Triết học hiện sinh
Khi xem xét con người với chỉ tư cách một cá thể trong bầy đàn, một mã số trong cuốn sổ, một vị trí trên một hàng thẳng chờ gọi đến lượt, con người không thực sự hiện tồn.
Nền tảng
Con người sống trong hai thế giới: một con người của thế giới đời thực và một thế giới thứ hai siêu hình. Trong đời thực, con người lao động, sản xuất, chiến đấu, mưu sinh, vui buồn, sinh sản. Trong siêu hình, con người cô đơn đối diện với vũ trụ, với bản mệnh, sự bất toàn vận mệnh của mình cũng như sự sống ngắn hạn của mình. Nếu chỉ sống trong thế giới đời thực, con người và robot thông minh của tương lai không có nhiều điểm khác nhau. Con người được là con người khi còn có những cảm thức bâng khuâng về bản thể, thân phận, suy niệm về cái chết và tồn tại của mình. Ngay cả sau khi mất đi, những suy tư ấy vẫn còn, lưu lại trong các dấu vết họ để lại trong cuộc sống.
Với cặp phạm trù “nhân sinh quan” và “vũ trụ quan”, nếu ta đặt sự ưu tiên nhìn nhận vào “nhân sinh quan” lên trước “vũ trụ quan”, câu chuyện của tồn tại người sẽ chỉ liên quan đến cá nhân người đó với những toan tính, lo lắng của đời thường và của thời đại nơi họ đang sống. Số phận lên trước thân phận. Không - thời gian thu hẹp trong khoảng hiện hữu của họ trên đời. Hiện hữu không phải là tồn tại, mà chỉ là một đặc tính của tồn tại. Khi xem xét con người với chỉ tư cách một cá thể trong bầy đàn, một mã số trong cuốn sổ, một vị trí trên một hàng thẳng chờ gọi đến lượt, con người không thực sự hiện tồn. Con người lúc ấy chỉ là một công cụ, cho người khác và cho chính mình, có thể thay thế bởi công cụ khác. Ở Châu Âu, nơi xảy ra các cuộc thế chiến và diệt chủng khốc liệt của chủ nghĩa Phát-Xít, tính cách phi nhân ấy của nhân loại được đẩy lên đến đỉnh cao. Trong khi đó, sự lên ngôi tuyệt đối của khoa học tự nhiên dần dần che mờ đi vai trò của những cảm xúc người. Và đây chính là gốc rễ của chủ nghĩa hiện sinh ở Châu Âu.
Nhưng nếu xét đến con người với “vũ trụ quan”, ngay lập tức con người được đặt trong một bối cảnh rộng lớn hơn rất nhiều về không - thời gian, trong đó, “ta” và “thế giới” giãn xa nhau một khoảng, đủ để thành một cự ly để con người có cái nhìn bao quát hơn, chân xác hơn về cách thế tồn tại của mình, về hiện diện choáng ngợp của vũ trụ không cùng, và về nỗi trăn trở tại sao chúng ta lại ở đây, chịu đựng những điều này. Con người suy tư về bản thân, về thân phận hiện diện ngắn ngủi, nhiều đau khổ, lo lắng, sai lầm và về cái chết tất yếu. Khoảnh khắc suy tư ấy giấu kín đi bởi các sinh hoạt thường ngày, nhưng rồi đã tỏ lộ, khiến con người trở thành kẻ bâng khuâng về tồn tại.
Với chủ nghĩa hiện sinh, con người được chỉ định rõ là kẻ hiện hữu một cách toàn triệt nhưng bất đắc dĩ. “Nhìn bên ngoài, con người chỉ là một sinh linh như mọi sinh linh khác; nhưng nhìn từ bên trong, anh ta là cả một vũ trụ, là trung tâm của cái vô cùng. Các nhà hiện sinh đề cao quan điểm chủ thể tính, và tất cả những đặc tính còn lại của chủ nghĩa hiện sinh đều phát triển từ quan điểm này” (Gordon E. Bigelow - Đinh Hồng Phúc dịch, 2014). Khi được sinh ra trong thế gian, con người chào đời với những lựa chọn không phải của họ: cái tên, ngôi nhà, quốc tịch, những đồ vật... Chiếc giường nệm mát đẹp đẽ dù mang lại một cảm giác thoải mái nhưng vẫn chỉ là một vật chất ứ đọng ở đó, được ban cho con người một cách không lý do. Con người buộc phải thích nghi với một đời sống cấp sẵn, cứ như một kẻ đến muộn trong tiệc tàn, được cấp một bảng tên, ban cho chỗ ngồi, uống cốc bia dở đã có quá khứ mà ta chưa biết. Và con người phải lựa chọn trở thành ai đó, làm gì đó để thay đổi cuộc đời hay phát triển sinh nhai, ấy là những lựa chọn không hề giản dị: chúng nhiều tham số, nhiều tính ngẫu nhiên và mê muội đến mức vai trò của bản thân ta cũng hạ thấp xuống chỉ còn giống như là những kẻ góp ý nhỏ nhẹ cho chính mình.
Con người luôn tự cật vấn rằng liệu có phải có duy nhất một thế giới này hay những thế giới khác nhau nữa, mà nơi chúng ta sống chỉ là cõi tạm?
Đồng thời thế giới tồn tại cho con người, vì con người, với những ý nghĩa mà con người khai quang. Tưởng như con người làm chủ mà hoá ra cô độc. Đó là ý nghĩa phía sau câu nói nổi tiếng “tồn tại có trước bản chất” của Jean Paul Sartre.
Giải quyết tình trạng này, con người sẽ chấp nhận, sống và quên đi? Tuy nhiên nỗi âu lo hiện sinh vẫn còn ở đó, không ngừng quấy nhiễu. Các nhà triết học hiện sinh về cơ bản đều nhìn nhận con người ở những góc cạnh như trên. Triết học hiện sinh chính thức có nền móng từ những năm 1940, với hiện tượng luận của Husserl và sau đó phát triển theo các nhánh khác nhau. Đối với Husserl và Heidegger, hai triết gia Đức đi tìm bản chất hiện sinh của con người qua hữu thể học và siêu hình học, với thao tác bản thể luận và hiện tượng luận. Về cơ bản, họ tìm cách đặt ra câu hỏi đúng đắn về “tồn tại là gì?” và tạo ra nền tảng triết học vững chắc cho hiện sinh thuyết. Vì thế, Heidegger và Husserl không nhận mình là những triết gia hiện sinh. Đối với Karl Jasper, Albert Camus và Jean Paul-Sartre, các triết gia này tập trung hơn vào lựa chọn, tự do và thân phận lưu đày của con người nơi thế giới. Triết học của những triết gia hiện sinh đích thực này đi từ bản thể luận đến luân lý học, có tính hành động và chủ nghĩa cao hơn.
Có một lý giải khác về những con đường của chủ nghĩa hiện sinh mà bằng bản năng nghiên cứu, chúng tôi đồng tình hơn cả, đó là của nhà nghiên cứu Lê Thành Trị. Theo đó, triết học hiện sinh đã rẽ thành hai hướng, một hướng thiên về chủ nghĩa phi lý, với những đại diện như Simon de Beauvoir, Jean Paul Sartre hay Albert Camus. Hướng còn lại thiên về sự hiện diện tích cực của con người hướng, bằng cách nào đó mang tính tiên nghiệm, con người hướng đến cái trác tuyệt của sự hiện tồn với đại diện là Karl Jasper hay Marcel (Lê Thành Trị, 1974).
Tuy nhiên, cả hai nhánh trên đều thúc đẩy con người lựa chọn một thái độ và một hành động. Kể từ khi bước ra khỏi chăn ấm của một triết thuyết để đi đến một cử chỉ và tiếng nói dõng dạc, hiện sinh mới chính thức là một chủ nghĩa. Thái độ và hành động ấy không phải chỉ là xuống đường, sống sa đoạ, mà còn là tìm cách siêu vượt bản ngã, trong đó có việc tạo tác nghệ thuật. Và ở góc độ này, thi ca và chủ nghĩa hiện sinh tìm thấy nhau trong bản chất của chúng. Các nhà thơ lựa chọn làm thơ bởi đó là cách thế tồn tại của họ, cách để họ suy tư và giải quyết tình trạng bị quăng ném vào đời sống.
8 khái niệm cơ bản
Với một số lượng lớn các triết gia tham dự cuộc luận lý hiện sinh, chủ nghĩa hiện sinh chứa trong mình rất nhiều đề tài, khía cạnh nhỏ khác nhau. Về cơ bản, tồn tại người mang đậm tính đoạ đày trước một thế giới phi lý, điều đó tạo nên những cảnh trạng khác nhau, nơi con người luôn cô đơn và lo âu, cuối cùng tiến đến ám ảnh về cái chết và hư vô chủ nghĩa.
Ta cần làm rõ những khái niệm cơ bản sau của chủ nghĩa hiện sinh gồm: cảnh trạng, phi lý, chủ thể tính, dự phóng, tự do, tha nhân, cô đơn và hư vô. Các khái niệm này của chủ nghĩa hiện sinh sẽ gần gũi hơn cả với những cảm thức sáng tạo của thi sĩ mà sẽ đề cập ở phần tiếp theo.
Cảnh trạng (Situation)
Đối với Jean Paul Sartre, con người không phải là một hiện thể nhất quán, như “cây thông đứng giữa trời mà reo”, mà chỉ luôn luôn hiện hữu chỉ trong các cảnh trạng. Cảnh trạng, chẳng hạn, đối diện với một con thú dữ nơi bìa rừng, mang lại cho con người những tâm lý và băn khoăn khác với khi đang nằm tắm nắng hay đi cấy lúa. Cảnh trạng bao gồm trọn vẹn trạng thái và khoảnh khắc mà con người lâm vào, dù là chủ động hay bị động, con người cũng đã bị đặt trong tư thế đối diện với đời sống, với thiên nhiên và với chính mình. Con người luôn hoang mang về hạnh phúc. Hạnh phúc với những cảnh trạng khác nhau thì khác nhau: với một người, đó là sự bình yên, với người khác, hạnh phúc có khi nằm ở một trạng thái nguy hiểm - chẳng hạn như những người làm nghề cứu hộ. Trong các cảnh trạng, con người tiến đến một mối lo âu, băn khoăn về hiện tại và tương lai. Vì thế, một người dù đáp ứng tất cả những tiêu chuẩn mà xã hội cho là êm ấm hạnh phúc (có gia sản, tài năng, vẻ ngoài và tình yêu của người khác) nhưng vẫn có thể cảm thấy chán chường và thậm chí có thể tự sát. Cảnh trạng chỉ được trải nghiệm bởi chủ thể mà thôi, mà cụm từ nói lên chính xác nội hàm ấy là “người trong cuộc”. Trong tiểu thuyết lừng danh và cũng gây sốc của nhà hiện sinh Albert Camus mang tên L’entranger (tạm dịch: Người xa lạ), nhân vật chính Mersault sống hoàn toàn dửng dưng với thế giới xung quanh và chính mình, không thèm đau khổ trước cả cái chết của người sinh thành. Đó là bởi anh ta chỉ trải nghiệm cảnh trạng của anh ta mà không thể nào xâm nhập nổi cảnh trạng của kẻ khác: tuyệt đối những người xung quanh mãi mãi chỉ là thế giới ở đó, ở phía kia, dù có can dự thì cùng lắm cũng chỉ thay đổi được thế giới của anh ta mà thôi.
Phi lý (Absurd)
Phi lý và buồn nôn trở thành những thuật ngữ kinh điển của chủ nghĩa hiện sinh, được đề cao bởi cả Albert Camus và Jean Paul-Sartre.Albert Camus mở đầu tác phẩm Le mythe de Sisyphe như sau: “Chỉ có một vấn đề triết học thật sự nghiêm túc: đó là sự tự sát. Đánh giá cuộc đời đáng sống hoặc không đáng sống chính là trả lời cho vấn đề nền tảng của triết học" (Albert Camus - Trương Thị Hoàng Yến - Phong Sa dịch, 1942, trang 5). Trong suốt tác phẩm này, sự “đáng sống” được xem xét kỹ càng trên nhiều khía cạnh, chẳng hạn nếu cuộc đời thực sự là đáng sống, thì có lẽ ta không cần phải nói quá nhiều và ồn ã về đi tìm ý nghĩa cuộc sống nữa. Sự tự sát có nghĩa là khi con người đã thừa nhận rằng họ không thể hiểu nổi đời sống này. Tại sao ta phải nai lưng và đổ máu cho những điều rốt cục không có đích đến? Con đường của con người đằng nào cũng đi về phía lão, bệnh và tử, và ở đây đời sống của chúng ta tựa như thần Sisyphus lăn tảng đá ngược lên đỉnh: đó là sự đoạ đày (“Người chợt nhớ mình như đá. Đá lăn, vết lăn buồn...” - Trịnh Công Sơn). Những cảm giác hết sức phi lý lộ ra khi nhìn nhận cuộc đời với góc độ như vậy. Từ khái niệm này, Albert Camus lý giải về con người phi lý và triết học về phi lý. Sự hữu hạn về mặt nhận thức lẫn sự mù mờ, bí ẩn và vô cùng của thế giới bên ngoài, sự hành khiển của kẻ khác áp đặt lên chúng ta, cái nhìn thiên lệch, biến dạng bản chất của xã hội đối với chúng ta vân vân... lại hoá ra một nơi chốn mà con người buộc phải cư ngụ. Phi lý từ một triết thuyết trở thành một cảm thức quan trọng cho nghệ thuật. Tác phẩm La Naussee (tạm dịch: “Buồn Nôn”) của Jean Paul Sartre phản ánh một thái độ kỳ lạ khi không kiến giải nổi hiện thực, và trở nên đau buồn, u uất và sợ hãi khi đối diện với hiện thực. Trong các tác phẩm điện ảnh viễn tưởng hiện đại (như The Matrix – Ma Trận), con người đã đặt giả thiết rằng phải chăng chúng ta cũng chỉ là những kẻ được lập trình ra bên trong một thế giới giả, do những bàn tay của đấng sáng thế cao hơn. Vậy thì các cuộc đấu tranh của chúng ta với nhau liệu có ích gì không? Nhà văn Nhật Bản Haruki Murakami cũng khai thác đề tài phi lý này trong các tác phẩm của ông như “Biên niên ký chim vặn dây cót” hay “1Q84”, bằng cách kiến giải rằng có những thế giới khác ngoài thế giới mà ta đang sống, và về căn bản, đời sống là hoàn toàn bí ẩn, chúng ta bị áp đặt, nô dịch vào một cuộc tồn sinh ngớ ngẩn chỉ để phục vụ sự sống hằng ngày và những dục vọng mà bản thân nó cũng bí ẩn không kém.
Phi lý dẫn đến lo âu. Bởi đứng trong cảnh trạng phi lý, con người sẽ phải lựa chọn về tư tưởng và hành động, những lo âu nhất định của chọn lựa sẽ nổi lên từ đây. Jean Paul-Sartre cho rằng sự lo âu không phải là tấm màn tách chúng ta khỏi hành động, mà là một phần của hành động (Jean Paul Sartre - Đinh Hồng Phúc, 2014, trang 40). Lo âu là bản chất của tồn tại người. Sự lo âu và phi lý đẩy lên đến cùng độ khi con người bị thử thách về mặt đạo đức. Lấy ví dụ: tác phẩm kịch mang tên Terror – Ihr Urteil (tạm dịch: Khủng bố) của nhà văn Đức đương đại Ferdinand von Schirach miêu tả một vụ xét xử nơi bị can là một người lính đã bắn hạ một máy bay, giết chết hàng ngàn người để cứu sống hàng vạn người trên sân vận động trong một vụ khủng bố. Đây là một ví dụ điển hình cho phi lý của con người, đứng trước lựa chọn, con người bị đẩy vào cảnh trạng phải tự quyết, và cái tự quyết ấy lại bị phủ nhận bởi những phán xét của tha nhân.
Chủ thể tính (Subject)
Thế gian hiện ra ở đó, che giấu hoặc phô bày trước con người, và dù thế gian có hàng tỷ người và mọi thành phố, mọi xe cộ và cửa hàng hoa đều như nhau khi đứng xem từ cùng một điểm nhìn đi chăng nữa, nó vẫn là độc nhất đối với chúng ta. Mỗi cá thể là một vũ trụ bên trong và bên ngoài, có quyền phán quyết, sáng lập thế giới. “Ngồi đây ta gõ ván thuyền / Ta ca trái đất còn riêng ta” - Văn Cao.
Con người là riêng và thứ nhất. Cái cõi của ta không ai có thể thấu hiểu và nhìn nhận chung được. “Chủ thể tính” mạnh mẽ có thể va chạm đến sự bình ổn của một xã hội, vì vậy con người luôn bị áp đặt bằng các tiêu chuẩn và khế ước xã hội khác nhau. Chủ thể tính rất quan trọng trong thi ca, vì sự sáng tác là độc nhất của một kẻ sáng tạo, khi đó thế giới được khai thác và tái tạo theo cách rất riêng, trước khi đến lượt nó lại trở thành đối tượng của người tiếp nhận.
Dự phóng (Projet)và tự do (Liberte)
Khi con người đối diện với thực tại, với thiên nhiên, tha nhân và với chính mình, con người làm động tác “khách thể hoá” chúng để làm đích nhắm cho suy tư. Một suy tư luôn phải hướng về cái gì đó, các triết gia hiện tượng luận như Merleau-Ponty gọi đó là “ý hướng tính” (Trần Thái Đỉnh, 1969, trang 14). Khi có đích nhắm này, con người đắm chìm trong các khách thể, tìm cách luận giải, tiên đoán, đề phòng, khai thác, sử dụng, cũng như dự đoán và cấp phát ý nghĩa cho nó. Toàn bộ những trạng thái ấy được mô tả bằng từ “dự phóng”. Chủ thể dự phóng phần nào tìm thấy bản lai diện mục của mình trong thế giới bên ngoài, chẳng hạn như nhìn thấy trong quyển sổ cũ một kỷ niệm. Dự phóng là hành trạng độc nhất của mỗi con người hiện sinh, không ai mang dự phóng giống ai, vì thế sự dự phóng mang hai tính chất: tự do và cô đơn. Con người với hiện sinh thuyết cô đơn trong thế giới riêng mình, hành động của anh ta mang theo bản chất mà chỉ anh ta mới hiểu được. Cái tự do tính này khiến cho con người trở thành một hiện hữu đầy đủ, với sự độc đáo, riêng biệt nhất định. Và theo cách thức như vậy, con người có đầy đủ quyền được chọn trở thành cái gì mà anh ta / cô ta mong muốn.
Tha nhân và cô đơn
Các triết gia hiện sinh quan tâm đặc biệt đến Tha nhân (kẻ khác). Lý do dễ hiểu bởi vì sự thế giới không chỉ có những vật chất vô tri, mà lại chứa hàng tỷ những cá thể người - vốn là những hữu thể tại thế không những tri nhận được thế giới mà còn hiểu được nỗi tồn tại của nhân loại và chính mình. Nhưng với mỗi con người, thế giới chỉ có một mà thôi, chỉ trình hiện cho anh ta mà thôi. Những kẻ khác trong thế giới đều bị khách thể hoá, tức đều là đối tượng của dự phóng, không khác biệt nhiều so với một khúc gỗ đàn hương hay một lọ mù tạt. Chỉ duy nhất một điều cần băn khoăn, là đến lượt mình, chủ thể ta lại có nguy cơ trở thành khách thể của kẻ khác. Con người băn khoăn về hình ảnh của mình trong mắt thiên hạ, và thông qua dự phóng ấy, con người ước mơ được nhìn thấy mình ở góc độ của một tha nhân. Vì thế, tha nhân, kẻ khác, mang lại một chiếu gương đặc biệt khiến con người không ngừng tò mò và đau khổ. Trong mắt người khác, ta sẽ biến dạng đi như thế nào? Và còn điều gì ta chưa nhìn thấy ở ta, mà chỉ có kẻ khác mới trông ra? Vì thế, theo Jean Paul-Sartre, tha nhân là địa ngục (Jean-Paul Sartre, 1944).
Con người trong thế giới của kẻ khác, trở thành kẻ xa lạ và cô đơn. Một mặt, con người và vũ trụ vốn đã là riêng, một, duy nhất dành cho nhau. Mặt khác, con người bị gián cách với chính mình thông qua con đường lưu đày trong địa ngục tha nhân. Sự bấp bênh và bất toàn đó mang đến cho con người tính cô đơn triệt để. Vì vậy con người có nhu cầu thông cảm và yêu thương từ kẻ khác, để khơi dậy một sự liên chủ thể với thế gian, tạm che giấu đi cái cô đơn hiện sinh. Nhược bằng không có những điều kiện đó, trong khi càng ngày càng trượt nghĩa theo những biến động đời sống bình thường, con người sẽ bắt đầu cảm thấy bơ vơ, lạc lõng và suy nghĩ về cái chết của mình. Điều này sẽ là chỉ điểm quan trọng cho các cảm thức văn chương mà chúng tôi sẽ diễn giải với trường hợp thơ Hoàng Vũ Thuật.
Hư vô (le Néant)
Những mâu thuẫn với tha nhân, thiên nhiên, xã hội và chính mình buộc con người phải nhìn nhận rằng không có cách nào để đến được với chân lý toàn triệt. Con người nhận thức sâu sắc hơn về cảnh trạng tổng quát của mình, sự hữu hạn của thân phận và kiếp người. Và từ đó, hố thẳm của hư vô được mở ra với con người. Dự phóng về hư vô sẽ bao gồm cả cảm giác trống rỗng, cô độc, cảm thấy tuột tay đi mọi ý nghĩa sống, nhưng mặt khác, khiến cho con người ngừng dự phóng, mà chỉ tập trung vào nỗi cô độc của mình và sự vô nghĩa của thế gian. Vế tích cực này làm cho con người ngộ ra lẽ tuyệt đối không bao giờ nằm ở những lo âu trước mặt và những dục vọng vô ích. Cảnh trạng cảm nhận được hư vô là những gì gần gũi với chân lý ở hữu thể hơn cả so với những cảnh trạng khác.
(còn tiếp)
Đ.A & L.N
Substack của tôi:
REFERENCES
Bigelow, G. E. (2014). Hiện tượng luận về hiện sinh (Đinh Hồng Phúc dịch). Truy cập từ http://www.triethoc.edu.vn/vi/truong-phai-triet-hoc/chu-nghia-hien-sinh/hien-tuong-luan-ve-hien-sinh-ky-1_339.html (Truy cập lần cuối: 06/09/2022).
Camus, A. (1942). The Stranger (L'Étranger). Paris: Gallimard.
Heidegger, M. (1927). Being and Time (Sein und Zeit). Tübingen, Đức: Max Niemeyer Verlag.
Husserl, E. (1913). Ideas: General Introduction to Pure Phenomenology (Ideen zu einer reinen Phänomenologie und phänomenologischen Philosophie). Halle, Đức: Max Niemeyer Verlag.
Jaspers, K. (1938). Philosophy of Existence (Existenzphilosophie). Berlin, Đức: Springer.
Lê Thành Trị. (1974). Hiện tượng luận về hiện sinh. Việt Nam: Nhà xuất bản Văn Học.
Sartre, J.-P. (1943). Being and Nothingness (L'Être et le Néant). Paris: Gallimard.
Sartre, J.-P. (1944). Huis Clos. Paris: Gallimard.
Sartre, J.-P. (2014). Thuyết hiện sinh là một thuyết nhân bản (Đinh Hồng Phúc dịch). Hà Nội: NXB Tri Thức.
Trần Thái Đỉnh. (1969). Triết học hiện sinh. Sài Gòn, Việt Nam: Nhà xuất bản Trí Đăng.
Sách
/sach
Bài viết nổi bật khác
- Hot nhất
- Mới nhất