Có nhiều người nhận ra sự tương đồng giữa bài viết này và bài viết kế tiếp đó của @Surphi28. Rõ ràng không có ai copy của ai cả. Và cũng rõ ràng, nếu để ý một chút, ý của hai bài viết khác nhau.
Triết học, trong bài viết của tôi, xuất hiện dưới ảnh hưởng của Baudrillard. Triết học hay các lý thuyết không chỉ nên là những câu hỏi liên tục “tại sao lại thế” mà còn là “nếu thế thì sao”. Con đường triết học từ thời Socrates, Plato cho tới Khai sáng ít nhiều đều bị ảnh hưởng bởi suy nghĩ triết học không được là tấm gương soi chiếu của cuộc sống. Có lẽ đó là lý do Socrates không thích viết, còn Plato ghét hầu như tất cả các thể loại nghệ thuật, thi ca. Nếu tất cả chỉ là những bản sao, như cách Plato lý luận về các Dạng hình (Form), thì việc tồn tại lý thuyết còn để làm gì? Do đó, con đường triết học của phương Tây vẫn luôn là tìm cách nghĩ khác đi, hay như trong bài của Surphi28, “ý thức phản tư khi theo đuổi những lối mòn suy nghĩ thông thường”.
Mong muốn của tôi thì khác. “Nếu triết học muốn nói về sự dư thừa và những vật lễ tế, bản thân triết học phải trở thành sự dư thừa và vật lễ tế. Nếu triết học muốn nói về sự quyến dụ, bản thân lý thuyết phải biến thành kẻ mị tình” – Baudrillard, Why Theory. Nói cách khác, triết học phải trở thành chính thứ mà nó chỉ trích, bàn luận, giống như cách Rem Koolhass viết về “những không gian thừa thãi” (Junkspace) bằng cách biến chính bài viết của mình thành một không gian thừa thãi: đầy những câu từ loằng ngoằng, những ví dụ kéo dài cả trang và những ý viết lặp đi lặp lại. Triết học, như ý tôi viết trong bài, không thể tự đặt mình sang một bên của khoảng không thời mà nó tồn tại bên trong.
Thiết kế của Rem Koolhass
Thiết kế của Rem Koolhass
Đối với tôi, triết học phải đặt được câu hỏi “nếu thế thì sao”. Không chỉ là nghĩ khác đi với cái thông thường, triết học phải là sự gia tốc của hiện thực nếu nó muốn nói về vượt thực (hyperreality). Nghĩa là, để nói về sự thực, nó còn phải thật hơn cả sự thật nữa, và trong một tình huống hậu hiện đại như chúng ta đang sống, triết học còn phải vượt qua tất cả những tiểu tự sự bị phân mảnh bằng cách tự phân mảnh, tự che giấu chính mình trong những câu hỏi kế tiếp. Nếu sự thật không che giấu chính mình, thế giới sẽ khui nó ra bằng các phương tiện đa dạng khác nhau, bằng việc diễn cảnh hóa (spectaclise), bằng sự ô tục hoặc sự báo thù. Đây là nguyên nhân triết học, tự nó, phải lường trước những tình huống này, phải dự báo được cái chết của chính mình. Nếu thế giới hậu hiện đại thì chúng ta phải đặt ra câu hỏi về đa hiện đại (metamodern). Nếu thế giới đang dừng lại ở tư bản thì chúng ta phải đặt ra câu hỏi về thứ gì xa hơn tư bản. Nếu thế giới đang dừng lại ở vật lý (physics) thì chúng ta phải đặt ra câu hỏi thứ gì xa hơn vật lý (pataphysics)...
Triết học không còn khả năng “phản tỉnh” như cách suy nghĩ của nhiều người, mà phải vượt qua chính lý thuyết và cả người đọc, đưa bản thân lý thuyết ra trước thế giới bằng cách đặt ra những câu hỏi về cái tiếp theo, khiêu khích và thách đấu chính thế giới quan hiện tại, chính vấn đề mà nó đang bàn đến bằng cách vượt xa hơn chính nó.
Có lẽ đây chính là lý do triết học được ghi ra giấy, ngược lại với sự ghét bỏ chữ viết của Socrates hay Rousseau. Nó được ghi ra giấy chính bởi vì nó tự lường trước được sự hủy hoại của hậu thế dành cho những lý thuyết cũ, sự đa ngôn, đa tự sự và đặc biệt sự lạm dụng, thao túng mà con người dành cho nó. Và khi nhận ra điều đó, nó đã phải tiến thêm một bước nữa. Và nó hỏi câu hỏi, “rồi thế thì sao”.
Vì thế, triết học đối với tôi không đồng nghĩa với cách Surphi28 trình bày về triết học của anh ấy/cô ấy. Ngay cả việc tạo nên “ý thức phản tư” cũng là một phần của việc giúp đỡ cá nhân bản thân trong cuộc sống. Tôi cho rằng, mọi sự giúp đỡ cá nhân mà người ta gán nghĩa cho triết học cần phải được chuyển sang mục Tâm lý, Tự giúp (self-help) hoặc những quyển sách về giao tiếp, sức khỏe.
Tôi cũng không đồng tình với những ý kiến rằng có một minh triết sâu sắc nào đó đằng sau những quyển sách, rằng việc thông diễn ý tưởng đằng sau một quyển sách (triết) có một cái kết rốt ráo theo ý tưởng của tác giả. Cách hiểu này, dù chắc chắn là một con đường tìm hiểu, không phải con đường duy nhất. Đành rằng, chúng ta không thể phủ nhận rằng có bản dịch này tốt hơn bản dịch khác về mặt ngôn ngữ, và có những triết lý “bị hiểu sai” so với ý muốn của triết gia. Ví dụ, những phản bác của Deleuze đối với Hegel, hoặc bất cứ triết gia Pháp thế kỷ 20 nào đối với Hegel, đều bị ảnh hưởng lớn bởi cách thông diễn của Jean Hyppolite đối với triết gia Đức này, mà cách hiểu của ông, đối với các Hegelian trước và sau đó, cực kỳ có vấn đề. Do đó mới hay có chuyện đùa kiểu Deleuze hay chỉ trích một ông Hegel bù nhìn, và mọi thứ Deleuze chỉ trích Hegel đều nói cả rồi. Nhưng như vậy không có nghĩa là những chỉ trích của Deleuze không có ý nghĩa: Nó được ghép vào trong một tổng thể khác để cho thấy một hoàn cảnh xã hội, tâm lý, chính trị mà tri thức Pháp thế kỷ 20 trải qua, và nó cũng đặt nền móng cho triết học diễn trình (Process Philosophy) của chính Deleuze sau này.
Giống như Ricoeur nói, việc thông diễn không chỉ tới từ một phía của tác giả, tìm hiểu cho kỹ cho cố hoàn cảnh lịch sử, ý nghĩa câu chữ của một tác phẩm, mà sự thông diễn còn phải phản ánh chính hoàn cảnh tâm lý xã hội mà người đọc đang trải qua. Chúng ta có thể đọc và trân trọng những tác phẩm về hiệp sĩ phương Tây thế kỷ 16 trong khi sống ở Việt Nam thế kỷ 21 là chính vì như vậy.
Do đó, tôi không đồng tình với cả cách đọc triết học để “giúp cuộc sống khá hơn” như trong đầu bài lẫn cách đọc triết học như thể có một minh triết rốt ráo đằng sau những con chữ, mà mình chỉ cần hiểu tận tường ngôn ngữ người viết và hoàn cảnh lịch sử và ý nghĩa từng khổ thì chúng ta sẽ tìm ra. Đối với tôi, triết học là sự khai thác liên tục đối ứng với hiện tại, trở nên vượt lên cả hiện tại và tự tìm thấy nơi chết/điểm dừng của chính nó. Nếu câu hỏi của Leibniz: “Tại sao thế giới lại có gì đó hơn là không có gì” (why there is something rather than nothing) là một trong những câu hỏi dẫn lối cho thời đại Khai sáng, thì đến lượt chúng ta, trong hoàn cảnh Hậu Hiện đại với các đại tự sự dần biến mất, nên đưa ra một câu hỏi ngược lại và hợp với hoàn cảnh hơn: “Tại sao thế giới không có gì sẽ tốt hơn là có gì”.
Baudrillard, kết thúc triết học của mình, khuyên người đọc hãy sống như người Khắc kỷ: “Nếu thế giới đầy chết chóc, hãy để nó chết chóc hơn nữa. Nếu nó thờ ơ, chúng ta phải thờ ơ hơn nữa. Chúng ta phải chinh phục thế giới và quyến rũ nó thông qua sự thờ ơ ít nhất bằng với sự thờ ơ của thế giới dành cho chúng ta”. Có lẽ đó là nơi chúng ta nên kết thúc bài viết này.
______________________
Nói là không đồng tình, nhưng tôi hoàn toàn không từ chối hoặc phủ định cách hiểu của từng người về triết học. Dễ thấy trong bài viết trước của mình, có những triết gia trẻ tuổi đã phản bác lại cách suy nghĩ này và đưa ra luận điểm của họ trong comment. Surphi28 cũng có thể có suy nghĩ riêng của anh ấy/cô ấy và ai cũng vậy. Có lẽ do tôi là một kẻ đọc triết học nằm ngoài lề, đọc triết như một sở thích chứ không phải một sinh viên triết học, nên tôi mới có cách hiểu như vậy đối với ngành học này? Triết học là một ngành học, một công cụ thực hành mê đắm và tôi tôn trọng những người theo đuổi nó. Wittgenstein đã viết cho Bertrand Russell rằng, nếu không được học triết, ông thà chết còn hơn. Diogenes thì sống cùng triết lý của mình tuyệt vời tới nỗi nó đi vào sách vở, lịch sử như một ví dụ tiêu biểu về triết gia.
Do đó, nếu có một thứ không nên thì đó là một định nghĩa rốt ráo, vĩnh viễn cho triết học. Càng có nhiều định nghĩa cá nhân, nhiều cuộc tranh luận thì sự đa sắc của triết học lại càng được thể hiện. Thế giới đã khó hiểu, đã là những câu đố (enigma), thì những định nghĩa đó sẽ càng làm thế giới khó hiểu hơn và vui hơn một chút.