Đầu tiên, mình muốn nói rằng đa phần (có thể là 99.99%) thông tin mình gửi tới cho các bạn đây là mình copy từ tác phẩm “Lão Tử - Đạo Đức Kinh” do cụ Nguyễn Hiến Lê biên soạn, bởi đây là một tác phẩm khảo cứu công phu, có nhiều luận chứng, luận cứ rõ ràng và thể hiện trình độ Hán học cao siêu của cụ.

Mình cũng được biết rằng một số bác trên spiderum định post vài bài về tư tưởng triết học Phương Đông, nên xin phép được làm quân xanh mở đường cho các bác.

Trong dự định của mình, mình sẽ post ba bài : một về thân thế của Lão Tử và những thuyết xung quanh, hai là về thực hư chuyện Khổng Tử gặp Lão Tử và ba là về thời gian và tác giả của tác phẩm Đạo Đức Kinh.

Như đã nói ở trên gần như 100% những gì mình đưa lên đây là từ tác phẩm “Lão Tử - Đạo Đức Kinh” do cụ Nguyễn Hiến Lê biên soạn, nên bạn nào thấy hấp dẫn có thể tìm đọc luôn, vì ebook của nó nhan nhản trên mạng.

Nhân đây cũng xin cám ơn bác Goldfish của thư viện ebook người đã cất công đánh máy và sửa chữa để anh em có thể đọc một tác phẩm vĩ đại như thế một cách miễn phí.

Giờ xin phép được bắt đầu :

Lão tử là một hiện tượng khá lạ trong lịch sử triết học của nhân loại. Ông là một triết gia lớn, ảnh hưởng tới cả Đông Á ngang với Khổng tử, thời nào cũng được dân tộc Trung Hoa tôn trọng không như Mặc tử mà tên tuổi bị chìm luôn trong hai ngàn năm; có phần còn hơn Khổng tử nữa vì chưa hề bị mạt sát tàn nhẫn như họ Khổng trong bảy tám chục năm nay; mà từ năm 165 (đời Hậu Hán) lại còn được Đạo gia tôn làm Thái Thượng Lão quân, một trong ba vị thần tối cao của họ; đền thờ ông, Đại thanh cung, tương truyền dựng ở tại nơi ông sinh, hiện nay vẫn còn ở tỉnh Hà Nam, hương khói lúc này chắc đã lạnh, nhưng pho tượng cao bốn mét của ông thì may ra vẫn còn. Vậy mà chúng ta không biết gì chắc chắn về đời ông, về cả tác phẩm bất hủ mang tên ông nữa, mặc dầu Trung Hoa là dân tộc sớm biết trọng sử nhất thế giới ngay từ đời Chu, ba ngàn năm trước, họ đã có các sử quan ghi chép những biến cố quan trọng từng năm cho mỗi triều đại.

Từ thời Tư Mã Thiên, bao nhiêu người tra cứu đủ các sách cổ để tìm hiểu Lão tử tên thật là gì, sống ở thời nào, làm gì, tiếp xúc với những ai, nhưng chỉ đưa ra được những giả thuyết, và càng bàn lại càng thêm rối vì ý kiến mâu thuẫn nhau, tới nỗi có người – một học giả Nhật Bản tên là Tân Điền Tả Hữu Cát – phủ nhận hết thảy, bảo Lão tử là một con người huyền thoại, không hề có!

Ngay đến tác phẩm Lão tử (Đạo Đức kinh là tên đời Hán đặt cho) rất ngắn, mà mỗi nhà chấm câu một khác, tới nay đã có trên hai trăm bản hiệu đính, giải thích, làm tốn không biết bao nhiêu giấy mực. Lại thêm tác phẩm đó do ai viết, xuất hiện thời nào, cũng là vấn đề nan giải nữa. Riêng La Căn Trạch, trong cuốn Chư tử khảo sách cũng đã viết ba bài, tổng cộng trên 30.000 chữ để góp ý kiến về con người Lão tử và tác phẩm Lão tử và đã làm một bảng kiệt kê kiến giải của trên ba chục học giả trước ông và đồng thời với ông. Mà rốt cuộc, các nghi vấn của người trước nêu ra vẫn còn là nghi vấn, có thể sẽ vĩnh viễn là nghi vấn, không làm sao giải nổi. Một triết gia với một tác phẩm chỉ khoảng năm ngàn chữ - mươi, mười lăm trang sách – mà làm cho hậu thế thắc mắc, hao tốn tâm trí như vậy, có thế nói là không tiền khoáng hậu trong lịch sử.

Đời sống của Lão tử được chép lần đầu tiên trong bộ Sử kí của Tư Mã Thiên phần Liệt truyện, thiên 63: Lão tử, Trang tử, Thân Bất Hại, Hàn Phi. Toàn văn như sau:

Lão Tử(老子) là người làng Khúc Nhân, hương Lệ, huyện Hỗ, nước Sở; họ Lí (李), tên Nhĩ (耳), tự là Đam (聃), làm quan sử, giữ kho chứa sách của nhà Chu. 

Khi Khổng tử qua Chu, lại hỏi Lão tử về lễ, Lão tử đáp: 

“Những người ông nói đó, thịt xương đều đã nát thịt cả rồi, chỉ còn lại lời của họ thôi. Vả lại, người quân tử nếu gặp thời thì ngồi xe ngựa, không gặp thời thì đội nón lá mà đi chân. Tôi nghe nói người buôn giỏi thì giấu kĩ vật quí, coi ngoài như không có gì; người quân tử đức cao thì dong mạo như ngu độn. Ông nên bỏ cái khí kiêu căng, cái lòng đa dục, cái vẻ hăm hở cùng cái chí quá hăng của ông đi, những cái đó không có ích gì cho ông đâu. Tôi chỉ khuyên ông có bấy nhiêu thôi”. 

Khổng tử về, bảo môn sinh: “Loài chim, ta biết nó bay được; loài cá ta biết nó lội được; loài thú ta biết nó chạy được. Chạy thì ta dùng lưới để bẫy, lội thì ta dùng câu để bắt, bay thì ta dùng tên để bắn. Đến loài rồng cưỡi gió mây mà lên trời thì ta không sao biết được. Hôm nay ta gặp ông Lão tử, ông ta là con rồng chăng?”. 

Lão tử trau giồi đạo đức; học thuyết của ông cốt ở chỗ giấu mình, ẩn danh. Ông ở nước Chu đã lâu, thấy nhà Chu suy bèn bỏ đi. Đến cửa quan, viên coi quan là Doãn Hỉ bảo: “Ông sắp đi ẩn, rán vì tôi mà viết sách để lại”. Thế là Lão tử viết một cuốn gồm hai thiên thượng và hạ, nói về ý nghĩa của “Đạo” và “Đức”, được trên năm ngàn chữ. Viết xong rồi đi, không ai biết chết ra sao, ở đâu. 

Có người bảo: Lão Lai tử cùng là người nước Sở, viết mười lăm thiên sách nói về công dụng của Đạo gia cũng đồng thời với Khổng tử. 

Đại khái Lão tử sống trên 160 tuổi, có người bảo trên 200 tuổi, nhờ ông tu đạo để kéo dài tuổi thọ. Sau khi Khổng tử mất 129 năm, sử chép rằng viên Thái tử nhà Chu tên là Đam 儋, yết kiến Tần Hiến công, tâu: “Mới đầu Tần hợp với Chu, hợp được 500 năm rồi thì tách ra, tách được 70 năm thì có một bá vương xuất hiện”. 

Có người bảo Đam đó tức là Lão tử, có người lại bảo không phải. Không biết sự thực đó ra sao.

Lão tử là một bậc quân tử ở ẩn. Con ông tên là Tôn, làm tướng quốc nước Nguỵ, được phong đất ở Đoạn Can. Con của Tôn là Chú, con của Chú là Cung, chút của Cung là Giả (hay Giá). Giả làm quan dưới triều Hiếu Văn đế nhà Hán. Con của Giả là Giải làm Thái phó của Giao Tây vương tên là Ngang, do đó mà cư trú ở Tề. 

Người đời hễ theo thuyết của Lão thì chê bai Nho học, mà theo Nho học thì cũng chê bai Lão tử. “Đạo khác nhau thì khó cùng bàn với nhau được”, là nghĩa vậy chăng? Lí Nhĩ chủ trương chỉ cần “vô vi” mà dân sẽ tự cải hoá, “thanh tĩnh” mà dân sẽ tự nhiên thuần chính.

Cũng trong bộ Sử kí còn một đoạn nữa chép lời Lão tử khuyên Khổng tử:

“Tôi nghe nói người giàu sang tiễn nhau bằng tiền bạc, người nhân tiễn nhau bằng lời nói. Tôi không phải là người giàu sang, mạn phép tự coi là người nhân mà tiễn ông bằng lời này: kẻ thông minh và sâu sắc thì khó sống vì ham phê bình người; kẻ giỏi biện luận, biết nhiều thì nguy tới thân vì hay nêu cái xấu của người. Kẻ làm con và kẻ làm tôi đều không có cách gì để giữ mình cả”. (Phần Thế gia – Thiên 47 – Khổng tử).

Để viết hai đoạn trên, Tư Mã Thiên đã dùng nhiều sử liệu về Lão tử thời Tiên Tần để lại; đặc biệt là các sử liệu trong bộ Trang tử (các thiên Thiên đạo, Ngoại vật, Thiên vận…), các bộ sử cổ hoặc gia phả họ Lão, có thể cả trong cuốn Quan Doãn tử nữa.

Ngoài ra, các bộ Tuân tử, Hàn Phi tử, Chiến Quốc sách, Lã Thị Xuân Thu cũng nhắc đến Lão tử, nhưng chỉ phê bình học thuyết chứ không cho biết gì thêm về đời sống của ông trừ điểm này: Lão tử là thầy học của Khổng tử (Lã Thị Xuân Thu, thiên Đương nhiễm) mà không ai có thể tin được.

Phải đợi tới khoảng hai thế kỉ sau khi bộ Sử kí của Tư Mã Thiên ra đời, chúng ta mới thấy được một tài liệu nữa trong bộ Tiểu Đái kí(Lễ kí của ông Đái nhỏ tức Đái Thánh để phân biệt với Đại Đái kí của Đái Đức), thiên Tăng tử vấn, thuật lại việc Khổng tử hỏi Lão tử về lễ. Tất cả gồm bốn cố sự, đều do Khổng tử kể lại lời của Lão tử về việc giữ bài vị của tổ tiên, về việc chôn cất, về việc để tang (cố sự 1, 3, 4). Duy có cố sự 2 đáng cho ta để ý: Lần đó Khổng tử theo Lão tử làm trợ táng ở Hạng Đảng, giữa đường gặp nhật thực. Lão tử bảo: “Khâu! Ngừng lại, đặt quan tài ở lề đường bên phải, ngưng tiếng khóc để đợi sự biến đổi”. Khi hết nhật thực rồi, đám táng mới tiếp tục đi. Lão tử bảo: “Như vậy là lễ” (…).

Từ những dữ kiện trên, ta có thể thấy 3 thuyết về Lão Tử :

1. Lão Tử tên là Lí Nhĩ, tự là Đam, người làng Khúc Nhân, hương Lệ, huyện Hỗ, nước Sở, đây cũng là giả thuyết được nhiều người biết và tin nhất.

2. Lão Lai tử quê nước Sở cũng là người viết sách sống cùng thời với Khổng Tử

3. Thái sử Đam sống sau thời Khổng Tử 129 năm.

Thuyết thứ nhất được tin nhất bởi họ, tên, và tên tự đó rất thông dụng từ xưa tới nay. Tên là Nhĩ (tai), tự là Đam 聃 (tai dài) thì rất hợp. Theo truyền thuyết Lão tử lại rất thọ, cho nên người ta còn gọi Lão Đam (ông già tai dài), và vì tôn trọng mà gọi là Lão tử.

Cũng có người bác lại thuyết Lão Tử họ Lí. Đó là Dư Bồi Lâm, ông đưa ra lý luận như sau :

“Tra khắp các sách cổ thì thời Xuân Thu không có họ Lí 李, mãi đến thời Chiến Quốc mới có Lí Khối, Lí Khắc, Lí Mục v.v…, như vậy đủ biết họ Lí xuất hiện rất trễ. Lão tử phải họ Lão. Sách Tả truyện, năm 15 đời Thành công có Lão Tá, năm 14 đời Chiêu công có Lão Kì, Luận ngữ có Lão Bành, Sử kí có Lão Lai. Không thể tra khảo để biết Lão tử có thuộc dòng họ những người đó không, nhưng không còn nghi ngờ gì nữa, thời cổ đã có họ Lão rồi. Vả lại các triết gia thời Tiên Tần đều gọi bằng họ, như Khổng tử, Mặc tử, Trang tử, Tuân tử, Hàn tử, không nhà nào không như vậy. Lão tử không ra ngoài lệ đó. Gọi là Lão tử, chứ không Lí tử, là Lão Đam chứ không Lí Đam, như vậy rõ ràng là họ Lão chứ không phải họ Lí. Họ Lão, mà gọi lầm ra họ Lí, do lẽ hai chữ Lão, Lí đọc hơi giống nhau, cũng như Tuân 荀 Khanh bị gọi nhầm là Tôn 孫 Khanh vậy”.

Dư Bồi Lâm có lí trừ điểm cuối cùng: Lí khó lầm với Lão được. Thuyết đó ông mới đưa ra năm 1973 ở Đài Loan, không biết đã có ai phê bình chưa.

Về chức tước của Lão Tử thì không có tranh cãi gì. Tất cả đều công nhận ông làm quan sử, giữ kho sách của nhà Chu (nhưng không rõ là vua nào vì sử Chu không chép).


Phần 2: 

Chú thích :

老 (Lão): Già, nhiều tuổi.

子(Tử): Chữ tử mang rất nhiều nghĩa để chỉ con người hoặc động vật thậm chị cây cối. Trong những từ như Lão Tử, Khổng Tử, Mạnh Tử, Trang Tử... nó có nghĩa là thầy. Dịch ra Lão Tử là thầy già, Khổng Tử là thầy họ Khổng, Mạnh Tử là thầy họ Mạnh...

李(Lí): Họ Lí hoặc cây mận.

耳(Nhĩ): tai

聃 (Đam): Mê mải, đắm đuối. Ngoài ra còn có nghĩa là tai dài và tên khác của Lão Tử.

儋 (Đam): Gánh vác.

荀 (Tuân): Nước Tuân, họ Tuân, cỏ Tuân.(các bác có thể hiểu là một tên riêng)

孫(Tôn): Họ Tôn, ngoài ra còn có nghĩa là cháu hoặc vật gì tái sinh, đẻ thêm. Từ này còn có thể đọc là tốn mang nghĩa nhún nhường.

Nguồn: Lão Tử - Đạo Đức Kinh - Nguyễn Hiến Lê