VÌ SAO KHÔNG QUỐC GIA NÀO CẤM SẢN XUẤT THUỐC LÁ?
Mỗi giờ trên thế giới có khoảng 800 người bị thuốc lá giết hại. Chúng ta đang nói đến hai chiếc Boeing-747 nhét đầy đàn ông, đàn bà,...
Mỗi giờ trên thế giới có khoảng 800 người bị thuốc lá giết hại. Chúng ta đang nói đến hai chiếc Boeing-747 nhét đầy đàn ông, đàn bà, trẻ em bị nổ tung đều đặn trên trời mỗi giờ. Tương đương với vụ thảm họa khủng bố ngày 11/9 khiến gần 3000 người tử vong diễn ra đều đặn 6 lần rưỡi mỗi ngày.
(Bấm vào setting để chọn xem Sub Việt)
Bạn có đang ngồi trên những chuyến bay đó không?
VÌ SAO KHÔNG QUỐC GIA NÀO CẤM SẢN XUẤT THUỐC LÁ?Với việc đẩy gần 7 triệu người mỗi năm đến cái chết, thuốc lá nghiễm nhiên chiếm vị trí số 1 trong 4 phát minh hủy diệt nhiều người nhất lịch sử nhân loại, xếp trên cả súng trường AK-47, bom nguyên tử và thuốc nổ.
Và bạn có bao giờ thắc mắc vì sao chính phủ các nước trên thế giới, nước nào cũng có biện pháp chống hút thuốc lá nhưng không nước nào... cấm sản xuất thuốc lá?
Thật dễ hiểu vì ngành công nghiệp thuốc lá đóng góp một phần đáng kể vào ngân sách các cường quốc sản xuất thuốc lá. Năm 1977 ngân sách Nhật Bản thu được 13 tỉ đô la thuế thuốc lá. Năm 1960 mỗi phút đồng hồ chính phủ Pháp thu được 1,2 triệu Francs. Năm 1984 hòn đảo Chypre tí tẹo vẫn thu được 11 triệu bảng Anh từ thuế thuốc lá.
Hùng mạnh nhất từ xưa đến nay vẫn là những tập đoàn thuốc lá của Anh và Mỹ. Hàng năm thế giới sản xuất 6 triệu tấn thuốc lá sợi, riêng Mỹ chiếm 1 triệu tấn, lợi nhuận kinh doanh thu về hàng chục tỉ USD. Trong nước, sức mạnh của họ thể hiện qua việc đóng góp ngân sách cho chính phủ, gắn chặt sự phát triển của mình với sự tồn vong của nhà nước. Họ mỏi tay thì chính phủ cũng mỏi chân. Bàn tay phù thủy của họ vươn sâu vào bộ máy nhà nước, mọi cuộc bầu cử chính quyền đều có sự vận động hành lang, ủng hộ tài chính từ các tập đoàn thuốc lá. Các đảng phái, các nhà chính trị không dám làm trái ý họ nếu không muốn sự nghiệp chính trị của mình bị đứt gánh giữa đường.
Lịch sử ngành thuốc lá thế giới đi lên cùng rất nhiều phi vụ làm ăn bí hiểm, sự thao túng chính trị, thậm chí thao túng ngay chính những người trong giới chức y tế. Những năm đầu đến giữa thế kỉ 20, các ông trùm thuốc lá giấu nhẹm những kết quả nghiên cứu bất lợi của thuốc lá, mặt khác lại bí mật đầu tư xây dựng những trung tâm nghiên cứu thuốc lá. Và các phát ngôn từ những trung tâm này đều có dính dáng đến mùi tiền bẩn. Họ tuyên bố hiện chưa có cơ sở nào chứng minh thuốc lá gây nên bệnh ung thư, hay không một thành phần nào trong khói thuốc lá từng được chứng tỏ là gây ra ung thư ở người. Trong khi sự thật rằng khoảng một phần ba tổng số người chết vì ung thư đều có liên quan đến việc sử dụng thuốc lá.
Các tập đoàn thuốc lá thậm chí bóp mép rằng thuốc lá có lợi cho sức khỏe, hào phóng chi trả hàng triệu USD để nhiều minh tinh màn bạc hút thuốc trên phim, ngôi sao thể thao phát ngôn ra sức quảng bá thuốc lá. Mặt khác, họ ra sức tài trợ cho các phong trào chống hút thuốc lá ở trẻ em. Đây gọi là chiêu bài trấn an dư luận vỗ về cộng đồng, làm hài lòng chính phủ bằng cách tài trợ xây dựng các trung tâm cai nghiện, gầy dựng phong trào chống thuốc lá.
Năm 1986, nước Mỹ phát động phong trào chống hút thuốc lá. Thật buồn cười khi quốc gia sản xuất thuốc lá nhiều nhất lại mở đầu phong trào chống thuốc lá. Phong trào này đã cấu vào ngân sách hàng chục triệu USD, nhưng tiền phạt vạ người hút thuốc lá sai quy định cũng thu vào không ít. Phong trào gây tiếng vang, các nước trên thế giới lần lượt ăn theo. Các tập đoàn sản xuất thuốc lá vui vẻ rút hầu bao chi ra hàng trăm triệu USD để đối phó, sau đó họ điên cuồng tăng mãi lực thu lại số tiền bỏ ra. Kết quả doanh thu của các hãng sản xuất thuốc lá tại Mỹ vẫn tăng mạnh, đạt tổng cộng khoảng 93,4 tỉ USD trong năm 2106.
Với sức mạnh vũ khí tài chính, các tập đoàn thuốc lá bỏ tiền thu hút những bộ óc thông minh nhất, những kỹ năng tuyệt xảo nhất trở thành những cánh tay đắc lực phục vụ, bảo vệ cho đế chế thuốc lá. Những vị trí quản lí, bán hàng, luật sư, bác sĩ, phát ngôn viên,... tất cả vận hành như một bộ máy trơn tru hoàn hảo, sẵn sàng đối chọi bất kì khía cạnh rắc rối nào đến từ thế giới bên ngoài.
Do góp phần quá lớn vào ngân sách, thuốc lá chẳng những được khuyến khích sản xuất mà còn được bảo vệ ngấm ngầm hoặc công khai. Vì vậy chính phủ sẽ không cho phép bất kì một tổ chức nào gây áp lực hoặc ảnh hưởng đến việc sản xuất thuốc lá, cùng lắm là vài cái cảnh báo răng miệng, hư phổi vô dụng dán trên mỗi gói thuốc chả ai quan tâm. Thi thoảng cũng có vài vụ thắng kiện bồi thường từ các hãng thuốc lá. Nhưng biết đâu đấy chỉ là một vài hành động trấn an dân chúng? Hay là đòn ngầm cạnh tranh giữa những hãng thuốc với nhau?
Trong khi đó trung bình mỗi năm, các hãng thuốc lá vẫn đang bán ra 27,675 triệu cây thuốc trên toàn cầu. Tương đương với việc thải ra môi trường 2,262 triệu kg rác, 209 triệu kg chất thải hóa học, hơn 4 triệu hecta rừng bị chặt phá để làm nhiên liệu sấy thuốc lá, sản xuất giấy cuốn và giấy đóng bao.
Với những con số ấn tượng này, ngành công nghiệp thuốc lá thế giới đã thu về 765 tỉ USD, đồng thời cũng đẩy 7 triệu người đến cái chết mỗi năm. Nghịch lí cấm hút thuốc nhưng lại cho phép sản xuất thuốc lá của chính phủ một số nước đã khiến “thế giới không khói thuốc” chỉ là một thế giới hoang tưởng.
Nếu có hi vọng nào cho thế giới đó trở thành sự thật thì bạn nên bắt đầu bằng cai nghiện hoặc nói không với thuốc lá. Phần tiếp theo, Monster Box sẽ tiết lộ những thủ đoạn của các tập đoàn thuốc lá đã và đang làm với các quốc gia chúng ta đang sống. Đặc biệt là ở các nước Châu Phi, và giải thích tại sao họ chọn đây làm thị trường mới nổi để “xuất khẩu cái chết”, tái diễn chế độ nô lệ dưới vỏ bọc mang đến công ăn việc làm.
Hãy chia sẻ video này đến mọi người xung quanh. Nếu bạn làm điều này thì ngoài kia có lẽ 800 người vẫn đang chết mỗi giờ vì thuốc lá, nhưng vẫn tốt hơn là không làm gì, phải không?
Quan điểm - Tranh luận
/quan-diem-tranh-luan
Bài viết nổi bật khác
- Hot nhất
- Mới nhất