Một kế hoạch quá đơn giản

Tổng thống Kennedy bước ra khỏi phòng họp với CIA với vẻ hài lòng. Chiến dịch sắp tới sẽ nhanh chóng loại bỏ cái ung nhọt gây ngứa cho nước Mỹ, đồng thời giúp ông gạt được một mối bận tâm nhỏ để có thể tập trung vào vấn đề đối đầu với Liên Xô và Đông Âu. Một chiến dịch đơn giản được chuẩn bị trong thời gian ngắn với rất ít chi phí, tiền của. Không có gì quá khó khăn với nước Mỹ, với ông, Tổng thống Kennedy, hay là với bên CIA. Mọi người đều tán thành, mọi người đều đồng ý về sự tuyệt vời của nó. Họ là những con người tài ba nhất trong đất nước, nếu tất cả bọn họ tin rằng nó sẽ thành công, tức là chắn chắn nó sẽ thành công. Bây giờ chỉ là ngồi đợi đến giờ G.
Nhưng liệu mọi thứ có đơn giản vậy?
Cuộc Xâm lược ở Vịnh Con Heo, Cuba, diễn ra từ ngày 17 đến ngày 20 tháng 4 năm 1961 là một thảm họa đầy xấu hổ không chỉ cho Tổng thống Kennedy, CIA mà toàn nước Mỹ. Một nhóm người Cuba lưu vong dưới sự huấn luyện và yểm trợ của CIA đã được gửi về Cuba để nhằm lật đổ chính quyền mới lập của Tổng thống Fidel Castro. Chỉ trong 3 ngày toàn bộ đội quân đó đã bị tiêu diệt.
Và như bao câu chuyện khác, khi nhìn lại mọi thứ đều rất rõ ràng. Rõ ràng là lực lượng quân lưu vong quá nhỏ bé để làm nên chuyện, rõ ràng là không có đủ đạn dược cho họ chiến đấu, rõ ràng là họ cần không quân yểm trợ, thứ mà họ thiếu suốt 3 ngày chiến đấu, rõ ràng là không đủ tàu lớn để chuyển quân, rõ ràng là kế hoạch đã được chuẩn bị cẩu thả.

Nhưng tại sao lúc lên kế hoạch không ai nhìn ra được như vậy? Tổng thống Kennedy không phải là một lãnh đạo ngu ngốc, ông là người đã đặt nền móng cho hàng loạt chương trình lớn để đưa nước Mỹ vươn xa hơn sau này như chương trình Đưa người vào không gian. Còn các lãnh đạo CIA đều là những người có đầy kinh nghiệm lên kế hoạch cho các chương trình lớn, từ Chiến tranh Triều Tiên đến khu vực Trung Đông.
Không, một trong những nguyên nhân chính là không ai trong những người lên kế hoạch đã dám cất tiếng nói phản đối, đưa ra ý kiến bất đồng, đối lập. Họ đã chọn cách im lặng hoặc cấp trên đã không cho họ nói, hoặc là cả hai.
Vấn đề họ gặp phải được các nhà tâm lý học gọi là “Tư duy tập thể” – Groupthink (viết liền nhau). Đây là hiện tượng xảy ra khi mà, theo Wikipedia Tiếng Việt:
“...một nhóm người vì mong muốn duy trì sự hài hòa và thống nhất trong nhóm nên đã dẫn đến những quyết định khác biệt so với cơ chế suy nghĩ, quyết định thông thường của từng cá nhân gộp lại.
Sự trung thành (loyalty) đối với tập thể đòi hỏi tránh đưa ra những vấn đề gây tranh cãi, hoặc tránh đưa ra nhiều phương án vì lo ngại làm trái với ý chí của tập thể, và do đó làm phai nhạt sáng tạo cá nhân cùng những ý nghĩ độc lập và độc đáo. Cơ chế hoạt động tương tác nhóm có thể tạo ra một ảo tưởng cường điệu gây tự tin vào "sự đúng đắn" của quyết định tập thể. Trong trạng thái tâm lý này, các thành viên nội bộ nhóm (đối tượng trong nhóm) đề cao khả năng ưu việt về cơ chế làm ra quyết định của nội bộ nhóm mình, và đánh giá thấp mọi khả năng, suy nghĩ và quyết định của những nhóm khác hoặc cá nhân khác không thuộc nhóm của mình (những đối tượng ngoài nhóm).
Các yếu tố ban đầu như sự thân thiết của các cá nhân trong nhóm, cơ cấu sai trái của nhóm, và những nội dung tình huống đặc biệt (ví dụ: tình trạng hoang mang trong cộng đồng) sẽ ảnh hưởng đến mức độ nặng nhẹ của hội chứng tâm lý mà nhóm ấy mắc phải trong quá trình làm ra quyết định tập thể của nhóm.”
Và đó là vấn đề lớn mà những người thích tranh luận mà không hiểu về tranh luận cũng như thiếu kĩ năng tranh luận hay gặp phải. Chúng ta gặp nhiều group tranh luận từ trên mạng xã hội như Dưa Leo, Đơn vị tác chiến điện tử, Café Ku Búa cho đến tranh luận trên diễn đàn Quốc hội, tranh luận trên báo chí, trên UBND. Những cuộc nói chuyện ban đầu rất cởi mở, xong chỉ còn lại những người đồng ý với nhau ở lại trong diễn đàn đó. Còn những người không đồn ý với góc nhìn thì lập ra nhóm khác trên mạng xã hội hoặc trong tù.

Nguyên nhân khiến Tư Duy Tập Thể phổ biến ở Việt Nam

Nguyên nhân đầu tiên là do những người đứng đầu tập thể không chấp nhận góc nhìn khác. Thật ra đây là vấn đề lớn ở Việt Nam. Do ở trường học và ngay từ nhỏ đa số người Việt Nam đã được giáo dục theo hướng rằng mọi thứ chỉ có một hướng đúng đắn, và chúng ta không được tập nhìn theo góc nhìn khác. Chính xác hơn chúng ta không được phép chấp nhận góc nhìn khác. Từ những bài văn nhỏ như tả ông bà, tả con vật, học sinh đã được yêu cầu phải viết giống mong muốn của giáo viên. Chúng ta quen với những khái niệm như: yêu nước là phải thể hiện qua hành động này, là người Việt phải kính yêu Bác Hồ dù chưa bao giờ được gặp. Người Việt là phải yêu nước Việt. Có học sinh nào dám hỏi rằng chuyện gì xảy ra nếu một người Việt không yêu nước?

Do không được giáo dục về việc mở rộng góc nhìn, chấp nhận góc nhìn khác, rất nhiều người trong chúng ta lớn lên và coi rằng chỉ có góc nhìn của mình là chính xác. Và khi họ đứng đầu một nhóm người họ không cho phép người khác nêu ý kiến.
Nguyên nhân thứ hai dẫn đến việc này là do người đứng đầu nhóm không thừa nhận mình sai lầm. Bạn đã nghe câu nói này rồi chứ: “Ý tưởng này không sai, chỉ có người thực hiện là sai.” Câu đó được dùng phổ biến để người cấp trên bào chữa cho những thất bại của mình. Họ sẽ viện dẫn đủ các lý do để chỉ ra thất bại của tập thể nhưng không thừa nhận rằng nó sai từ ban đầu. Quyết định này, chủ trương này là đúng đắn nhưng cấp dưới đã thực hiện sai.
Thừa nhận mình sai là một điều vô cùng khó. Nếu ai cũng tự thừa nhận mình sai được thì tòa án đã không ra đời. Để tự thừa nhận mình sai, một người phải có đủ can đảm nhìn vào vấn đề và nói rằng: “Thôi, nát bét rồi. Bỏ!” Đó là một điều khó khăn. Tổng thống Donald Trump làm gì khi người khác chỉ ra rằng các thống kê cũng như “sự thật” của ông ấy là sai? Ông ấy nói rằng người đó là kẻ dối trá và viết lên Twitter. Người ta không dám thừa nhận sự thật nên thay vì nói "xả thải ra môi trường", họ dùng từ "nhấn chìm vật chất xuống biển", thay vì nói "có nhiều", họ dùng từ "một bộ phận không nhỏ". Khi con người ta không thừa nhận thực tế, con người ta bẻ cong chữ nghĩa để che giấu thực tế.

Cùng nhau giúp Spiderum tránh Tư Duy Tập Thể

Hiện nay Spiderum khác với các diễn đàn xã hội khác trên mạng là bạn vẫn còn được nêu ý kiến trái chiều. Spiderumm là nơi theo mình thấy cho phép bạn dám viết lên những điều bạn nghĩ và cho phép người khác đặt câu hỏi về vấn đề đó.
Chúng ta phải giúp lan truyền tinh thần tự do tranh luận và tự do ngôn luận. Và khi mình nói tự do tức là thật sự tự do, chứ không phải kiểu tự do theo khuôn khổ pháp luật, có nghĩa là tránh hỏi những chủ đề mà một nhóm người bảo bạn là nhạy cảm.
Nó phải thực sự tự do. Bạn hãy tự do đặt câu hỏi, tự do chất vấn, tự do chỉ trích. Nếu bạn không biết hãy nói rằng mình không biết và hãy hỏi.
Hãy chỉ trích ý kiến, đừng chỉ trích cá nhân.
Hãy viết với mục đích trao đổi, học hỏi. Các diễn đàn như Đơn Vị Tác Chiến Điện Tử, Café Ku bua, Hoang Nguyen đều gặp vấn đề Tư Duy Tập Thể vì đối với họ chỉ có một góc nhìn duy nhất và họ viết để cho thấy họ đúng như thế nào (“giải ảo”) chứ không phải với tinh thần cầu thị.
Hãy chấp nhận những ý kiến trái chiều, những góc nhìn mới. Khi bạn bắt đầu chấp nhận các góc nhìn khác, dù nó có khó nghe đến thế nào, thì tâm trí của bạn đã được rộng mở một chút, đã thoáng hơn.
Mình sẽ đưa ra ví dụ cho bạn. Các bạn hay nghe đến việc những người phản động ở nước ngoài cố gắng lập ra các hội nhóm chống phá đất nước Việt Nam. Nhưng bạn nghĩ sao nếu mình nói với bạn rằng họ làm vậy là vì họ quan tâm đến đất nước Việt Nam? Nghe thật lố bịch phải không, nhưng nếu bạn chỉ cần đi ra khỏi đất nước một thời gian bạn sẽ hiểu. Khi một người đã định cư ở Châu Âu hàng chục năm thì cái thứ nằm dưới cùng của danh sách những việc họ quan tâm sẽ là đất nước Việt Nam. Khi bạn đi nước ngoài rồi bạn sẽ thấy rằng Việt Nam cũng chỉ là một quốc gia như bao quốc gia khác, nó không có gì quá nổi trội. Khi nhắc đến Đông Nam Á, Thái Lan và Singapore là hai cái tên thường xuyên được nêu ra, nhắc đến văn hóa thì sẽ là nhắc đến Trung Quốc, Nhật Bản. Nhắc đến lịch sử lâu đời thì cũng là Trung Quốc và Ấn Độ, nhắc đến sự thông minh thì có người Israel. Việt Nam chỉ là một cái tên gắn liền với một cuộc chiến, giống như chiến tranh chống ma túy ở Mexico vậy. Cuộc chiến đó rất nổi tiếng đến mức nghĩ về Mexico là nghĩ về ma túy nhưng bạn biết gì về Mexico?  Do đó khi bạn đã ra nước ngoài sống từ lâu, đã thấy thế giới rộng lớn, thì bạn sẽ chợt nhận thấy rằng Việt Nam không hề có gì đặc biệt, và nếu bạn có mặc áo cờ đỏ sao vàng đi ngoài đường hay nói về sự tuyệt vời của dân tộc Việt ở Đại học Harvard thì mọi người sẽ thấy thú vị một chút, rồi sẽ mau chóng quay lại các mối quan tâm chính của họ.

Và chính bạn cũng sẽ thấy rằng bạn có quá nhiều thứ để quan tâm đến đất nước Việt Nam, bạn sẽ nhớ nhà và bạn bè nhưng, đó chỉ là nhà và bạn bè. Bạn sẽ bắt đầu có thú vui mới như đi trượt tuyết, bạn sẽ tham gia vào hội bảo vệ động vật, hoặc là hội giúp đỡ người già. Hàng năm bạn nghe và đọc các bài báo viết về người Việt yêu nước nhưng có bao nhiêu người không hề quan tâm đến đất nước? Bạn không biết được vì họ không lên báo. Mình có quen với con cháu của những viên tướng công an hay tướng tư lệnh quân khu trong quân đội, thứ mà những thanh niên trẻ đó quan tâm là xe hơi, nhà, đi du lịch, đi khám phá. Họ thích về Việt Nam vì có nhiều tiền ở Việt Nam rất sướng, chứ không phải vì họ quan tâm đến đất nước ấy. Họ sẽ chẳng quan tâm nếu Hà Nội có ngập lụt hay là bão lũ cuốn nhà ở miền Trung. Và những người như họ không phải là số ít mà chiếm rất nhiều trong cộng đồng du học sinh.
Do đó khi có một nhóm người già, sống sung túc thoải mái ở nước ngoài, lên tiếng nói những điều bạn thấy khó nghe, bạn hãy nhìn với góc nhìn khác rằng có thể đó là vì họ quan tâm, là vì họ còn quan tâm đến một đất nước nằm cách họ nửa vòng Trái Đất. Giáo sư Ngô Bảo Châu đã có thể thoải mái im lặng, nhận số tiền được phát thưởng và tiền lương Giáo Sư ở bậc đại học để sống thoải mái và tập trung nghiên cứu. Nhưng vì ông quan tâm, nên ông đã lên tiếng.

Đó là lý do mình mong Spiderum trở thành một cộng đồng mở, với tâm trí mở. Vì có như thế thì những người quan tâm đến đất nước mới còn được lắng nghe, còn được lên tiếng.