Ảnh minh họa quân đội thời Lê Trung hưng của <a href="https://www.facebook.com/warm21">Ấm Chè</a>
Ảnh minh họa quân đội thời Lê Trung hưng của Ấm Chè

MỞ ĐẦU

Trong suốt chiều dài mấy ngàn năm lịch sử, mối quan hệ giữa Việt Nam và Trung Quốc luôn là một đề tài quan trọng và xuyên suốt đối với cả hai nước. Chính vì lẽ đó, các tư liệu liên quan đến Việt Nam được người Trung Quốc ghi chép và lưu lại khá nhiều. Chắc hẳn nhiều người cũng đã từng thắc mắc: Người Trung Quốc viết về Việt Nam trong sử sách như thế nào? Đây là một đề tài rất thú vị, và trong khuôn khổ bài viết này, xin được giới thiệu sơ lược về những ghi chép liên quan đến Việt Nam có trong sách sử Trung Quốc. Nội dung bài viết được trích từ hai cuốn sách “An Nam truyện - Ghi chép về Việt Nam trong chính sử Trung Quốc xưa”“Việt kiệu thư”, đều do dịch giả Châu Hải Đường thực hiện.
“An Nam truyện - Ghi chép về Việt Nam trong chính sử Trung Quốc xưa” là một cuốn sách gồm các nội dung liên quan đến nước ta trong các bộ chính sử Trung Quốc. Cụ thể là các bộ: Sử ký, Hán thư, Hậu Hán thư, Tam Quốc chí, Tấn thư, Tống thư, Nam Tề thư, Lương thư, Trần thư, Tùy thư, Cựu Đường thư, Tân Đường thư, Tân Ngũ Đại sử, Tống sử, Nguyên sử, Minh sử, Thanh sử cảo.
“Việt kiệu thư” là một bộ tư sử do Lý Văn Phượng làm quan thời Gia Tĩnh đế Minh Thế Tông biên soạn. Nội dung thì bên cạnh những ghi chép về Việt Nam trong các bộ chính sử, còn chứa nhiều thông tin đáng giá về địa lý, phong tục, dân sinh. Ngoài ra cũng chứa nhiều chiếu, sắc chỉ của các vua Minh trong quá trình xâm lược nước ta.
Trước khi vào bài, cũng nên lưu ý rằng vì là ghi chép từ sách sử Trung Quốc, cho nên các quan điểm, ngôn ngữ hay cách hành văn cũng đều là của các sử gia Trung Quốc xưa. Do đó, quan điểm chung là chỉ coi Việt Nam là một nước phiên bang chư hầu nhỏ bé. Các cuộc khởi nghĩa trong thời kỳ Bắc thuộc đều coi là “làm phản”, quân ta đều bị gọi là “giặc”. Việc lập quốc, xưng đế của các vua ta đều bị coi là “tiếm xưng đế hiệu”, và các hoàng đế Trung Hoa đều chỉ coi các vua Việt Nam là vương chư hầu. Mà thực tế là dù đã chính thức độc lập từ năm 938 khi Ngô Quyền đánh bại quân Nam Hán và xưng vương, nhưng mãi đến năm 1164 - tức là hơn 200 năm sau, nhà Tống mới chính thức phong vua Lý Anh Tông làm An Nam quốc vương, đổi Giao Chỉ làm An Nam quốc. Tức là phải đến lúc đó, Trung Quốc mới thực sự coi nước ta là một nước độc lập, còn trước đó chỉ coi ta ngang với quận huyện, và cũng chỉ phong vua nước ta làm Giao Chỉ quận vương mà thôi.
Bài viết sẽ được phân theo các mục ứng với các thời kỳ, triều đại và sự kiện lớn của Việt Nam, và dẫn ra ghi chép tương ứng của các triều đại Trung Quốc.

TRƯỚC THỜI BẮC THUỘC CHO ĐẾN NHÀ TRIỆU

CỔ ĐẠI

Nghiêu sai Hi Thúc ra ở Nam Giao, ấy tức là đất Lạc Việt. Thuấn mệnh cho Vũ vỗ yên đất Giao Chỉ ở phía nam. Cái tên Giao Chỉ đã có lai lịch từ rất lâu đời vậy. Xét trong Vương chế có câu: “Nam phương viết man; Điêu đề Giao Chỉ”. Ấy bởi, “đề” tức là trán; “điêu” là nói khắc vào da rồi lấy màu xanh đỏ mà nhuộm vào vậy. Chữ “chỉ” là nói người Di phương nam, ngón chân cái xòe rộng. Nếu chụm hai bàn chân mà đứng, thì hai ngón chân cái sẽ giao nhau, cho nên gọi là “Giao Chỉ”. Sách Hán thư nói: “Tục đất ấy, trai gái cùng tắm với nhau trên sông, cho nên gọi là Giao Chỉ.” Phía nam Giao Chỉ có nước Việt Thường, khi Chu công nhiếp chính, Việt Thường dùng ba con voi, qua mấy lần phiên dịch mà đến dâng chim trĩ trắng. Đến khi đức nhà Chu đã suy, bèn dần dứt tuyệt.

XUÂN THU CHIẾN QUỐC

Sở tử xưng bá, nhận triều cống của Bách Việt. Kịp tới khi Sở Điệu vương sai Ngô Khởi làm tướng, súc dưỡng quân sĩ chiến đấu, chỉ cốt binh mạnh, vì vậy bèn bình định Bách Việt ở phương nam.

TẦN

Tần Thủy Hoàng năm thứ 33 (214 TCN), kiêm tính thiên hạ, bình định Dương Việt, mới mở đường Ngũ Lĩnh, sai Nhâm Ngao đánh lấy đất Lục Lương, rồi bèn bình định Nam Việt, đặt ba quận: Nam Hải, Quế Lâm, Tượng. Mà đất An Nam thuộc về quận Tượng.
Lại nói: Thủy Hoàng cho phát những kẻ phạm tội chạy trốn, người ở rể và buôn bán ở các đạo làm lính, sai quan Úy là Đồ Thư đem quân Lâu thuyền, sai Giám Lộc đào cừ vận lương, tiến sâu vào đất Việt, cướp đất Lục Lương đặt làm bảy quận, đem biếm trích năm mươi vạn người ra đó canh giữ. Cuối đời Tần, Nam Hải Úy Triệu Đà đến đánh, kiếm tính lấy đất ấy, tự lập làm vương.
Trang bị quân đội nhà Tần, năm 220 BC, ảnh của <a href="https://www.pixiv.net/en/users/877588">防弾乳牛</a>
Trang bị quân đội nhà Tần, năm 220 BC, ảnh của 防弾乳牛

TÂY HÁN

Hán Cao đế nhân phong Đà làm Nam Việt vương. Bấy giờ, Cao hậu cấm Nam Việt mua bán đồ sắt ở cửa quan, Đà bèn tiếm hiệu xưng đế, phát binh đánh những ấp ngoài biên Trường Sa. Tướng quân Long Lự hầu tới đánh Đà, gặp lúc trời nóng khí ẩm, sĩ tốt bị đại dịch, quân không thể vượt qua được Ngũ Lĩnh. Hơn một năm thì Cao hậu băng, nhà Hán bèn bãi binh.
Thời Hán Cao hậu, Triệu Đà ở Nam Việt sai bọn Nội sử Phan, Trung úy Cao, Ngự sử Bình dâng thư lên triều đình tạ tội, không thấy trở về. Đà bèn tiếm xưng đế hiệu, con cháu đều theo như thế.
Năm Nguyên Đỉnh thứ 5 (112 TCN), lấy Lộ Bác Đức làm Phục Ba Tướng quân, ra Quế Dương, xuôi Hoàng Thủy, Chủ tước Đô úy Dương Bộc làm Lâu Thuyền Tướng quan, ra Dự Chương, xuôi Hoành Phố, Quy Nghĩa hầu người Việt làm Qua Thuyền, Hạ Lại Tướng quân, ra Linh Lăng, xuôi Ly Thủy, đến Thương Ngô. Trì Nghĩa hầu người Việt đem những tội nhân ở Ba Thục, phát quân Dạ Lang, xuôi sông Tường Kha. Mười vạn quân chia đường mà tiến.
Năm Nguyên Đỉnh thứ 6 (111 TCN), quân tinh binh của Lâu Thuyền Tướng quân đến Thạch Môn trước, thu được thuyền và lúa của người Việt, cùng Bác Đức tiến đến Phiên Ngung. Bọn Lữ Gia giữ thành cố thủ. Quân Hán đánh bại, phóng hỏa đốt thành. Chiều tối, Phục Ba bèn lập doanh, ra lệnh cho chúng chiêu hàng lẫn nhau. Đến sáng sớm thì trong thành đều hàng cả. Bọn Lữ Gia trong đêm đã đào vong ra ngoài bể. Bèn sai Hiệu úy Tư mã cũ là Tô Hoằng đuổi theo, bắt được Kiến Đức (tức Triệu Kiến Đức, vua cuối cùng của nhà Triệu), được phong làm Hải Thường hầu. Lang quan người Việt là Đô Kê bắt được Lữ Gia, được phong làm Nhị phẩm Sái hầu. Quân của Qua Thuyền, Hạ Lại và Dạ Lang còn chưa tới thì Nam Việt đã bình định được rồi, bèn lấy đất ấy chia làm chín quận.
Đặt chín quận Giao Chỉ, Cửu Chân, Nhật Nam,.. kiêm đặt chức Giao Chỉ Thứ sử, trị sở ở Liên Lâu để quản linh. Phàm những nơi Giao Chỉ thống lĩnh, tuy đặt quận huyện, nhưng ngôn ngữ mỗi nơi mỗi khác, phải qua mấy lần phiên dịch mới thông được, người như cầm thú, lớn nhỏ không phân biệt, tóc búi ngang gáy mà đi chân đất, dùng vải quấn đầu mà bỏ ra phía sau. Sau, triều đình cho đưa nhiều tội nhân Trung quốc đến ở lẫn với họ, mới hơi biết ngôn ngữ, dần có lễ nghi giáo hóa.

THỜI KỲ BẮC THUỘC

KHỞI NGHĨA HAI BÀ TRƯNG - ĐÔNG HÁN

Năm Kiến Vũ thứ 16 (tức năm 40), có người con gái Giao Chỉ là Trưng Trắc cùng em gái là Trưng Nhị làm phản, đánh vào quận. Trưng Trắc là con gái Lạc tướng huyện Mê Linh, được gả cho làm vợ Thi Sách người Chu Diên, tính rất hùng dũng. Giao Chỉ Thái thú Tô Định tham bạo, đem pháp luật ràng buộc, Trắc nổi giận, cùng em là Trưng Nhị làm phản. Vì vậy mà người man, Lái ở các quận Cửu Chân, Nhật Nam, Hợp Phố đều hưởng ứng, phàm cướp được sáu mươi lăm thành, tự lập làm vua. Thứ sử Giao Chỉ cùng các Thái thú chỉ còn biết tự thủ. Vua Quang Vũ (tức Hán Quang Vũ đế Lưu Tú) bèn chiếu cho các quận Trường Sa, Hợp Phố, Giao Chỉ chuẩn bị xe thuyền, sửa sang cầu đường, lấp khe phá núi, tích lũy lương thảo để chờ thảo phạt.
Năm Kiến Vũ thứ 18 (tức năm 42), sai Phục Ba Tướng quân Mã Viện, lấy Phù Lạc hầu Lưu Long làm phó, cùng Lâu Thuyền Tướng quân Đoàn Chí phát binh Trường Sa, Quế Dương, Linh Lăng, Thương Ngô hơn một vạn người đến đánh. Mùa hạ, tháng Tư năm sau, Viện phá Giao Chỉ, chém bọn Trưng Trắc, Trưng Nhị, số còn lại đều tan, đầu hàng. Lại tiến đánh giặc ở Cửu Chân là bọn Đô Dương, cũng phá và chiêu hàng được, dời bọn đầu sỏ hơn ba trăm người đến Linh Lăng, vì vậy, vùng Lĩnh Biểu đều bình định cả. Viện bèn dựng cột đồng làm địa giới nhà Hán, bắt đầu dựng thành quách, đặt thôn huyện ở Giao Chỉ. Viện lại cùng người Việt tuyên rõ những quy định cũ để cho tuân thủ, từ đó Lạc Việt đều làm theo.
Hai Bà Trưng, ảnh của Ấm Chè
Hai Bà Trưng, ảnh của Ấm Chè

KHỞI NGHĨA BÀ TRIỆU - ĐÔNG NGÔ

Năm Diên Hi thứ 11 (248), giặc Di ở quận Cửu Chân, Giao Chỉ của nhà Ngô, đánh hạ thành ấp, Giao bộ rúng động. Chúa Ngô lấy Hành Dương Đốc quân đô úy Lục Dận làm Giao Châu Thứ sử, An Nam Hiệu úy. Dận vào cõi, lấy ân tín mà dụ, quân chúng ra hàng tới hơn năm vạn nhà, trong châu lại thanh bình.

LÝ NAM ĐẾ - LƯƠNG

Năm Đại Đồng thứ 7 (541), Lý Bí người Giao Chỉ đời đời là hào trưởng, nhân làm quan bất đắc chí, gặp khi Giao Châu Thứ sử là Vũ Lâm hầu Tiêu Tư (Tiêu Tư là con của Phồn Dương vương Tiêu Khôi, em của Lương Vũ đế Tiêu Diễn), vì khắc bạc nên mất lòng người. Khi ấy, Bí coi Đức Châu, nhân liên kết hào kiệt mấy châu cùng làm phản. Tư hối lộ cho Bí rồi chạy về Quảng Châu. Triều đình chiếu sai Tư cùng Cao Châu Thứ sử Tôn Quýnh, Tân Châu Thứ sử Lư Tử Hùng đem quân đến đánh. Vì đang khi mùa xuân chướng khí nổi lên nhiều, nên xin đợi đến mùa thu. Quảng Châu Thứ sử Tân Du hầu Tiêu Ánh không cho. Tư lại thúc giục. Bọn Quýnh đến Hợp Phố, số quân mười phần bị chết đến sáu, bảy, tan vỡ quay về.
Năm Đại Đồng thứ 10 (544), Lý Bí tự xưng là Việt đế, đặt trăm quan, đổi niên hiệu Thiên Đức, dựng Vạn Xuân Đài để ở.
Năm Đại Đồng thứ 11 (545), chiếu sai Giao Châu Thứ sử Dương Phiêu đánh Lý Bí, dẹp được. Phiêu phụng chiếu rồi, lại lấy Trần Bá Tiên làm Tư mã, sai Định Châu Thứ sử Tiêu Bột hội quân cùng Phiêu ở Tây Giang. Bột biết quân sĩ sợ đi đánh nhau xa, nhân nói dối để giữ chân Phiêu lại. Phiêu tập hợp các tướng hỏi kế. Bá Tiên nói: “Giao Chỉ phản loạn, tội ở tôn thất (tức chỉ Tiêu Tư), đến nỗi khiến cho mấy châu hỗn loạn, giết chóc liên miên. Định Châu (ý nói Tiêu Bột) muốn trộm yên trước mắt, chẳng nghĩ đến đại kế. Chủ tướng đã phụng mệnh phạt tội, thì dẫu sống chết cũng phải làm, há có thể dùng dằng không tiến, để giặc thêm lớn mạnh mà quân ta lại nhụt chí ư?” Rồi bèn cất quân đi trước. Phiêu lấy Bá Tiên làm tiên phong. Đến Giao Châu, Bí dẫn ba vạn quân chống trả, bị thua ở Chu Diên, lại thua tiếp ở cửa sông Tô Lịch. Bí chạy vào thành Gia Ninh, các quân cùng vây.
Trung Đại Đồng nguyên niên (546), Trần Bá Tiên đánh bại Lý Bí ở hồ Điển Triệt. Bí dẫn hai vạn quân từ Lạo Trung ra đóng ở hồ Điển Triệt, đóng nhiều thuyền bè, để chật cả trong hồ. Quân sĩ đều lấy làm sợ. Trần Bá Tiên nói với chư tướng rằng: “Quân ta đã chinh chiến lâu ngày, tướng sĩ mệt nhọc, vả lại cô quân vào sâu nơi đất người, nếu chẳng đánh một trận thắng ngay, thì há còn mong được sống mà về! Nay nhân khi quân chúng nhiều phen tháo chạy, lòng quân chưa vững, Di, Lạp ô hợp, rất dễ đánh tan, chính nên cùng dốc sức quyết tử mà đánh lấy. Nếu lại vô cớ đình trệ dừng bước thì việc lớn lỡ mất.” Chư tướng cùng lặng im không dám đáp lời. Đêm ấy nước sông dâng to đến bảy trượng, đổ vào trong hồ. Bá Tiên đem quân bản bộ, theo dòng nước chảy tiến trước, các quân cùng nổi trống hò reo tiến lên. Quân Bí tan vỡ, chạy trốn vào động Khuất Lạo.
Thái Thanh nguyên niên (547), Lý Bí bị giết, Giao Châu bình định. Động Khuất Lạo chém Lý Bí, truyền thủ cấp về Kiến Khang. Anh Bí là Thiên Bảo trốn vào Cửu Chân, thu thập số quân còn lại được hai vạn vây Ái Châu. Giao Châu Tư mã Trần Bá Tiên đem quân dẹp yên được.
Sử Trung Quốc không chép về Triệu Quang Phục, có lẽ do không biết rõ tình hình nước ta lúc đấy. Còn về cái chết của Lý Bí, sử ta chép là ông ở trong động lâu ngày bị nhiễm lam chướng rồi bệnh mất.
Giáp phục thời Nam Bắc triều, ảnh của 防弾乳牛
Giáp phục thời Nam Bắc triều, ảnh của 防弾乳牛

HẬU LÝ NAM ĐẾ - TÙY

Năm Khai Hoàng thứ 10 (590), Lý Xuân (có lẽ chính là chỉ Lý Phật Tử) ở Giao Châu làm phản, chiếu cho Dương Tố bình định.
Năm Nhân Thọ thứ 2 (602), đầu sỏ người Lái ở Giao Châu là Lý Phật Tử làm loạn. Chiếu cho Giao Châu đạo Hành quân Tổng quản Lưu Phương đánh dẹp, hàng được. Phật Tử chiếm cứ thành cũ của Việt vương, sai con của anh trai là Lý Đại Quyền chiếm cứ thành Long Biên, biệt tướng là Lý Phổ Đỉnh chiếm cứ thành Ô Diên. Dương Tố tiến cử Qua Châu Thứ sử Lưu Phương người Trường An, là người có tài tướng lĩnh. Chiếu lấy Phương làm Giao Châu đạo Hành quân Tổng quản, thống lĩnh hai mươi bảy doanh mà tiến. Phương quân lệnh nghiêm túc, ai phạm tất bị chém, nhưng lại rất nhân ái, sĩ tốt ai bị đau bệnh đều đích thân đến tận nơi vỗ về chăm sóc, vì vậy quân sĩ đều yêu kính. Đến núi Đô Long, gặp giặc, bèn đánh phá tan được. Rồi tiến quân đến tận doanh Phật Tử, trước hết đem họa phúc mà dụ. Phật Tử sợ. Những kẻ kiệt hiệt của Phật Tử đều bị chém hết. Phật Tử xin hàng, Phương cho đưa về Trường An.

KHỞI NGHĨA LÝ TỰ TIÊN, ĐINH KIẾN - ĐƯỜNG

Năm Thùy Củng thứ 3 (687), Đinh Kiến người Giao Châu làm phản, giết Đô hộ Lưu Diên Hựu. Quế Châu Tư mã Tào Thực Tĩnh đánh dẹp được. Diên Hựu làm An Nam Đô đốc, trước đây, những hộ người Lái hàng năm nộp một nửa số tô thuế. Diên Hựu trách đòi phải nộp toàn bộ, dân chúng bèn oán giận mưu phản. Diên Hựu giết kẻ đầu sỏ của chúng là Lý Tự Tiên. Dư đảng là Đinh Kiến bèn giết Diên Hựu chiếm cứ Giao Châu. Quế Châu Tư mã Tào Thực Tĩnh đánh dẹp Kiên, chém được.

MAI HẮC ĐẾ - ĐƯỜNG

Năm Khai Nguyên thứ 4 (716). Có kẻ thủ lĩnh ở An Nam là Mai Thúc Loan làm phản, tự lấy hiệu là Hắc Đế, bên ngoài liên kết với Lâm Ấp, Chân Lạp, họp quân ba mươi vạn cướp An Nam. Chiếu cho Tả giám môn Vệ tướng quân Dương Tư Húc, Đô hộ Quang Sở Khách đi đánh. Tiến theo đường của Mã Viện khi xưa, đại phá được quân giặc, dồn xác đắp thành gò Kinh quán rồi về.

CAO BIỀN

Niên hiệu Hàm Thông (niên hiệu của Đường Ý Tông, từ 860 - 874), Hoàng đế muốn thu phục lại An Nam (từ năm 860 - 863, Nam Chiếu liên tục đánh An Nam chiếm thành, bắt dân nên nhà Đường muốn thu phục lại), phong Biền làm Đô hộ, vời về kinh sư, gặp mặt ở điện Linh Đài. Khi ấy, Dung quản Kinh lược sứ Trương Nhân không chịu đánh giặc, lại đem quân của Nhân giao cho Biền. Biền qua sông, hẹn Giám quân Lý Duy Chu tiến theo sau. Nhưng Duy Chu ém quân đóng lại ở Hải Môn không đi. Biền đến Phong Châu, đại phá người man Nam Chiếu, thu lấy hết lương thực để nuôi quân. Duy Chu đố kỵ với Biền, bèn giấu thư báo tiệp không tâu lên. Triều đình không biết tin Biền đã hơn trăm ngày, hạ chiếu hỏi tình hình. Duy Chu lại đàn hặc Biền chỉ ngồi nhìn địch mà không tiến binh, vì thế triều đình lại mệnh cho Hữu vũ vệ tướng quân Vương Yến Quyền đến thay Biền.
Không lâu sau, Biền dẹp yên An Nam, chém tướng man là Đoàn Tù Thiên, các động đến hàng phụ tới hai vạn người. Yến Quyền vừa đem Duy Chu cùng tiến binh ra khỏi Hải Môn, truyền hịch cho Biền quay về bắc, thì Biền sai Vương Huệ Tán đem thủ cấp Tù Thiên về kinh sư, trông thấy thuyền bè rất đông, chính là bọn Yến Quyền, Huệ Tán sợ bị đoạt mất thư từ, bèn trốn lên đảo, rồi theo lối tắt đến kinh sư. Thiên tử xem thư, ngự tuyên trên chính điện, quần thần đều chúc mừng, mà đại xá thiên hạ. Thăng cho Biền làm Kiểm hiệu Hình bộ Thượng thư, vẫn trấn giữ An Nam. Đổi Đô hộ phủ thành Tĩnh Hải quân, trao cho Biền làm Tiết độ, kiêm Chư đạo hành doanh chiêu thảo sứ. Biền mới dựng An Nam thành (tức là thành Đại La, hay còn gọi là La Thành).

THỜI KỲ TỰ CHỦ

HỌ KHÚC, DƯƠNG ĐÌNH NGHỆ - ĐƯỜNG, HẬU LƯƠNG, HẬU ĐƯỜNG, HẬU TẤN

[ĐƯỜNG] Năm Thiên Hựu thứ 3 (906), gia phong cho Tĩnh Hải Tiết độ sứ Khúc Thừa Dụ làm Đồng bình chương sự. Bấy giờ, Thừa Dụ nhân khi rối loạn, chiếm cứ đất An Nam.
[HẬU LƯƠNG] Năm Khai Bình thứ 2 (908), lấy Kiểm hiệu Thái úy Lưu Ẩn kiêm Tĩnh Hải quân Tiết độ sứ, An Nam Đô hộ. Năm sau, phong Nam Bình vương. Lúc trước, bọn Khúc Hạo ở Giao Châu, Lưu Sĩ Chính ở Quế Châu, Diệp Quảng Lược ở Ung Châu, Bàng Cự Chiêu ở Dung Châu, chia nhau chiếm cứ các quản. Ẩn đem hết việc quân, trao cho em là Nham, sai đến lấy.
[HẬU ĐƯỜNG] Trường Hưng nguyên niên (930), chúa Nam Hán là Lưu Nham, sai tướng là Lương Khắc Trinh, Lý Thủ Dung đánh Giao Châu, lấy được, bắt Tĩnh Hải Tiết độ sứ Khúc Thừa Mỹ đem về, cho tướng của mình là Lý Tiến giữ Giao Châu. Từ Khúc Hạo chiếm cứ Giao Châu đến Thừa Mỹ thì bại.
Năm Trường Hưng thứ 2 (931), Ái Châu tướng Dương Đình Nghệ nuôi hơn ba ngàn con nuôi lại thu phục Giao Châu. Tướng giữ Giao Châu của nhà Nam Hán là Lý Tiến biết rõ, nhưng lại nhận hối lộ, không tâu về triều. Năm ấy, Đình Nghệ cử binh vây Giao Châu. Chúa Nam Hán sai Thừa chỉ Trình Bảo đến cứu, chưa tới nơi thì thành đã bị hãm, Tiến trốn về, bị chúa Nam Hán giết chết. Bảo vây Giao Châu, Đình Nghệ ra đánh, Bảo thua chết.
[HẬU TẤN] Năm Thiên Phúc thứ 2 (937), tướng Giao Châu là Kiểu Công Tiễn giết An Nam Tiết độ sứ Dương Đình Nghệ mà lên thay.

NHÀ NGÔ VÀ LOẠN 12 SỨ QUÂN - HẬU TẤN, HẬU CHU

[HẬU TẤN] Năm Thiên Phúc thứ 3 (938), tướng cũ của Dương Đình Nghệ là Ngô Quyền từ Ái Châu cử binh đánh Kiểu Công Tiễn ở Giao Châu. Tiễn sai sứ sang hối lộ cầu cứu với Nam Hán. Chúa Nam Hán là Lưu Nham cho con mình là Vạn vương Hoằng Tháo đổi phong Giao vương, đem quân đến cứu. Chúa Nam Hán lại tự làm tướng, đóng quân ở Hải Môn để viện ứng. Nhân hỏi kế sách Sùng Văn sứ Tiêu Ích, Ích đáp rằng: “Nay mưa dầm đã hàng chục ngày, đường bể xa xôi hiểm trở, Ngô Quyền là kẻ kiệt hiệt, không thể coi thường được. Đại quân nên cẩn trọng, dùng nhiều người dẫn đường, rồi sau mới có thể tiến được.” Nham không nghe, sai Hoằng Tháo dẫn chiến thuyền từ sông Bạch Đằng kéo vào Giao Châu. Ngô Quyền đã giết Công Tiễn, đóng ở Giao Châu, dẫn quân ra đánh lại, ở cửa bể, trước hết cho đóng nhiều cọc lớn vót nhọn đầu, bịt mũ sắt; rồi sai thuyền nhẹ, nhân chiến thuyền quân Nam Hán đều vướng phải cọc bịt sắt không thể quay lại được. Quân Nam Hán đại bại, sĩ tốt bị chết đuối quá nửa. Hoằng Tháo chết, chúa Nam Hán khóc lóc thảm thiết rồi thu tàn binh trở về.
[HẬU CHU] Hiển Đức nguyên niên (954), Tĩnh Hải Tiết độ sứ Ngô Quyền chết. Chúa Nam Hán từ sau khi Hoằng Tháo tử trận, bèn để mặc Quyền, không đến đánh nữa. Quyền nhân đó được đóng giữ ở Giao Châu lâu dài. Quyền chết, con là Xương Ngập nối ngôi, Xương Ngập chết, em là Xương Văn nối, đến thỉnh mệnh với Nam Hán. Chúa Nam Hán là Lưu Thạnh lấy Xương Văn làm Tĩnh Hải Tiết độ sứ kiêm An Nam Đô hộ. Sau, Xương Văn chết, bọn Tham mưu là Lã Xử Bình, Phong Châu Thứ sử Kiều Tri Hộ, Vũ Ninh châu Thứ sử Dương Huy, Nha tướng Đỗ Cảnh Thạc tranh nhau tự lập. Mười hai châu thuộc quyền cai quản cùng đại loạn. Bộ dân hò nhau cùng tụ tập nổi lên làm giặc cướp mà đánh Giao Châu.

NHÀ ĐINH, TIỀN LÊ - HẬU CHU, TỐNG

[HẬU CHU] Hiển Đức nguyên niên (954). Trước đây, Dương Đình Nghệ lấy Nha tướng Đinh Công Trứ làm quyền Hoan Châu Thứ sử kiêm Ngự phiên đô đốc. Công Trứ sinh ra con trai là Đinh Bộ Lĩnh. Công Trứ chết, Bộ Lĩnh kế vị. Bộ Lĩnh sinh con trai là Đinh Liễn. Đến đây, Bộ Lĩnh cùng Liễn dẫn quân đánh bại bọn Xử Bình, đảng giặc tan vỡ, trong cõi lại yên bình, bộ dân đều khen đức, bèn suy tôn Bộ Lĩnh làm chủ soái Giao Châu, tự hiệu là Đại Thắng vương, cho Liễn làm Tiết độ sứ. Chúa Nam Hán là Lưu Sưởng nhân đó cũng lấy chức Tiết độ trao cho Liễn.
Đinh Bộ Lĩnh, ảnh của <a href="https://www.facebook.com/Viet-Nguyen-987356714630230/">Viet Nguyen</a>
Đinh Bộ Lĩnh, ảnh của Viet Nguyen
[TỐNG] Năm Khai Bảo thứ 6 (973), Đinh Liễn ở Giao Chỉ sang cống. Trước đó, Đinh Bộ Lĩnh truyền vị cho Liễn (sử Trung Quốc có nhầm lẫn về việc này, có lẽ vì biểu đứng tên Đinh Liễn nên cho rằng Đinh Bộ Lĩnh đã nhường ngôi cho con), nghe tin Thái tổ bình định vũng Lĩnh Biểu, Lưu Sưởng đã hàng, Liễn bèn sai sứ đến cống phương vật, dâng biểu xin nội phụ. Triều đình ban chế trao cho Liễn làm Kiểm hiệu Thái sư, Tĩnh Hải quân Tiết độ sứ, An Nam Đô hộ, các sứ giả vào triều đều mệnh phong cho quan tước.
Năm Thái Bình Hưng Quốc thứ 5 (980), Lê Hoàn ở Giao Chỉ soán ngôi họ Đinh, tự lập. Thái tông sai Trương Quyền lấy chức Cung phụng quan đến dụ chỉ. Lại sai Cung phụng quan Lư Tập đi sứ Giao Chỉ.
Mùa thu, tháng Bảy, chiếu cho bọn Lan Châu Thứ sử Tôn Toàn Hưng, đem quân đánh Lê Hoàn ở Giao Châu. Khi trước, Đinh Bộ Lĩnh cùng con là Liễn đều nối nhau chết, em Liễn là Toàn tạm quyền giữ việc ở quân phủ, nhưng tuổi còn trẻ nhỏ, đại tướng Lê Hoàn chuyên quyền kết bè đảng, dần dà không thể khống chế được, bèn nhốt Toàn vào biệt quán, bắt cấm cố cả họ mà thay lĩnh quân chúng. Thái tông nổi giận, cất quân đến đánh.
Bấy giờ, Tri Ung Châu Hầu Nhân Bảo là em rể của Triệu Phổ. Vì Lư Đa Tốn có hiềm khích với Phổ nên đuổi Nhân Bảo ra Ung Châu đã chín năm mà không cho người thay. Nhân Bảo sợ rằng lần lữa như vậy có thể phải chết ở Lĩnh Ngoại, bèn tâu lên rằng: “Giao Châu loạn, có thể cho một viên thiên tướng đến lấy cũng được, xin được ngồi xe trạm đến cửa khuyết để trình bày tình hình trước mặt Hoàng thượng.” Vua mừng lắm, cho xe trạm vời Nhân Bảo vào. Đa Tốn bèn tâu rằng: “Giao Châu nội loạn, ấy thực là lúc trời khiến phải mất. Nhưng nếu lại trước tiên gọi Nhân Bảo về thì mưu kế tất bị tiết lậu, mà giặc man sẽ có phòng bị trước, chẳng dễ lấy được. Chi bằng mật lệnh Nhân Bảo cân nhắc việc này, phát binh ruổi dài, thế vạn tất toàn.” Vua cho là phải, lấy Nhân Bảo làm Giao Châu thủy lục Chuyển vận sứ. Bọn Tôn Toàn Hưng, Lưu Trừng cùng làm tướng trong quân, đem binh đến đánh.
Năm ấy, Lê Hoàn sai sứ cống phương vật, vẫn dâng biểu xin kế vị cho Đinh Toàn. Hoàng thượng xét thấy là chúng muốn trì hoãn vương sư, bèn gạt đi không trả lời. Khi ấy vương sư tiến đánh phá giặc hơn một vạn quân, chém hơn hai ngàn thủ cấp. Năm sau (981), lại phá giặc ở cửa sông Bạch Đằng, chém hơn ngàn thủ cấp, thu được hai trăm chiến hạm, cùng hàng vạn giáp trụ. Chuyển vận sứ Hầu Nhân Bảo dẫn tiền quân tiến trước. Bọn Toàn Hưng dừng quân ở Hoa Bộ bảy chục ngày để đợi Trừng. Nhân Bảo nhiều lần thúc giục vẫn không tiến. Kịp khi Trừng tới, cùng họp quân theo đường thủy bộ đến thôn Đa La, không gặp quân giặc, lại tự ý quay về Hoa Bộ. Hoàn trá hàng để dụ Nhân Bảo, Nhân Bảo bèn bị hại. Gặp khi trời nóng, nhiều chướng khí, quân sĩ chết nhiều, Chuyển vận sứ Hứa Trọng Tuyên dâng tấu thưa chuyện ấy, bèn rút quân về. Hoàng thượng sai sứ đến hặc tội bọn Lưu Trừng, Giả Thực, Vương Soạn. Ít lâu sau, Trừng bị bệnh chết. Bọn Thực đều phải tội, bị giết ở chợ Ung Châu. Toàn Hưng về đến cửa khuyết cũng bị đem xét xử, phải chịu tội chết, những người còn lại đều bị trị tội khác nhau. Nhân Bảo được tặng Công bộ Thị lang.
Năm Cảnh Đức thứ 3 (1006), mùa hạ, tháng Năm, Lê Hoàn chết, con là Long Đình (tức là Lê Long Đĩnh theo sử Việt) giết anh mình là Long Việt mà tự lập (theo sử ta thì Lê Hoàn mất năm 1005).
Năm Đại Trung Tường Phù thứ 2 (1009), tướng Giao Châu là Lý Công Uẩn giết chúa là Lê Chí Trung, sai bồi thần là Lương Nhậm Văn, Lê Tái Nghiêm vào cống.
Lê Chí Trung tức là vua Lê Long Đĩnh. Năm 1007 Lê Long Đĩnh sai sứ sang nhà Tống xin Cửu kinh cùng một tạng kinh phật. Vua Tống là Chân Tông bằng lòng cho, sau ban cho Lê Long Đĩnh chức Kiểm hiệu Thái úy, Tĩnh Hải quân Tiết độ sứ, An Nam Đô hộ, Giao Chỉ quận vương, lại ban cho tên là Chí Trung. Còn việc Lý Công Uẩn giết Lê Long Đĩnh là việc chép theo như Tống sử. Sử ta chỉ chép là Lê Long Đĩnh ốm chết mà thôi.
Chí Trung tuổi mới hai mươi sáu, hà khắc bạo ngược không có phép tắc gì, người trong nước đều không theo. Đại hiệu Lý Công Uẩn rất được Chí Trung thân cận tín nhiệm, từng sau lấy theo họ Lê. Nay bèn đuổi Chí Trung ra khỏi thành mà giết đi. Hai em Chí Trung là Minh Đề, Minh Sưởng tranh lập, Công Uẩn lại giết chết, rồi tự xưng Lưu hậu, sai sứ phụng cống. Quảng Tây Chuyển vận sứ Hà Lượng nói: “Công Uẩn đưa văn thư nói, nay đem các thức phương vật đến cống, xin giáng chế.” Vua nói: “Lê Hoàn đã bất nghĩa mà được ngôi, Công Uẩn lại học theo, thật đáng ghét vậy. Nhưng tục man chẳng đáng phải trách.” Tháng Mười, ban chế trao cho Quyền Tĩnh Hải quân Lưu hậu Lý Công Uẩn là Đặc tiến Kiểm hiệu Thái phó, An Nam Đô hộ, Tiết độ Quan sát Xử trí sứ, Giao Chỉ Quận vương, thực ấp ba ngàn hộ, thực phong một ngàn hộ, kiêm Ngự sử đại phu Thượng trụ quốc.

NHÀ LÝ - NHÀ TỐNG

Hoàng Hựu nguyên niên (1049), mùa thu, tháng Chín, người man ở Lĩnh Nam là Nùng Trí Cao vào cướp biên cương, Giao Chỉ xin xuất quân giúp chinh thảo. Lúc đầu Dư Tĩnh cho là tiện ích, xin triều đình chấp thuận. Kịp khi Địch Thanh làm đại tướng, bèn tâu rằng: “Mượn ngoại binh để trừ nội khấu không có lợi gì cho ta cả. Chỉ có một Trí Cao hoành hành mà sức còn chưa khống chế nổi, lại mượn binh cõi ngoài, hoặc giả như chúng nhân đó mà nổi loạn, thì lấy gì chế ngự? Xin cho bãi việc giúp quân của Giao Chỉ.” Năm thứ 5 (1053), tháng Giêng, xuống chiếu ngừng việc giúp quân của Giao Chỉ, theo như lời thỉnh của Địch Thanh.
Doge mặc quan phục thời Lý, ảnh của Ấm Chè
Doge mặc quan phục thời Lý, ảnh của Ấm Chè
Năm Hoàng Hựu thứ 4 (1052), mùa hạ, tháng Năm, Trí Cao hãm các châu Ung, Hoành, ngụy dựng nước Đại Nam, tiếm hiệu Nhân Huệ Hoàng đế, đổi niên hiệu Khải Lịch, đại xá trong cõi. Bọn đồ đảng Hoàng Sư Mật đều xưng theo quan chức như của Trung quốc. Thế rồi tiến vây Quảng Châu, hơn năm mươi ngày không hạ được, lại quay về Ung Châu. Mùa thu, tháng Chín, triều đình sai Địch Thanh đến đánh.
Năm Hoàng Hựu thứ 5 (1053), mùa xuân, tháng Giêng, đại quân của Địch Thanh đến Tân Châu, chỉ một ngày đêm đã vượt Côn Lôn quan, nhân quân giặc đều bất ngờ, bày trận ở phố Quy Nhân. Trí Cao dàn trận chống lại, Thanh đánh bại được. Trí Cao lại chạy tới Ung Châu, đêm ấy đốt thành mà chạy sang nước Đại Lý. Sáng sớm hôm sau, Thanh kéo quân vào thành, bêu đầu bọn Sư Mật, thu vàng lụa, trâu ngựa kể hàng vạn, bắt được mẹ của Trí Cao là Nùng thị, em Trí Cao là Trí Tiên, con Trí Cao là Kế Tông, Kế Long đóng cũi giải về kinh sư. Sau, Trí Cao chết, bèn đem chém hết quăng thây ngoài chợ.
Năm Hi Ninh thứ 8 (1075), mùa đông, người Giao bèn chia ba đường vào cướp. Một từ Khâm Châu, một từ Quảng phủ, một từ Côn Lôn quan, hãm hai châu Khâm, Liêm. Tám ngàn dân đinh địa phương Liêm Châu giữ thành đều bị xua ra, lệnh gánh đồ lên thuyền, rồi đều giết hết. Lại hãm Ung Châu giết tướng giữ thành là Tô Giam, tàn sát dân cư hơn năm vạn khẩu. Triều đình xuống chiếu lấy Triệu Tiết làm An Nam đạo Hành doanh đô tổng quản Kinh lược chiêu thảo sứ, Lý Hiến làm Phó sứ, dẫn đại quân nam chinh. Ít lâu sau lại bãi Hiến, mà lấy Tuyên Huy nam viện sứ Quách Quỳ làm Chiêu thảo sứ, đổi Tiết làm phó.
Bấy giờ, Vương An Thạch làm Tể tướng, mong muốn lập công ở biên cương, nên dùng Thẩm Khởi làm Tri Quế Châu, luận bừa rằng có cơ để đánh lấy Giao Chỉ được. Khởi cùng Lưu Di nối nhau sai quan tới vùng biển và các động, tập hợp thổ binh, làm bảo giáp ở các làng. Tiếp đó, lại lệnh tập hợp quân thuyền ở ven biển, dự bị huấn luyện thủy chiến, cấm chỉ châu huyện buôn bán với người Giao. Người Giao lấy làm ngờ bèn cất quân chia đường vào cướp, quân số tám vạn người, vây Ung Châu. Tháng Mười, hãm Khâm Châu. Đến đây thì hãm Liêm Châu [...] An Thạch tức giận, cho Triệu Tiết làm An Nam Chiêu thảo sứ, thống lĩnh chín tướng tiến đánh. Lý Hiến, Yến Đạt làm phó.
Năm Hi Ninh thứ 9 (1076), tháng Giêng, Giao Chỉ hãm Ung Châu. Quảng Tây Đô giám Trương Thủ Tiết đem quân cứu Ung Châu, thua ở Côn Lôn quan, bị chết. Châu bị vây bốn mươi ngày. Tri châu Tô Giam ngày đêm úy lạo sĩ tốt. Giam dùng cung Thần Tý bắn chết người Giao không biết bao nhiêu mà kể (cung Thần Tý hay còn gọi là nỏ Thần Tý được phát minh ra thời Tống Thần Tông, thân dài ba thước ba, dây cung dài hai thước rưỡi, bắn xa được 240 bộ). Người Giao định kéo đi, thì có kẻ dạy cho cách dùng túi đất chất vào bên thành mà trèo lên, thành bèn bị hãm. Giam nói: “Ta quyết không chịu chết về tay giặc.” Bèn về phủ, lệnh cho cả nhà ba mươi sáu người đều chết dưới hầm, rồi phóng hỏa tự thiêu. Giặc đến, tìm Giam không được, giết lại tốt dân đinh hơn năm vạn người, tính cả số người chết ở Khâm, Liêm là mấy chục vạn, lại phá hủy cả thành trì.
Tháng Mười hai, bọn Quách Quỳ phá người man Giao Chỉ ở ải Quyết Lý, tiến đến sông Phú Lương. Người man dùng tinh binh đi thuyền đánh trả, Quỳ đánh phá được, giết vương tử của nước ấy là Hồng Chân. Càn Đức lo sợ, sai sứ phụng biểu đến quân môn nạp khoản. Sông Phú Lương cách kinh đô nước ấy không xa, Quỳ không dám vượt sông, quân có tám vạn người, mười phần bị chết mất sáu, lấy được châu Quảng Nguyên, châu Môn, châu Tư Lãng, châu Tô Mậu cùng huyện Quang Lang của nước ấy rồi về. Quách Quỳ, Triệu Tiết đều bị tội.
(Việt kiệu thư không chép việc quân Tống thua trận phải rút, Tống sử thậm chí còn bỏ trống luôn không viết sự việc quân nhà Lý vào đánh ba châu Ung, Khâm Liêm và việc Quách Quỳ tiến quân sang nước ta. Tuy nhiên, xét việc “quân có tám vạn người, mười phần bị chết mất sáu” và việc cả Quách Quỳ lẫn Triệu Tiết về đến Biện Kinh đều bị tội đã gián tiếp nói lên sự thảm bại của chiến dịch xâm lược)
Lý Thường Kiệt, ảnh của Viet Nguyen
Lý Thường Kiệt, ảnh của Viet Nguyen
Năm Gia Định thứ 5 (1212), Lý Long Trát chết (tức là vua Lý Cao Tông, chỗ này chép nhầm vì Toàn thư ghi Cao Tông mất năm 1210, năm đó cũng có sai sứ sang cáo ai với nhà Tống, sứ thần nhà Tống cũng sang làm lễ điếu). Chiếu lấy Quảng Tây Vận phán Trần Khổng Thạc sung làm Điếu tế sứ, đặc biệt tặng cho Long Trát chức Thị trung như chế độ cho An Nam Quốc vương trước đây. Lấy con là Hạo Sảm tập phong tước vị, ban cho giống như chế độ khi Long Trát mới được phong, vẫn ban cho là Thôi thành Thuận hóa công thần. Về sau, không thấy đưa biểu tạ ơn sang, nên không được gia ân. Hạo Sảm chết, không có con trai, lấy con gái là Chiêu Thánh chủ việc nước, bèn bị con rể là Trần Nhật Cảnh giành lấy. Họ Lý được nước từ Công Uẩn đến Hạo Sảm phàm tám đời, hơn hai trăm hai mươi năm thì mất.
Phần 1 tạm kết ở đây, phần tiếp theo sẽ là những ghi chép về các thời kỳ Trần - Hồ và Kỷ thuộc Minh.