Một buổi chiều cuối tuần, khi tìm nghe một album của ca sĩ Hà Trần – album với cái tên khá kêu “Bản Nguyên”, vô tình tôi đọc được những dòng giới thiệu này trong trang web chính thức của nó:
“Bản nguyên là bản gốc của một đối tượng, là duy nhất bởi được kiến tạo trước hết và bản thân nó không có bản sao. Làm sao để tạo ra những bản nguyên chính là động lực lớn nhất thôi thúc sự sáng tạo của những nghệ sĩ đích thực”.
Những dòng này đã làm tôi chững lại mất vài giây để suy nghĩ về khái niệm “bản nguyên”. Nếu bản nguyên là một bản gốc, được kiến tạo trước hết và không có bản sao, thì liệu nó có được phép dung nạp những đặc tính của các sản phẩm trước đó? Vì về tổng thể, cách làm nhạc của album Bản Nguyên chịu ảnh hưởng rất nhiều từ các nhóm nhạc tiên phong trong Alternative Rock thế giới, như lối dùng dynamics quiet/loud của The Pixies chẳng hạn. Thậm chí đoạn nhạc dạo đầu trong bài Rũ Cánh nghe rất giống với một bài hát của Yeah Yeah Yeahs trong album Fever to tell. Album này rõ ràng đã kế thừa nhiều chất liệu từ các sản phẩm âm nhạc trước đó. Nói một cách ngắn gọn, một bản nguyên có được phép có tính kế thừa?
Nếu đẩy những nghi vấn này đến chỗ cực đoan ta thậm chí thấy các khái niệm bản nguyên, bản gốc hay nguyên mẫu đều khá mơ hồ. Vì làm gì có bản nhạc nào được sáng tác ngoài khuôn nhạc? Có bức tranh nào dùng một màu sắc nằm ngoài các hệ màu đã được biết đến? Trong ngôn ngữ, mọi lời nói đều được cấu thành bởi một hệ thống hữu hạn các đơn vị ngữ âm đoạn tính và siêu đoạn tính, mọi câu viết đều được tổ hợp từ một số lượng hữu hạn các chữ cái và ký tự. Toàn bộ những điều ấy khẳng định một điều rằng việc hoài nghi tính kế thừa của các sự vật, hiện tượng trong đời sống thật là ngớ ngẩn.
Như vậy, “bản nguyên” cần hiểu là được tạo ra thông qua hành trình kế thừa, phủ định và phát huy các giá trị sẵn có, và bản thân nó cũng cung cấp chất liệu cho những phát kiến về sau. Đây cũng là hành mà mỗi người trẻ cần trải qua để kiến tạo nên bản nguyên của chính mình, với tư cách là nhân dạng độc lập của một người trẻ, một sự tổng hợp những yếu tố phân biệt người này với người kia.
Nhưng hành trình ấy đang trở nên nặng nề hơn bao giờ hết trong kỷ nguyên mà chúng ta đang sống – kỷ nguyên của bùng nổ thông tin, thị trường tự do – thời mà các meme được tạo ra mỗi ngày và mỗi ngày trên mạng xã hội để thỏa mãn trí óc đói khát; thời mà các thương hiệu mới, với những giá trị trừu tượng được gán vào hệ thống hình ảnh nhận diện, không ngừng được tạo ra để đưa vào một cuộc chạy đua doanh thu khốc liệt; thời mà mỗi một con người đều phải tự tô vẽ một CV thật lộng lẫy để rao bán mình cho các tập đoàn hùng mạnh;… Những giá trị cũ lẫn mới được lôi kéo về hiện tại để làm chất đốt cho chủ nghĩa hàng tiêu dùng. Các giá trị văn hóa được “sinh đẻ” một cách vô kế hoạch và tích lũy thành từng lớp trầm tích.
Guy Debord, triết gia người Pháp, và tổ chức Quốc tế tình huống (Situationist International) của ông đã dự đoán điều này từ những năm 1950, và gọi nó bằng cái tên “culture jamming”, sự tắc nghẽn hay tồn đọng về văn hóa. Về sau, khái niệm này được mô tả lại một cách cục bộ hơn nhưng cụ thể hơn bởi Naomi Klein trong cuốn No Logo.
Một cảnh trong phim They live (1988)
Tại sao tôi lại nói là nặng nề? Bởi vì bản thân người trẻ, trước khi thực sự hiểu mình là ai và cần gì, đã bị quẳng vào một đầm lầy với thượng vàng hạ cám các giá trị thật giả lẫn lộn. Người trẻ như những cái cây con mới mọc, hứng trọn cơn đại hồng thủy của các giá trị văn hóa. Họ dần tin vào đám đông, cảm thấy lao động tay chân là một công việc thấp kém, hưởng thụ về thể chất mới là sung sướng, cảm thấy được nổi tiếng mới là vinh quang, và chỉ giàu có mới mang lại hạnh phúc. Họ dần muốn trở thành con người mà đám đông muốn họ trở thành và muốn đạt được những giá trị mà đám đông tôn thờ, mà không hề có bất cứ hoài nghi nào.
Làm biên tập cho một tạp chí thời trang, tôi đã nghe đến nhàm tai việc ăn mặc tác động như thế nào đến cách mọi người nghĩ về mình, và thông qua đó tác động đến chính cách nghĩ của mình về bản thân. Tuy nhiên, lẽ ra trước khi chúng ta hiểu được trang phục có công dụng gì, ý nghĩa gì, cần được đặt vào đâu, vì sao lại như vậy, thì chúng ta đừng nên nghĩ quá nhiều về chúng mà hãy chọn những gì đơn giản nhất. Trong khi đó, có không ít những người trẻ ăn mặc theo kiểu “thời trang phang thời tiết” một cách không cần thiết bởi vì họ bị huyễn hoặc rằng hình ảnh ấy là con người mà họ muốn trở thành.
Hãy nhìn cô gái trẻ đang ngồi trước mặt tôi. Hầu như 4 trên 5 người tôi gặp đều sẽ bảo rằng gu ăn mặc của cô ấy rất chất và cá tính. Nhưng chúng ta hãy cùng giải phẫu từng item để phân tích cái gọi là “cá tính” ấy nhé. Cô ấy đang đội một cái mũ nồi màu đen – có mặt từ trước công nguyên ở đảo Crete, Hy Lạp dùng để tránh gió. Cô khoác blazer – kiểu áo, theo Jack Carlson, tác giả cuốn Rowing Blazer, được mang đầu tiên bởi những người đua thuyền ở vùng Oxford hay Cambridge nhằm giữ ấm trong những cuộc đua buổi sớm. Điều đáng nói là họa tiết trên chiếc áo này lại là những cái đầu vàng chóe của Bart Simpson, một nhân vật trong bộ phim hoạt hình nổi tiếng của Mỹ. Cô gái này mang một đôi giày da bóng hãng Dr.Martens – được cải tiến từ những mẫu thiết kế của bác sĩ Klaus Martens trong thế chiến thứ hai để thay thế cho những đôi giày chuẩn quân đội Đức gây khó chịu cho đôi chân. Váy bút chì da lộn – được cải tiến từ váy Hobble, do Paul Poiret thiết kế, dựa trên cảm hứng từ đoàn ba lê Ballets Russes ở Pháp. Trên mu bàn tay cô ấy có xăm một dòng chữ nhỏ bằng tiếng Phạn, một cổ ngữ của Ấn Độ. Cô ta đang ngồi uống cà phê ở Starbucks, chuỗi cửa hàng của Mỹ. Cô ấy gấp lại cuốn tiểu thuyết Rừng Na-Uy của Murakami Haruki, nhà văn Nhật, để trò chuyện với một người bạn về mỹ phẩm Ohui của Hàn. Cô ấy nhuộm tóc màu bạch kim – một trào lưu của mùa hè 2016. Thực tế, cô ấy là một người Việt Nam và đang sống ở một đất nước nhiệt đới gió mùa ở Đông Nam Á.
Cô ấy có cần biết tất tần tật về lịch sử hay công dụng ban đầu của những item này trước khi mang chúng hay không? Tất nhiên là không. Điều duy nhất cô ấy quan tâm là số đông nghĩ nó “chất” và “cá tính” – một khái niệm bị bóp méo bởi các tạp chí thời trang thịnh hành. Hình ảnh này có thể là minh họa cho phong cách sống mà cô gái này chọn lựa: sang trọng, cổ điển, hiện đại, trang nhã… hay bất cứ một tính từ hoa mỹ nào mà bộ phận copywriter của một agency quảng cáo có thể nghĩ ra để kích cầu trong thị trường may mặc.
Và nếu giờ bạn hỏi tôi, cô ấy có là một nhân dạng độc lập hay không, xét riêng về ngoại hình? Tôi chỉ thấy những người như cô ta rất mờ nhạt, lướt qua mình trên đường mỗi ngày mà không còn chút gì lưu lại. Một hệ quả của Culture Jamming mà Quốc Tế Tình Huống nói tới đó là nó khiến chúng ta bị mắc kẹt trong một lát cắt của lịch sử nhân loại, khiến chúng ta nghĩ là thời đại chúng ta đại diện cho toàn bộ chu trình tiến hóa xã hội. Và cứ thế chúng ta sống mà không hề hoài nghi.
Vậy thì làm sao để tìm kiếm được bản nguyên của mình ngày hôm nay?
Câu trả lời (khá khiên cưỡng) là: Tự vấn. Tự vấn bản thân cũng như tự vấn toàn bộ những lề thói văn hóa xã hội. Hãy luôn tự vấn cả những quan niệm về đúng và sai, về thiện và ác, về đẹp và xấu. Nếu cần, hãy đi đến tận cùng của tuyệt vọng hay cô đơn để hiểu được chính mình là ai. Có lẽ nhiều người sẽ chẳng hơi đâu bận tâm một câu hỏi như “tôi là ai giữa thế giới này?”. Nhưng hãy tin tôi, một khi bạn tự vấn mình như thế để mà sống, bạn có thể sẽ trở thành một con người vĩ đại.
Nếu bỏ đi hết "đống" hình thức này, tôi là ai?
Trên đây chỉ là suy nghỉ rất cá nhân về tác động của culture jamming lên nhân dạng người trẻ. Những gì tôi trình bày nãy giờ có thể chỉ là những điều võ đoán, sự quy kết chủ quan hay khái quát vội vàng. Nhưng tôi sẵn sàng đón nhận mọi hoài nghi lên quan điểm của mình, vì tôi biết đó là cách duy nhất để chính mình sống tốt hơn
Tuân viết vào tháng 11.2016.
Về sau này tôi thấy bài của mình có 3 vấn đề: 1 là tôi chưa hiểu thật đúng và đầy đủ lý thuyết của Guy Debord cũng như Quốc tế Tình huống, 2 là thực sự đào sâu vào một điều hiển nhiên, rằng nhân dạng chúng ta luôn là sự tổ hợp của các yếu tố di truyền lẫn tiếp nhận xã hội, thực sự chẳng có ý nghĩa thực tiễn gì mấy, 3 là bài của tôi không có sự khoanh vùng phạm vi thảo luận, khiến nó cứ lan man đến nhiều vấn đề khác nhau. Tuy nhiên, đây vẫn là những suy nghĩ mà tôi nghĩ khá thú vị, nên đăng lên đây để mọi người cùng thảo luận.
Khi tìm hiểu thêm về vấn đề này, có lẽ đọc các lý thuyết về Phân Tâm Học của Lacan (chẳng hạn essay Mirror's Stage) cũng như đọc Everything is a remix của Kirby Ferguson hẳn sẽ cung cấp những cái nhìn sâu sắc, đầy đủ và mới mẻ hơn.