Khởi nguồn từ những lão già da trắng ở A-ten, triết học hay “tình yêu dành cho trí tuệ” được nâng tầm trở thành điều cao quý nhất có thể tồn tại và theo đuổi bởi nhân loại. 2,000 năm kể từ đó, trong nỗ lực duy trì khẩu phần của mình tại các trường đại học, giáo sư thuộc mọi phân ngành triết học không ngừng mông má cho cái tình yêu này và gắn cho chúng đủ loại mỹ từ, cùng những hứa hẹn về một cuộc sống bình an, minh triết hơn, hay chí ít cũng là một công cụ hữu hiệu để tán tỉnh bạn tình (nếu vị triết gia trẻ đó may mắn nhận thức được sự cấp thiết phải biến những cuộc hội thoại triết học vừa vô nghĩa vừa vô duyên thành truyện tiếu lâm). Nhưng có thật triết học sẽ mang lại những điều tốt đẹp cho những người theo đuổi nó?
Người ta nói: “cuộc đời của triết gia là chứng thực tốt nhất cho triết lý của họ” . Vậy hãy nhìn xem cách nhà sáng lập triết học, kẻ đánh cắp tri thức từ những vị thần đem xuống cho nhân gian - Sokrates đã sống một cuộc đời như thế nào: vợ bỏ, con khinh, ăn không no, ngủ không ấm, cuối cùng bị ép tử khi đã sống được đến cái tuổi “thất thập cổ lai hy”. Phong cách sống như này không hẳn xấu, nhưng khó có thể thấy bất kỳ sợi dây liên hệ nào với những tuyên ngôn sứ mệnh, kiêm thông điệp truyền thông của ngành công nghiệp trí tuệ thời nay - trang chủ của USSH có đăng “Người học triết học có nhiều ưu thế nếu làm lãnh đạo.”
Sự kệch cỡm này từ đâu mà ra?
Con người hẳn là một giống loài kỳ lạ với một đặc tính kỳ lạ - họ tự đẻ ra cho mình vấn đề và khắc khoải không yên chừng nào chưa giải quyết được vấn đề đó. Một con kiến, hằng ngày chăm chỉ lần theo những dấu chỉ hoóc-môn để vận chuyển thức ăn về tổ, nó không có bất kỳ trăn trở hay chộn rộn nào trong lòng, một giống loài hoàn toàn “vô sự” theo cách nói của đạo Phật; những con kiến thậm chí an nhiên trước những vấn đề mang tính hệ trọng đến như cái chết của chính mình - khi đánh hơi thấy hoóc-môn chết trên người, nó sẽ chấp nhận và thanh thản đi tới nghĩa địa của loài kiến, không đấu tranh, không phản kháng, mặc dù vẫn còn đang khỏe mạnh*. Nhưng con người thì khác, với khả năng ý thức vượt trội loài kiến, con người nghĩ mình cần sử dụng công cụ này để cải tạo số phận; họ không chịu nếp sống lặp đi lặp lại như chú kiến bên trên, nên sẽ tụ họp lại với nhau để đập phá máy móc rồi đình công; họ không chấp nhận cái chết của mình, nên bào chế ra đủ loại thuốc trường sinh bất tử, can thiệp y khoa, và rồi giờ là chỉnh sửa gen để kéo dài tuổi thọ; họ căm ghét những bản năng sinh học bên trong mình, nên bày biện ra mọi ý thức hệ nhằm trấn áp những thứ được coi là xấu. Trên đời này vốn làm gì có vấn đề, người ta tư duy mãi thì ra vấn đề thôi.
Nhưng, nếu vấn đề đến từ việc tạo ra vấn đề chỉ để giải quyết vấn đề, thì tại sao ta lại phải lao đầu vào cái vòng lặp không ngừng này - tìm kiếm trí tuệ để giải quyết vấn đề được sinh ra từ trí tuệ? Trong khi có thể ngừng tạo ra vấn đề ngay từ đầu?
Tại sao một người không cứ thế mà bình an và hạnh phúc trong nghèo khó mà phải vươn lên giàu sang và quyền thế để làm gì? - Trong khi sự nghèo khó của họ vốn là mơ ước của những người sống cách đây 100 năm. Tại sao ta phải đặt hết mục tiêu này đến mục tiêu khác và tự dặn lòng sẽ hạnh phúc khi đạt được mục tiêu? - Nhưng khi đạt được mục tiêu rồi thì chẳng điều gì thay đổi, người ủ rũ vẫn mãi ủ rũ dù có đạt được bao nhiêu thành tựu trong cuộc sống. Sự tiến bộ của con người hẳn là có mục đích gì đó, nhưng chắc chắn không phục vụ mục đích tìm kiếm hạnh phúc; và có tiến bộ cách mấy thì chúng ta cũng chẳng khác gì tổ tiên 4,000 năm về trước, mà nếu có khác thì chắc chỉ có 2 thứ - sống lâu hơn và biết bay. Vậy thì đau khổ vì những tiến bộ nhợt nhạt này liệu có đáng không?
Không phải sao? Khi những người trí tuệ nhất, đến một lúc nào đó, đều từ bỏ đi cái sắc bén của mình để sống một cuộc đời an nhiên. Vậy phải chăng hạnh phúc và bình an đến từ quyết định của mỗi cá nhân, chứ không phải một hành trình tìm kiếm sự khai minh phù phiếm nào đó? Nếu như vậy, mỗi chúng ta chỉ cần thực hành biết ơn và hạnh phúc mỗi ngày. Sự hạnh phúc đến từ bên trong và cần được cảm nhận bằng trái tim, chứ không phải là sản phẩm của lí trí. Nếu chúng ta yêu thương hơn nữa, từng chút một, thì chúng ta có thể cùng nhau xây dựng một thế giới tốt đẹp hơn bây giờ. Hãy cùng cố gắng bạn nhé!
Nghe thì hay nhưng hổng có đâu ~
Một nhà thầu xây tường đã nói như thế
Quả nhiên căm ghét chính mình là cái tật cố hữu của con người, căm ghét tới cái độ không thể nào chấp nhận sự không yên bình là một phần thâm căn cố đế, không thể tách rời trong tâm hồn chúng ta, và rồi tìm mọi cách để loại bỏ nó. Nhưng mà càng tìm cách loại bỏ, thì nó càng tìm cách khác để quay trở lại, dưới hình dạng xấu xí hơn trước.
Vậy thì chấp nhận đi nào! Chính chúng ta khao khát cái bể khổ đó. Hay đúng hơn, đây chỉ là một phần trong cái trò chơi mà loài người vốn không thể nào thoát ra khỏi.
Con người không thể nào hiểu nổi một khái niệm đơn giản nhất, cũng không thể nào đưa ra được một quyết định hiển nhiên nhất, nếu không nhờ vào sự đối kháng giữa hai quan niệm đối lập. Chúng ta định nghĩa “tốt” đối lập với “xấu”, “bất thường” đối lập với “bình thường”, “thiện” đối lập với “ác”, “vui” đối lập với “buồn” và “yêu” đối lập với “ghét”. Những khái niệm đối kháng với nhau, cùng mọi sắc độ ở giữa, tạo ra một bức tranh rõ nét về thế giới cho con người. Không phải quá nửa thời gian khi chúng ta muốn định nghĩa đến tận cùng một điều gì đó, hay diễn tả rốt ráo một cảm xúc cá nhân, đều phải viện đến mẫu câu: “nó là… và không phải là…” hay sao? Và không phải hầu hết các bài viết nhằm định hướng thái độ đều phải dựng lên hai vai “kẻ thù” và “chính nghĩa” để thẩm thấu vào bên trong người đọc hay sao?
Quan sát cách đứa trẻ tập nói, ta hiểu hơn về quá trình này. Hễ đứa trẻ chỉ vào một vật, nói “trái bóng” mà người lớn gật đầu đồng ý, thì hình ảnh đó sẽ được gán thêm vào từ “trái bóng”; ngược lại nếu người lớn lắc đầu không đồng ý, thì từ “trái bóng” bị loại trừ đi một hình ảnh. Cứ như thế, trong quá trình lớn lên, đứa trẻ sẽ gắn những thứ làm nó khoái trá vào cụm từ “hạnh phúc”, và đẩy những thứ làm nó khổ sở vào cụm từ “bất hạnh”; đứa trẻ giờ đã là người lớn sẽ luôn thực hiện các hành động để hướng tới các khái niệm trong cụm hạnh phúc, cũng như tránh xa các khái niệm trong cụm bất hạnh. Sự phân hóa như này sẽ tạo ra hai cực, một cực xấu mang tác dụng đẩy, một cực tốt mang tác dụng kéo, kéo và đẩy giúp điều hướng con người trong cuộc sống. Và nếu tinh ý sẽ nhận thấy sự điều hướng này không gì khác ngoài hai chữ “vấn đề” được nhắc đến bên trên - tôi phải hướng đến cái này, tôi phải đạt được cái kia, nếu không tôi sẽ bị điều nọ. Sự điều hướng càng tinh vi thì vấn đề càng nở rộ.
Trí tuệ mang lại cho ta nhiều hơn những cặp khái niệm đối lập như vậy và cả những cặp đối lập nhỏ hơn bên trong những cặp đối lập lớn**, từ đó sản sinh thêm nhiều sắc màu mới cho cuộc sống và hàng tá các vấn đề rắc rối. Đây chính là tình yêu cả đời của chúng ta, mặc dù điều này làm chúng ta đau khổ - vậy thì không quá khi nói rằng chúng ta là những kẻ “khổ dâm vì trí tuệ” và mọi sự tiến bộ của con người đều đến từ “khoái cảm bệnh hoạn” này mà ra. Nó đã nằm sâu đâu đó bên trong bộ gen của chúng ta rồi, bằng không thì chúng ta đã hành động một cách rối loạn hằng ngày, hay thậm chí là không hành động gì cả.
Bạn thấy đó, chúng ta không cách nào thoát khỏi nó, mãi mãi bị nguyền rủa trong tiến trình của sự phát triển. Và cái ông Sokrates đã mang tai họa về cho thế gian, sứ giả của sự đau khổ.
Trong tiến trình của sự phát triển, con người luôn có xu hướng bị kéo về cực tốt lành. Nhưng liệu ta có quên rằng: nếu không có cực này thì sẽ không thể có cực kia và cả hai cực đều là một phần trong con người ta.
Nếu sự xấu xí là một phần không thể chối bỏ của cuộc đời, thì một thái độ chấp nhận và dung nạp sẽ mang tới sức mạnh cho cá nhân, để họ sống vui vẻ và khoẻ mạnh trước mọi bất hạnh luôn luôn thường trực. Đó là lý do cứ hễ đến một tiến trình của lịch sử, khi ánh sáng trở nên quá chói lòa, nhân loại sẽ lại cần bóng tối, lúc này thì những “nhà bi quan” sẽ nhân văn và có tác dụng chữa lành hơn những “nhà lạc quan”.
Khi tôi nói về những điều trên, tôi không có ý muốn công kích hay đổ lỗi cho bất kỳ ai hay bất kỳ hoàn cảnh nào khác ngoài bản thân mình. Tôi vốn là một kẻ khó chịu với cuộc sống và có thể sẽ luôn là vậy. Tôi bất mãn và có chút vĩ cuồng. Cũng như mọi người, tôi căm ghét cái cảm giác không yên. Tất nhiên là tôi không yêu thương gì những cái nết này, ít nhất thì tôi chưa có bị khùng đến như vậy.
Đến một lúc trong cuộc đời tôi đã phần nào chấp nhận nhận những thứ khốn nạn xung quanh mình là rất thật và những thứ khốn nạn bên trong mình còn thật hơn nữa. Tôi bắt đầu hạn chế chửi bới sự mông muội nơi người khác, thay vào đó bắt đầu chịu trách nhiệm để làm cuộc sống của mình thoải mái hơn. Nói là bắt đầu bởi tôi không nghĩ sẽ bao giờ hoàn thành được. Và nói là vậy ý tôi cũng không phải là tôi tốt lành gì hơn mọi người hay tốt lành gì hơn so với lúc trước; tôi không nghĩ sẽ có thời điểm mà tôi hay bất kỳ ai khác có thể trở nên “tốt lành” được hết, bởi vì một người không thể tốt lành được nếu họ không xấu xa.
Đồng ý là tư tưởng của tôi hỗn loạn và trên hết là không nhất quán; trong hoàn cảnh này hay hoàn cảnh khác, tôi cũng phân biệt rạch ròi tốt xấu mạnh mẽ như bao người khác; đôi lúc thì tôi lại rao giảng về hư vô chủ nghĩa; nói chung thì tôi không có câu trả lời cho vấn đề này, chẳng sao, tôi vốn cũng chẳng tin vào một sự xuyên suốt hay liên tục trong tâm hồn con người. Và nói thật thì tôi cũng không biết mình đang làm gì và hướng đến cái gì, tôi cũng không biết bên kia những mục tiêu tôi đặt có gì là đáng hay không, tôi càng không biết mình nên thực hành hệ tư tưởng nào, nhưng dù cho là vậy, tôi vẫn làm và vẫn hướng đến một cái gì đó, tôi vẫn đặt mục tiêu và tôi vẫn viết về những triết lý của mình. Dù sao thì với tôi, đó là cuộc sống.
Nếu có bất kỳ điều gì triết học làm được cho tôi, thì đó hẳn phải là ý thức phản tư mỗi khi tôi tư duy theo những lối mòn suy nghĩ thông thường. Để rồi lại chìm đắm trong sự hỗn loạn và không điểm tựa. Tôi thích thế. Tôi thích sự phi lý.
Và bạn biết gì không? Một điều tôi vẫn luôn quan niệm (kể từ khi nghe được quan niệm này từ một người luôn quan niệm khác): “Khi mà triết học bắt đầu trả lời những câu hỏi thì nó đã trở thành tôn giáo rồi”. Triết học không trả lời những câu hỏi. Triết học có vai trò như một người “chẻ sợi tóc ra làm tư”, để bới móc ra vấn đề và hỏi những câu hỏi; nó làm cuộc sống con người thêm rắc rối và khổ sở, bằng cách nâng cao trí tuệ và ý thức chung của loài người. Vậy thì, việc trả lời câu hỏi hãy dành cho các thể chế xã hội, chính trị, tôn giáo, giáo dục, giải trí hoặc chính bản thân mỗi người.
Thế nên, triết học thì vô dụng, bạn ngu … (à thôi, không nên đạo văn trắng trợn như vậy).
* Xem thêm:
Thí nghiệm nhỏ axit oleic lên kiến
** Có thể tất cả được tổ chức dưới dạng hình tháp.