Sheryl Sandberg trong buổi điều trần trước Hội đồng Tình báo Quốc gia, ngày 05 tháng 09 năm 2018
Tác giả: Duff McDonald
Bài gốc đăng trên tạp chí Vanity Fair ngày 28 tháng 11 năm 2018. Tiêu đề bài viết do người dịch đặt.

Trường Kinh Doanh Harvard phát minh ra cái gọi là nền công nghiệp đào tạo “lãnh đạo” và tạo ra một thế hệ quái vật chuyên làm lãnh đạo các tập đoàn lớn. Do đó không có gì lạ khi mà Sandberg, một trong những học sinh xuất sắc nhất của trường, không có khái niệm đạo đức trong việc điều hành công ty của mình.
Sự bê bối liên quan đến ba bên bao gồm Washington, Facebook và Sheryl Sandberg, Giám đốc Tài Chính đầy quyền lực của công ty, đã khiến những quản lý có lòng tự trọng ở nước Mỹ phải đặt câu hỏi. Làm sao mà một con người có một bề dày kinh nghiệm xuất chúng như vậy – đào tạo bởi Trường Kinh Doanh Harvard ở Đại học Harvard, từng làm việc cho nội các Tổng thống Clinton, lại rơi vào tình cảnh bế tắc như thế này?
Chúng ta không thể tìm thấy đáp án trong các biên bản họp hội đồng quản trị của Facebook hay là những quyển sách bán chạy nhất của Sandberg là Dấn Thân và Phương Án B, vốn giúp xây nên hình ảnh bà là nữ anh hùng trong phong trào đấu tranh nữ quyền. Mà thay vào đó, chúng ta phải đi ngược thời gian về lại năm 1977, khi mà Sandberg chỉ mới tám tuổi và nền kinh tế Hoa Kỳ vẫn đang hồi phục sau một quãng thời gian suy thoái lâu nhất và nặng nhất kể từ Thế chiến thứ Hai. Đó là năm mà Giáo sư Abraham Zaleznik của Trường Kinh Doanh Harvard viết một bài  báo với tự đề: “Quản lý và Lãnh đạo: Họ Có Khác Nhau Không?” và đăng trên tạp chí kinh doanh có ảnh hưởng lớn nhất nước Mỹ, Harvard Business Review. Zaleznik tranh luận rằng trong nhiều năm qua, đất nước đã bị quản lý quá chặt và thiếu đi sự lãnh đạo. Bài viết này đã giúp sinh ra một ngành công nghiệp tỷ đô dựa trên một đống khái niệm nhảm nhí, gọi là Ngành công nghiệp Lãnh Đạo, và khởi điểm là ở Harvard. Bài viết giúp Trường Kinh Doanh Harvard tìm ra lẽ sống mới trong bối cảnh sản phẩm tốt nhất mà họ bán mấy thập kỷ qua – những nhà quản lý – bất ngờ không còn được giá nữa. Do đó, họ chuyển qua sản xuất lãnh đạo.
Và bây giờ chúng ta quay lại với Sheryl Sandberg, một biểu tượng sáng chói của ngành công nghiệp này mà giáo sư Harvard Bill George gọi là Lãnh Đạo Chân Chính (Authentic Leader). Trước khi guồng quay của cỗ máy này sụp đổ ở Facebook, Sandberg đã được nhắc đến trong sách của George, quyển Tìm Ra Kim Chỉ Bắc Thực Sự Của Bạn, như là một hình mẫu của một lãnh đạo chân chính mà Trường Kinh Doanh Harvard có vinh dự tạo nên. Có thể thấy điều đó qua kinh nghiệm của Sandberg, bà đã có một sự giáo dục hoàn mỹ và một cuộc quãng đời làm việc thành công, sát cánh với những người như Larry Summers (Thư ký Hội đồng Kinh tế Quốc gia thời Tổng thống Barack Obama – chú thích N.D), làm việc tại McKinsey & Company (một công ty cũng tự nhận là nhà máy sản xuất lãnh đạo), rồi qua Google, và giờ là Facebook. Do đó không hề là nói quá khi nhận định rằng Sheryl Sandberg là một trong những nhà quản lý xuất chúng bậc nhất thời đại này – bà đã giúp doanh thu từ mảng quảng cáo số của cả Google và Facebook tăng trưởng như Thánh Gióng. Nhưng với các bằng chứng mới nhất được tung ra liên quan đến sự chây ỳ, quan liêu của Facebook khi phải đối phó với các bê bối từ việc bán dữ liệu người dung cho đến can thiệp vào bầu cử, câu hỏi chúng ta đặt ra là: có phải bà thực sự là một lãnh đạo?

Trường Kinh Doanh Harvard trả lời là có. Nếu bạn vào phần Review trên website của trường và gõ tên Sheryl Sandberg vào ô tìm kiếm, một trong những kết quả đầu tiên hiện ra là một Bài học Tình huống (Case Study) có tựa đề: Chân dung một Lãnh đạo: Sheryl Sandberg. Tác giả bài viết, Giáo sư trường Kinh doanh Wharton Stewart D. Friedman, viết rằng “Con người Sandberg là tổng hợp mọi yếu tố của sự Lãnh Đạo Toàn Diện bởi bà là con người chân chính, luôn hành động với sự liêm khiết và theo đuổi sự đổi mới.” Nhưng Lãnh Đạo Toàn Diện (Total Leadership) là gì vậy? Giáo sư George, người thích dùng từ Chân Chính hơn Toàn Diện, đưa ra vài gợi ý. Vào tháng Tư năm 2018, khi mà lãnh đạo cấp cao của Facebook được triệu hồi đến Điện Capitol để bị chất vấn bởi chính phủ, ông đã viết một bài quan điểm cá nhân nói rằng những sai lầm Mark Zuckerberg mắc phải là đã không “trông cậy vào sự thông thái của Giám đốc Điều hành Sheryl Sandberg.” Trong một bài viết khác, George nói rằng Sandberg nên nằm trong danh sách đề cử cho vị trí CEO để thay thế cho nhà sáng lập tai tiếng vô đạo đức của Uber là Travis Kalanick. Trong một bài khác nữa, George so sánh “cách tiếp cận giả tạo” của Elizabeth Holmes, lãnh đạo của công ty khởi nghiệp y tế Theranos và là một kẻ lừa đảo, với “cách tiếp cận mở và đầy minh bạch như một lãnh đạo chân chính” của Sandberg.
Nhưng bây giờ ai cũng đã rõ, văn hóa lãnh đạo ở Facebook không có tí gì là mở, minh bạch hay là chân chính. Một người lãnh đạo thực sự sẽ không đi viết bài tự bảo vệ bản thân mình khi mà công ty của bà lại đi thuê một doanh nghiệp P.R là Definers, yêu cầu họ viết và sáng tạo ra các thuyết âm mưu chống người Do Thái nhằm hạ bệ tỷ phú George Soros để khiến dư luận không chú ý đến sai phạm của Facebook (Sandberg viết: “Tôi không hề biết rằng công ty đã thuê họ hay là biết gì về việc họ đang làm, nhưng đáng lẽ tôi phải biết điều đó." Lúc đó bà đang được Facebook giao vai trò quản lý mối quan hệ giữa công ty với Washington). Một người lãnh đạo thực sự sẽ không bỏ mặc cho nhân viên công ty tha hồ lạm dụng và bán dữ liệu của khách hàng, sau khi đã hứa với Ủy Ban Thương Mại Liên Bang rằng công ty sẽ có trách nhiệm hơn với hành động của họ. Một lãnh đạo thực sự sẽ không dành cả năm ngày im lặng sau khi tờ The New York Times trong tháng Ba năm 2018 phanh phui ra việc Cambridge Analytica đã tiếp cận và khai thác dữ liệu người dùng của Facebook, để rồi sau đó biện minh rằng bà và Zuckerberg trước đó đã yêu cầu công ty kia xóa hết các dữ liệu bị lộ và đổ lỗi rằng họ đã không tuân theo. Sandberg và Zuckerberg, cũng là một cựu học sinh khác của Harvard – đều cùng đưa ra một phát ngôn: “Chúng tôi có trách nhiệm bảo vệ dữ liệu của bạn – nếu chúng tôi không thể, chúng tôi không xứng đáng phục vụ bạn.”
Đó là một phát ngôn ngớ ngẩn đến buồn cười cho những ai quen với mấy thuật ngữ rỗng tuếch của tầng lớp thượng lưu ở Mỹ. Hãy xem xét từ “phục vụ” – đó là cái khái niệm nhảm cứt mà người ta nhắc đến không ngớt ở McKinsey, lúc nào cũng làm việc “để phục vụ” khách hàng trong khi thực chất họ chỉ là đám lính đánh thuê cho công ty của họ và chỉ quan tâm đến lợi ích của họ như những người học MBA khác. Liệu Sheryl Sandberg, Giám đốc Tài Chính của một công kinh doanh dựa trên dữ liệu người dùng, thực sự muốn chúng ta tin rằng bà đã cố gắng “bảo vệ” nó suốt thời gian qua?
Có lẽ là ở chừng mực nào đó, Sandberg, cũng như Zuckerberg, vẫn tin rằng Facebook là người tốt. “Họ ở trong Thung lũng Silicon, bao bọc bởi những người bạn da trắng theo Chủ nghĩa Tự do, lặp đi lặp lại câu chuyện về việc họ tuyệt vời cho xã hội như thế nào bởi vì họ đã kết nối mọi người với nhau,” một nữ Giám đốc Tài Chính quyền lực của một công ty ở New York nói với tôi. Nhưng, cô giải thích, “Ở đó tồn tại những ảo tưởng hão huyền mà những doanh nhân ở đó không tránh được khi mà công ty họ phình to như thế, nhanh như thế. Họ quá tập trung vào doanh số, làm hài lòng phố Wall, phải tăng giá cổ phiếu, và phải khiến họ trở nên giàu có và thỏa mãn. Khi bạn giàu ở mức như thế, bạn bắt đầu tin vào những thứ nhảm cứt bạn kể người khác.”
Sự thật là, Trường Kinh Doanh Harvard, một hành tinh trong vũ trụ mà Sandberg sống, bận tâm với sự thăng tiến trong sự nghiệp và thu nhập tài chính hơn là khía cạnh đạo đức trong lãnh đạo. Cội nguồn của vấn đề có thể thấy được qua phương pháp dạy “Giải quyết tình huống” nổi tiếng của trường. Đây là một phương pháp dạy dựa trên thảo luận, với yêu cầu là học sinh đóng vai chủ một tập đoàn lớn nào đó. Bắt đầu mỗi buổi học, một sinh linh xui xẻo sẽ bị bốc ra cho lên ghế nóng, và được giới thiệu một tình huống với câu hỏi “bạn sẽ làm gì”, và sau đó học viên đó sẽ phải trải qua màn tra khảo không một chút nhân từ từ các học viên khác. Điểm của phần này là lấy từ trên xuống, do đó sự cạnh tranh trong lớp là rất cao. Điều đó không phải là lạ vì bản thân các chương trình MBA này là rất cạnh tranh.
Có một điểm cần phải nói rõ ở đây: trong kinh doanh, cũng như trong cuộc sống, không bao giờ chỉ có một câu trả lời chính xác. Do đó đưa ra một phương pháp dạy học theo triết lý thảo luận đa chiều một trong một khuôn phép, mà vẫn duy trì được tính cởi mở, là một điều rất khó. Nhưng để giúp học viên vượt qua được nỗi sợ rằng câu trả lời của họ là ngu ngốc và khiến họ cảm thấy hối hận sau này, họ luôn luôn được nhắc nhở trong mỗi tiết học, lời nhắc nhở này được nhấn mạnh, rằng không có câu trả lời nào là đúng. Và điều này vô tình mở ra một vấn đề khác đó là sinh viên coi đạo đức chỉ là một thứ gì đó mơ hồ, tương đối và không xác định được.
Và rõ ràng trong nhiều hoàn cảnh sẽ có câu trả lời đúng hơn các câu trả lời khác. Đặc biệt là trong các vấn đề đạo đức liên quan đến sự riêng tư cá nhân, vấn đề mà cả Sandberg và Facebook đều cho thấy họ đã đưa ra những quyết định rất là tệ. Trường Kinh Doanh Harvard đã đúng khi nói rằng họ đào tạo ra những người biết đưa ra quyết định, nhưng cốt lõi của vấn đề đó là họ không dạy cho học viên biết cách ra quyết định đúng.
Hãy xem xét “Câu chuyện của Sadhu” viết bởi chuyên gia ngân hàng đầu tư Bowen McCoy’s, đăng trên tạp chí Harvard Business Review năm 1977, và đăng lại 20 năm sau đó. Câu chuyện này đưa ra giải phápvề vấn đề tiến thoái lưỡng nan khi cân nhắc khía cạnh đạo đức, ít nhất là đối với đám đông ở Harvard. McCoy lúc đó đang cùng với đoàn leo núi chinh phục đỉnh Himalayas thì bất ngờ gặp một sadhu, tức một người mộ đạo, đang cận kề cái chết vì lạnh và không có gì che người. Sự nhân đạo của họ chỉ dừng ở mức cho người đàn ông đó quần áo và đưa anh ta đến khu vực có ánh mặt trời, trước khi tiếp tục hành trình lên đỉnh nói. Một người trong nhóm của McCoy đã “chứng kiến sự sụp đổ của đạo đức cá nhân và đạo đức tập thể” và đã bị giằng xé bởi cảm giác tội lỗi vì những nhà leo núi đã không dành công sức đảm bảo rằng sadhu đó đã xuống núi an toàn. Câu trả lời của McCoy khi đó là: “Chúng ta đang ở đây…ở đỉnh của một trong những trải nghiệm tuyệt vời nhất trong cuộc sống của chúng ta….Vậy người hành hương gần như trần trụi kia đã chọn sai đường để xuống núi có quyền gì mà làm gián đoạn sự trải nghiệm đó chứ?”
McCoy sau đó đã cảm thấy tội lỗi về sự việc đó, nhưng câu chuyện của ông cứ tiếp tục được đưa ra để giảng dạy và dùng bởi những người quản lý thế hệ sau minh họa cho việc chấp nhận đạt được thành tựu cá nhân với cái giá là tổn thất cho người khác – cho dù cái giá đó là sinh mạng của một người sắp chết. Cái việc Trường Kinh Doanh Harvard nồng nhiệt trong việc chấp nhận đưa câu chuyện đó vào nội dung giảng dạy cho chúng ta thấy rất nhiều về bản chất những suy nghĩ của trường đó hơn bất cứ lời quảng cáo nào phát ra từ đó. Sự “tiến thoái lưỡng nan” này ăn khớp với lối tư duy ở Havard một cách hoàn hảo. Nó cho thấy quan điểm của trường là việc lãnh đạo không thể đưa ra được quyết định đúng không phải là lỗi của lãnh đạo mà là do bản chất của việc kinh doanh là như vậy.
Đây là một ví dụ gần hơn, bạn còn nhớ Jeff Skilling chứ? Cũng giống như Sandberg, ông ta tốt nghiệp từ Trường Kinh Doanh Harvard và đi làm ở McKinsey. Cũng giống như Sandberg, ông ta rời McKinsey để làm lãnh đạo bậc C (tức mức giám đốc – Chief. Chú thích N.D) ở Enron, công ty đã đưa ông ấy lên đỉnh cao sự nghiệp. Và cũng như Sandberg, ông ta được tắm trong những lời khen về khả năng mang lại lợi nhuận cho các cổ đông. Tất nhiên Skilling làm được thế là vì đã biến Enron thành một trong những phi vụ lừa đảo lớn nhất trong lịch sử loài người.
Một bạn đồng môn của Skilling ở Harvard là John LeBoutillier, một người sau này là thành viên của Quốc hội Mỹ, đã kể lại về một cuộc tranh luận trong trường. Trong cuộc tranh luận đó, học sinh được hỏi rằng một Giám đốc Điều hành cần làm gì nếu anh ta phát hiện ra rằng công ty của anh ấy đang sản xuất ra những sản phẩm có tiềm ẩn rủi ro chết người cho người dùng. Ông nhớ lại Skilling đã nói rằng: “Tôi sẽ cứ tiếp tục sản xuất và bán các sản phẩm đó. Công việc của tôi là tạo ra lợi nhuận và mang về lợi nhuận tối đa cho các cổ đông. Còn việc của chính phủ đó là can thiệp vào nếu sản phẩm đó là nguy hiểm.” LeBoutillier kể rằng có nhiều học sinh đã gật đầu đồng ý. “Dường như Jeff và những người khác không quan tâm đến thái độ bàng quang thờ ơ đó….Ở Trường Kinh Doanh Harvard khi đó…..bạn sẽ bị, và bây giờ vẫn vậy, đánh là yếu đuối hay là cục bông gòn nếu bạn cảm thấy day dứt với các khía cạnh đạo đức.”
Tại sao lại có nhiều sinh viên MBA gặp khó khăn trong việc đưa ra quyết định liên quan đến đạo đức như thế khi mà câu trả lời đúng rất là rõ ràng. Có sai không khi công ty đi thuê một công ty P.R vô đạo đức để bịt mắt dư luận khỏi những sai phạm của mình? Có ổn không nếu chúng ta cố gắng chôn vùi hết các vấn đề liên quan đến sự riêng tư của người dùng dưới một núi các giấy tờ thủ tục kiện tụng? Liệu có thể thoát được tình thế hiện nay bằng cách tiếp tục nhấn mạnh vào lợi nhuận, bỏ mặc các khía cạnh đạo đức trong khi hứa với mọi người rằng chúng ta sẽ làm tốt hơn trong tương lai?

Nếu bạn nghĩ rằng Trường Kinh Doanh Harvard bây giờ đã khác, hoặc đã khác từ thời Sandberg tốt nghiệp năm 1995, tôi sẽ kể bạn nghe câu chuyện của Michel Anteby, giáo sư tham gia giảng dạy ở trường 10 năm sau lễ tốt nghiệp đó, năm 2005. Ban đầu giáo sư rất là háo hức, nhưng rồi sau đó ông bị bối rối bởi sự trống vắng hoàn toàn về khái niệm đạo đức chuẩn tắc trong các buổi thảo luận trong lớp. “Tôi sinh trưởng ở Pháp nơi mà sự đánh giá đúng sai rất là rõ ràng,” ông phát biểu với đài BBC năm 2015. “Sẽ có các quy chuẩn cao thấp rõ ràng. Nói đơn giản, bạn hiểu rõ điều gì là sai và điều gì là đúng, và khi tôi cố gắng nói ra điều này trong lớp học, thứ tôi đón nhận chỉ là…sự im lặng từ sinh viên. Bởi vì họ không quen với việc đánh giá đúng sai trong các bài học trên lớp.”
Tám năm sau khi bắt đầu giảng dạy, Anteby xuất bản quyển sách Sản Xuất Ra Đạo Đức: Sự Im Lặng Quý Giá trong Việc Giảng Dạy Ở Trường Kinh Doanh. Quyển sách không được xuất bản bởi Harvard mà là bởi Nhà xuất bản Đại học Chicago. Quyển sách dám nhận định các bài học tình huống “là một vở kịch” dành cho học sinh, và đó là lần đầu tiên một người bên trong hệ thống đã hòa cùng tiếng nói với người bên ngoài lên tiếng chỉ trích cách dạy học phân tích tình huống, vì chúng tô vẽ các CEO như là người hùng, đồng thời lạm dụng các thuật ngữ liên quan đến võ thuật và chiến đấu trong giảng dạy kinh doanh. (Tờ báo The Wall Street Journal đăng bài tuần trước nói rằng Mark Zuckerberg đánh giá Facebook hiện tại đang trong tình trạng “chiến tranh.”)
“Trường Kinh Doanh Harvard học hết mọi thứ về mọi tổ chức khác nhau,” Anteby nói với tôi hồi đầu năm 2015. “Không có lý do gì mà trường lại không cho mọi người học về họ.” Nhưng mà, họ đã làm. Một thời gian không lâu sau khi quyển sách được xuất bản, Anteby tin rằng Trường Kinh Doanh Harvard sẽ không cho phép ông giảng dạy nữa, nên ông đã rời trường. “Ông ấy là một người làm việc cực kì hiệu quả và thông minh”, một người ủng hộ ông ấy, Giáo sư Jerry Davis ở Đại học Michigan nói với tôi hồi cuối năm đó. “Và họ sa thải ông ấy. Có lẽ Trường Kinh Doanh Harvard không phải là nơi phù hợp để nói về chính trường đó. Nó giống như là bạn ở cung điện Versailles năm 1789, và nói cho mọi người biết về các bí mật trong thuật lãnh đạo của vua Louis XIV. Điều đáng tiếc trong chuyện này là ông ấy đáng lẽ đã có thể chỉ trích mạnh hơn, nhưng ông ấy không làm được vì ông còn làm ở đó.”
Việc không có tiếng nói tương tự nào như Anteby phát ra từ trường là bằng chứng sống, phản ánh cái văn hóa đã biến Facebook từ một dự án của sinh viên năm hai trong ký túc xá của trường Harvard thành một biểu tượng của sự thành công của Trường Kinh Doanh Harvard. Hãy vào website của trường một lần nữa, và bạn sẽ thấy một bài học tình huống được đăng lên vài tháng trước với nhan đề: “Facebook – Liệu Đạo Đức Có Mở Rộng Được trong Thời Đại Số?” (Facebook – Can Ethics Scale in the Digital Age?). Hãy bỏ qua sự lạm dụng ngôn từ trong câu hỏi để khiến nó nghe đẳng cấp (đây là kỹ năng dân MBA rất thành thạo). Chỉ việc đặt câu hỏi như thế đã là bằng chứng cho thấy vấn đề đạo đức vẫn còn tồn tại đến ngày nay. Đáng lẽ câu hỏi không phải là một công ty kích cỡ lớn như Facebook có thể kinh doanh có đạo đức hay không. Câu hỏi phải là: Facebook có cố gắng kinh doanh có đạo đức hay không?


Bài gốc