Học gì từ kế hoạch di dân lên Sao Hoả của Elon Musk
[bài viết được đăng lần đầu trên blog cá nhân của tác giả: http://goldennguyen.com/muskx17/ ] Ngày 26 Tháng 9 năm 2016, trong...
[bài viết được đăng lần đầu trên blog cá nhân của tác giả: http://goldennguyen.com/muskx17/]
Ngày 26 Tháng 9 năm 2016, trong Hội thảo Quốc tế về Không Gian tại Mexico, Elon Musk đã thuyết trình về kế hoạch di dân lên Sao Hoả. Ông muốn xây dựng trên sao hoả một nền văn minh loài người trong 40-100 năm tới, biến Sao Hoả thành một thuộc địa mới của Trái Đất. Một kế hoạch nghe qua không ít người cho là điên rồ, nhưng những gì Elon Musk từng làm trong 20 năm vừa qua Tesla, Solar City, đều từng bị cho là điên rồ, nhưng Elon Musk đều đã chứng minh những điều đó là có thể thực hiện được. Đằng sau sự điên rồ của Musk, có một phương pháp tư duy, một cách nghĩ mà những người lãnh đạo có thể học được, bài viết này sẽ viết về cách tư duy đó.
Nội dung chính.
I.) 2016: Ngắn gọn về Kế hoạch di dân lên Sao Hoả của Elon Musk.
II.) Kỹ năng của người lãnh đạo: phân giải và chia nhỏ.
III.) 207: 'Long Trung Đối' và 'Địa ngục chiến thuật'
IV.) Phần thực dụng (những việc có thể bắt đầu làm để học từ phương pháp tư duy của Elon Musk)
V.) DQ;KĐ (Dài quá; Không đọc - bạn nào ngại đọc dài có thể lướt ngay xuống phần này để lấy những ý chính của bài viết cùng những hành động có thể thực hiện áp dụng ngay lập tức những gì vừa học được).
VI.) Tài liệu tham khảo
=============================
I.) 2016: Ngắn gọn về Kế hoạch di dân lên Sao Hoả của Elon Musk.
Trong bài thuyết trình, Musk cho rằng gốc rễ của vẫn đề di dân lên Sao Hoả là làm sao cho có số người đủ đông để tạo dựng nền văn minh Trái Đất trên sao Hoả.
Musk cho rằng: muốn cho nhiều người hơn có thể di cư lên sao Hoả thì vấn đề căn bản là cắt giảm chi phí, giảm giá vé trên bình quân đầu người. Hiện tại giá vé cho tàu vũ trụ lên Sao Hoả là 10 tỷ Đôla Mỹ, là mức giá quá cao, chỉ tầm 20 người có đủ tiền và có hứng muốn đi. Để cho nhiều người muốn đi Sao Hoả có thể mua được vé, Elon Musk đặt mục tiêu cắt giảm giá vé đến mức tương đương giá nhà ở hạng trung ở Mỹ, vào khoảng 200,000 đô-la Mỹ (tương đương 4 tỷ đồng Việt Nam).
Và để giảm được giá vé xuống tầm 200,000 đô-la Mỹ một người, Musk định lượng sẽ cần phải cắt giảm 5,000,000 % chi phí chế tạo và vận hành tàu vũ trụ hiện tại. 5 triệu phần trăm, chẳng trách nhiều người cho Elon Musk là điên rồ. Nhưng ngay sau đó Elon Musk đã đề xuất 1phương án 4 điểm:
1.) Tăng cường khả năng tái sử dụng trong việc thiết kế và vận hành. Tàu vũ trụ và tên lửa đẩy sẽ được thiết kế và chế tạo để có thể sử dụng nhiều lần thay vì chỉ bay 1 lần như thực trạng ngành vũ trụ hiện tại. Tàu bay lên sao Hoả rồi sẽ còn bay trở lại trái đất để tiếp tục các chuyến sau. Điều này sẽ giảm được đáng kể chi phí chế tạo tàu vũ trụ, giảm giá vé bình quân đầu người. (Và Elon Musk nói được và đã làm được, tháng 3/2017 vừa rồi Space X đã phóng thành công tàu vũ trụ tái sử dụng đầu tiên trong lịch sử hàng không vũ trụ)
2.) Tiếp nhiên liệu trên cho tàu vũ trụ ở trên quỹ đạo trái đất. Tàu được phóng ra khỏi mặt đất vào quỹ đạo vòng quanh trái đất một thời gian - ở trạng thái nghỉ, không tốn nhiên liệu. Tên lửa đẩy sẽ tự bay về trở lại mặt đất, tiếp thêm nhiên liệu. Sau đó lại bay trở lại lên quỹ đạo để tiếp nhiên liệu cho tàu vũ trụ ở trên quỹ đạo. Với cách làm như thế tàu vũ trụ không phải nạp đầy đủ toàn bộ nhiên liệu từ lúc ở mặt đất, và điều này sẽ giúp giảm 500 lần chi phí chế tạo vận hành hiện tại.
3.) Lựa chọn một loại nhiên liệu cho tàu vũ trụ phù hợp nhất cho việc tiếp nhiên liệu trên quỹ đạo Trái Đất. Ngoài ra loại nhiên liệu này phải có khả năng tạo ra được từ những gì có thể khai thác ở trên Sao Hoả. SpaceX đã tìm ra được loại nhiên liệu thoả mãn những yêu cầu này: Deep-Cryo Methalox.
4.) Chế tạo công nghệ để có thể tạo được nguồn nhiên liệu cho tên lửa đẩy từ những dạng vật chất có thể tìm thấy ở trên Sao Hoả.
Với những phương án ngắn gọn Elon Musk đề ra và những bước đi đã thực hiện được trong khoảng thời gian 15 năm vừa qua của SpaceX, không ít người nhận ra rằng kế hoạch di dân sao Hoả của Musk, tưởng như điên rồ mà lại khả thi.
Napoleon nói: " Thủ lĩnh là nhà buôn hi vọng", theo cách nói này thì Elon Musk là một 'nhà buôn hi vọng' - một người thủ lĩnh, vì ông có khả năng làm cho người khác tin tưởng vào những tầm nhìn tưởng như điên rồ của mình. Elon Musk làm điều này không phải bằng khả năng hùng biện, mê hoặc lòng người, những từ ngữ đao to búa lơn, mê hoặc lòng người như những chính trị gia hay những chuyên gia đào tạo kỹ năng, Musk làm cho người khác có hi vọng và tin tưởng vào tầm nhìn điên rồ của mình bằng cách giúp họ nhìn ra là những điều không tưởng thực ra là có thể thực hiện được.
Nghệ thuật biến cái tưởng như không thể thành có thể đến từ khả năng nhìn xuyên thấu cốt lõi của vấn đè, đưa cái không tưởng về những vấn đề nhỏ hơn ở những cấp độ tư duy căn bản nhất.
****
II.) Kỹ năng của người lãnh đạo: phân giải và chia nhỏ.
Đứng trước một vấn đề nan giải, điểm khác biệt giữa một người bình thường và một người có năng lực là khả năng đơn giản hoá, mổ xẻ vấn đề đến gốc rễ, đưa vấn đề nan giải về những điều căn bản. Từ đó chia nhỏ vấn đề lớn khó giải quyết thành những nhiệm vụ nhỏ mà người lãnh đạo biết đội ngũ của mình có khả năng giải quyết. Để làm được điều này, người lãnh đạo cần có sự cảm nhận hiểu rõ về vấn đề, cũng như nguồn lực có trong tay, về khả năng của cấp dưới.
Và chính Elon Musk bản thân cũng từng thừa nhận và đề cập nhiều lần tới phương pháp tư duy này: Hướng về những yếu tố cơ bản, những tiền đề, những nguyên tắc đầu tiên ("First Principle").
Bản thân Elon Musk khi được hỏi tại TED Talk 2013: làm thế nào để mọi người có thể học theo được Elon Musk, làm thế nào để có thể áp dụng và dạy phương pháp làm việc của Elon Musk vào trong môi trường giáo dục hiện đại. Musk cho rằng có thể học được từ phương pháp tư duy của ông:
" Tôi cho rằng là có một phương pháp tư duy hiệu quả, như ở trong khoa học vật lý người ta có những nguyên lý căn bản. Ý của tôi là chúng ta sẽ mổ xẻ mọi thứ và đưa chúng về những nguyên lý cơ bản nhất, những sự thật cơ bản nhất, và bắt đầu tư duy ngược lại từ đó, xây dựng tư duy lên từ đó, thay vì lề thói tư duy liên tưởng hay dùng hàng ngày. Phần lớn chúng ta trong cuộc sống hàng ngày sử dụng tư duy liên tưởng, nghĩa là chúng ta đơn giản nhìn những người xung quanh làm gì và làm theo, với những thay đổi nhỏ. Và chúng ta phải làm như thế trong cuộc sống hàng ngày, bằng không thì khó mà sống qua ngày được mà không bị phát điên. Nhưng khi bạn muốn làm một điều gì đó mới, bạn phải áp dụng cách tiếp cận tư duy của môn vật lý."
"First Principle" - những nguyên tắc đầu tiên, là một khái niệm không dễ dịch đầy đủ một cách ngắn gọn, chúng ta có thể hiểu chúng là những nguyên lý đầu tiên, những tiền đề căn bản mà chúng ta thừa nhận để xây dựng lý thuyết, xây dựng những mô hình lên từ đó. Lấy ví dụ như trong Kinh Tế Học, có một nguyên lý căn bản về 'con người có lý trí': 'homo economicus' hoặc 'rational human being', con người có lý trí thì sẽ hám lợi, thích có thêm tiền hơn là bị mất tiền - một khái niệm đơn giản, nhưng cần thiết để dựa vào đó xây dựng lên nhiều lý thuyết kinh tế. Dan Ariely tác giả của "Phi lý trí" đã có những khám phá thú vị khi ông hoài nghi về nguyên lý căn bản đó và cho rằng trong rất nhiều trường hợp con người ta không hoàn toàn hành động theo lý trí.
Hay ai đã từng học qua chương trình học phổ thông đều biết đến Tiên đề Euclid về đường thẳng song song. "Qua một điểm ở ngoài một đường thẳng có một và duy nhất một đường thẳng song song với đường thẳng cho trước" ( thực tế thì Tiên đề thứ 5 của Euclid không hoàn toàn được viết như trong sách giáo khoa dậy cho học sinh, đọc thêm phần phụ lục *Phụ lục: về Euclid). 'Tiên đề Euclid' cũng là một dạng 'first principle', là một dạng nguyên lý đầu tiên mà Euclid thừa nhận để từ đó xây dựng lên lý thuyết hình học của mình. Sau này hình học không gian ra đời khi người ta bắt đầu hoài nghi về tính đúng đắn tuyệt đối của Tiên đề thứ 5 này của Euclid.
Khi mổ xẻ bóc tách những tư duy, quan điểm xung quanh về tầng lớp nền móng thấp nhất với những nguyên tắc, tiên đề sơ đẳng, ta nhận thấy sự sáng tạo và đổi mới luôn bắt đầu từ việc hoài nghi hay tìm một cách xây dựng tư duy khác biệt từ những tầng lớp tư duy cơ bản này.
Phương pháp tư duy giải quyết vấn đề của Elon Musk nằm ở chỗ ông có khả năng phân giải chẻ nhỏ vấn đề đến những tầng lớp gốc rễ, đơn giản, cơ bản nhất. Lấy một ví dụ về cách Elon Musk giải quyết vấn đề về Pin Năng lượng cho xe Tesla:
<< Có người nói: Pin năng lượng to rất là đắt và nó sẽ luôn luôn là như vậy… Giá của nó trong lịch sử luôn là vào khoảng 600 đô la một kilowatt giờ. Giá cả sẽ không rẻ thêm được đâu.
Với phương pháp tư duy đưa về những nguyên lý cơ bản, bạn sẽ phân tích: Đâu là những yếu tố cấu thành loại pin đó? Giá trên thị trường của những yếu tố cấu thành đó là như thế nào?
Câu trả lời, những yếu tố cấu thành gồm có: Cobalt, Nickel, Aluminum, Carbon, một vài loại polymer để làm phân cách giữa các bộ phân, và một cái hộp để đóng vỏ pin. Mổ xẻ chia nhỏ một cái pin theo yếu tố thành phẩm và tự hỏi "Nếu ta mua những vật liệu trên ở London Metal Exchange (Sàn mua bán kim loại London) thì hết bao nhiêu tiền?"
Và giá thì thực ra hết chỉ có tầm 80 đô-la một kilowatt giờ Nên là rõ ràng giờ ta chỉ cần tìm ra những phương pháp mới thông minh hơn để tổng hợp chế tạo từ những nguyên liệu trên thành một Pin năng lượng, và ta có thể có được những Pin năng lượng cho xe rẻ hơn rất nhiều so với tưởng tượng của mọi người.>> (Elon Musk trả lời về cách ông ứng dụng phương pháp tư duy của mình vào Tesla, xem phần tài liệu tham khảo)
Bằng các đặt câu hỏi: Đâu là yếu tố quyết định, đâu là những yếu tố cấu thành vấn đề này từ những tầng lớp nền móng, ta có thể bóc tách và đưa vấn đề về những yếu tố cơ bản nhất để từ đó đề ra một phương án phù hợp với thực tế.
Bóc tách và đưa vấn đề về những yếu tố cơ bản nhất, cũng là lối tư duy của Mao Trạch Đông trong chiến tranh kháng Nhật những năm 30. Năm 1938, 1 năm sau khi chiến tranh kháng Nhật bùng nổ, trong khi các tướng lĩnh Trung Quốc vẫn đang tranh luận về sự chênh lệch về ưu thế quân sự giữa Trung và Nhật: trình độ chiến đấu, trang bị vũ khí, Mao Trạch Đông suy nghĩ về những vấn đề khác. Trong tác phẩm "Luận trì cửu chiến" (论持久战 -1938,tạm dịch "Luận về chiến tranh kéo dài" hay "Luận về trường kỳ kháng chiến"), Mao Trạch Đông đưa vấn đề chiến tranh Trung-Nhật về 2 yếu tố căn bản nhất: là Thời gian và Không gian, căn cứ vào ưu thế và bất lợi của 2 bên. Nhật Bản có binh lính được đào tạo tinh nhuệ, vũ khí công nghệ cao, tuy nhiên có một nhược điểm là quân không đông, nguồn lực khí tài (ví dụ: xăng dầu) luôn ở tình trạng bấp bênh, vì thế với Nhật Bản, tốc chiến là cần thiết, Nhật tốc chiến dùng lượng quân có hạn để kiểm soát các thành phố, cảng biển chủ chốt để phong toả Trung Quốc, từ đó dùng những trận chiến quyết định để tiêu diệt binh lực Trung Quốc. Về phe Trung Quốc, đất rộng người đông mãi là lợi thế, luôn luôn có thể gia tăng số lượng binh lính, luôn luôn có thể tìm được chỗ để chạy trốn, lùi vào sâu trong nội địa nông thôn rừng núi. Từ đặc điểm của hai bên Mao Trạch Đông cho rằng cuộc đấu trí Trung-Nhật quyết định ở hai yếu tố thời gian và không gian. Không gian chiến lược rộng lớn cho Trung Quốc, đấu với áp lực tốc chiến tốc thắng của Nhật. Cuộc đấu giữa Trung và Nhật là cuộc đấu về không gian và thời gian. Nếu như Trung Quốc có thể dùng không gian rộng lớn để chiến đấu và kéo dài thời gian thì lợi thế nghiêng về Trung Quốc, bất lợi về Nhật Bản. Thời gian không lợi cho Nhật mà lợi cho Trung. Quân Trung Quốc chỉ cần ẩn mình chờ thời, kéo dài thời gian chiến đấu, và linh hoạt di chuyển tấn công trong không gian rộng lớn để kéo dài và làm yếu quân Nhật, khi thời cơ đến đưa ra những trận quy mô quyết định.
Nói đến đây thì chắc không ít bạn sẽ nói: Nghĩ như Elon Musk thì có gì là thiên tài - phân nhỏ việc ra mà làm, ai chẳng nghĩ ra được, nghĩ như Mao Trạch Động có gì là xuất chúng - đánh không lại được kẻ xâm lược thì kéo dài thời gian tiêu hao chúng, được tôi cũng nghĩ được như vậy. Tôi tin là bạn cũng có thể nghĩ được như vậy, tôi tin là bạn cũng nghĩ được như Elon Musk, tôi nghĩ là bạn có thể tư duy chiến lược như Mao Trạch Đông, nếu như bạn có thể lùi lại một bước ra khỏi 'địa ngục chiến thuật', bay cao lên trên chiến trường và nhìn tổng thể bức tranh để nhìn ra những nét phác đơn giản và căn bản nhất của chiến trường… Giống như cách mà Gia Cát Lượng vạch ra "Long Trung Sách" cho Lưu Bị.
***
III.) 207: "Long Trung Đối" và "Địa ngục chiến thuật"
207, Sau Công Nguyên. Trong lều cỏ, Gia Cát Lượng đề ra đối sách Long Trung cho Lưu Bị. Cốt tuỷ của đối sách, chắc nhiều bạn yêu thích Tam Quốc Diễn Nghĩa/Tam Quốc Chí đã quen thuộc, nay xin nhắc lại nhanh là như sau:
i.) Lưu Bị, anh không đọ nổi Tào Tháo và Tôn Quyền, đất rộng, binh hùng tướng mạnh. Anh chỉ có được cái danh nghĩa chính thống là Lưu Hoàng Thúc, có khả năng giương cờ hiệu triệu bách tính phạt Tào.
ii.) Nhất thống thiên hạ vì thế là một sự nghiệp bắt đầu từ những bước nhỏ, gồm 3 mốc quan trọng như sau:
1.) Bước 1: Chiếm Kinh Châu (khu vực gồm 2 tỉnh Hồ Bắc, Hồ Nam ngày nay) làm căn cứ địa. Vì lúc đó bản thân Lưu Bị 23 năm rong ruổi, không một mảnh đất cắm dùi, cần lắm một mảnh đất làm địa bàn hoạt động chính.
2.) Bước 2: Chiếm Ích Châu (Tứ Xuyên ngày nay) làm căn cứ địa. Gia Cát Lượng nhìn vào lịch sử, chỉ ra cho Lưu Bị thấy rằng Hán Cao Tổ Lưu Bang hồi xưa cũng từ vùng này khởi nghiệp dành thiên hạ. Hay như nhà Tần cũng từ việc bình định kiểm soát vùng này mà từ đó rảnh tay đánh 6 nước còn lại.
3.) Bước 3: Chờ đợi thời cơ, đến khi Trung Nguyên (Tào Nguỵ) có biến, khởi binh 2 đường: 1 từ Ích Châu, 1 từ Kinh Châu, bắc tiến đành Tào, nhất thống thiên hạ. Gia Cát Lượng dự là sẽ có biến vì ông nhìn được đến gốc rễ thành công của Tào Tháo, nằm ở chỗ, "hiếp thiên tử, lệnh chư hầu", dùng danh nghĩa chính trị của nhà Hán mà hiệu triệu nhân tài. Nhưng cũng chính ở điểm này mà những nhân tài, tướng sĩ dưới trướng là phò Hán hay phò Tào thì Tháo cũng khó mà biết được hết mà kiểm soát. Ấy cũng chính là điểm yếu trong mô hình cai trị của nhà Tào, lâu dài ắt sinh biến… Lưu Bị chỉ cần đợi thời cơ, có loạn là giương cờ trung hưng hán thất để thiên hạ kéo theo.
Ngày nay, không ít bạn sẽ nói, nếu là tôi, tôi nhìn vào bản đồ thời đấy, tôi cũng sẽ vạch ra được chiến lược như Gia Cát Lượng. Nhưng nếu bạn đặt vào vị trí của Lưu Bị, Lưu Bị không phải người ngu, nhưng tại sao 23 năm tung hoành từ thời giặc khăn vàng, phải đợi đến 207 để một anh Khổng Minh 26 tuổi chỉ đường vẽ nước cho?
Nhìn vào bối cảnh 23 năm tung hoành của Lưu Bị, thời bấy giờ Trung Nguyên là mảnh đất phồn hoa nhất, đa số dân cư Trung Quốc cũng ở Trung Nguyên (lưu vực Hoàng Hà), Hán thất cũng ở Trung Nguyên, Tào Tháo, Viên Thiệu, Viên Thuật, Công Tôn Toản, đều ở Trung Nguyên. Tầm nhìn địa lý của Lưu Bị vì thế mà cũng chỉ giới hạn ở Trung Nguyên, nếu không gặp được Gia Cát Lượng chỉ đường vẽ nước thì có lẽ cả đời Lưu Bị cũng sẽ không dạt đến lưu vực Trường Giang.
Gia Cát Lượng khác với Lưu Bị, không bị vướng mắc và ám ảnh tâm trí về những tranh đoạt đấu đá tại khu vực Trung Nguyên. Vì thế Gia Cát Lượng có thể lùi lại một bước, tĩnh tâm để nhìn vào một bản đồ địa lý toàn cảnh hơn, nhìn vào toàn bộ Trung Hoa lúc bấy giờ, và nhìn ra những khoảng trống chiến lược có thể tận dụng đột phá.5
Tầm nhìn của Gia Cát Lượng cũng chính là tầm nhìn của một chiến lược gia, một kỹ năng quan trọng để giúp mỗi người có thể nhìn vào gốc rễ của mọi vấn đề, như một kỹ năng mà Robert Greene từng đề cập đến kỹ năng ‘Nhìn xuống chiến trường từ trên cao’ trong phần Dẫn Nhập của cuốn ’33 chiến lược chiến tranh’ (“33 strategies of war”):
<< Nhìn xuống chiến trường từ trên cao: Trong chiến tranh, chiến lược là nghệ thuật vận hành mọi khía cạnh quân sự. Chiến thuật ở góc độ khác là kỹ năng tổ chức một đội quân để sẵn sàng chiến đấu và đáp ứng những nhu cầu gấp rút của chiến trường. Trong cuộc sống của mỗi người của chúng ta đều là những "chiến thuật gia", không phải 'chiến lược gia'. Chúng ta bị vướng mắc vào những mâu thuẫn thường ngày và luôn vùi đầu tìm cách đạt được mục tiêu trong trận chiến ngay trước mắt. Tư duy chiến lược là một điều khó, nó không đến một cách tự nhiên. Bạn có thể cho rằng mình đang tư duy rất chiến lược, nhưng rất có khả năng là bạn chỉ đang đơn thuần có những tính toán chiến thuật. Để có năng lực tư duy chiến lược, bạn cần học cách nâng bản thân lên một tầm nhìn mới, cao hơn chiến trường trước mặt, để từ đó tập chung vào những mục tiêu dài hạn, để chuẩn bị cả một chiến dịch, để thoát ra khỏi chế độ tự động phản ứng lại kích thích bên ngoài mà những trận chiến trong cuộc sống kéo bạn vào.>>
****
IV.) Phần thực dụng (những việc có thể bắt đầu làm để học từ phương pháp tư duy của Elon Musk)
Sau đây là một vài cách thực dụng để bạn có thể rèn luyện khả năng nhìn vào bức tranh tổng thể, mổ xẻ tới gốc rễ vấn đề, để từ đó chia những vấn đề lớn thành những nhiệm vụ nhỏ, ở đây xin đề ra 3 phương án:
A.) James Altucher trong cuốn 'Choose Yourself' (bản tiếng việt của Alphabook), trong chương "Làm thế nào để trở thành một cỗ máy ý tưởng" có đề cập đến một phương pháp đọc sách khá thú vị: Mỗi ngày Altucher sẽ đọc/lướt qua một vài chương của nhiều cuốn sách đến từ ít nhất 4 lĩnh vực khác nhau. Phương pháp đọc sách này sẽ giúp cho tư tưởng của ta được va chạm với nhiều luồng suy nghĩ, nhiều cách tiếp cận từ những ngành khác nhau, từ đó mở rộng tầm nhìn tư duy của ta, giúp ta không bị bó buộc trong những kiến thức chuyên ngành mà ta dùng trong cuộc sống hàng ngày. Mặt khác, tiếp xúc với những phương pháp tư duy của những chuyên ngành khác nhau, dần dà lâu ngành bạn sẽ phát triển được khả năng tư duy liên ngành, nhìn thấy sợi dây liên kết giữa những điều tưởng như không liên quan gì với nhau, và đó chính là những căn bản quan trọng có thể hữu dụng cho bản thân sau này.
B.) Luyện khả năng tư duy ngược, để đi đến gốc rễ vấn đề, và tư duy lên từ cái nền căn bản đó. Trước mọi quan điểm, hay suy nghĩ của bản thân, có thể đặt câu hỏi: đằng sau cái tư duy đó của người này là những giả thiết gì, họ phải nhận những tiền đề nào là đúng? Đi đến tận cùng ta sẽ tìm được những tiền đề, những giả thiết nền móng của phương án đó. Tính hiệu quả của phương án bạn đề ra phụ thuộc vào giả thiết của bạn có phù hợp với thực tế khách quan hay không.
Ta lấy một ví dụ về chương trình xe buýt BRT đưa vào thực hiện tại Hà Nội với mục tiêu là giảm ách tắc giao thông, tạo ra một phương tiện xe bus đi nhanh. Chương trình này dựa trên những tiền đề cơ bản nào? Ít nhất ẩn đằng sau nó là một tiền đề là: [Xe bus có 1 làn đường riêng không ai xâm phạm sẽ đi nhanh hơn]. Nhưng đi vào thực tế, yếu tố 'không ai xâm phạm' của tiền đề không đứng vững trong thực tế, xe máy, ô tô vẫn lấn vào ầm ầm vào làn đường ưu tiên cho xe bus BRT. Và đề khắc phục, người ta tìm cách để đảm bảo yếu tố này: làm hàng rào ngăn cách
Tuy nhiên nếu như trước khi thực hiện kế hoạch những người thiết kế dành chút thời gian suy nghĩ thêm vào danh sách những tiền đề căn bản một điều là: [Dựa vào tình hình giao thông Hà Nội hiện nay, vào giờ cao điểm người tham gia giao thông sẽ sẵn sàng lấn bất cứ loại làn nào còn trống ở trên đường] thì họ sẽ hoàn thiện hơn trong kế hoạch và tiết kiệm được thời gian chắp vá cho kế hoạch ngàn tỷ. (Và có lẽ còn nhiều thực tế khác chưa được cân nhắc đưa vào những tiền đề xây dựng kế hoạch này).
C.) Luyện tập khả năng định lượng và chia nhỏ công việc thành những nhiệm vụ nhỏ, khả thi. Ví dụ: Nếu như bạn là Trưởng của bộ phận bán hàng, dưới bạn có 5 nhân viên. Mục tiêu trong tháng tới là có thêm 200 khách hàng. Nếu như bạn chỉ đơn thuần phân nhỏ công việc theo kiểu: 200 chia cho 5 bằng 40, vậy tôi giao cho các anh nhiệm vụ mỗi người trong tháng này phải kiếm thêm cho được 40 khách hàng mới. Nếu như làm như thế thì công ty chẳng cần bạn làm vị trí lãnh đạo bộ phận bán hàng làm gì, kiếm cái máy tính bỏ túi cũng có thể làm phép chia như bạn. Phân tích chia nhỏ công việc không chỉ đơn thuần là phép chia số học, nếu bạn đi đến cốt lõi của vấn đề: tiếp cận khách hàng là trò chơi của tỷ lệ. Bạn cần cùng cấp dưới của mình bỏ thời gian tìm hiểu tỷ lệ tiếp cận có khách hàng mới là bao nhiêu, phương thức tiếp cận cụ thể như thế nào, những 'kịch bản' nói chuyện, gọi điện thoại nào là hiệu quả nhất. Ví dụ như hiện tại bạn có một 'kịch bản' (script) gọi điện thoại mời chào khách có hiệu suất, gọi 10 người thì được 1 người chấp thuận mua hàng, vậy thì có thể đặt một mục tiêu định lượng là mỗi một người trong tháng này phải tiếp cận và gọi điện 400 khách hàng tiềm năng. Trong thời gian đó cũng có thể tiếp tục thử nghiệm những script gọi điện thoại khác để tăng tỷ lệ thành công… Với những công việc khác cũng vậy, bắt đầu từ những giả thiết cơ bản nhất về hiệu quả công việc hiện tại, từ đó đề ra phương án chia nhỏ công việc thành những nhiệm vụ nhỏ dựa vào những giả thiết ban đầu.
***
V.) DQ;KĐ (Dài quá; Không đọc - dành cho những bạn nào không có thời gian hoặc ngại đọc dài có thể lướt ngay xuống phần này để lấy những ý chính của bài viết cùng những hành động có thể thực hiện áp dụng ngay lập tức những gì vừa học được).
1.) Elon Musk cho rằng: cốt lõi của vấn đề di dân lên Sao Hoả là cắt giảm giá vé tàu vũ trụ để nhiều người muốn đi có thể mua được vé. Từ đó Musk đề ra một phương án 4 điểm để cắt giảm chi phí 5 triệu phần trăm, giảm giá vé từ 10 tỷ đô-la xuống còn 200,000 đô-la.
2.) Nghệ thuật lãnh đạo của Elon Musk không chỉ đơn thuần là hô hào và đặt ra những mục tiêu điên rồ. Đằng sau sự điên rồ là một phương pháp tư duy giúp Musk có thể phân giải những vấn đề không tưởng thành những nhiệm vụ nhỏ có thể thực hiện được.
3.) Phương pháp tư duy của Musk là: luôn tìm cách bóc tách, đưa mọi vấn đề, mọi góc nhìn về những tầng lớp nền móng, sơ đẳng nhất, đi đến cốt lõi của vấn đề, rồi từ đó xây dựng lên phương án giải quyết.
4.) Để nhìn vào cốt lõi của vấn đề, một kỹ năng quan trọng là khả năng thoát ra khỏi 'địa ngục chiến thuật'. Bằng cách thoát ra khỏi những tranh đấu, những mối bận tậm trước mắt, ta có thể tĩnh tâm nhìn vào một tấm bản đồ toàn diện hơn và nắm bắt được những nét chính của cục diện, giống như những gì mà Gia Cát Lượng đã giúp cho Lưu Bị nhìn ra vào năm 207.
5.) Một vài phương pháp thực dụng để rèn luyện:
A.) Một ngày đọc lướt qua vài chương sách của những cuốn sách từ 4 lĩnh vực khác biệt nhau. (Lời khuyên từ James Altucher trong cuốn "Chọn bản thân")
B.) Đào luyện tư duy ngược, truy vấn những quan điểm, phương án của bản thân và những người xung quanh về gốc rễ của chúng: thường là những giả thiết, tiền đề cơ bản. Hãy xem xét những giả thiết, tiền đề cơ bản này có tuyệt đối đúng và phù hợp với thực tế khách quan hay không, để từ đó có những điều chỉnh thích hợp và xây dựng lại tư duy của bản thân từ tầng lớp thấp nhất này.
C.) Luyện tập định lượng công việc và phân nhỏ công việc thành những nhiệm vụ có thể thực hiện được.
***
VI. tài liệu tham khảo
1.) Bài thuyết trình về kế hoạch di dân lên Sao Hoả vào ngày 26 tháng 9 năm 2016 tại Hội Thảo Quốc Tế về Không Giang ở Mexico:
File powerpoint: http://www.spacex.com/sites/spacex/files/mars_presentation.pdf
Transcript bài thuyết trình: http://uk.businessinsider.com/elon-musk-mars-speech-transcript-2016-9/#-28
2.) Elon Musk tại TED Talk 2013 phỏng vấn bởi Chris Anderson, nói về phương pháp tư duy tư những nguyên tắc đầu tiên 'First Principle'.
Chris Anderson: "Can we have some of that secret sauce, to put in our education, can we learn from you?"
Elon Musk: "I do think there is a good framework for thinking, in physic, the sort of first principle in reasoning. *What I mean by that is boil things down to their fundmental truths and reason up from there*, as oppose to reasoning by analogy. Through most of our life we get through our life by reasoning by analogy which essentially means copying what others are doing with slight variation, and you have to do that, otherwise you won't be able to mentally get through the day. When you want to do something new you have to apply the physic approach, how to approach something negative. Really pay attention to negative feedbacks and solitcit them from your friends."
3.) Elon Musk áp dụng phương pháp tư duy kể trên vào việc chế tạo pin cho xe Tesla: https://www.youtube.com/watch?v=NV3sBlRgzTI
“I think it is important to reason from first principles rather than by analogy. The normal way we conduct our lives is we reason by analogy. [When reasoning by analogy] we are doing this because it’s like something else that was done or it is like what other people are doing — slight iterations on a theme.
First principles is kind of a physics way of looking at the world. You boil things down to the most fundamental truths and say, “What are we sure is true?” … and then reason up from there.
Somebody could say, “Battery packs are really expensive and that’s just the way they will always be… Historically, it has cost $600 per kilowatt hour. It’s not going to be much better than that in the future.”
With first principles, you say, “What are the material constituents of the batteries? What is the stock market value of the material constituents?”
It’s got cobalt, nickel, aluminum, carbon, some polymers for separation and a seal can. Break that down on a material basis and say, “If we bought that on the London Metal Exchange what would each of those things cost?”
It’s like $80 per kilowatt hour. So clearly you just need to think of clever ways to take those materials and combine them into the shape of a battery cell and you can have batteries that are much, much cheaper than anyone realizes.”
—Elon Musk
4.) Mao Trạch Đông "Luận trì cửu chiến" (tạm dịch là 'Luận chiến tranh kéo dài' hay 'Luận về trường kỳ kháng chiến' như cách nhiều người thích dịch) 毛泽东‘论持久战’1938. https://www.amazon.cn/%E8%AE%BA%E6%8C%81%E4%B9%85%E6%88%98-%E6%AF%9B%E6%B3%BD%E4%B8%9C/dp/B00HJVC506
5.) Trương Thủ Triết. "Long Trung Đối nhìn từ góc độ địa chính trị".(张守哲。"隆中对在地缘上的成败得失" : https://feed.baidu.com/feed/data/wise/landingpage?s_type=news&dsp=wise&nid=11237309469502546488&n_type=&p_from=4
6.)James Altucher. "Choose Yourself". Trích dẫn từ cuốn này do người viết tự dịch theo cách hiểu của bản thân do chưa có điều kiện tham khảo bản tiếng Việt, để có bản dịch chuyên nghiệp hơn bạn có thể tham khảo bản dịch của Alphabook: "Tôi chọn chính mình". https://tiki.vn/toi-lua-chon-chinh-minh-p564996.html
7.) Robert Greene. "33 Strategies of War". Trích dẫn từ cuốn này do người viết tự dịch theo cách hiểu của bản thân do chưa có điều kiện tham khảo bản tiếng Việt, để có bản dịch chuyên nghiệp hơn bạn có thể tham khảo bản dịch của Nxb Trẻ. "33 chiến lược của chiến tranh". https://www.nxbtre.com.vn/sach/33-chien-luoc-cua-chien-tranh-10638.html
8.) Một cuốn khá thú vị viết về Elon Musk, đã được alphabook xuất bản. "Elon Musk: Tesla, SpaceX và sứ mệnh tìm kiếm một tương lại ngoài sức tưởng tượng": https://tiki.vn/elon-musk-tesla-spacex-va-su-menh-tim-kiem-mot-tuong-lai-ngoai-suc-tuong-tuong-p539780.html
Quan điểm - Tranh luận
/quan-diem-tranh-luan
Bài viết nổi bật khác
- Hot nhất
- Mới nhất