Bạn biết không, hơn 1 năm trở lại đây, cái tên Marcus Aurelius được nhắc đến khá nhiều trong các bài báo, tạp chí cũng như blog post. Lý do là vì trong 16 năm trị vì của mình, vị hoàng đế La Mã này cũng phải hứng chịu một trận đại dịch - dịch Antonine, một trong những đại dịch tồi tệ nhất trong lịch sử đã kéo dài đến tận 14 năm. Trong khoảng thời gian ấy, có những lúc Rome đã thực sự là điểm nóng của dịch, và chính tính mạng Marcus cũng bị đe doạ. Nhưng trước tất cả những lời khuyên nhủ ông nên rời Rome để bảo đảm tính mạng, ông đã chọn ở lại để lãnh đạo người dân của mình. Rồi khi mà nền kinh tế bị đại dịch ảnh hưởng đến nỗi gần như sụp đổ, ông không những xoá nợ cho tất cả mọi đối tượng, mà còn tự mình rà soát dinh thự hoàng đế, và bỏ ra tất cả những thứ có thể đem bán để giúp duy trì và vực dậy nền kinh tế.
Thực ra, càng tìm hiểu, bạn sẽ thấy rằng Marcus không nổi tiếng vì tác phẩm Meditations, mà là vì những câu chuyện, những giai thoại nho nhỏ bao đời sau người ta vẫn kể về ông. Có lẽ chính vì chúng mà người ta đi đến tự hỏi tại sao, thứ gì đã khiến ông có thể sống một cuộc đời nhất quán được đến như thế: thông tuệ trên ngai vàng, dũng cảm nơi chiến trận, và vững vàng trong từng hành động, từng hoàn cảnh của cuộc đời.
Đó có lẽ là lý do tại sao người ta lại tôn xưng ông là hoàng đế triết học - Philosopher king. Cũng giống như những gì Ryan Holiday đã viết trong The Daily Stoic: "Không phải một hành động dũng cảm, hay một lần thể hiện được ý chí bất khuất kiên cường làm nên một con người. Mà đó là sự nhất quán trong mọi hành động trong cuộc đời".

Nhưng, vì sao sự nhất quán ấy thực sự lại rất khó có được trong cuộc đời?

Cho đến giờ, bộ phim khiến tôi ấn tượng nhất vẫn là "Xuân hạ thu đông rồi lại xuân" của đạo diễn Kim Ki Duk. Tôi thực sự bị ám ảnh bởi cái cách mà người đạo diễn tài năng ấy xây dựng nhân vật chính, dù được nuôi dưỡng trong một môi trường có thể nói là tuyệt đối thanh tịnh và chìm đắm trong đạo Phật, lại liên tiếp phạm phải hai điều kỵ lớn nhất: sát sinh và dâm dục. Không khó hiểu khi có rất nhiều tranh cãi xung quanh vấn đề này, cũng như vô số người lên án Kim Ki Duk vì những gì ông làm trong phim trái ngược một cách cực kỳ sâu sắc đến tư tưởng Phật pháp. Nhưng đối với tôi, đây có lẽ lại chính là bài học lớn nhất mình học được qua phim: bất kể những tư tưởng, những triết lý mà một người học được có thấm sâu đến đâu trong tâm trí, có được gợi nhắc lặp đi lặp lại văng vẳng bên tai mỗi ngày, thì anh ta sẽ vẫn luôn chỉ cách một bước để chìm sâu vào những thói xấu, những cám dỗ của cuộc đời.
Và chính vì vậy mà những lời sau đây của Marcus, có lẽ đã phản ánh toàn bộ giá trị của triết học thực hành:
“As physicians have always their instruments and knives ready for cases that suddenly require their skill, so do you have principles ready for the understanding of things divine and human, and for doing everything, even the smallest, with a recollection of the bond that unites the divine and human to each other” – Marcus Aurelius, Meditation, book III.
Dịch: Cũng giống như bác sĩ thường luôn mang dụng cụ bên mình, để sẵn sàng cho những trường hợp khẩn cấp, bạn nên xây dựng một hệ thống các nguyên tắc làm kim chỉ nam cho mỗi hành động, dù là hành động nhỏ nhất của bạn, để biết chắc là chúng đồng nhất với những gì thiêng liêng và "con người" mà bạn lựa chọn và hướng tới.
Vì triết thực hành trao cho ta một hệ thống, từ tư tưởng cốt lõi là những phẩm cách, những giá trị "con người" nhất trong ta, đến từng lời khuyên cụ thể, để ta có thể ghi nhớ và tuân theo những phẩm cách ấy trong từng hành động cụ thể của mình. Và hơn thế nữa, để ta hiểu rằng chỉ cần bản thân mình chắc chắn về cơ sở của những hành động ấy, thì cả thế giới có lên án, hay cười nhạo ta, cũng chẳng phải điều gì to tát.
Sự vững vàng, khi đã có được từ bên trong, thì mọi giông tố bên ngoài đều sẽ không thể lay động được nó.
Andy nói :v

Đại dịch lần này, có thể coi chính là một cơn giông tố bên ngoài như thế.

Và bạn, liệu đã đủ vững vàng?