Chuyện người Dziệt hát nhạc tiếng Anh
Cơ bản thì dạo gần đây vừa bận lại vừa...lười, nên chẳng biết phải viết cái chi cả :) Thôi thì đăng tạm 1 post nhỏ mà lúc trước mình...
Cơ bản thì dạo gần đây vừa bận lại vừa...lười, nên chẳng biết phải viết cái chi cả :)
Thôi thì đăng tạm 1 post nhỏ mà lúc trước mình từng phân tích. Về vài thứ sương sương mà chúng ta cần lưu ý một chút khi pick 1 bản nhạc tiếng Anh để hát/rống. Cảm nghĩ cá nhân nên thấy sai thì cứ góp ý hộ mình nhé.
Rồi, với tư cách là 1 người hát dở bà cố luôn, mình thấy có một số điều sau cần lưu ý khi hát nhạc tiếng Anh:
1. Đầu tiên, cũng là quan trọng nhất: không bê nguyên xi cách hát tiếng Việt vào để hát tiếng Anh
Đơn giản vì tiếng Việt là hệ ngôn ngữ đơn âm, trong khi tiếng Anh là hệ ngôn ngữ đa âm - tức nhiều âm mới kết hợp ra được 1 từ. Khi hát tiếng Việt, chúng ta có xu hướng hát theo kiểu hát âm nào ngắt hơi âm đó (vì mỗi từ chỉ có 1 âm); nhưng nếu hát tiếng Anh thì bạn cần giữ hơi mình để nối với các âm còn lại. Ví dụ như từ "another" đi, khi hát bạn cần giữ nhẹ hơi mình giữa 3 phần âm "a", "no" & "ther". Nếu xử lý không tốt, người nghe sẽ có cảm thấy rời rạc, cảm giác kiểu như "hát tiếng Anh chẳng khác gì hát tiếng Việt". Đây là vấn đề mà mình thấy ca sỹ Việt rất hay mắc phải, ngay cả những sân chơi đòi hỏi tính thanh nhạc cao như The Voice thì các ca sỹ, dù cố gắng gồng giọng mình lên cỡ divo/diva nhưng phát âm thì lại không chuẩn xác, phát âm tiếng Anh rời từng khúc như phát âm tiếng Việt khiến người nghe khó cảm nổi, và một phần cũng dẫn dẫn đến hệ quả lên án ca sỹ sính ngoại này kia. Nhập gia tùy tục, bạn hát nhạc nước ngoài thì cần cố gắng điều chỉnh giọng mình sao cho khớp hơn với cách hát của người nước ngoài chứ không lấy râu ông này cắm cằm bà kia.
Về góc nhìn cá nhân, mình cũng khuyên các bạn nếu hát tiếng Anh thì hãy cố giữ hơi mình dài ra, liên tục cho đến khi các bạn hát xong một câu hát. Tất nhiên nếu câu hát dài quá thì các bạn có thể ngắt để lấy thêm hơi, nhưng phải lấy hơi cho khéo & không được nghỉ ở các nốt giai điệu quan trọng.
2. Không được bỏ mấy phụ âm /s/, /z/, /f/, /tf/...etc. ở cuối từ tiếng Anh khi hát
Thực chất các phụ âm này có chức năng nối từng từ trong câu hát với nhau lại, cơ mà mấy anh chị ca sỹ Việt nhà mình toàn bỏ đi hết trơn hết trọi.
Nhớ hồi trước có chị nào hát cụm từ "raise my voice" thành "rây mại voi" nghe rõ mồn một không hề có phụ âm /z/ ở từ "raise" & từ "voice" để nối lại, nghe rất thô và buồn cười. Hãy để ý, những cụm từ thành ngữ, cụm giới từ, cụm danh từ (work it out, turn it out, in the blink of an eye...) hoặc những câu hát nhanh sẽ là những phần lời hát cần nhiều sự nối từ nhất. Bạn cần chú ý phân tích trước khi bắt tay vào hát. Cố gắng tập cách phát âm một từ cho đúng và đủ âm tist của từ đó, không tạo thói quen phát âm thiếu (nhất là mấy cái /s/, /f/, /z/, 0 con nhộng...toàn bị bỏ đi trụi lủi). Sự chuẩn xác tối thiểu luôn là điều cần thiết để khiến bản nhạc mình hát ra có thể chấp nhận được.
3. Nối phụ âm cuối từ trước vào nguyên âm của từ sau
Điều này nếu bạn học tiếng Anh chắc cũng được thầy cô nói qua rồi. Và khi hát cũng vậy, hãy cố gắng nối từ để tạo sự liền mạch cho lyrics. Ví dụ như "If I" sẽ hát thành íp-phai chứ không phải là íp-ai (phiên âm ra như vầy trông củ chuối nhể :v)
4. Một số từ trong tiếng Anh, khi hát bạn phải nhả chữ nhẹ ra chứ không phát âm quá mạnh
Theo kinh nghiệm mình, những từ quan trọng như "I", "You", "Want", "Day"...là những từ cần phải hát nhẹ lại, không gằn giọng quá mạnh vào. Thậm chí là đôi lúc bạn phải phát âm lệch đi một tý, chẳng bạn như "You" thành "chu" ấy.
5. Cố gắng hát sao cho thật tự nhiên
Đối với nhạc tiếng Anh thì mình thấy có rất nhiều tiêu chuẩn để đánh giá người ca sỹ, tùy vào tính chất bản nhạc đó. Ở đây mình không đề cập ở mức độ nhạc kịch Broadway, hay các thể loại thanh nhạc học thuật mà chỉ đứng ở góc nhìn một người hát thuần túy thôi. Tại mức độ này, bạn nên kết hợp hài hòa giữa cách lấy hơi từ bụng kết hợp với giọng giả thanh (giọng gió) và đôi ba chỗ luyến láy để tạo điểm nhấn. Hãy cố gắng hát thực lòng mình, nhập tâm vào bản nhạc mà mình muốn truyền tải. Ở Việt Nam hay có kiểu coi thường cách hát giọng gió & luôn đề cao cách hát gồng giọng, sử dụng kỹ thuật lấy hơi nhiều và đôi lúc mạnh bạo như kiểu hát "sư tử cái" của Siu Black hay kiểu diva của Thanh Lam/Mỹ Linh, nhưng mình thấy ở nhạc nước ngoài thì sự hài hòa mới là quan trọng nhất. Dù bạn hát kiểu nào cũng được, miễn là bản nhạc của bạn tạo được ấn tượng/cảm xúc đối với người nghe là bạn đã thành công rồi. Kỹ thuật cho lắm vào mà nghe thấy nhạt nhẽo, chán phèo thì cũng rứa thôi.
Nói về cách luyến láy, bạn nên nghe thêm nhạc R&B để học hỏi thêm. Cách luyến âm của các nghệ sỹ thuộc dòng nhạc này rất đa dạng và cực kỳ truyền cảm. À quên nữa, thử phát âm đớt đớt 1 tý (tức hát méo âm vài chữ trong câu hát) cũng sẽ khiến bản nhạc mình nghe thú vị hơn đó
6. Cuối cùng, hát tiếng Anh thì phải nghe nhạc tiếng Anh nhiều vào
Luôn là vậy. Nghe nhiều tất sẽ hiểu được cách họ hát như thế nào, rồi học theo thôi :)
Quan điểm - Tranh luận
/quan-diem-tranh-luan
Bài viết nổi bật khác
- Hot nhất
- Mới nhất