Dù tình yêu có chặt chẽ đến đâu, ta vẫn cần sự độc lập. 
Tôi chợt nảy số đến hiệu ứng Domino. Ban đầu, những quân bài được xếp thẳng đứng và sát nhau. Khi quân đầu tiên bị xô đổ, các quân còn lại cũng bị đổ theo. 
Chuyện tình cảm cũng tương tự.  Khi hai người đứng thẳng (tức là độc lập) sẽ không có kết quả tiêu cực nào xảy ra nhưng nếu 1 trong 2 đổ về phía người còn lại (tức là phụ thuộc) thì mối quan hệ về sau cùng sẽ đổ vỡ.
Thực ra xuất phát điểm của câu chuyện không tệ đến thế. Trước khi bước vào mối quan hệ, chúng ta đều độc lập như những quân bài được xếp thẳng. Chúng ta có cuộc sống riêng với đam mê, bạn bè và sự nghiệp riêng. 
Mạng xã hội hay an ủi chúng ta rằng: “Sống tốt, trời xanh sẽ an bài” hay “Ngồi yên tình yêu sẽ đến” và khi món quà ấy đến thật, chúng ta lại hành động có phần bối rối. Chúng ta chìm trong cảm giác sung sướng, hạnh phúc khi dopamine được bộ não tiết ra. Thật khó để cưỡng lại khát khao muốn gặp người yêu 24/7, muốn đối phương sống cuộc đời của mình và muốn chìm vào thế giới của người ta, sẵn sàng hy sinh quên mình để người yêu được hạnh phúc. Tôi không muốn làm bạn tổn thương nhưng rất tiếc phải nói rằng: các biểu hiện trên thực chất là báo động đỏ của một mối quan hệ phụ thuộc!
Phụ thuộc vào người yêu là một vấn đề rất khó nhận ra. Như tôi đề cập ở trên, các biểu hiện của phụ thuộc cảm xúc hoàn toàn vào đối phương (vốn là vấn đề tiêu cực) lại xuất hiện một cách rất lãng mạn trong tình yêu. Điều này khiến người bị phụ thuộc không hề nhận ra mình đang phụ thuộc. Họ chỉ nghĩ đơn thuần là mình đang yêu, đang vun đắp mối quan hệ để chờ ngày hái trái. 
Suy nghĩ này rất nguy hiểm. Khi chúng ta nhận thức được bản thân đang phạm lỗi, chúng ta sẽ tìm cách khắc phục. Ngược lại, nếu chúng ta thất bại ngay từ bước nhận thức thì sai lầm sẽ tồn đọng ở đó mãi mãi.
Hành động và kết cục được tạo nên bởi mối quan hệ nhân quả. Sẽ không có một khuôn mẫu hậu quả đồng nhất cho những người phụ thuộc mà không nhận ra vì hành động của mỗi người trong mối quan hệ là khác nhau. Tuy nhiên, tựu chung lại ta sẽ nhìn thấy một số hậu quả phổ biến như sau: Đánh mất màu sắc cá nhân, nghi ngờ giá trị bản thân, trở thành gánh nặng cho đối phương và cuối cùng là đẩy mối quan hệ đến bờ vực tan vỡ. 
Có cả ngàn lý do để chúng ta phụ thuộc vào người yêu. Nhưng phụ thuộc mà không nhận ra mình đang phụ thuộc thì vẫn còn là câu hỏi bỏ ngỏ của nhiều người. 
Dựa vào những quan sát cá nhân và nhiều lần tư vấn cho các bạn qua Chang Talks (Bạn có thể liên hệ với tôi theo link ở cuối bài), tôi phát hiện việc đánh tráo khái niệm là 1 trong những nguyên nhân khiến chúng ta buộc mình vào người khác.
Nếu bạn chăm lướt Tiktok, bạn sẽ thấm nhuần bài học: “Trong tình yêu, nếu bạn yêu nhiều hơn và để cho đối phương biết điều đó, bạn thua.”
Tôi cực kỳ phản đối quan điểm này. Với nhiều người, tình yêu là cho đi, là yêu không tính toán. Họ muốn giúp đỡ người yêu và đồng hành cùng người yêu trong mọi mặt cuộc sống. Đây là một tư duy tốt nhưng nó sinh ra một hệ quả đó là sự nhầm lẫn giữa yêu hết mình và yêu quên mình - trạng thái sẵn sàng hy sinh tất cả để đáp ứng nhu cầu của người yêu. 
Tôi tin rằng chúng ta chỉ có thể cho đi khi chúng ta có đủ. Bạn không thể làm từ thiện khi chính bạn còn bữa đói bữa no. Trong tình yêu cũng vậy, bạn phải đảm bảo được những nhu cầu của mình trước rồi mới cố gắng đáp ứng nhu cầu của người yêu - đó là yêu hết mình. 
Ngược lại, yêu quên mình là kiểu yêu rất độc hại. Bạn cho rằng bản thân phải có nghĩa vụ thỏa mãn nhu cầu của họ. Vì vậy, bạn gạt bỏ những mong muốn cấp thiết của bản thân để dành điều tốt nhất cho người yêu. Ví dụ như bạn chuẩn bị có bữa tối đầu tiên sau 8 tiếng đi làm nhịn đói thì người yêu bảo buồn miệng, muốn uống trà sữa, bạn liền nhịn ăn để mua quà cho người yêu vui. Đó chính là phụ thuộc cảm xúc. Người ta vui bạn mới vui.
Sự phụ thuộc có thể phát triển thành một dạng bệnh lý khi bạn phải trải qua các chấn thương tâm lý thời thơ ấu. Có thể bạn lớn lên với một người chỉ biết yêu bản thân, nghiện rượu, cờ bạc, những bậc cha mẹ đòi hỏi đến mức cực đoan, hoặc bạn là con giữa trong gia đình đông anh em, bạn không có cha mẹ,... Hành vi phụ thuộc khi đó phát triển như một cơ chế tồn tại để bạn có thể thu hút sự chú ý. Ví dụ, bạn có một bà mẹ đã từng thi trượt trường Y và dành cả cuộc đời nuôi dạy bạn với mong muốn bạn thực hiện ước mơ đó thay mình. Mẹ lạnh nhạt với các đam mê khác của bạn trong cuộc sống và chỉ khen ngợi khi bạn đạt điểm cao các môn Toán, Lý, Hóa, Sinh. Bạn muốn nhận được tình thương của mẹ nên chẳng còn cách nào khác ngoài việc gác bỏ giấc mơ nghệ thuật để theo đuổi ngành Y. Bạn cứ làm những điều mình không thích để khiến người khác hạnh phúc - Đây là cách bạn tồn tại trong các mối quan hệ. 
Cũng như máu chảy trong người, sự phụ thuộc diễn ra một cách tự nhiên trong vô thức khiến bạn không thể phân biệt rạch ròi được mình có đang phụ thuộc hay không? Tuy ranh giới giữa có và không rất mờ nhạt nhưng hậu quả thì tỏ như ban ngày. Điều đó như một tiếng còi tàu kéo dài đánh thức những người đang buộc mình vào đối phương trong mối quan hệ. 
Muốn đồng hành lâu dài với nhau, bạn nhất định phải độc lập!
Những cuốn sách thường đặt vấn đề giông dài và đưa ra lời khuyên chung chung, riêng tôi thì không muốn bạn tốn thời gian nên chỉ có 3 gạch đầu dòng sau đây: 
Hãy chăm sóc thật tốt bản thân bạn
Bạn là người thấu hiểu bản thân mình nhất - hãy vững tin như vậy. Khi hiểu chính mình, bạn mới biết rõ những vấn đề và khát khao của bản thân. Từ đó, bạn hành động để giải quyết vấn đề hoặc thỏa mãn những nhu cầu ấy. Thầy Minh Niệm từng nói trong Yêu Lành với đại ý:
 Chúng ta không nên đặt hạnh phúc của mình lên vai người khác. Tâm hồn ta phải là một khu vườn đẹp sẵn thì khi người khác đến, họ mới góp phần làm khu vườn ấy đẹp hơn được
Khi bạn đẹp từ trong ra ngoài, bạn tự hạnh phúc với chính bản thân, bạn sẽ không phải phụ thuộc vào ai để mong cầu sự chú ý hay tình thương nữa. Yêu bản thân luôn là cốt lõi của mối quan hệ hạnh phúc dài lâu.
Thiết lập ranh giới rõ ràng 
Từ khóa bạn cần nhớ đó là “Tính cá nhân”. Sai lầm của những người phụ thuộc đó là đồng nhất cuộc đời của mình với cuộc đời của người yêu. Sở thích của mình cũng là sở thích của người yêu, bạn bè của mình cũng là bạn bè của người yêu và còn nhiều thứ chung chung nữa. Bạn hãy vạch ra ranh giới rõ ràng của anh - của em. Hãy đi chơi với bạn bè của bạn, ăn món bạn thích, bắt đầu sở thích mới của bạn,... và hãy tường thuật lại với người yêu như một sự chia sẻ. Bằng cách này, bạn sẽ bảo vệ được cuộc sống riêng đầy màu sắc khỏi sự cám dỗ của ước muốn hòa tan vào người yêu. Đối với người còn lại, bạn sẽ luôn là một điều bí ẩn và mới mẻ để khám phá. Đây là loại gia vị ăn mãi không chán của tình yêu.
Học cách giúp đỡ người khác một cách hiệu quả
Chắc bạn biết cuốn sách huyền thoại đã cứu rỗi hàng triệu cuộc hôn nhân trên thế giới  - “Đàn ông sao Hỏa, Đàn bà sao Kim” của tiến sĩ John Grey chứ? Cuốn sách đã nói về sự khác biệt giữa đàn ông và phụ nữ. Đặc biệt, chương “Động viên người khác giới” đã khiến biết bao phụ nữ ngã ngửa vì trước nay đều giúp đỡ đàn ông sai cách. 
Con người là bản thể duy nhất và rất “unique” nhưng nếu chia thế giới thành đàn ông và phụ nữ thì vẫn có thể tìm ra những đặc trưng tính cách của hai giới. Bạn cần học cách giúp đỡ người còn lại theo những gì họ muốn để thiện ý không vô tình trở thành ác ý. 
(Trong trường hợp bạn chưa biết “Kinh thánh” tình yêu mà tôi đã nhắc ở trên thì có thể tìm ở link này nhé) 
Ta đã bàn phần nhiều về những lý do chủ quan khiến chúng ta bị phụ thuộc nhưng không tự nhận thức được điều đó. Tư duy ngược một chút sẽ làm nảy sinh câu hỏi: “Liệu vấn đề có đơn phương xuất phát từ phía chúng ta?” 
Câu trả lời là không!
Rất nhiều trường hợp đối phương gặp những tổn thương về tâm lý như bị bỏ rơi, bị phụ bạc,...trong các mối quan hệ cũ nên họ kỳ vọng sự ổn định, cam kết lâu dài ở chúng ta. Tuy nhiên, họ cũng bất lực với vấn đề tâm lý của mình. Điều đó dẫn đến cảnh túng quá làm liều. Họ thao túng chúng ta để buộc chúng ta phụ thuộc vào họ, nghe theo họ và không bao giờ bỏ rơi họ trước mọi hoàn cảnh cuộc sống. 
Đặt ra một vấn đề tiêu cực nhưng mục đích của tôi không phải phá hỏng ngày hôm nay của bạn. Tôi ở đây để giúp bạn nếu chẳng may bạn đang ở trong mối quan hệ Toxic như trên hoặc cung cấp cho bạn chút vật liệu chất lượng để sẵn sàng xây dựng lâu đài tình ái trong tương lai. Nếu đối phương sử dụng các kỹ thuật thao túng để ép bạn phụ thuộc vào họ, 3 gạch đầu dòng sau đây sẽ giúp bạn: 
Hãy tiếp tục duy trì hàng rào độc lập mà bạn đã xây để bảo vệ bản thân (Chăm sóc bản thân, thiết lập ranh giới như tôi đã nhắc ở trên)
Hãy nói chuyện với đối phương để đặt ra các quy tắc và bàn bạc để đưa ra giải pháp thích hợp cho vấn đề của cá nhân mỗi người, sau cùng là giải pháp cho mối quan hệ. Tất cả chúng ta đều muốn hướng tới mối quan hệ hạnh phúc - Đó sẽ là kim chỉ nam cho bất cứ giải pháp nào. 
Trường hợp xấu nhất - khi mà họ tiếp tục phủ quyết và thao túng bạn bằng nhiều chiêu trò khác thì bạn nên kiên quyết bảo vệ sức khỏe tinh thần và thể chất của mình bằng việc đường ai nấy đi. (Hãy chỉ sử dụng cách này trong trường hợp xấu nhất thôi nhé)
Tựu chung lại, dù ở trong bất cứ mối quan hệ nào, chúng ta cũng cần sự độc lập. Độc lập giúp chúng ta đứng vững trên đôi chân của mình, tỉnh táo, sáng suốt đưa ra các quyết định trong tình yêu và cuộc sống. Cuối cùng, độc lập chính là cách dễ nhất để giữ lửa tình yêu. Khi bạn lúc nào cũng mới mẻ, bí ẩn và mạnh mẽ, người yêu sẽ phải nỗ lực hết sức để khám phá, thấu hiểu và đuổi kịp bạn. Bạn nghĩ xem sẽ sung sướng thế nào khi chinh phục được một tình yêu đầy thử thách như vậy chứ ?
Lời kết, hẹn gặp lại các bạn ở bài viết sau và chúc các bạn hạnh phúc!