Hãy cùng trở lại câu chuyện em ăn cơm chưa.
Vì sao người Việt thường hiếm khi nói chữ "yêu" như cách mà gia đình người Mỹ mỗi khi chào tạm biệt thường nói "I love you"?
Ngay trong chính gia đình tôi, chữ "thương" chưa bao giờ được thốt ra, vì rất có thể nó được xem như một biểu hiện của ngáo đá. Bà ngoại mỗi khi được mua cho cái gì sẽ trách mắng bảo chúng mày tiêu tiền nhiều thế. Mỗi khi chuẩn bị thu xếp để vào lại thành phố, thay vì nói "con nhớ giữ gìn sức khỏe", má tôi sẽ nói là "vô đó lo ăn uống vô không là bệnh chết nghe mậy" kèm theo hành động nhét vào ba lô những bánh trái và gần đây nhất là khẩu trang.
Xã hội học gọi đó là một nền văn hóa giàu ngữ cảnh (high-context culture).
Trầm Tử Thiêng không cần đến thuật ngữ này, mà vẫn tái hiện một cách vô cùng chuẩn xác bằng hai chữ "trộm nhìn". Trong một nền văn hóa mà chữ "yêu" là quá bạo, thì cái nhìn trực diện sẽ là cái nhìn vồ vập, chúng ta sẽ trộm nhìn.
Trong cái ngày nghỉ phép (rất có thể là chỉ có 24 giờ mà hết 4 giờ đi dài thêm 4 giờ về), người lính về nhà hẳn không bày tỏ sự quan tâm bằng lời nói, nhưng tâm tư được hé lộ qua những cái trộm nhìn.
Trộm nhìn người vợ để xem thử dung nhan đó bây giờ ra sao, có còn đôi má đào như ngày nào? Cuộc đời là rào thưa, tiếng hát nay đã sang mùa. Thương em một mai mưa gió, biết ai đón ai đưa.
Rồi người vợ cũng trộm nhìn người chồng, xem đôi tay rắn phong trần năm xưa. Kể từ khi chồng xa nhà, cô thấy mình như tấm lụa nhàu. Cuộc đời là vách núi tường mây, ngăn sông cách trở. Anh đi thăm thẳm đường dài ít về thăm em.
Rồi cả hai cùng trộm nhìn me. Me cũng từng là một người vợ, có một người chồng đi xa, nhưng nay đã là dĩ vãng. Đêm đêm me vẫn mơ một ngày, trên đường hành quân con sẽ gặp được cha mình.
Cuộc đời như bể cả dòng sông, như con nước lớn nước ròng, mà ta như chiếc lá khô. Nước chảy rời nguồn thì lá đành trôi theo.
09.03.20