Triệu Đà – Vị “Hiền quân” hay tên xâm lược phương Bắc?
"Tri nhân, tri diện, bất tri tâm" huống hồ còn là cổ nhân thì càng khó lắm ru?
Nhà nước Nam Việt tồn tại khoảng năm 203 TCN đến năm 111 TCN, lãnh thổ bao gồm 5 quận: Nam Hải (nay thuộc tỉnh Quảng Châu, TQ); Quế Lâm (nay thuộc tỉnh Quảng Tây, TQ); Tượng Quận (nay thuộc tỉnh Hồ Nam, TQ); Giao Chỉ và Cửu Chân (phần đất của nước Âu Lạc, bao gồm Bắc Bộ và một phần Bắc Trung Bộ của Việt Nam ngày nay). Sự ra đời của Nhà nước Nam Việt gắn liền với cuộc xâm lược “Bách Việt” của Tần Thủy Hoàng năm 218 TCN.
Triệu Đà là bộ tướng của Nhâm Ngao – tướng chỉ huy một cánh quân tiến vào vùng Lĩnh Nam, tức cùng đất phía nam dãy Ngũ Lĩnh, trải dài qua các tỉnh Quý Châu, Quảng Đông, Quảng Tây. Cánh quân này sau khi khuất phục một số bộ tộc trong “Bách Việt” đã lập ra Quận Nam Hải (nay là một số tỉnh duyên hải Đông Nam TQ). Nhâm Ngao chết, Triệu Đà lên thay. Năm 211 TCN, Tần Thủy Hoàng chết, Trung Nguyên đại loạn, Triệu Đà nhân đó thu phục thêm các quận Quế Lâm, Tượng Quận và Âu Lạc, xưng Nam Việt Vũ Vương, lập ra nước mới là Nam Việt, đóng đô tại Phiên Ngung (nay là Quảng Châu, TQ) thuần phục nhà Hán. Nam Việt tuy đứng chân ở vùng Lĩnh Nam, mà theo cách Trung Hoa xưa quan niệm thì là đất Nam man, dân chúng ít được giáo hóa, kém hẳn lễ nghi so với Trung Nguyên, nhưng do được thành lập bởi đội ngũ trí thức cũ của Nhà Tần nên chắc hẳn trình độ phát triển của nhà nước cũng như xã hội cao hơn hẳn so với Nhà nước Âu Lạc phía Nam.
Theo truyền thuyết Mỵ Châu – Trọng Thủy, Triệu Đà đã dùng chính con trai mình làm nội gián, xâm lược thành công Âu Lạc, sau nhiều lần dùng vũ lực nhưng bất thành do Âu Lạc có “Nỏ thần” và “Loa thành” kiên cố. Lược bỏ những chi tiết mang tính kỳ ảo, có thể tóm tắt lại việc để mất nước của An Dương Vương như sau:
Nam Việt thành lập, tuy không phải đất căn bản ở Trung Nguyên nhưng lại có trình độ chính trị, xã hội, quân sự tiên tiến do phỏng theo hệ thống chính trị của Nhà Tần. Âu Lạc thành lập dựa trên sự tập hợp các bộ tộc sau một cuộc kháng chiến, về kỹ thuật quân sự như: đắp thành, chế tạo vũ khí, kỹ thuật chiến đấu, biết dựa vào địa hình để tác chiến,.. khá thành thạo, nên thời gian đầu đã đứng vững trước sức ép từ Nam Việt. Tuy nhiên, theo nhiều sử liệu, đến tận thời Trưng Vương (những năm 40 của Tk I), dân Việt vẫn chưa có nhiều kiến thức về binh pháp và lý luận quân sự, việc này sẽ ít ảnh hướng nếu tiến hành kháng chiến theo kiểu phân tán, đánh nhiều trận nhỏ và dựa hẳn vào địa hình rừng núi, nhất là đối diện với một đạo quân xâm lược từ xa tới. Nhưng nếu phải tiến hành chiến tranh một cách chính quy, Nhà nước vs Nhà nước, đồng thời có cả một hệ thống cơ sở vật chất cố định, đối diện với kẻ thù ngay sát sườn, thì lại là câu chuyện khác. Việc tiến hành chiến tranh quy ước yêu cầu một quân đội chính quy, được tổ chức bài bản, hiệp đồng chặt chẽ; một hệ thống hậu cần đáng tin cậy và một hệ thống truyền tin kịp thời, chính xác - những điều phụ thuộc vào trình độ tổ chức chính trị, quân sự mà Nam Việt nắm ưu thế. Vậy là Âu Lạc đuối dần theo thời gian và cuộc hôn nhân Mỵ Châu – Trọng Thủy, hay cái lẫy của Nỏ thần chỉ là hình tượng hóa cho một mánh khóe quân sự mà Triệu Đà đã sử dụng để chinh phục Âu Lạc lần cuối.
Lưu ý: Sở dĩ người viết để mốc thời gian là 179 TCN đến 111 TCN vì những sự kiện Triệu Đà cát cứ, xưng vương, tách khỏi chính quyền trung ương của Nhà Tần xảy ra trước khi thôn tính Âu Lạc nên không liên quan trực tiếp đến lãnh thổ nước ta, chỉ từ năm 179 TCN, khi trở thành một quận của Nam Việt, thì sự hưng vong của Nam Việt mới quan hệ trực tiếp đến vận mệnh của dân tộc Việt Nam sau này.
Vậy, Triệu Đà là vị “Hiền quân”của dân tộc Việt hay là tên xâm lược đến từ phương Bắc? Câu hỏi này có vẻ quá lớn, quá rộng, tác giả xin cụ thể hóa thành mấy điểm như sau:
a, Nhà Triệu (nước Nam Việt) có được tính là một triều đại của Việt Nam hay không? Nếu câu trả lời là “Không” thì chúng ta nhìn nhận nó như bao triều đại Trung Hoa đã đô hộ Việt Nam?
b, Nhà Triệu có đóng góp chút gì vào việc hình thành dân tộc Việt Nam hiện nay không? Nghe thì có vẻ buồn cười vì Triệu Đà luôn hiện lên với hình ảnh là kẻ đã cướp nước Âu Lạc, là kẻ đã mở ra chương sử đen tối hơn 1000 năm Bắc thuộc của dân tộc Việt, song, trong suốt thời phong kiến, nhà Triệu, trải 5 đời vua, lại được các sử gia coi như một triều đại của Việt Nam, trong Bình Ngô Đại Cáo, Nguyễn Trãi viết: “Từ Triệu, Đinh, Lý, Trần bao đời gây nền độc lập – Cùng Hán, Đường, Tống, Nguyên mỗi bên hùng cứ một phương” hay đến tận đầu thế kỷ XX Hồ Chí Minh trong bài diễn ca Lịch sử nước ta cũng viết: "Triệu Đà là vị hiền quân - Quốc danh Nam Việt trị dân năm đời”. Nhà Triệu xuất hiện với địa vị ngang bằng các triều đại Đinh, Lý, Trần đầy vẻ vang. Hẳn là các cụ cũng có cái lý của mình. Xin được bàn như sau:
Trước hết, phải nói qua về Thuyết Thiên mệnh, đây là học thuyết ra đời ở Trung Hoa, cùng với sự xác lập nhà nước phong kiến trung ương tập quyền đầu tiên của Trung Quốc: Nhà Tần. Thuyết này cho rằng: Sở dĩ hoàng đế (vua) cho quyền cai trị quốc gia và nhân dân bởi hoàng đế là là “con” của Trời (Thiên tử) đó được Trời (Thiên) ban cho sứ mệnh (Mệnh) thay cho Trời cai trị tất cả những vùng đất dưới hạ giới (Thiên hạ). Theo thuyết này thì cả hoàng đế và nhân dân đều phải làm tròn bổn phận của mình trước Trời. Bách tính phải quy phục Hoàng đế, Hoàng đế phải coi bách tính như con (xích tử), có trách nhiệm quản lý và giáo hóa dân chúng. Ban đầu, chỉ có vế thứ nhất tồn tại, nhưng về sau, việc Tần Thủy Hoàng chết, nhà Tần diệt vong, yêu cầu lịch sử đặt ra phải thay đổi chế độ nên các nhà cai trị đương thời tiếp tục đề ra vế thứ 2, tức là nếu Hoàng đế không làm tròn phận sự của mình, không cai trị tốt, thì sẽ đánh mất Thiên mệnh về tay một người khác. Điều này thường được báo trước bởi các hiện tượng kỳ lạ nhưng thiên tai, mất mùa, quái vật xuất hiện,… Đối chiếu với nước Nam Việt, các sử gia phong kiến cho rằng: Triệu Đà tuy là người Hán, nhưng lại xưng đế ở đất Việt, độc lập với nhà Hán phương Bắc, tuy rằng có sáp nhập Âu Lạc vào Nam Việt nhưng có công “giáo hóa” cho dân ta, cai trị nghiêm minh, giữ gìn được cương thổ suốt gần một thế kỷ, như vậy là Triệu Đà làm tròn Thiên mệnh, xứng đáng được ghi trong chính sử ngang hàng với các triều đại Việt Nam sau này. Quan điểm này tồn tại suốt cả thời phong kiến bởi đa phần sĩ phu, quý tộc Việt Nam cũng chịu ảnh hưởng bởi Thuyết Thiên mệnh, phù hợp với đường lỗi cai trị của mình (tóm lại là không có chủ quyền quốc gia mà là vương quyền quốc gia, vua ở đâu thì đất Vua ở đó và dân đất đó là con dân của Vua).
Các ý kiến phản đối quan điểm trên chỉ xuất hiện lác đác ở các sỹ phu có tinh thần dân tộc mạnh, mà người đầu tiên là Ngô Thời Sỹ - quan thời Hậu Lê. Tuy nhiên, việc bác bỏ hoàn toàn quan điểm trên chỉ được thực hiện sau 1945, với người tiên phong là nhà sử học Đào Duy Anh và các học trò của ông. Thậm chí đến tận ngày nay đây vẫn là vấn đề gây tranh cãi, như nhà báo Hà Văn Thùy cho rằng: “Việc Triệu Ðà chiếm Âu Lạc cũng không thể coi là xâm lược mà là hành động thống nhất những nhóm, những tiểu quốc người Việt lại thành một nước Việt lớn hơn, ngăn chặn hành động thôn tính của kẻ mạnh ở phương Bắc”.
Dài dòng như vậy, để chúng ta, đám “hậu sinh” có cái nhìn thấu hiểu hơn với tư tưởng của các cụ và bớt cảm thấy khó hiểu khi đọc những dòng thơ, văn xưa nói về Triệu Đà. Đó là cái lý của một thế hệ đã lùi xa và chỉ tồn tại trong các Bảo tàng. Cá nhân tác giả thì nghiêng nhiều về việc coi Triệu Đà là kẻ thù dân tộc và nhà Nam Việt là triều đại đô hộ Việt Nam, vì mấy lẽ như sau:
Thứ nhất, Triệu Đà là người Hán (quê ở tỉnh Hà Bắc-TQ hiện nay), ông ta đến vùng đất của người Việt lần đầu tiên với tư cách là kẻ xâm lược (cánh quân của Nhâm Ngao), và chỉ cát cứ khi có điều kiện thuận lợi do nhà Tần diệt vong, vậy có nghĩa là việc cát cứ của Triệu Đà xuất phát từ tham vọng đế vương, không hề có ý niệm về chủ quyền của tộc Việt, khi nhà Hàn mạnh thì Triệu Đà lập tức xưng thần, quy phục (“…Lão phu ở đất Việt 49 năm, đến nay đã ẵm cháu rồi, những vẫn phải dậy sớm, ngủ muộn, nằm không yên chiếu, ăn không biết ngon, mắt không trông sắc đẹp, tai không nghe tiếng chuông trống, chỉ vì không được làm chúng tôi nhà Hán mà thôi. Nay may được bệ hạ có lòng thương đến, được khôi phục hiệu cũ, cho thông sứ như trước, lão phu dù chết xương cũng không nát. Vậy xin đổi tước hiệu, không dám xưng Đế nữa…”) – theo ĐVSKTT. Đồng thời, tuy ở đất Việt nhưng Triệu Đà chưa bao giờ coi trọng người Việt, vẫn giữ tư tưởng nhất quán “Bắc địch - Tây nhung - Đông di - Nam man” của các triều đại Trung Hoa, điều này thể hiện trong thư gửi Hiếu Văn Đế xin thuần phục: “…Phương nam này ẩm thấp, giữa chốn Man Di, phía đông là Mân Việt chỉ có ngàn dân vẫn xưng vương, phía tây Âu Lạc là nước trần truồng cũng xưng vương Lão thần lấy bậy đế hiệu, lấy thế làm vui, đâu dám để vua trời nghe được”.
Thứ hai, mặc dù xưng quốc hiệu là Nam Việt, nhưng tầng lớp quan lại quý tộc nhà Triệu vẫn chủ yếu là người Hán và con cháu người Hán theo chân đoàn quân viễn chinh năm xưa của nhà Tần, người Việt rất ít được tham gia vào bộ máy chính quyền (mưu sĩ Lục Giả là trường hợp ngoại lệ hiếm hoi); triều đình nhà Triệu cũng là triều đình mô phòng theo triều nhà Tần với đầy đủ các lễ nghi, tập tục văn hóa của người Hán. Vì hai lý do trên, chúng tôi cho rằng không thể coi nhà Triệu và nước Nam Việt là một triều đại của Việt Nam.
Vậy, nếu đã nhìn nhận nhà Triệu như một triều đại đã đô hộ Việt Nam triều đại này có đóng góp gì vào tiến trình phát triển của dân tộc Việt Nam không?
Dù cố công tìm kiếm, nhưng tác giả chưa tìm được một bài viết hay công trình nghiên cứu nào trả lời đầy đủ và chính xác câu hỏi trên nên mạn phép đưa ra vài quan điểm cá nhân của mình. Đầu tiên, Nhà Triệu đã có “công” trong việc đặt nền móng cho chế độ phong kiến tập quyền trung ương ở Việt Nam, thay thế mối liên kết lỏng lẻo giữa những bộ tộc trên lãnh thổ Âu Lạc xưa bằng hệ thống hành chính kiểu phương Bắc. Mặc dù, chưa hoàn chỉnh, nhưng điều này có lẽ đã gieo những hạt mầm đầu tiên về quốc gia, lãnh thổ, cương vực trong tư duy cư dân Âu Lạc cũ, chứ không đơn thuần là bảo vệ không gian sinh tồn và bản sắc văn hóa của một tập đoàn người này trước một tập đoàn người khác như trong thời kỳ trước. Tiếp đó là việc Âu Lạc, bấy giờ bị chia thành 2 quận Giao Chỉ vào Cửu Chân đã tồn tại với địa vị ngang bằng với 3 quận còn lại trong tổng thể Nhà nước Nam Việt, không phải với tư cách “thuộc địa” với “mẫu quốc”, người dân Việt dưới thời Triệu Đã vẫn được giữ phong tục tập quán của mình, thậm chí còn đồng hóa “ngược” lại di dân phương Bắc mà Triệu Đà là một ví dụ. Trong Việt Nam Sử lược, học giả Trần Trọng Kim thuật lại câu chuyện Triệu Đà bị sứ giả nhà Hán quở trách là quên gốc gác tổ tiên khi ra đón tiếp mà mặc quần áo và hành xử (ngồi xếp bằng) giống như dân “Nam man” Đây là điểm khác so với những triều đại đô hộ phương Bắc sau này.
Kết: Nhiệm vụ cao cả của SỬ HỌC là vẽ lại bức tranh LỊCH SỬ gần giống nhất với những gì đã xảy ra trong QUÁ KHỨ. Những nhân vật trong bức tranh đó, ngàn năm qua đã được phết lên biết bao gam màu, trắng/đen đủ cả. Công việc của người đương thời như chúng ta không nhất thiết phải lột bỏ những gam màu đó, điều cần hơn là nhìn vào đó mà ngẫm nghĩ, để biết cách vẽ tiếp bức tranh của thời đại mình. Xin mượn mấy câu của Sử gia Hà Tăng Hựu thay cho lời kết: “Trí mạc đại ư tri lai. Lai hà dĩ năng tri? Cố vãng hữu suy, cố hữu sử học hà”.
Quan điểm - Tranh luận
/quan-diem-tranh-luan
Bài viết nổi bật khác
- Hot nhất
- Mới nhất