Trong một xã hội tôn thờ tuổi thanh xuân
“Thanh xuân” có vẻ là một từ khóa rất phổ biến gần đây. Nó xuất hiện trong các tựa sách bán chạy, trong những bài hát thịnh hành, tên...
“Thanh xuân” có vẻ là một từ khóa rất phổ biến gần đây. Nó xuất hiện trong các tựa sách bán chạy, trong những bài hát thịnh hành, tên phim truyền hình, các trang báo, và những dòng trạng thái trên mạng xã hội. Dường như lúc này trong đời sống văn hóa cộng đồng đang xuất hiện một thứ tín ngưỡng - tín ngưỡng tôn thờ tuổi thanh xuân.
Từ “thanh xuân” luôn đi liền với ý niệm: tuổi trẻ là một cái gì rất đẹp và quý giá mà ai cũng chỉ sở hữu một thời gian ngắn trong đời, vậy nên hãy sống vội lên như tinh thần yolo, tinh thần carpe diem để không hối tiếc về sau.
Điều này có thể lí giải đơn giản như sự lan tỏa nhanh chóng của một niềm tin có giá trị thương mại trong một nền kinh tế hội nhập. Việc lan tỏa của tư tưởng “hãy sống vội đi, hãy làm nhiều hơn và tiêu dùng nhiều hơn” làm lợi cho các ngành giải trí, thời trang và làm đẹp. Trong bài Eternal Youth is an ugly obsession trên trang The Guardian, tác giả Rebecca Seal chỉ ra vấn đề này ở Mỹ: “nhóm dân số đang già đi phải đứng trước lựa chọn hoặc là chấp nhận thực tế lão hóa, hoặc cố gắng níu kéo nhan sắc tuổi xuân bằng mỹ phẩm và phẩu thuật thẩm mỹ”.
Trong một xã hội tôn thờ tuổi xuân, tuổi già sẽ trở nên xấu xí và đáng buồn. Điều này ảnh hưởng tiêu cực nhiều hơn là tích cực. Người trẻ thì luôn bận lòng với một nỗi ám ảnh thiếu thực tế là mỗi ngày trôi qua đều là một sự phí phạm thời gian. Phụ nữ bước sang tuổi trung niên thì lo “ế” và xấu đi. Còn người già nghĩ về mình như một gánh nặng xã hội. Ở bình diện chung, khoảng cách thế hệ có thể gia tăng. Và ở mức cực đoan nhất, có thể gây ra phân biệt đối xử tuổi tác (age discrimination). "Tín ngưỡng thanh xuân” lúc này trở thành “mê tín dị đoan”.
Nhiều tạp chí thường hay đề xuất các danh mục tuyên dương người trẻ thành đạt như “30 under 30”, “20 under 20”. Nhưng những cột mốc 20, 30 ấy thật sự chẳng có ý nghĩa tiêu chuẩn gì với cái gọi là thành công cả vì mỗi người đều có con đường đi khác nhau, xuất phát điểm khác nhau. Đó là chưa kể thành công cũng là một ý niệm không đồng nhất. Ngược lại, những vụ việc như cụ bà 97 tuổi vẫn dùng Internet ngon lành lại trở thành những chuyện hi hữu thuần túy giải trí. Trong khi lẽ ra nó cần được nhìn nhận theo hướng nghiêm túc là có quá ít người dùng Internet lớn tuổi và làm thế nào để nâng con số ấy lên.
Thái độ nào mà truyền thông cần có?
Ở góc độ vĩ mô, lẽ ra nên có nhiều hơn những sân chơi không phân biệt tuổi tác, nếu có thể, để rút ngắn khoảng cách thế hệ. Ngoài ra, sẽ thật tuyệt vời nếu truyền thông đại chúng quan tâm nhiều hơn đến các nhóm tuổi khác, cũng như nhìn nhận việc già đi như một điều tất yếu và không xem nó như một sự đi xuống của năng lực tư duy và nhận thức.
Nhà thần kinh học Marsel Mesulam đề xuất khái niệm superagers để chỉ những người lớn tuổi mà năng lực về tư duy, trí nhớ và sự tập trung không thua kém gì giới trẻ. Và theo ông, cách để trở thành superagers là không ngừng luyện tập thể chất (chạy bộ, bơi lội...) cũng như trí tuệ (viết lách, giải sudoku...). Bản thân mỗi chúng ta có lẽ cũng nên cố gắng để trở thành superagers để không thấy tuổi già như một sự hư hao và là một điều cần trốn tránh.
06.2017
Quan điểm - Tranh luận
/quan-diem-tranh-luan
Bài viết nổi bật khác
- Hot nhất
- Mới nhất