Một thí nghiệm cho thấy sự phi lý đến hợp lý của con người.

"Trò chơi tối hậu thư" là gì ?

Trò chơi tối hậu thư (The Ultimatum Game) là một thí nghiệm đơn giản được thực hiện như sau: Bạn được cho 1 triệu VNĐ, và tất nhiên bạn sẽ được mang số tiền này về với một điều kiện. Bạn phải chia một phần số tiền cho Tom, một người lạ mặt mà bạn sẽ không bao giờ gặp lại. Bạn được tự quyết định cách chia số tiền; nếu Tom đồng ý với đề nghị chia của bạn, cả hai sẽ được mang tiền về; ngược lại nếu Tom không đồng ý, cả bạn và Tom đều trắng tay. Vậy bạn sẽ đề nghị chia cho Tom bao nhiêu ? Lưu ý là chỉ được đề nghị một lần nghe.
Hãy nghĩ về câu trả lời trước khi tiếp tục bài viết nha.
(Ảnh mình lấy trên Youtube vì lười vẽ :P)
Hãy nghĩ về câu trả lời trước khi tiếp tục bài viết nha. (Ảnh mình lấy trên Youtube vì lười vẽ :P)
Trò chơi tối hậu thư là một thí nghiệm kinh tế đơn giản được mô tả lần đầu vào năm 1961 bởi nhà kinh tế học John Harsanyi (ổng cũng đạt giải Nobel luôn). Chắc hẳn bạn đã từng nghe qua về trò chơi này nếu tìm hiểu về Lý thuyết Trò chơi (Game Theory); nhưng trong nội dng bài viết này, chúng ta sẽ cùng tìm hiểu Trò chơi tối hậu thư dưới góc nhìn Tâm lý học nhé !!

Chiến lược trong Trò chơi tối hậu thư

Ừ thì trước tiên chúng ta vẫn phải tìm hiểu qua về Lý thuyết trò chơi đã.... Trong Trò chơi tối hậu thư, bạn là người ở thế chủ động, là người được chọn cách chia; vì vậy bạn sẽ nghĩ: "Tại sao mình không chia cho Tom phần ít nhất có thể nhỉ, vì dù sao nếu Tom không chấp nhận thì sẽ chẳng có gì." Và bạn chia cho Tom 1 nghìn đồng, đúng như bạn nghĩ, Tom nhận 1 nghìn ngay lập tức, 1 nghìn là giá trị hơn không có gì rồi, đúng không ?
Tất nhiên là không rồi, nếu bạn là Tom, làm gì có chuyện bạn sẽ để người kia ẫm 999 nghìn đồng trong khi mình chỉ có 1 nghìn.
Đó là điều bạn sẽ nghĩ trong đầu, trong trò chơi này, Tom ở thế bị động, nhưng lại là người quyết định bạn có được cầm số tiền này về nhà không. Và để điều đó xảy ra, bạn nghĩ đến chiến lược thứ hai: Chia đều. Cả Tom và bạn đều nhận 500 nghìn và mang về nhà với khuôn mặt vui vẻ, một kết thúc có hậu cho thí nghiệm này <3
Thôi nào, làm như mình sẽ tin bạn, chính bạn; sẽ chấp nhận chia đều trong khi có thể lấy phần nhiều hơn về mình sao.
Hai chiến lược trên là hai chiến lược Logic nhất trong trò chơi này, và còn được gọi là Điểm cân bằng Nash (Nash Equilibrium - là điểm mà không ai cố thay đổi chiến lược của mình để tối đa hóa lợi nhuận sau khi xem xét chiến lược của đối phương).
Có vẻ khó hiểu nhỉ, hãy đơn giản hóa bằng việc gọi chiến lược đầu tiên là Chiến lược không công bằng, và chiến lược thứ hai là Chiến lược công bằng. Ở chiến lược không công bằng, việc bạn đề nghị chia cho Tom ít nhất có thể là cách chia tốt nhất cho bạn, mặc dù Tom được ít, nhưng anh ta vẫn sẽ vui vẻ vì còn hơn không được gì. Ở chiến lược công bằng, Tom sẽ sử dụng quyền quyết định của anh ta để cố gắng lấy được phần chia đều, và bạn cũng biết điều đó.
Vậy đó là hai chiến lược Logic nhất dành cho trò chơi này, nhưng tại sao bạn lại không chọn 1 trong 2 cái ? Bạn thật là phi lý quá rồi đó.

Kết quả thí nghiệm

Vào năm 1991, nhà kinh tế học người Đức tên Werner Guth, đã cùng các cộng sự thực hiện thí nghiệm này tại bốn quốc gia khác nhau gồm Mỹ, Nhật, Nam Tư và Israel. Mỗi quốc gia được sử dụng phương thức thì nghiệm khác nhau (thay đổi giới tính người tham gia, thay đổi phần thưởng, địa điểm thí nghiệm,...). Kết quả thí nghiệm cho thấy trung bình người được đề nghị chia sẽ đề xuất chia 40% cho người kia, và lời từ chối cho đề nghị này sẽ chiếm 15 - 20%.
Nhà kinh tế học Henrich đã thực hiện thí nghiệm tương tự với 19 dân tộc khắp thế giới và đưa ra kết quả gần tương tự. Mức đề nghị được đưa ra thường sẽ dao động từ 26-57%, và tỷ lệ cao nhất nằm ở mức 40-45%. Tổng hợp các thí nghiệm cho thấy các đề nghị dưới 24% thường sẽ bị từ chối.
Một phần kết quả thí nghiệm Trò chơi tối hậu thư.
Một phần kết quả thí nghiệm Trò chơi tối hậu thư.
Và họ còn thậm chí thí nghiệm với cả tinh tinh (tôi không biết họ làm thế nào đâu), và tỷ lệ những con tinh tinh chấp nhận đề nghị chia thấp cao hơn con người rất nhiều.
Và từ dữ liệu được thu nhập, các nhà kinh tế học thậm chí đã tính toán "tỷ lệ vàng" để người đề nghị có thể đưa ra. Mình sẽ để bài báo bên dưới nếu các bạn quan tâm.

Tâm lý học trong Trò chơi tối hậu thư

Kinh tế học dự đoán Tom sẽ chấp nhận mọi đề nghị lớn hơn 0 vì có gì đó vẫn tốt hơn là không có gì. Nhưng thực tế thí nghiệm cho thấy rằng Tom thường từ chối nếu đề nghị đó nhỏ hơn 30%, nhưng nếu vậy rõ ràng Tom sẽ mất hết lợi ích. Vậy tại sao Tom lại đưa ra quyết định như vậy?
Rõ ràng quyết định từ chối của Tom là không hoàn hảo về mặt kinh tế; hay nói cách khác, quyết định của Tom là phi lý. Nhưng có thật như thế không nếu chúng ta nhìn dưới góc nhìn Tâm lý học ? Đúng vậy, không chỉ "hot" ở giới kinh tế, Trò chơi tối hậu thư cũng được rất nhiều nhà tâm lý học nghiên cứu, khi mà con người đưa ra những lựa chọn không có lợi cho bản thân.
Khi nghiên cứu về hành vi của người tham gia trò chơi, các nhà nghiên cứu tin rằng sự quyết định đó ảnh hưởng bởi lòng vị tha, sự công bằng, sự sợ hãi khi bị từ chối,... và rất nhiều hiệu ứng tâm lý khác.
Nguồn: Pinterest
Nguồn: Pinterest

Sự công bằng ở đâu ?

Sự công bằng là chuẩn mực và kỳ vọng trong xã hội, đó cũng là trọng tâm trong Trò chơi tối hậu thư, vì "công bằng" là yếu tố ảnh hưởng đến quyết định của cả hai người chơi đầu tiên. Tom là người bị động, vì vậy anh ta rất mong chờ sự công bằng ở bạn, ở trường hợp này là chia 50/50. Ngược lại, bạn - là người đề xuất cũng sẽ cân nhắc giữa việc phân chia "công bằng" và lợi ích mà bạn nhận được; lựa chọn phổ biến nhất là 60/40. Tất nhiên bạn vẫn muốn nhận càng nhiều càng tốt, nhưng với Tom, dưới 24% là sự "không công bằng" và nghiên cứu tâm lý chỉ ra rằng người ta sẵn sàng hy sinh lợi ích cá nhân để trừng phạt sự bất công.
Nếu một cỗ máy tham gia trò chơi này, nó sẽ ngay lập tức đề xuất chiến lược không công bằng mà mình nêu trên; nhưng con người thì không phải máy, khi nhắc đến sự công bằng, chúng ta lập tức để cảm xúc làm chủ. Và những nhà nghiên cứu tin rằng những cảm xúc này là chìa khóa dẫn đến quyết định của người chơi.
Để kiểm chứng cho giả thuyết này, những nhà nghiên cứu đã thực hiện thí nghiệm với những người có lượng Serotonin thấp (là một chất dẫn trong hệ thần kinh làm con người thấy hạnh phúc, khi chất này thấp thì người ta sẽ sẽ cảm thấy buồn chán và tức giận) với vai trò là người quyết định. Đúng như dự doán, hầu hết họ đều từ chối những đề nghị phân chia thấp.

Quyền lực của người chơi

Quyền lực và sự công bằng, nghe có vẻ trái ngược nhau; khi con người có quyền lực, họ sẽ không cần đến công bằng nữa; còn nếu họ không có, sự công bằng sẽ là những gì họ còn, hoặc những gì họ mong muốn. Tuy nhiên trong trò chơi này, quyền lực và công bằng là hai thứ tương quan với nhau. Người đề xuất có quyền lực lớn hơn do là người đưa ra đề nghị, nhưng người quyết định lại mong muốn sự công bằng nhiều hơn. Bạn có thể quyền quyết định mỗi người có bao nhiêu tiền mang về, nhưng phải đáp ứng được "sự công bằng" mà Tom kỳ vọng. Tom cũng có quyền lực, đó là quyền quyết định bạn có được mang tiền về không.
Một khi có quyền lực, con người sẽ bắt đầu suy nghĩ về những thứ mình được hưởng với quyền lực đó. Bạn không muốn chia cho Tom quá nhiều vì sẽ ảnh hưởng đến quyền sở hữu số tiền đó của bạn; Tom không muốn nhận phần quá ít vì điều đó giống như bạn đang khinh thường quyền lực của Tom. Thực vậy trong các thí nghiệm, không quan trọng phần thưởng là bao nhiêu, người quyết định luôn có tỷ lệ cao từ chối các đề nghị mà họ được hưởng dưới 20%.
Một thí nghiệm khác cho thấy suy nghĩ về quyền lực và công bằng đối với người chơi là cho phép người đề nghị được mang tiền về dù người quyết định có chấp nhận đề nghị hay không. Ngay lập tức những người đề nghị đã giảm mức phân chia dưới 10% cho người kia.

Kết luận

Well, bạn thấy đấy, "Trò chơi tối hậu thư " tuy là một thí nghiệm đơn giản nhưng cho thấy rất nhiều các khía cạnh tâm lý khác nhau của con người. Chúng ta một giống loài không hoàn hảo và có những quyết định phi lý đến buồn cười. Nhưng mỗi quyết định phi lý đó lại được dẫn lối bởi cảm xúc của chính chúng ta, làm chúng trở nên thật hợp lý. Hy vọng các bạn đã tìm được đáp án hợp lý để chia cho Tom, và cảm ơn các bạn đã đọc hết bài viết này của tui <3
Nguồn tham khảo:
Sách "Bạn không thông minh lắm đâu" - David McRaney