ngôi Hoàng đế. Sau đó mới truy thụy và đặt miếu hiệu cho các Hãn Mông Cổ trước đó. Hiến Tông tức là Đại Hãn Mông Kha, tử trận khi đánh Tống năm 1259.
Hiến Tông, năm Đinh Tỵ (1257), mùa Đông, tháng Mười một, quân của Ngột Lương Hợp Thai đến phía bắc Giao Chỉ, trước hết sai hai người sứ giả đến dụ, nhưng không thấy quay lại, bèn sai bọn các tướng Triệt Triệt Đô mỗi người dẫn một ngàn quân, chia đường tiến binh, đến trên Thao Giang, Kinh Bắc, An Nam. Lại sai con là A Truật đến làm thanh viện, đồng thời xem xét hư thực. Người Giao cũng đem nhiều quân ra phòng vệ. A Truật sai quân về báo, Ngột Lương Hợp Thai kiêm đường tiến gấp sang, sai Triệt Triệt Đô làm tiên phong, A Truật đi sau làm điện hậu. Tháng Mười hai, hai cánh quân cùng hợp binh. Người Giao Chỉ kinh hãi. A Truật thừa thế, đánh bại thủy quân của Giao Chỉ, cướp chiến hạm đem về. Ngột Lương Hợp Thai cũng phá quân trên bộ, lại cùng A Truật họp quân, đánh bại, bèn kéo vào trong nước. Nhật Cảnh trốn ra hải đảo. Ngột Lương Hợp Thai tìm được hai sứ giả mình sai đi khi trước ở trong ngục, đều bị dùng những mảnh tre bó vào mình, đâm thủng cả da. Đến khi cởi trói cho, thì một sứ giả đã chết. Nhân bèn san phẳng thành ấy. Quân triều đình lưu lại chín ngày, vì khí hậu oi nóng, bèn rút quân về. Lại sai hai sứ giả gọi Nhật Cảnh đến quy thuận. Nhật Cảnh quay về, thấy quốc đô đã bị tàn hủy cả, vô cùng phẫn hận, lại trói hai sứ giả đuổi về.
Trận Bình Lệ Nguyên, ảnh của Viet Nguyen
Trận Bình Lệ Nguyên, ảnh của Viet Nguyen
[NGUYÊN] Năm Chí Nguyên thứ 20 (1283), vì cớ Trần Nhật Huyên (tức vua Trần Thánh Tông) nhiều lần cho vời mà không sang chầu, mệnh cho Kinh Hồ Chiêm Thành Hành trung thư sảnh dụ An Nam cho mượn đường, giúp Hữu thừa Toa Đô đi đánh Chiêm Thành. A Lý Hải Nha gửi thư cho Nhật Huyên để nhờ giúp quân lương. Ngạc Châu Đạt lỗ hoa xích Triệu Chứ tới dụ Nhật Huyên. Ít lâu sau, triều đình lại sai sứ mang tỷ thư tiếp tục sang dụ bảo. Nhật Huyên sau đó bèn sai bọn Trung lượng Đại phu Đinh Khắc Thiệu, Trung đại phu Nguyễn Đạo Học đem phương vật theo Chứ vào triều kiến.
Năm Chí Nguyên thứ 21 (1284), Đào Bỉnh Trực đi sứ An Nam về, Trần Nhật Huyên lại dâng biểu trần tình và gửi thư đến Kinh Hồ Chiêm Thành Hành sảnh. Lại vì Quỳnh Châu An phủ sứ Trần Trọng Đạt nghe Trịnh Thiên Hựu nói: “Giao Chỉ thông mưu với Chiêm Thành, sai hai vạn quân cùng năm trăm chiếc thuyền đến viện ứng”, nên Nhật Huyên lại gửi thư đến Hành sảnh[...] Tháng Tám, em trai Nhật Huyên là Chiêu Đức vương Trần Xán gửi thư đến Kinh Hồ Chiêm Thành Hành sảnh, tự xin nội phụ.
Trấn Nam vương chinh phạt Chiêm Thành, quân đến Vĩnh Châu. Hưng Đạo vương của An Nam đem quân đóng giữ những nơi xung yếu để chống lại quân triều đình. Tháng Mười một, quân đến, giết quân trấn thủ, chia sáu đường tiến sang. Hưng Đạo vương lại đem quân chặn giữ Vạn Kiếp. Quan quân tiến binh đánh bại được.
Năm Chí Nguyên thứ 22 (1285) [...] quân triều đình tới huyện Hành Sơn thì nghe tin tòng huynh của Nhật Huyên là Hưng Đạo vương Trần Tuấn đem quân giữ biên giới. Rồi đó, Khúc Liệt cùng Tháp Hải Tát Lý dẫn Trung lượng Đại phu Trần Đức Quân, Triều tán lang Trần Tự Tông của An nam đem thư của Nhật Huyên đến, nói rằng từ nước ấy đến Chiêm Thành, đường thủy lục đều chẳng tiện, xin được tùy sức mà dâng quân lương [...] Hành sảnh sai Vạn hộ Triệu Tu Kỷ theo ý mình mà phục thư lại và đưa công văn lệnh mở đường, chuẩn bị lương thảo, đích thân nghênh đón Trấn Nam vương.
Kịp khi quan quân đến Ung Châu, An Nam Điện tiền Phạm Hải Nhai đem quân đóng ở các nơi Khả Lan, Vi, Đại Trợ. Đến châu Tư Minh, Trấn Nam vương lại lệnh chuyển công văn cho Nhật Huyên. Đến Lộc Châu, lại nghe tin Nhật Huyên điều quân chống giữ các đường quan ải ở núi Khâu Cấp, Khâu Ôn. Hành sảnh bèn chia quân làm hai đường mà tiến. Nhật Huyên lại sai Thiện trung Đại phu Nguyễn Đức Dư, Triều thỉnh lang Nguyễn Văn Hàn đem thư đến chỗ Trấn Nam vương, nói: “Không thể đích thân tới bái kiến mạt quang, nhưng trong lòng lấy làm hân hạnh. Khi trước có được ơn thánh chiếu nói rằng, ‘riêng lệnh cho quân ta không vào địa phận nước ngươi’. Nay thấy các doanh trạm quan quân từ Ung Châu nối tiếp nhau như bắc cầu, thực khiến kinh sợ vô cùng. Xin soi xét cho lòng thành, mà thêm thương đến.” Lại gửi thư cho Bình chương chính sự, xin bảo vệ cho sinh linh nước mình, tránh khỏi phải họa trốn chạy phiêu tán. Trấn Nam vương mệnh cho Hành sảnh sai Tổng bả A Lý đem thư cùng Đức Dư tới tuyên dụ Nhật Huyên rằng, duyên do triều đình hưng binh thực là vì đánh Chiêm Thành chứ không phải đánh An Nam. Đến địa phận huyện Cấp Bảo, An Nam Quản quân quan là Nguyễn Lộc đóng quân ở châu Thất Nguyên, lại các nơi Thôn Lý, Huyện Đoản, Vạn Kiếp… đều có quân của Hưng Đạo vương, A Lý không thể tiến được.
Không bao lâu, bọn Tát Đáp Nhi Đãi, Lý Bang Hiến, Tôn Hựu tâu: “Đến ải Khả Li, quân Giao Chỉ cự đánh, Hựu cùng đánh nhau với chúng, bắt được Quản quân phụng ngự của chúng là Đỗ Vĩ, Đỗ Hựu, mới biết là Hưng Đạo vương quả nhiên đem quân đón đánh. Quân triều đình qua ải Kha Li, đến ải Động Bản, lại gặp quân của chúng, cùng giao chiến đánh bại được, tướng cầm đầu của chúng là Tần Sầm bị thương chết. Nghe nói Hưng Đạo vương ở ải Nội Bàng, lại tiến quân đến thôn Biến Trụ, dụ chúng thu quân tránh đường và nghênh đón Trấn Nam vương, nhưng chúng đều không nghe. Đến ải Nội Bàng, phụng lệnh chỉ sai người chiêu vời, chúng vẫn không nghe. Quân triều đình bèn chia sáu ngả tiến công, bắt được tướng của chúng là Đại liêu ban Đoàn Thai. Hưng Đạo vương trốn chạy, đuổi đến Vạn Kiếp, đánh các ải, đều phá được cả. Hưng Đạo vương vẫn còn binh thuyền hơn ngàn chiếc, ở cách Vạn Kiếp mười dặm. Bèn cho binh sĩ men theo sông tìm thuyền và tụ tập gỗ, đinh, đặt nơi đóng thuyền, tuyển chọn các cánh thủy quân, sai Ô Mã Nhi Bạt đô thống lĩnh, mấy lần cùng giao chiến, đều đánh bại được [...]
Kịp khi quân triều đình bắt sống được một số người, bọn chúng bèn khai Nhật Huyên cho điều các quân Thánh Dực của mình, hơn ngàn chiếc thuyền, giúp Hưng Đạo vương cự chiến. Trấn Nam vương bèn cùng Hành sảnh quan, đích thân đến Đông Ngàn, khiển binh tiến đánh, sát thương rất nhiều, đoạt được hơn hai mươi thuyền. Hưng Đạo vương thua chạy, quân triều đình nối bè làm cầu, qua bờ bắc sông Phú Lương. Nhật Huyên men theo bờ sông bố trí binh thuyền, dựng rào gỗ, thấy quan quân sang đến bờ, lập tức đốt pháo hiệu, lớn tiếng hô đòi đánh. Đến chiều tối, lại sai bề tôi là Phụng ngự họ Nguyễn phụng mệnh đem thư tới cho Trấn Nam vương cùng Hành sảnh quan, xin đại quân tạm lui. Hành sảnh lại đưa văn thư trách hỏi, rồi bèn tiến binh. Nhật Huyên liền bỏ thành chạy trốn, nhưng vẫn lệnh cho Nguyễn Hiệu Nhuệ đưa thư tạ tội, dâng hiến phương vật và xin lui binh. Hành sảnh lại đưa văn thư chiêu dụ, rồi điều quân qua sông, đóng trại sát chân kinh thành An Nam.
Hôm sau, Trấn Nam vương vào kinh thành, thấy cung thất đều rỗng không, chỉ để lại những chiếu sắc mấy lần giáng xuống cùng điệp văn của Trung thư sảnh, nhưng tất thảy đều bị xé hủy. [...] Nhật Huyên lập tức lên làm Thái thượng hoàng, ngôi An Nam Quốc vương được trao cho con của Nhật Huyên, đổi niên hiệu là Thiệu Bảo. [...] Quân An Nam bỏ thuyền lên bờ vẫn còn đông, Nhật Huyên dẫn tôn tộc quan lại đến Thiên Trường, Tràng An, tụ tập đóng lại. Hưng Đạo vương, Phạm Điện tiền lĩnh binh thuyền lại tụ họp đến cửa sông Vạn Kiếp. Nguyễn Lộc đóng giữ ở Vĩnh Bình tây lộ.
Hành sảnh chỉnh đốn quân ngũ chuẩn bị truy kích, các quân của Đường Ngột Đãi và Toa Đô lại từ Chiêm Thành đến cùng hội hợp với đại quân. Từ khi vào địa giới An Nam, lớn nhỏ đã giao tranh bảy trận, giành được hơn hai ngàn dặm đất, cùng bốn tòa vương cung. Ban đầu thì đánh bại quân của Chiêu Minh vương nước ấy, đánh Chiêu Hiếu vương, Đại liêu hộ đều chết. Chiêu Minh vương trốn chạy xa không dám ra nữa. Lại ở An Diễn châu, Thanh Hóa, Tràng An bắt được con rể của Trần Thượng thư nhà Tống trước đây, Lương Phụng ngự của Giao Chỉ cùng bọn Triệu Mạnh Tín, Diệp Lang tướng… hơn bốn trăm người.
Vạn hộ Lý Bang Hiến, Lưu Thế Anh đem quân mở đường từ Vĩnh Bình vào An Nam, cứ cách ba mươi dặm lại lập một trại, sáu mươi dặm đặt một trạm dịch, mỗi một trại, một trạm dịch lại cho ba trăm quân đóng lại trấn giữ tuần phòng. Lại lệnh cho Lưu Thế Anh đắp thành lũy, chuyên đôn đốc các công việc trại, dịch.
Giáp phục và trang bị của quân Nguyên, ảnh của 防弾乳牛
Giáp phục và trang bị của quân Nguyên, ảnh của 防弾乳牛
Hữu thừa Khoan Triệt dẫn Vạn hộ Mang Cổ Đãi, Bột La Cáp Đáp Nhi theo đường bộ, Lý Tả thừa dẫn Ô Mã Nhi Bạt đô theo đường thủy, đánh bại binh thuyền của Nhật Huyên, bắt được Kiến Đức hầu Trần Trọng (tức là Bảo Nghĩa hầu Trần Bình Trọng). Nhật Huyên trốn chạy, truy đuổi đến cửa biển Giao Hải thì không biết đi đâu nữa. Người trong tôn tộc là Văn Nghĩa hầu, cùng cha là Vũ Đạo hầu, con là Minh Trí hầu, con rể là Chương Hoài hầu và Chương Hiến hầu; quan cũ nhà Tống là bọn: Tăng Tham chính, con trai Tô Thiếu bảo là Tô Bảo Chương, con trai Trần Thượng thư là Trần Văn Tôn, cùng nối nhau dẫn quân ra hàng. Đường Ngột Đãi, Lưu Khuê đều nói Chiêm Thành không có lương ăn, quân khó có thể đóng lại lâu. Trấn Nam vương lệnh cho Toa Đô dẫn quân Nguyên ở Tràng An và các nơi chuyển lương đến. Nhật Huyên đến cửa biển Yên Bang, vứt bỏ thuyền chèo binh giáp, chạy vào ẩn nấp trong núi rừng. Quân triều đình thu được một vạn chiếc thuyền, chọn lấy những cái tốt để dùng, còn lại đều đốt bỏ. Lại truy đuổi tiếp ba ngày ba đêm trên bộ.
Bắt sống được quân An Nam, chúng khai: Thượng hoàng và Thế tử chỉ có bốn chiếc thuyền, Hưng Đạo vương cùng con trai có ba chiếc, Thái sư có tám mươi chiếc, chạy vào phủ Thanh Hóa. Toa Đô cũng báo: Nhật Huyên và Thái sư chạy vào Thanh Hóa. Ô Mã Nhi Bạt đô đem một ngàn ba trăm quân, sáu mươi chiếc thuyền, giúp Toa Đô tập kích bọn Thái sư. Lại lệnh cho Đường Ngột Đãi men theo bờ biển truy đuổi Nhật Huyên, cũng không biết đi đâu.
Em Nhật Huyên là Chiêu Quốc vương Trần Ích Tắc, đem tôn tộc cùng vợ con, quan lại đến hàng. Bèn sai bọn Minh Lý Tích Ban đưa Chương Hiến hầu, Văn Nghĩa hầu cùng em là Minh Thành hầu và con của Chiêu Quốc vương là Nghĩa Quốc hầu về triều. Văn Nghĩa hầu lên được phía bắc, còn Chương Hiến hầu, Nghĩa Quốc hầu đều bị Hưng Đạo vương bắt, Chương Hiến hầu chết, Nghĩa Quốc hầu thoát thân quay về trong quân.
Quân triều đình tụ họp các tướng nghị rằng: “Người Giao Chỉ chống trả quan quân, tuy mấy phen thua chạy, nhưng quân tăng rất nhiều. Quan quân thiếu thốn, tử thương cũng lắm, quân kỵ của Mông Cổ cũng không thể thi thố được tài năng.” Bèn bỏ kinh thành, qua sông sang bờ bắc, quyết nghị lui binh về đóng ở châu Tư Minh. Trấn Nam vương cũng cho là phải, bèn dẫn quân về. Hôm ấy, Lưu Thế Anh đánh dữ cùng hơn hai vạn quân của Hưng Đạo vương, Hưng Ninh vương.
Quan quân đến sông Như Nguyệt, Nhật Huyên sai Hoài Văn hầu đến đánh. Quan quân đi đến Sách Giang, buộc cầu phao qua sông. Các quân của Tả thừa Đường Ngột Đãi chưa kịp qua thì phục binh An Nam trong rừng xông ra, quan quân bị chết đuối rất nhiều. Toa Đô chiến tử. Lý Hằng đi chặn hậu, ra sức đánh để bảo vệ Trấn Nam vương, bị tên độc bắn trúng đầu gối trái, về đến châu Tư Minh thì độc phát ra mà chết. Bọn Đường Ngột Đãi chạy trạm về dâng tấu. Tháng Bảy, Khu mật viện xin điều binh để đến tháng Mười cùng năm hội ở Đàm Châu, nghe theo mệnh lệnh của Trấn Nam vương và A Lý Hải Nha chọn tướng thống lĩnh. [...]
Tháng Chín, sắc cho các quân chinh phạt Giao Chỉ, trừ lưu lại một trăm quân Mông Cổ và bốn trăm quân người Hán làm túc vệ cho Trấn Nam vương, ngoài ra đều lệnh cho về.
Năm Chí Nguyên thứ 23 (1286), tháng Giêng, chiếu cho sảnh thần cùng nghị, bèn cử đại quân Nam phạt.
Tháng Hai, xuống chiếu dụ quan lại và dân chúng An Nam, kể những tội ác của Nhật Huyên, nói rõ các việc giết hại thúc phụ Trần Di Ái và không tiếp nhận Đạt lỗ hoa xích Bốc Nhan Thiếp Mộc Nhi.
Trần Di Ái là chú của vua Trần Thánh Tông, nguyên trước được cử đi sứ nhà Nguyên năm 1281. Nhà Nguyên bèn phong cho Di Ái làm An Nam Quốc vương, cử Sài Thung cùng 1000 quân hộ tống về nước. Về đến ải Nam Quan thì trúng phục binh, bị đánh tan cả, Di Ái bị bắt sống đem về. Vua Thánh Tông thương tình, tha cho tội chết mà chỉ xử đồ làm lính ở Thiên Trường. Việc này nhà Nguyên không biết, nên tưởng là Di Ái bị xử chết.
Vì bọn Trần Ích Tắc tự đem người đến hàng, phong cho Ích Tắc làm An Nam quốc vương, ban cho phù tiết ấn tín. Phong cho Trần Tú Hoãn làm Phụ Nghĩa công, để thờ cúng họ Trần. Lại mệnh cho Trấn Nam vương Thoát Hoan, Tả thừa tướng A Lý Hải Nha bình định nước ấy, cho quân đưa Ích Tắc về.
Tháng Năm, phát quân dưới trướng của Mang Cổ Đãi hợp với quân của Ngạc Châu Hành sảnh cùng đi chinh thảo. Quan quân vào địa giới An Nam, Nhật Huyên lại bỏ thành chạy. [...]
Năm Ất Dậu, tháng Giêng, quan binh hạ La Thành. Nhật Huyên sai người tôn thất là Trung Hiến hầu Trần Thang, Đại phu Nguyễn Nhuệ làm phó đến xin giảng hòa, bèn giữ lại trong quân. Tháng Năm, Trấn Nam vương vì cớ nắng nóng lụt lội bèn rút quân, đem Nhuệ về phương bắc. Nhuệ trốn, ẩn dưới đầm cỏ, quân sĩ bắt được đem chém. Năm ấy, Nhật Huyên sai Đại phu Nguyễn Nghĩa Toàn, Nguyễn Đức Vinh sang cống. Triều đình thấy Thế tử không sang chầu, giữ Nghĩa Toàn lại kinh sư.
Năm Chí Nguyên thứ 24 (1287), tháng Giêng, phát một ngàn quân Tân Phụ theo A Bát Xích chinh thảo An Nam. Lại chiếu phát bảy vạn quân người Mông Cổ, Hán, Khoán và năm trăm chiếc thuyền ở ba tỉnh Giang Hoài, Giang Tây, Hồ Quảng; sáu ngàn quân Vân Nam; một vạn năm ngàn quân tộc Lê ở bốn châu ngoài bể. Hải đạo vận lương Vạn hộ Trương Văn Hổ, Phí Củng Thìn, Đào Đại Minh vận chuyển mười bảy vạn thạch lương, chia đường mà tiến.[...] Tháng Sáu, Khu mật viện lại tâu, sai Ô Mã Nhi và Phàn Tham chính đem quân sĩ theo hai đường thủy lục cùng tiến binh. Tháng Tám, chiếu dụ Trấn Nam vương răn cấm các vương và sảnh quan tòng chinh không được để quân sĩ đốt phá cướp bóc, chớ cho rằng Giao Chỉ là nước nhỏ mà khinh dị.
Tháng Mười một, Trấn Nam vương đến Tư Minh, lưu hai ngàn năm trăm quân lại, sai Vạn hộ Hạ Chỉ thống lĩnh, để coi giữ xe cộ khí giới. Trình Bằng Phi, Bột La Hạp Đáp Nhi đem một vạn quân Hán, Khoán, theo lối Tây đạo Vĩnh Bình; Áo Lỗ Xích đem một vạn người theo Trấn Nam vương theo lối Đông đạo Nữ Nhi Quan mà tiến. A Bát Xích đem một vạn quân làm tiên phong. Ô Mã Nhi, Phàn Tiếp đem quân theo đường biển, qua Ngọc Sơn, Song Môn, cửa Yên Bang, gặp hơn bốn trăm chiếc thuyền của Giao Chỉ, bèn đánh, chém được hơn bốn ngàn thủ cấp, bắt sống hơn trăm người, đoạt được một trăm chiếc thuyền của chúng, bèn tiến vào Giao Chỉ. Trình Bằng Phi, Bột La Hạp Đáp Nhi đi qua ba cửa ải Lão Thử, Hãm Sa, Tỳ Trúc, đánh nhau mười bảy trận, đều thắng.
Tháng Mười hai, Trấn Nam vương đến cảng Mao La, Hưng Đạo vương của Giao Chỉ bỏ trốn, nhân tiến đánh trại Phù Sơn, phá được. Lại mệnh cho Trình Bằng Phi, A Lý đem quân hai vạn người giữ Vạn Kiếp, tu sửa lại những doanh trại bằng gỗ ở núi Phả Lại và núi Chí Linh. Sai Ô Mã Nhi đem thủy quân, A Bát Xích đem lục quân, tiến thẳng đến thành Giao Chỉ. Trấn Nam vương đem các quân vượt sông Phú Lương, đến dưới thành, đánh bại quân canh giữ. Nhật Huyên cùng con lại bỏ kinh thành chạy đến đồn Cảm Nôm. Các quân đánh hạ được.
Ảnh minh họa kỵ binh Mông Cổ
Ảnh minh họa kỵ binh Mông Cổ
Năm Chí Nguyên thứ 25 (1288), tháng Giêng, Trần Nhật Huyên cùng con lại chạy ra ngoài biển. Trấn Nam vương đem các quân truy đuổi, đến cửa biển Thiên Trường, không biết Nhật Huyên đã chạy đi đâu, bèn dẫn quân quay về thành Giao Chỉ. Sai Ô Mã Nhi đem thủy quân ra cửa Đại Bàng đón thuyền lương của bọn Trương Văn Hổ. Bọn Áo Lỗ Xích, A Bát Xích chia đường vào núi tìm lương ăn. Nghe tin Giao Chỉ họp quân ở Cá Trầm, Cá Lê, Ma Sơn, Ngụy Trại, bèn phát binh đến đánh đều phá được, chém hơn vạn thủ cấp.
Tháng Hai, Trấn Nam vương dẫn binh về Vạn Kiếp. A Bát Xích làm tướng tiên phong, đoạt ải, bắc cầu, phá cửa Tam Giáo, đánh hạ ba mươi ba trại, chém hơn vạn thủ cấp, thu được hai trăm chiếc thuyền, mười một vạn ba ngàn thạch gạo. Ô Mã Nhi từ cửa Đại Bàng đến Tháp Sơn, gặp hơn ngàn thuyền địch, đánh phá được. Đến cửa Yên Bang, không thấy Trương Văn Hổ, lại quay về Vạn Kiếp, thu được hơn bốn vạn thạch gạo. Doanh trại ở núi Phả Lại, Chí Linh đã dựng xong, cho các quân đến đóng ở đó. Chư tướng nhân thưa rằng: “Giao Chỉ không có thành trì dể đóng giữ, không có kho vựa để lấy lương ăn, các thuyền lương của Trương Văn Hổ lại không đến được. Hơn nữa khí trời đã nóng, e rằng lương cạn quân mệt, không lấy gì để duy trì lâu dài được, thì lại làm mất mặt triều đình, nên toàn quân mà rút về.” Trấn Nam vương nghe theo. Sai Ô Mã Nhi, Phàn Tiếp đem quân thủy về trước, còn Trình Bằng Phi, Tháp Xuất đem quân hộ tống.
Tháng Ba, Trấn Nam vương đem hết các quân về. Tháng Mười hai năm trước, thuyền lương của Trương Văn Hổ đi đến Đồn Sơn, gặp ba mươi chiếc thuyền của Giao Chỉ. Văn Hổ tiến đánh, quân hai bên bị giết cũng tương đương nhau. Đến biển Lục Thủy, thì thuyền địch dần nhiều thêm, Văn Hổ liệu rằng không thể địch nổi, mà thuyền nặng không thể chạy được, bèn ném gạo xuống biển, rồi chạy đến Quỳnh Châu.[...]
Trấn Nam vương đến cửa ải Nội Bàng, quân giặc kéo đến rất đông, Vương đánh phá được. Sai Vạn hộ Trương Quân đem ba ngàn quân tinh nhuệ đi chặn hậu, hết sức đánh, ra được khỏi ải. Quân do thám cho biết Nhật Huyên cùng Thế tử và Hưng Đạo vương chia hơn ba mươi vạn quân, đóng giữ ải Nữ Nhi và núi Khâu Cấp, nối nhau hơn trăm dặm để chặn đường về quân Nguyên. Trấn Nam vương bèn theo lối huyện Đơn Kỷ chạy đến Lộc Châu, theo đường tắt mà ra, đến châu Tư Minh. Lệnh cho Ái Lỗ dẫn quân về Vân Nam, còn Áo Lỗ Xích thì đem các quân quay về bắc. Ít lâu sau, thì Nhật Huyên sai quan hầu cận là Chu Tu, Đoàn Khả Dung sang cống phương vật tạ tội, tiến người vàng thế tội cho mình.
[MINH] Năm Hồng Vũ thứ 7 (1374), Thúc Minh sai sứ tạ ơn, tự xưng là tuổi già, xin mệnh cho em là Thoan nhiếp chính, Hoàng đế bằng lòng.
Thúc Minh ở đây là vua Trần Nghệ Tông, còn Thoan tức là vua Trần Duệ Tông, em Nghệ Tông. Nguyên việc nhường ngôi này đã diễn ra từ cuối năm 1372, nhưng đến năm 1374 nhà Trần mới cho sứ sang báo với nhà Minh.
Các loại thuyền trong thủy quân nhà Trần, ảnh của Ấm Chè
Các loại thuyền trong thủy quân nhà Trần, ảnh của Ấm Chè
Năm Hồng Vũ thứ 10 (1377), Thoan đi lấn Chiêm Thành, bị thua chết. Em là Vĩ thay nối ngôi, sai sứ cáo ai (Vĩ ở đây chỉ vua Phế Đế Trần Hiện là con thứ của Duệ Tông, Minh sử nhầm với Trần Vĩ là con trưởng, mất bệnh từ năm 1373). Triều đình sai Trung quan Trần Năng sang tế. Bấy giờ, An Nam cậy mạnh, muốn diệt Chiêm Thành, rốt cuộc lại phải táng bại. Hoàng đế sai quan dụ bảo vua trước là Thúc Minh chớ nên gây hấn chuốc họa, vì Thúc Minh mới thực là chủ việc nước vậy. Thúc Minh cống phương vật tạ tội.
Năm Hồng Vũ thứ 21 (1388) [...] Bấy giờ Quốc tướng An Nam là Lê Quý Ly trộm giữ binh quyền, phế vua nước ấy là Vĩ, không lâu sau thì giết, mà lập con của Thúc Minh là Nhật Côn lên làm chủ trong nước, nhưng vẫn mượn danh Vĩ vào cống (Nhật Côn tức là chỉ vua Trần Thuận Tông, là con út vua Nghệ Tông). Triều đình không biết mà thu nhận, qua mấy năm mới biết chuyện, bèn sai bề tôi trấn giữ ở Quảng Tây chặn không cho sứ giả sang. Quý Ly sợ, năm thứ 27 (1394) sai sứ theo đường Quảng Đông vào cống. Hoàng đế nổi giận, sai cho trách hỏi, từ chối cống phẩm. Quý Ly càng sợ, năm sau lại dùng lời lẽ dối gian vào cống. Hoàng đế tuy ghét vì tội thí nghịch, nhưng không muốn nhọc quân viễn chinh, bèn nhận cống.
Kiến Văn nguyên niên (1399), Quý Ly giết Nhật Côn, lập con Nhật Côn là Ngung, rồi lại giết Ngung, lập em là An - vẫn còn đang quấn tã, rồi lại giết đi, tàn sát tôn tộc họ Trần mà tự lập làm vua, đổi họ tên là Hồ Nhất Nguyên, đổi tên con là Thương thành Hồ Đê, nói là hậu duệ của Hồ công, dòng dõi vua Thuấn, tiếm quốc hiệu là Đại Ngu, đổi niên hiệu Nguyên Thánh. Ít lâu sau thì xưng là Thái thượng hoàng truyền ngôi cho Đê, mà triều đình không hay biết.
Chỗ này Minh sử chép sai. Nguyên các vua ta khi đưa văn thư sang Trung Quốc thường dùng tên khác so với tên thật. Nhật Côn và Ngung thực chất đều cùng là một người, tức là vua Trần Thuận Tông. Còn An tức là vua Thiếu Đế Trần An, là con của Thuận Tông chứ không phải em. Sử ta chép rằng Quý Ly giết vua Thuận Tông năm 1399 rồi lập Thiếu Đế, sang năm sau ép nhường ngôi. Vì Thiếu Đế là cháu ngoại Quý Ly nên không bị giết mà chỉ bị giáng làm Bảo Ninh đại vương.
Hồ Quý Ly, ảnh của Việt Sử Kiêu Hùng
Hồ Quý Ly, ảnh của Việt Sử Kiêu Hùng
Vĩnh Lạc nguyên niên (1403), Đê tự cho mình là Quyền lý An Nam quốc sự, sai sứ phụng biểu triều cống, nói rằng: “Thời Cao Hoàng đế (tức Minh Thái Tổ), An Nam vương Nhật Khuể quy thuận trước tiên, chẳng may mất sớm, hậu tự dứt tuyệt. Thần là cháu ngoại họ Trần, được dân chúng suy tôn, tạm quyền lo việc nước, đến nay đã bốn năm. Mong thiên ân ban cho phong tước, thần dù chết không dám hai lòng.” Việc chuyển xuống cho bộ Lễ, các bề tôi trong bộ lấy làm nghi, xin cho quan sang tra xét. Bèn mệnh cho bọn Hành nhân Dương Bột mang sắc sang dụ hỏi những bồi thần và phụ lão An Nam, xem họ Trần có người kế tự hay không, cùng việc họ Hồ được suy tôn là thực hay dối, cứ sự thực mà bẩm báo cho biết. Rồi cho cống sứ về nước, lại mệnh Hành nhân Lã Nhượng, Khâu Trí ban thưởng cho sứ An Nam vải là, lụa văn, gấm nhung. Rồi đó sứ An Nam lại theo bọn Bột về triều, dâng biểu của bồi thần và phụ lão, cũng nói như những điều đã dối Hoàng đế, mà xin ban cho Đê phong tước. Hoàng đế bèn mệnh Lễ bộ lang trung Hạ Chỉ Thiện phong cho Đê làm An Nam quốc vương. Đê sai sứ sang tại ơn, nhưng vẫn xưng đế trong nước như cũ.
[...] lại có bồi thần triều cũ là Bùi Bá Kỳ đến cửa khuyết cáo nạn, nói: “Tổ phụ của thần đều nắm quyền Đại phu, chết vì nạn nước. Mẹ thần là tộc gần của họ Trần. Cho nên, thần từ nhỏ đã hầu Quốc vương, làm quan ngũ phẩm, sau theo làm tì tướng của Võ Tiết hầu Trần Khát Chân. Cuối đời Hồng Vũ, thay Khát Chân ra chặn giặc ở biển đông. Vậy mà cha con tặc thần Lê Quý Ly giết chúa thoán ngôi, sát hại trung lương, diệt tộc họ Trần hơn một trăm mười người, anh em, vợ con thần cũng đều bị hại. Lê Quý Ly sai người bắt thần, định giết làm mắm. Thần bỏ quân trốn đi, ẩn nấp nơi sơn cốc, muốn đến nơi cửa khuyết, mà bầy hết gan mật, lăn lộn mấy năm nay, mới được thấy mặt trời. Trộm nghĩ, Quý Ly vốn là con của quan Kinh lược sứ trước đây là Lê Quốc Mao, nối đời phụng sự họ Trần, trộm được vinh sủng, đến con là Thương, cũng được đội ơn quý nhậm. Một buổi thoán đoạt, bèn đổi họ thay tên, tiếm hiệu cải nguyên, chẳng kính triều mệnh. Những kẻ trung thần lương sĩ nhức óc đau lòng, mong bệ hạ hưng binh điếu phạt, dấy nghĩa kế tuyệt, trừ diệt gian hung, lập lại cho dòng dõi họ Trần, thì thần có chết cũng không mục nát. Dám học theo lòng trung của Thân Bao Tư xưa, khóc than dưới cửa khuyết, xin bệ hạ soi xét!”
Hoàng đế xem bản tấu cảm động, mệnh cho hữu ty chu cấp cho y thực. Gặp khi Lão Qua đưa Trần Thiên Bình (theo sử ta là Trần Thiêm Bình) đến, nói rằng: “Thần, Thiên Bình, là cháu của Quốc vương Nhật Huyên trước đây, con của Trần Oảnh, em của Nhật Khuể vậy. Tên giặc họ Lê tận diệt họ Trần, thần vượt ra châu ngoài nên thoát được. Các liêu tá của thần một lòng trung nghĩa, suy tôn thần làm chúa để trừ quân giặc. Thần vừa bàn bạc việc mộ quân thì quân giặc lại tới bức, phải vội vàng bôn tẩu, ẩn núp nơi rừng núi, vạn tử nhất sinh, đến được Lão Qua. Kính nghe Hoàng đế bệ hạ lên ngôi sửa sang đại thống, nên thần mới có nơi đến theo dựa. Bò lết trải muôn dặm, tố cáo đến minh đình. Hậu duệ họ Trần chỉ còn một mình thần, thần với lũ giặc ấy chẳng thể đội trời chung. Phủ phục khẩn cầu thánh từ rủ thương, nhanh chóng ruổi sáu quân, tỏ rõ đạo trời mà đến thảo phạt.” Hoàng đế lại càng cảm động, sai hữu ty sắp đặt quán xá cho ở.
Năm Vĩnh Lạc thứ 3 (1405), triều đình sai Ngự sử Lý Kỳ, Hành nhân Vương Xu mang sắc chỉ sang trách Đê, sai đem hết thực tình chuyện thoán ngôi giết vua tâu rõ.[...] Đê sai bề tôi là Nguyễn Cảnh Chân theo bọn Kỳ về triều tạ tội, và thưa rằng chưa từng tiếm hiệu cải nguyên, xin đón Thiên Bình về nước, phụng lên làm chúa [...] Hoàng đế không nghĩ là lừa dối, bèn bằng lòng, sai Hành nhân là Nhiếp Thông mang sắc sang dụ, rằng: “Nếu quả đón Thiên Bình về, thờ làm vương, thì sẽ để ngươi giữ ngôi Thượng công, phong cho quận lớn.” Đê lại sai Cảnh Chân theo bọn Thông về bẩm mệnh, và đón Thiên Bình. Thông ra sức nói rằng Đê thành thực đáng tin, Hoàng đế bèn cho Thiên Bình về nước, sai Quảng Tây tả, hữu phó tướng quân là Hoàng Trung, Lã Nghị đem năm ngàn quân theo hộ tống.
Năm Vĩnh Lạc thứ 4 (1406), Thiên Bình đến dưới bệ rồng từ biệt, Hoàng đế bèn ban tặng hậu hĩ, sắc phong cho Đê làm Thuận Hóa quận công, được ăn lộc của tất cả các châu huyện sở thuộc. Tháng Ba, bọn Trung hộ tống Thiên Bình vào ải Kê Lăng, sắp đến Cần Trạm thì phục binh của Đê đổ ra giết Thiên Bình, bọn Trung thua chạy về. Hoàng đế nổi giận, vời bọn Thành Quốc công Chu Năng đến mưu tính, quyết ý thảo phạt. Tháng Bảy, mệnh cho Năng đeo ấn Chinh di tướng quân, sung làm Tổng binh quan. Tây Bình hầu Mộc Thạnh đeo ấn Chinh di phó tướng quân, làm tả phó tướng quân. Tân Thành hầu Trương Phụ làm Hữu phó tướng quân. Phong Thành hầu Lý Bân, Vân Dương bá Trần Húc làm tả hữu tham tướng, đôn đốc quân đội nam chinh. Năng đến Long Châu thì bị bệnh chết, Phụ lên thay đem quân đội vào ải Pha Lũy, An Nam, truyền hịch kể hai mươi tội lớn của cha con Hồ Nhất Nguyên, dụ bảo người trong nước giúp cho việc lập lại con cháu họ Trần. Quân đi đến Cần Trạm, bèn làm cầu phao ở Xương Giang để qua sông. Quân tiên phong đi đến huyện Gia Lâm ở phía bắc sông Phú Lương, còn Phụ từ phía tây Cần Trạm đi theo đường khác đến huyện Tân Phúc, phủ Bắc Giang, dò thám thấy quân của Thạnh, Bân cũng đã từ Vân Nam đến Bạch Hạc, bèn sai Phiêu kỵ tướng quân Chu Vinh đến hội binh. Bấy giờ bọn Phụ chia đường tiến quân, đi tới đâu cũng đều hạ được cả. An Nam bèn men theo sông dựng trại, đắp thêm thành đất ở ải Đa Bang, thành và trại nối liền đến hơn chín trăm dặm, đem cả dân phía bắc sông hơn hai trăm vạn trấn giữ. Các cửa sông bể đều đóng cọc gỗ, ở Đông Đô đang đóng giữ, canh phòng rất nghiêm ngặt, quân thủy lục có tất cả bảy trăm vạn, định rằng cầm giữ lâu ngày để quân triều đình phải mệt nhọc.
Các con số “hai trăm vạn”, “bảy trăm vạn” ở đây dĩ nhiên là Minh sử phóng đại quá lớn. Xét việc dân số nước ta ở đầu thế kỷ 15 nhiều lắm được 4-5 triệu (có khi còn ít hơn) thì không thể có những con số như thế được.
Bọn Phụ bèn dời doanh đến cửa sông ở chợ Cá Chiêu, châu Tam Đới đóng chiến hạm. Hoàng đế lo là quân An Nam dùng kế hoãn binh, để đợi quân triều đình mắc phải hơi chướng độc, truyền chỉ cho bọn Phụ đến xuân năm sau tất phải diệt xong. Tháng Mười hai, Thạnh đến bờ bắc sông Thao, đối lũy với thành Đa Bang. Phụ sai Húc đánh châu Thao Giang, làm cầu phao cho quân qua sông, bèn cùng đến dưới thành, đánh hạ được. Quân An Nam chỉ cậy vào một thành này, nay đã bị phá, bèn sợ hãi mất mật. Đại quân theo sông Phú Lương đi xuống phía nam, bèn đánh thẳng vào Đông Đô. Quân An Nam bỏ thành chạy, đại quân bèn vào đóng giữ, rồi tiến bức Tây Đô. Quân An Nam thiêu hủy cung thất, xuống thuyền chạy ra biển. Các quận huyện đều nối nhau nạp khoản, nơi nào kháng cự liền đánh phá cả. Sĩ dân đều dâng thư kể tội ác của họ Lê (tức chỉ Hồ Quý Ly), mỗi ngày có tới hàng trăm.
Trận Đa Bang, ảnh của Việt Sử Kiêu Hùng
Trận Đa Bang, ảnh của Việt Sử Kiêu Hùng
Năm Vĩnh Lạc thứ 5 (1407), tháng Giêng, đại phá quân Quý Ly ở sông Mộc Hoàn, tuyên chiếu tìm hỏi con cháu họ Trần. Vì thế có tới hơn một ngàn một trăm hai mươi kỳ lão đến cửa quân, nói: “Họ Trần đã bị Lê tặc giết hết, không còn ai có thể kế nối được. An Nam vốn là đất của Trung quốc, xin lại cho nhập vào bản đồ, giống như nội quận.” Bọn Phụ tâu lên. Không lâu sau thì đại phá được quân giặc ở sông Phú Lương. Cha con Quý Ly đem theo mấy chiếc thuyền bỏ trốn. Các quân theo cả hai đường thủy lục truy đuổi, đến huyện Trà Lung, biết Quý Ly chạy vào Nghệ An, bèn theo sông Cử Quyết, đuổi đến cửa biển Kỳ La, châu Nhật Nam, mệnh cho Liễu Thăng đuổi theo ra biển. Quân giặc mấy lần bị thua, không thể ra quân được nữa. Tháng Năm thì bắt được Quý Ly cùng ngụy Thái tử ở núi Cao Vọng, An Nam bèn hoàn toàn bình định. Quần thần bèn xin theo như lời các bậc kỳ lão, mà đặt quận huyện.
Mồng một tháng Sáu, ban chiếu bố cáo thiên hạ, đổi An Nam thành Giao Chỉ [...] Chính sự hà khắc của họ Lê đều bãi bỏ tất cả, những người bị hình ngục thảy đều tha miễn, lấy lễ đãi ngộ những người tuổi cao đức lớn [...] Những người xuất sắc có tài đức thì cho đưa về kinh. Lại xuống chiếu tìm hỏi những người ẩn dật nơi sơn lâm, minh kinh bác học, hiền lương phương chính, hiếu đễ chăm chỉ, thông minh chính trực, nhiều tài hay giúp, thành thạo việc quan, tinh thông thư toán, tập hiểu binh pháp cùng dung mạo khôi ngô, nói viết lưu loát, có sức dũng cảm, âm dương thuật số, bắt mạch bốc thuốc… thảy đều lấy lễ hậu đãi, đưa về kinh sư bổ dụng. Vì vậy, bọn Trương Phụ trước sau đã tấu cử hơn chín ngàn người.
Tháng Chín, cha con Quý Ly, Thương bị cầm tù đem về dưới cửa khuyết, cùng với những tướng văn tướng võ ngụy quan là bọn Hồ Đỗ, đều giao cho hữu ty xử trí. Xá tôi cho em của Thương là Vệ quốc đại vương Trừng, và con là Nhuế, sai hữu ty cấp cho ăn mặc.

THỜI KỲ THUỘC MINH

KHỞI NGHĨA HẬU TRẦN

Năm Vĩnh Lạc thứ 6 (1408) [...] Quan lại cũ người họ Trần có kẻ là Giản Định (tức là Trần Ngỗi, xưng là Giản Định Đế), ra hàng trước tiên, nhưng khi sắp sai đưa đến kinh sư thì bèn cùng đồ đảng là Trần Hy Cát bỏ trốn, cùng với ngụy quan ở Hóa Châu là bọn Đặng Tất, Nguyễn Soái mưu loạn. Định bèn tiếm hiệu, cải niên hiệu là Hưng Khánh, đặt tên nước là Đại Việt. Ra vào nơi núi rừng ở Nghệ An, Hóa Châu. Đợi đại quân quay về, liền ra đánh bãi Bàn Than, Hàm Tử quan, chặn đường cái quan ra vào phủ Tam Giang, cướp địa phận lân cận Giao Châu. Các châu huyện như Từ Liêm, Uy Man, Thượng Hồng, Thiên Đường, Ứng Bình, Thạch Thất đều hưởng ứng. Tướng trấn thủ nhiều lần ra đánh dẹp, đều không được. Nghe được tin về việc ấy, triều đình sai Mộc Thạnh làm Chinh di tướng quân, thống lĩnh bốn vạn quân Vân Nam, Quý Châu, Tứ Xuyên, từ Vân Nam sang đánh dẹp. Thạnh sai sứ mang sắc chiêu hàng, cho được nối đời phong quan, nhưng giặc không nghe. Thạnh đánh nhau với giặc ở sông Sinh Quyết, bị đại bại, Lã Nghị và Tham tán thượng thư Lưu Tuấn chết trận.
Năm Vĩnh Lạc thứ 7 (1409), văn thư cáo bại gửi về, triều đình lại điều thêm bốn vạn bảy ngàn quân từ Nam Kỳ, Triết Giang, Giang Tây, Phúc Kiến, Hồ Quảng, Quảng Đông, Quảng Tây, theo Anh quốc công Trương Phụ xuất chinh. Phụ cho quân giặc dựa vào sông bể, không lợi dùng lục quân, bèn đóng ở Tiên Du, Giang Bắc, đóng nhiều chiến thuyền, lại yên vỗ những người gặp loạn lạc phải lưu tán, bèn liên tiếp phá các doanh trại giặc ở Từ Liêm, Quảng Oai. Do thám được đồ đảng giặc là Đặng Cảnh Dị (có lẽ chính là tướng Nguyễn Cảnh Dị) đang chặn ở cầu Thái Bình, sông Lô Độ, châu Nam Sách, Phụ bèn cho tiến binh đến Hàm Tử quan. Ngụy Kim ngô tướng quân Nguyễn Thế Mỗi đem hai vạn quân, lập doanh trại ở bờ đối diện, sắp thuyền hơn sáu trăm chiếc, đóng cọc ở phía đông nam để che chắn. Bấy giờ là tháng Tám, gió tây bắc thổi mạnh, Phụ đôn đốc bọn Trần Húc, Chu Quảng, Du Nhượng, Phương Chính dong thuyền cùng tiến, pháo, tên, bắn ra tới tấp, chém được ba ngàn thủ cấp, bắt sống được bọn Ngụy giám môn tướng quân Phan Đê hơn hai trăm người, thu hơn bốn trăm chiếc thuyền. Bèn tiến đánh Cảnh Dị, Cảnh Dị bỏ chạy trước, bèn bình định các phủ Giao Châu, Giang Bắc, Lạng Giang, Tân An, Kiến Xương, Trấn Man. Đuổi theo phá Cảnh Dị ở cửa biển Thái Bình, bắt được đồ đảng là Phạm Tất Lật.
Khi ấy, bọn Nguyễn Soái suy tôn Giản Định lên làm Việt thượng hoàng, lại lập Trần Quý Khuếch (tức là Trần Quý Khoáng) làm vua, đổi niên hiệu là Trùng Quang. Rồi bèn sai sứ tự xưng là cháu của An Nam vương trước đây, xin được phong tước. Phụ quát lôi ra chém, rồi theo lối Hoàng Giang, A Giang, qua cửa biển Đại An đến sông Phúc Thành, chuyển vào cửa biển Thần Đầu, hủy hết những cọc gỗ mà giặc đã đóng. Hơn mười ngày thì đến Thanh Hóa, quân thủy lục cùng hội cả. Giản Định đã chạy đến Diễn Châu, còn Quý Khuếch chạy vào Nghệ An. Bọn Soái, Cảnh Dị cũng chia tán. Do vậy, Phụ bèn đóng quân lại, đi bắt những dư đảng giặc. Định chạy đến trại Cát Lợi, huyện Mỹ Lương, bọn Phụ truy đuổi đến cùng gặp được. Định chạy vào núi, Phụ lùng tìm không được, bèn vây chặt, Định cùng bọn ngụy tướng văn võ Trần Hy Cát, Nguyễn Như Lệ, Nguyễn Yến đều bị bắt cả [...]
Tháng Năm, Mộc Thạnh đuổi Quý Khuếch đến Ngu Giang, quân giặc bỏ trại trốn. Đuổi đến huyện Cổ Linh, kịp tới cửa biển Hội Trào, Linh Trường, chém đầu hơn ba ngàn tên, bắt được ngụy tướng quân Lê Lộng. Quý Khuếch quẫn bách, phụng biểu xin hàng. Hoàng đế trong lòng biết rõ là dối trá, nhưng vẫn tạm ưng cho [...]
Năm Vĩnh Lạc thứ 9 (1411). Chiếu ban xuống rồi, nghĩ đến giặc không có lòng sửa lỗi, lại sai Phụ đốc hai vạn bốn ngàn quân hợp với quân của Thạnh đánh dẹp. Quân giặc chiếm cứ sông Nguyệt Thường, đóng cọc hơn bốn mươi trượng, hai bờ đặt trại suốt hai, ba dặm, sắp hơn ba trăm chiếc thuyền, đặt mai phục ở bên hữu núi. Mùa thu, bọn Phụ, Thạnh thủy lục cùng tiến binh. Bọn Nguyễn Soái, Hồ Cụ, Đặng Cảnh Dị, Đặng Dung đến chống [...] Giặc  đại bại, bọn Soái đều tan chạy. Bắt sống được bọn ngụy tướng quân Đặng Tông Tắc, Lê Đức Di, Nguyễn Trung, Nguyễn Hiên, thu một trăm hai mươi chiếc thuyền. Phụ bèn đốc thúc thủy quân tiễu trừ Quý Khuếch [...]
Một số giáp phục của kỵ binh nhà Minh, ảnh của 防弾乳牛
Một số giáp phục của kỵ binh nhà Minh, ảnh của 防弾乳牛
Năm Vĩnh Lạc thứ 10 (1412), Phụ đốc bọn Phương Chính đánh thuyền giặc ở biển Thần Đầu, phá tan được, bắt bọn ngụy tướng quân Trần Lỗi, Đặng Nhữ Hí. Bọn Nguyễn Soái bỏ trốn, đuổi theo không kịp. Quân Phụ đến Thổ Hoàng, Nghệ An, bọn ngụy Thiếu bảo Phan Quý Hựu xin hàng, đem ngụy quan mười bảy người đến gặp [...]
Năm Vĩnh Lạc thứ 11 (1413), Phụ cùng Thạnh hợp binh đến Thuận Châu. Bọn Nguyễn Soái đặt quân phục ở sông Ái Tử, mà chiếm cứ nơi hiểm yếu ở núi Côn Truyền, bày trận voi để đối địch. Các quân đại phá được, bắt sống bọn ngụy Tướng quân Phan Kính, Nguyễn Từ năm mươi sáu người, đuổi đến sông Ái Mẫu. Giặc tan vỡ, em Đặng Dung là ngụy hầu Đặng Thiết cùng tướng quân Phan Lỗ, Phan Cần đều hàng cả.
Năm Vĩnh Lạc thứ 12 (1414), Phụ tiến quân đến Chính Hòa. Tướng giặc Hồ Đồng ra hàng, nói rằng: ngụy Đại tướng quân Cảnh Dị dẫn bọn đồng đảng Lê Thiềm bảy trăm người trốn đến trại Côn Bồ của người man Xiêm. Phụ bèn tiến quân đến sông La Mông, bỏ ngựa đi bộ, kịp tới nơi thì giặc đã trốn khỏi đó. Đuổi tiếp đến trại Sất Bồ Nại, chúng lại trốn. Ngay đêm tối, Phụ đi hơn hai mươi dặm, nghe tiếng trống cầm canh, Phụ dẫn bọn Chính ngậm tăm đi nhanh, sáng sớm thì đến trại Sất Bồ Cán, phía bắc sông, giặc vẫn còn đóng trại ở bờ nam. Quân quân qua sông vây chặt, bắn tên trúng sườn Cảnh Dị, bắt được. Dung cùng em là Doãn đào vong, quan quân đuổi theo, bắt được hết quân Soái ở đất man Xiêm, bắt nhiều người Xiêm lùng khắp các núi, bắt được gia quyến của bọn Soái và Quý Khuếch. Soái trốn đến châu Nam Linh, nhờ cậy Thổ quan Nguyễn Trà Vựng. Chỉ huy Tiết Tụ đuổi bắt được Soái, chém Trà Vựng. Khi trước, lúc Đặng Dung bị bắt, Quý Khuếch trốn đến núi Trúc Bài, Nghệ Anh. Phụ sai Đô chỉ huy Sư Hựu tập kích, Quý Khuếch lại chạy sang Lão Qua. Hựu nối gót đuổi theo sau, Lão Qua sợ quan quân giày xéo nước mình, xin tự trói Quý Khuếch đem nộp. Phụ truyền hịch truy lùng, lệnh cho Hựu tiến quân vào sâu, hạ được ba ải, đến Kim Lăng Cá, đảng giặc đều chạy cả, bèn bắt được Quý Khuếch cùng em là ngụy Tướng quốc Hoan quốc vương Quý Tản, những quân giặc khác đều dẹp yên cả.

KHỞI NGHĨA LAM SƠN

Năm Vĩnh Lạc thứ 13 (1415), tháng Hai, bọn Phụ, Thạnh rút quân về kinh. Tháng Tư, Hoàng đế lại sai Phụ đeo ấn Chinh di tướng quân sang trấn giữ. Năm thứ 14 (1416) thì gọi về.
Năm Vĩnh Lạc thứ 15 (1417), mệnh Phong Thành hầu Lý Bân xuống thay trấn giữ. 
Người Giao Chỉ vốn thích làm loạn. Trung quan Mã Kỳ nhân việc thu gom sản vật đến Giao Châu, ra sức đòi những thứ trân bảo ở đất ấy, khiến dân tình tao động, những kẻ hung hãn bèn nhân xúi giục, đến khi đại quân vừa quay về, liền lập tức cùng nhau nổi dậy [...]
Năm Vĩnh Lạc thứ 18 (1420) [...] Lại giáng chỉ trách Bân rằng: “Bọn phản tặc Phan Liêu, Lê Lợi, Xa Tam, Nùng Văn Lịch đến nay chưa bắt được, quân sĩ đến khi nào mới được nghỉ, dân chúng đến khi nào mới được an? Nên rộng tìm phương sách, nhanh chóng dẹp yên tấy báo triều đình.” Bân sợ hãi, đốc các tướng truy lùng trừ diệt. Mùa thu năm sau, quân phản tặc thảy đều bị phá diệt, duy có Lê Lợi thì chưa bắt được.
Lợi ban đầu theo Trần Quý Khuếch làm Kim ngô tướng quân, sau quy thuận triều đình, được dùng làm Tuần kiểm huyện Nga Lạc, phủ Thanh Hóa, trong lòng ấm ức bất đắc chí. Kịp khi đại quân quay về, Lợi bèn làm phản, tiếm xưng là Bình Định vương, lấy em là Lê Thạch làm Tướng quốc [...] Các tướng Phương Chính, Sư Hựu tiễu trừ, bắt được bọn ngụy Tướng quân là Nguyễn Cá Lập, Lợi trốn sang Lão Qua ẩn núp. Kịp khi bọn Chính quay về, Lợi lẻn ra, giết Tuần kiểm Ngọc Cục, rồi lại ra cướp Lỗi Giang, mỗi khi bị truy kích liền bỏ trốn. Tới khi các toán giặc cướp đều bị diệt hết, Lợi càng nấp kín.
Năm Vĩnh Lạc thứ 20 (1422), Bân chết, triều đình chiếu cho Trần Trí thay Bân.
Năm Vĩnh Lạc thứ 21 (1423), Trí đuổi Lợi ở huyện Xa Lai châu Ninh Hóa, đánh bại được, Lợi lại trốn đi xa. Mùa thu năm sau, Trí tâu rằng, Lợi ban đầu trốn sang Lão Qua, sau bị đuổi quay về Khôi Huyện. Quan quân tiến đánh, bọn đầu mục là Phạm Ngưỡng đem trai gái một ngàn sáu trăm người ra hàng. Lợi tuy xin được cho hàng, nguyện đem bộ hạ đến theo, nhưng lại dừng ở Nga Lạc không ra, không ngừng chế tạo đồ binh khí, khiến quan quân thế tất phải tiến binh. Tâu tới triều đình, gặp khi Nhân Tông vừa lên ngôi đại xá thiên hạ, bèn sắc cho Trí khá yên vỗ Lợi, nhưng Lợi đã cướp được châu Trà Lung, đánh bại quân Phương Chính, giết chỉ huy Ngũ Vân.
Khi Lợi còn chưa phản, rất thân thiết với Trung quan trấn thủ là Sơn Thọ. Đến bấy giờ, Thọ về triều, ra sức nói rằng Lợi với minh rất tin cậy nhau, nay đến chiêu dụ, Lợi tất sẽ về theo. Hoàng đế nói: “Bọn giặc này rất xảo trá, nếu bị chúng lừa dối, thì thế chúng sẽ càng mạnh, không dễ khống chế đâu.” Thọ khấu đầu nói: “Nếu như thần đến dụ mà Lợi không tới, thì thần xin chịu tội muôn chết.” Hoàng đế gật đầu, sai Thọ đem sắc đến cho Lợi làm Thanh Hóa Tri phủ, úy dụ rất ân cần. Sắc vừa giáng xuống, thì Lợi đã cướp Thanh Hóa, giết Đô chỉ huy Trần Trung. Lợi nhận sắc chỉ, không có ý hàng, nhưng liền mượn cớ ấy mà đánh lừa những quan trấn thủ các nơi, nói phao rằng đợi đến mùa thu mát mẻ sẽ đi nhận chức quan, trong khi vẫn đánh cướp không ngớt [...] Trí được ban ấn Chinh di phó tướng quân, lại sai An Bình bá Lý Ninh đến giúp. Trí không có tài làm tướng, sợ giặc, nhân mượn cớ phủ dụ để dối triều đình, vả lại trái ý với Phương Chính, bèn đóng quân không tiến. Quân giặc càng không sợ hãi gì cả, lại vây Trà Lung, mà bọn Trí chỉ ngồi nhìn không cứu. Trải bảy tháng, trong thành lương cạn, Tuần phủ ngự sử báo tin lên, bản tấu tới triều đình thì gặp lúc Nhân Tông băng. Tuyên Tông lên nối ngôi, có sắc chỉ trách Trí cùng các quan tham ty. Bọn Trí cũng không để lòng, Trà Lung bèn bị hãm, Tri châu Cầm Bành chết. Thượng thư nắm hai ty Bố, Án là Trần Hiệp tâu: “Lợi tuy xin hàng, nhưng giữ hai lòng, hãm Trà Lung rồi, lại kết giao với thổ quan Ngọc Ma, tù trưởng Lão Qua để cùng làm việc xấu. Mới đầu thì nói đợi mùa thu mát mẻ, nay thu đã qua, lại nói rằng có oán với Tham chính Lương Nhữ Hốt, xin đổi nhận châu Trà Lung, nhưng vẫn sai bọn nghịch đảng Phan Liêu, Lộ Văn Luật đến các châu Gia Hưng, Quảng Oai chiêu tập đồ chúng, thế ngày càng lan xa. Xin mệnh cho người thống lĩnh quân đội mau chóng tiễu trừ.” Tấu dâng lên, triều đình giáng sắc thậm trách, ra hạn xuân năm sau phải bình định quân giặc. Khi ấy Trí mới lo sợ, cùng Chính tiến bức ải Khả Lưu, bị thua quay về, đến Trà Lung lại thua. Chính dũng mãnh nhưng kém mưu, Trí khiếp nhược mà hay đố kỵ, vốn vẫn bất hòa với nhau, mà Sơn Thọ thì chuyên ý chiêu dụ, giữ quân ở Nghệ An không cứu, vì thế quân nhiều lần thua bại.
Quân Lam Sơn, ảnh của Việt Sử Kiêu Hùng
Quân Lam Sơn, ảnh của Việt Sử Kiêu Hùng
Tuyên Đức nguyên niên (1426), triều đình biết chuyện, lại giáng sắc chỉ trách mắng. Bấy giờ giặc đẩu sỏ chưa bình định, mà bọn giặc cỏ lại nổi lên như ong [...] Hoàng đế sắc cho Mộc Thạnh đánh dẹp Ninh Viễn, lại phát binh các vệ ở Tây Nam một vạn năm ngàn người, cùng ba ngàn tay nỏ đến Giao Chỉ, lại sắc cho Lão Qua không được dung nạp những kẻ làm phản.
Tháng Tư, mệnh cho Thành Sơn hầu Vương Thông làm Chinh di tướng quân, Đô đốc Mã Anh làm Tham tướng, sang đánh Lê Lợi. Lột chức của Trần Trí, Phương Chính sung làm sự quan. Thông còn chưa tới, thì quân giặc đã phạm Thanh Hóa. Chính không ra đánh, Đô chỉ huy Vương Diễn đánh bại được. Triều đình xuống chiếu đại xá cho những người có tội ở Giao Chỉ, Lê Lợi, Phan Liêu ra hàng sẽ được trao chức tước; dừng việc thu gom vàng bạc, hương liệu, mong là có thể dụ nhử được quân giặc, nhưng chúng vẫn không có ý hối lỗi. Chính đôn đốc các quân tiến đánh, Lý An cùng bọn đô chỉ huy Vu Toản, Tạ Phượng, Tiết Tụ, Chu Quảng chạy trước, vì vậy Chính bèn bại, đều bị biếm làm sự quan, đợi lập công chuộc tội [...] Thông nghe tin, cũng chia quân ba đường xuất kích. Mã Anh đánh bại quân giặc ở Thanh Oai, đến Thạch Thất hội với Thông, cùng đến Ninh Kiều, Ứng Bình. Quân sĩ lặn lội bùn lầy đi, gặp quân phục binh giặc, nên đại bại. Thượng thư Trần Hiệp chết, Thông cũng trúng tên ở sườn, phải quay về.
Lợi ở Nghệ An nghe tin, dong trống tiến đến Thanh Đàm, tiến công Giang Bắc, rồi vây Đông Quan. Thông vốn không có chiến công gì, do cha là Vương Chân chết vì việc nước nên được phong tước. Triều đình không biết là kẻ tầm thường, nên đã dùng lầm, nay đánh một trận bị thua, thì kinh tâm mất mật, mọi cử động đều sai lỗi, không vâng theo triều mệnh, tự ý cắt đất từ Thanh Hóa về phía nam cho giặc, rút hết quan lại nhân dân về Đông Quan. Chỉ có Thanh Hóa tri châu La Thông không nghe theo, Lợi đưa quân đến đánh không hạ được. Giặc chia quân một vạn người vây Ải Lưu quan, Bách hộ Vạn Tông ra sức đánh, chúng bèn lui. Hoàng đế nghe tin Thông thua, sợ lắm, mệnh An Viễn hầu Liễu Thăng làm tổng binh, Bảo Định bá Lương Minh làm phó, đem quân chinh thảo. Lại sai Mộc Thạnh làm Chinh nam tướng quân, Hưng An bá Từ Hanh, Tân Ninh bá Đàm Trung làm tả, hữu phó tướng quân, theo đường Vân Nam tiến binh, tổng cộng hai cánh quân là hơn bảy vạn người. Lại sắc cho Thông cố thủ để đợi Thăng.
Năm Tuyên Đức thứ 2 (1427), Lợi tiến đánh Giao Châu. Thông cùng giao chiến, chém được ngụy Thái giám Lê Bí cùng các quan Thái úy, Tư đồ, Tư không, được hàng vạn thủ cấp. Lợi vỡ mật chạy trốn, các tướng xin thừa thế đuổi theo, nhưng Thông dừng lại ba ngày.
Chỗ này Minh sử chép nhầm, vì Lê Bí còn sống và đến năm 1429 được phong Huyện hầu. Còn việc quân Lam Sơn bị trúng phản công của quân Minh là có, nhưng không đến nỗi thiệt hại hàng vạn người. Có điều là Đinh Lễ tử trận, Nguyễn Xí thì bị bắt, nhưng sau trốn về được. 
Giặc biết là Thông có ý sợ, lại lập trại ở Tuấn Hào, ra đánh cướp xung quanh. Tháng Ba, lại phát ba vạn ba ngàn người, theo Liễu Thăng, Mộc Thạnh chinh thảo. Giặc chia quân vây Khâu Ôn, Đô chỉ huy Tôn Tụ ra sức chống cự. Lúc trước, giặc cho Xương Giang là con đường trọng yếu của đại quân qua lại, mới đem quân hơn tám vạn người đến đánh, bọn Đô chỉ huy Lý Nhậm ra sức chống giữ, giết giặc rất nhiều. Trải chín tháng, các tướng trông chừng không cứu, giặc sợ đại quân của Thăng tới, ra sức đánh. Mùa hạ, tháng Tư, thành bị hãm, Nhậm chết. Bấy giờ, giặc vây Giao Châu đã lâu, Thông đóng cửa thành không dám ra, giặc càng khinh dễ, gửi thư xin hòa. Thông định bằng lòng, tập hợp chúng tướng bàn bạc. Án sát sứ Dương Thời Tập nói: “Phụng mệnh dẹp giặc, lại cùng giảng hòa, mà tự ý lui quân, thì sao tránh khỏi tội!” Thông nổi giận, lớn tiếng quát mắng, mọi người không ai dám nói nữa, bèn đem thư của Lợi bẩm lên triều đình.
Thăng phụng mệnh đã lâu, đợi các quân tập hợp, tháng Chín mới đến Ải Lưu quan. Lợi đã có lời hứa của Thông, bèn nói dối là họ Trần vẫn còn dòng dõi, đem nhưng đầu mục lớn nhỏ đến chỗ quân Thăng, xin bãi binh, để lập hậu duệ họ Trần. Thăng không mở thư, sai sứ tâu về triều. Không lâu, Thăng tiến binh đến dốc Đảo Mã, bị giặc vây hãm, chết trận. Hậu quân đến sau cũng nối nhau chết cả. Thông nghe tin, sợ lắm, tập hợp cả dân quân quan lại, ra sông Hạ Tiếu, lập đàn cùng Lợi minh thệ, hẹn lui quân. Bèn sai quan cùng với sứ giả giặc phụng biểu cùng phương vật dâng tiến. Quân Mộc Thạnh đến Thủy Vĩ, đóng thuyền chuẩn bị tiến binh, thì nghe tin Thông đã nghị hòa, cũng dẫn quân lui, giặc thừa thế đuổi đánh, bèn đại bại.
Chân dung Lê Thái Tổ, ảnh của <a href="https://www.facebook.com/suongkhoidongkinh2019">Sương Khói Đông Kinh</a>
Chân dung Lê Thái Tổ, ảnh của Sương Khói Đông Kinh
Hồng Lô tự dâng thư của giặc gửi cho Thăng, đại lược rằng: “Cao Hoàng đế lên ngôi, An Nam triều cống trước tiên, đặc biệt được ơn khen thưởng, tặng cho ấn ngọc. Về sau Lê tặc thoán ngôi giết vua, Thái Tông Hoàng đế hưng binh trừ diệt, tìm kiếm con cháu họ Trần. Khi ấy họ Trần lánh nạn ở nơi xa, cho nên không ai nghe được tới tìm kiếm. Nay có di huệ là Trần Cảo, lánh mình ở Lão Qua đã hai mươi năm, nhân dân nước tôi không quên ơn huệ tiên vương, đã tìm kiếm được. Nếu được nhờ ơn ngài truyền đạt tới triều dinh, theo như minh chiếu giúp họ Trần kế tuyệt của Thái Tông Hoàng đế, trả lại cho tước phong, cương thổ, thì chẳng phải chỉ may mắn cho một tôn tộc họ Trần, mà thực là may mắn cho ức vạn sinh dân ở đất man này vậy.” [...] Hoàng đế trong lòng đã biết là dối trá, nhưng muốn nhân đó nghỉ việc binh, bèn nhận lời. Trước kia, khi Hoàng đế lên ngôi, cùng nói chuyện với Dương Sĩ Kỳ, Dương Vinh về việc ở Giao Chỉ, đã muốn bỏ ngay. Đến đây, đem biểu tấu cho đình thần xem, mà dụ cho biết ý muốn bãi binh cho dân được nghỉ. Bọn Sĩ Kỳ, Vinh ra sức tán đồng, chỉ có Kiển Nghĩa và Hạ Nguyên Cát không đồng tình. Nhưng ý Hoàng đế đã quyết, đình thần không dám tranh biện nữa. 
Mồng một tháng Mười một, mệnh Lễ bộ tả thị lang Lý Kỳ, Công bộ hữu thị lang La Nhữ Kính làm chánh sứ, Hữu thông chính Hoàng Ký, Hồng lô khanh Từ Vĩnh Đạt làm phó sứ, mang chiếu phủ dụ nhân dân An Nam, đều tha tội hết, cho được canh tân, sai tâu rõ thực tình về chuyện hậu duệ của họ Trần. Nhân sắc cho Lợi biết rõ về ý hưng diệt kế tuyệt, và dụ bảo Thông cùng các quan tam ty, rút hết quân dân về bắc. Chiếu chưa tới nơi, Thông đã bỏ Giao Chỉ, theo đường bộ về Quảng Tây, Trung quan Sơn Thọ, Mã Kỳ, cùng các thủ, lệnh tam ty, theo đường thủy về Khâm Châu. Phàm số về được chỉ có tám vạn sáu ngàn người, số bị giặc giết và câu lưu không thể kể hết được. Cả thiên hạ đều ghét Thông bỏ đất, hại dân, nhưng Hoàng đế cũng không lấy làm tức giận vậy.
Năm Tuyên Đức thứ 3 (1428), mùa hạ, bọn Thông về đến kinh sư, các bề tôi văn võ cùng tấu tội trạng, triều đình xét hỏi, đều vâng phục cả. Thông cùng với Trần Trí, Mã Anh, Phương Chính, Sơn Thọ, Mã Kỳ và Bố chính sứ Dặc Khiêm đều bị luận tội chết, hạ ngục, tịch biên cả nhà. Hoàng đế rốt cục không giết, chỉ cho giữ lại đợi phán quyết mà thôi.
Phần 2 tạm kết ở đây, phần 3 - cũng là phần cuối, sẽ gồm những ghi chép về các triều đại Lê Sơ, Mạc, Lê Trung hưng, Tây Sơn và Nguyễn.